Cảm ơn đời vì được làm con Phật

Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi hạnh phúc vì biết đến đạo Phật, được là một Phật tử. Tôi luôn nghĩ về Thế Tôn như nghĩ về một ngọn gió từ hòa thổi giữa nhân gian, gieo vào lòng mỗi người cảm giác thảnh thơi, để mỗi Phật tử nhận ra mình cũng cần là một ngọn gió, luôn thổi để được là chính mình, tìm thấy mình...

Như bao đứa trẻ thuộc thế hệ 8x khác nơi những làng quê, ngay từ nhỏ, đạo Phật trong tôi đơn giản là một ngôi chùa làng, thấy toàn người già đến tụng kinh, thắp hương rồi ra về. Nếu có trẻ con, thanh niên đến, thì cũng chỉ là đi theo bà, theo mẹ. Ý nghĩ đạo Phật chỉ dành cho người già mặc định trong tâm trí tôi từ ấu thơ như thế.

Rồi đứa trẻ nào cũng lớn. Tôi đến thị thành, thấy cuộc sống rộng hơn, muôn màu muôn vẻ, hào hứng khám phá, hòa mình. Nhưng sau những thứ ồn ào bề nổi kia, sau những niềm vui không thật phụ thuộc vào người khác, vào ngoại cảnh kia, là những khoảng lặng tôi tự đối diện với mình trong căn phòng trọ.

Tôi như đứa trẻ bơ vơ, lạ lẫm với chính mình, cứ muốn tìm một điều gì đó chẳng gọi được tên, chẳng thể lấp đầy. Trong cảm giác hoang hoải, mệt mỏi ấy còn là sự mông lung, mất phương hướng, thiếu niềm tin vào nhiều thứ mình thấy, mình gặp trong đời. Chỉ đến năm 2015, khi tôi đủ duyên để gặp vị thầy đích thực, đạo Phật như một nụ hướng dương ngủ yên trong sương mờ thực sự bừng nở, cánh xòe rộng, lấp lánh và ấm áp.

Mùa hè năm ấy, thầy tôi tổ chức 5 khóa tu và tôi tham gia phụng sự. Lần đầu tiên tôi ăn ở, sinh hoạt tại một ngôi chùa. Thấy bình yên, gần gũi, ấm áp vô cùng. Tôi nhận ra chùa thực sự là một ngôi nhà và đạo Phật không phải một phép mầu, không phải sự biến hóa thần thông như trong phim “Tây du ký”. Đạo Phật giản dị, gần gũi. Bất kỳ một ý nghĩ, hành động nào liên quan đến đạo đức, biết nghĩ cho người khác thì đó đều là con đường của đạo Phật.

Từ đây, ý nghĩ đạo Phật chỉ dành cho người già không còn tồn tại trong tôi. Với tôi, đạo Phật thực chất là một môi trường giáo dục, là trường học lớn để mỗi người soi vào đó mà sửa mình. Đức Phật không nằm trong chùa, trong một pho tượng đồng, tượng gỗ nào cả, mà nằm ngay bên trong mỗi chúng ta. Khi có bất kỳ biến cố nào, hãy yên lặng, mỉm cười, tập thở, tĩnh lặng, không vội hành động gì cả mà hãy gọi tên vị Phật trong lòng mình thức giấc.

Sau 2 mùa hè phụng sự ở ngôi chùa của thầy tôi thì liên tiếp từ năm 2017 đến 2019, tôi đủ duyên để đồng hành cùng Ban Tổ chức truyền cảm hứng sống tích cực cho hơn 10.000 bạn trẻ khắp các tỉnh thành qua 8 khóa tu mùa hè chủ đề “Về nguồn”. Tôi nhận ra rằng: càng nhiều người trẻ đến với đạo Phật, càng có lợi cho họ, cho xã hội này, bởi khi một người hạnh phúc, bình an, không làm hại đến ai, không gây đau khổ cho ai thì đó chính là đóng góp lớn nhất cho gia đình, cho xã hội này rồi.

Đặc biệt là từ năm 2016, khi có duyên tiếp xúc với những bài pháp thoại và những cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi đã cảm nhận, thực tập và thấy mình thực sự bình yên hơn. Thứ bình yên chảy từ bên trong mình, chứ không phải chạy đi kiếm tìm chút bình yên ở ngoại cảnh. Những câu thơ, bài văn tôi viết ra cũng dần chuyển hướng, dẫn lối và truyền cảm hứng cho mọi người đến với bình yên.

Tôi tìm thấy chính tôi, tìm thấy bình an trong từng khoảnh khắc mình đang sống. Tôi nhận ra rằng: Hạnh phúc nào thì cũng cần bình an. Vậy nên dù ai đó có giàu bao nhiêu, công danh lợi lộc thế nào, nhưng nếu không có sự bình an trong tâm hồn thì đó cũng không phải là hạnh phúc. Những tháng ngày vinh quang nhất cũng không bằng những ngày bình yên nhất.

Hạnh phúc, bình yên không phải là một điều gì đao to búa lớn, mà là sự gom nhặt từng ngày từng giờ, hệt như đàn kiến nhỏ. Mỗi chúng ta luôn mỉm cười đón nhận và gom cho mình, làm đầy chiếc túi của mình thì tự dưng mình hạnh phúc. Đừng chờ đợi một bước ngoặt, hay một điều gì thành công thật rực rỡ mới là hạnh phúc.

Và với tôi, cách tốt nhất để có thể thấy hạnh phúc là biết coi tất cả mọi thứ xung quanh là bạn của mình, không phải vật vô tri: từ đôi mắt, đôi tay, trái tim… khi chúng ta biết đối xử tốt với bạn, bạn tốt lại - ta có cơ thể khỏe mạnh. Khi chúng ta đối xử tệ với bạn, bạn cũng sẽ tệ lại - cơ thể ta ốm yếu, mệt mỏi. Đó cũng là một biểu hiện của luật nhân - quả. Chỉ khi chúng ta biết trân quý từng bộ phận, từng hạnh phúc đang có, biết ơn từng thứ mà chúng ta nhận được, ta mới thấy hạnh phúc nảy nở trong ta.

Tôi luôn nghĩ rằng: Con người ta sống với cái tốt, cái tử tế của nhau còn chưa hết thì dại gì chọn sống với những điều tiêu cực của nhau? Và nếu như ai cũng biết xem mỗi ngày của mình là một kiếp thì thật tuyệt: sáng sinh ra, trưa được nửa cuộc đời, đêm tàn chết đi, mai lại được đầu thai sống một kiếp sống mới. Chính vì thế luôn cho mình cơ hội bắt đầu lại mọi thứ từ đầu, chọn lựa an vui, không ôm những vướng bận, muộn phiền của ngày hôm qua sang kiếp sống mới.

Như thế, thay vì nghĩ khi 80 - 90 tuổi chết đi ta mới hết một kiếp sống, thì một năm chúng ta có 365 kiếp, một đời chúng ta có hằng hà sa số kiếp sống cũng như cơ hội để làm mới mình, để bắt đầu lại sau những lỗi lầm và để yêu thương nhiều hơn. Thở cho thảnh thơi, thở cho an vui, thở cho không phí kiếp người còn duyên.

Tôi hạnh phúc vì biết đến đạo Phật, được là một Phật tử. Tôi luôn nghĩ về Thế Tôn như nghĩ về một ngọn gió từ hòa thổi giữa nhân gian, gieo vào lòng mỗi người cảm giác thảnh thơi, để mỗi Phật tử nhận ra mình cũng cần là một ngọn gió, luôn thổi để được là chính mình, tìm thấy mình: thổi bước chân bền bỉ, nhẫn nại, không mỏi mệt, không bỏ cuộc giữa chừng để tìm thấy niềm vui nơi đích đến; thổi sự tu sửa không ngừng trong mỗi ý niệm, lời nói, hành vi để ngày thêm tinh tấn, an khi thở, lạc khi đi; thổi sự từ bi, trí tuệ, thổi nhịp hiểu và thương; thổi mát lòng mình, mát lòng người, để thảnh thơi, tươi mới được tưới tẩm mỗi ngày, gọi chồi hạnh phúc lên xanh...

Lương Đình Khoa

(Trích tác phẩm đạt giải nhì cuộc thi “Cùng nghĩ về Vesak”)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày