Mệt quá đôi chân này

Giác Ngộ - Cứ lăng xăng như thế không mệt làm sao được, mệt nhưng vẫn chạy, vẫn không thể “ngồi xuống chiếc ghế nghỉ ngơi”. Ai bắt thế đâu? Tự hỏi và rồi nghe câu trả lời từ chính những người trẻ hôm nay rằng: nếu không chạy sẽ tụt hậu, sẽ thua, sẽ là kẻ về đích cuối trong hành trình chinh phục quá nhiều mục tiêu…

Bỗng thương quá đôi chân của mình và của bạn. Chạy chi dữ rứa, để rồi đến lúc thấy chênh vênh, trống rỗng. Nhiều bạn ngày chủ nhật có thể ở không, ngồi yên suy nghĩ, hít thở khí trời, hoặc dành cho ai đó một cuộc trò chuyện thân tình, lắng nghe chính mình… Thế nhưng quán tính sống ồn ào, náo nhiệt đã bắt đôi chân phải đi đâu đó ồn ào một tí, có đông người một tí, “để bớt cô đơn”. Cô đơn? Ngạc nhiên thế bởi bạn có người yêu, có gia đình, sao lại cô đơn? Người yêu và gia đình, nhiều người trong giềng mối ấy cũng chạy giống mình, cũng có quán tính sôi động giống mình thì họ đâu có chịu dừng, đâu chịu nghỉ ngơi?

wwwdc.jpg

Thế là đi nhé, đi để qua ngày tháng, để xả stress, để relax… Những thuật từ mà người trẻ hay dùng cho những ngày cuối tuần với lịch dày đặc, trong đó có những cuộc lang thang trên mạng, kiếm tìm những nick quen…

Khó lắm cậu à, tuổi trẻ mà, phải học, phải làm, phải có “thương hiệu”… Có một người bạn nói thế, nhưng khi hỏi bạn ấy có hạnh phúc, có bằng an không thì nhận được câu trả lời nhát gừng rằng: cũng có chứ!

Cũng có chứ, người ta hạnh phúc trong ánh hào quang của những mục tiêu mà họ luôn luôn đặt ra (cái sau cao hơn cái trước) để chinh phục, kiếm tìm. Đó có phải là hạnh phúc thật sự không?

Tôi đọc được đâu đó một câu nói thật hay: “Không có hạnh phúc nào bằng sự an tĩnh trong tâm hồn”. Ngồi an tĩnh và thấy, ui hạnh phúc của sự an tĩnh chính là cái thấy biết như thật cái sự giả tạm của cuộc đời. Ấy thế mà mình và bạn vẫn đang chạy theo sự giả tạm ấy. Nói thế không có nghĩa là tôi bài xích tiền bạc, danh vọng nhưng những thứ ấy được bọc lót bởi cái tâm không biết đủ, không biết dừng thì vô tình nó trở thành món mồi để chúng ta lao vào nỗi khổ, niềm đau.

Đánh đổi và từ bỏ. Đánh đổi sự trong sáng, hồn nhiên; từ bỏ những tình cảm thiêng liêng, quên những điều đáng nhớ như tổ tiên tâm linh và nguồn cội… Đó là những cái mất mát để đổi lấy những giá trị vật chất, tức thời. Quả là chẳng đáng chút nào!

Cuộc sống là vậy, lựa chọn như thế nào tùy bạn, nhưng sự lựa chọn ấy tất nhiên không đơn thuần chỉ một mình bạn lãnh quả (ngọt, hoặc đắng). Những người xung quanh chúng ta đương nhiên cũng sẽ hưởng xái, mà nhiều khi là… lãnh đủ. 

Lại thấy thích và yêu cái cách nhìn của chị Tư (*) trong tạp bút mà mình đọc được cũng lâu lâu rồi, chị bảo rằng chị học được từ Già (một người bạn văn chương 86 tuổi) triết lý: “Viết thơ cho nhau và tìm thăm nhau là việc làm của những kẻ yêu nhau quá ít, còn đang sợ hãi chuyện quên nhau. Tình yêu của tôi không hời hợt thế” (Chậm từng giọt chữ…).

Có lẽ đó là điều đáng suy nghĩ, đôi khi người ta cứ nhắn tin cho nhau hoài hoài có khi là họ sợ người kia quên sự có mặt của họ? Có khi họ nhắn tin hỏi mình đang ở đâu, từ sáng tới khuya, có thể họ đang kiểm soát mình? Nếu tư duy tích cực thì mình không hỏi thế, nhưng dù có thế đi nữa thì mình vẫn biết ơn họ bởi ít ra với họ mình cũng còn có giá trị, họ cần mình, dù tình cảm ấy có hơi ích kỷ một chút! Nghĩ thế nên mỉm cười…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày