Mối quan hệ thầy thuốc & bệnh nhân

GN Xuân - Có dịp đến bệnh viện, để ý một chút ta dễ nhận ra thái độ, cử chỉ của thầy thuốc đối với bệnh nhân.

Rõ ràng, dù có ân cần nhã nhặn đến thế nào cũng thấy trong cử chỉ, lời nói của bác sĩ có cái gì đó rất nghiêm, thường là những mệnh lệnh, dứt khoát, không tranh cãi; và nhiều khi ta ngạc nhiên thấy người thầy thuốc kia có số tuổi còn rất non trẻ, đáng là con cháu của người bệnh mà cũng có giọng mệnh lệnh, ban ơn; trái lại, người bệnh như luôn có vẻ chịu đựng, tuân phục, chấp nhận với vẻ hàm ơn và rất ít khi dám hỏi han, nghi vấn. Cái gì đã làm cho người thầy thuốc ra cái vẻ “thầy thuốc” đến vậy?

shutterstock_.jpg
Ân cần - Ảnh minh họa

Có phải là cái áo blouse trắng, cái mũ, cái khẩu trang, cái ống nghe hay do những dụng cụ y khoa loảng xoảng, các máy móc đầy bí ẩn tân kỳ, hay do cái mùi của bệnh viện, cái bề thế của một cơ ngơi, nơi mà người ta đã đến đó thì phải chấp nhận để mong sao được điều trị, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, vượt qua những đau đớn, chết chóc…

Hình như là có tất cả những yếu tố đó. Cái áo blouse trắng, cái không khí bệnh viện, nỗi đau, niềm hy vọng… tất cả làm nên mối “tương quan” giữa thầy thuốc với bệnh nhân, và mối tương quan này đã thay đổi tùy theo các nền văn hóa, các chuyển biến xã hội, hoàn cảnh cụ thể trong điều trị, cấp cứu hay phòng ngừa. Kiến thức y học cũng như những kinh nghiệm tích lũy của người thầy thuốc làm cho họ được nhìn với con mắt kính phục, tôn trọng. Người thầy thuốc lúc đó không phải là một cá nhân mà như là đại diện cho một ngành khoa học chuyên biệt, khoa học liên quan đến khổ đau, mạng sống của con người. Chỉ với người thầy thuốc thôi, người bệnh mới sẵn sàng khai rõ những thông tin bí mật, riêng tư, không muốn tiết lộ với bất cứ ai; chỉ với người thầy thuốc thôi, người bệnh mới yên tâm sẵn sàng cởi bỏ áo, quần… để được khám vì biết rằng với cái học chuyên sâu của họ, việc phơi bày thân thể trước mắt họ không phải là sự giao tiếp giữa hai con người “bình thường”.

Người thầy thuốc luôn ứng xử với một “khoảng cách lạnh lùng”, khoa học, không phân biệt giới tính, do những năm tháng được trui rèn trong môi trường y học. Chỉ cần một cái nhìn, một cử chỉ, một lời nói khác thường của thầy thuốc đủ đưa người bệnh trở về với con người bình thường và người thầy thuốc sẽ rơi ngay xuống vực sâu! Mối tương quan sẽ lập tức gãy đổ! Cái “thẩm quyền y học” đó không phải tự nhiên mà có. Nó được huấn luyện nghiêm ngặt, và lâu dài ở trường y, nó được sự phân công của xã hội, để giữ mối cân bằng trong kiểm soát xã hội, tạo nên một hoạt động nhịp nhàng, phù hợp chức năng của mỗi thành viên.

Ta biết chỉ có người thầy thuốc được công nhận sau một quá trình đào tạo quy mô mới có quyền được cấp giấy phép cho người nghỉ ốm, người được miễn trừ công tác, được hưởng những quyền lợi theo quy định, họ mới có quyền quyết định người này được miễn nghĩa vụ quân sự, người kia được quyền theo học ngành hàng không, người nọ được trợ cấp thương tật.

Mối tương quan “bất bình đẳng” này giữa thầy thuốc với bệnh nhân có lẽ đã có từ ngày xa xưa, hồi còn có những thầy thuốc kiêm phù thủy, pháp sư, nắm “vận mệnh” bộ lạc, nắm quyền sanh sát… Các nhà xã hội học đã nghiên cứu kỹ về mối tương quan đặc biệt này, dựa trên lý thuyết về vai trò bệnh tật (sick role) đã đặt cho cái tên là mối quan hệ “gia trưởng” (paternalism), người trên kẻ dưới, gọi dạ bảo vâng, một bên van nài, cầu xin, một bên ban phát ân huệ.

Ngày xưa, người thầy thuốc ở phương Đông được gọi là quan “đại phu” (chức quan to), còn ở phương Tây gọi là quan đốc (đốc-tờ, tiến sĩ).

Mối quan hệ truyền thống này đã trải qua hàng ngàn năm dĩ nhiên có những mặt tích cực của nó. Sự tôn trọng, tin tưởng vào thầy thuốc tự nó đã có năng lực chữa bệnh, ít ra là giảm thiểu những stress, những cơn đau, những rối nhiễu trước khi nói đến những thương tổn sinh lý, cơ thể. Người ta cũng thấy rằng tùy mỗi nền văn hóa, tùy tình trạng tiến bộ của kỹ thuật y khoa - các thời kỳ y học chuyển từ bệnh nhiễm do vi trùng đến các bệnh do hành vi, từ điều trị sang phòng ngừa - đã làm thay đổi ít nhiều mối tương quan.

Tại các nước đã phát triển, hệ thống y tế được tổ chức chặt chẽ, bảo hiểm làm trung gian giữa thầy thuốc và bệnh nhân, luật pháp can thiệp trong mỗi hành vi sai phạm của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân đã làm thay đổi mối quan hệ này rất nhiều; nhưng ngay tại những xã hội gọi là tiên tiến đó, đa số người bệnh, nhất là những người có tuổi, người có tình trạng kinh tế xã hội nói chung yếu kém, vẫn duy trì mối tương quan truyền thống mà họ cho là tốt đẹp. Y học, sau những tiến bộ chóng mặt như thay tim, ghép gan, ghép thận, tách con người thành từng bộ phận, cơ quan riêng lẻ, có thể lắp ráp, thậm chí có thể nhân giống vô tính hiện nay lại đang đứng trước những bối rối mới. Phải chăng giữa thầy thuốc và bệnh nhân còn cần có cái gì đó hơn là kỹ thuật, luật pháp và đồng tiền, trong một mối quan hệ gọi là quan hệ “khách hàng” của chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism)!

Mối quan hệ “khách hàng” giữa thầy thuốc với bệnh nhân trong “chủ nghĩa tiêu thụ” hoàn toàn đối nghịch với kiểu quan hệ gia trưởng nói trên. Ở đây là kẻ mua người bán, là tiền trao cháo múc, theo đúng luật kinh doanh, khách hàng là Thượng đế. Bệnh nhân là khách hàng, là kẻ bỏ tiền mua, luôn luôn “có lý” và thầy thuốc là người bán, bán kiến thức, bán kinh nghiệm, bán dịch vụ chăm sóc, chữa trị hay dự phòng. Người bán phải chìu chuộng, hợp tác, đáp ứng, và người mua có đủ tất cả mọi thứ quyền, từ quyền từ chối đến quyền đưa bác sĩ ra tòa!

Người bệnh từ vai trò cầu xin, van nài đã chuyển thành hoài nghi, trả giá cho mỗi dịch vụ, theo dõi mọi thông tin liên quan và quyết định tất cả. “Người bán” (!) không còn được gọi là quan đốc-tờ, thầy thuốc (doctor, physician) mà gọi là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (health care provider).

Chính chuyển biến xã hội đã hình thành mối tương quan mua bán này trong quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân, nhưng cũng do sự phát triển của y học nữa. Từ những năm 60, người ta thấy ở một số nước phát triển, các bệnh nhiễm gần như chấm dứt nhờ kháng sinh, nhờ chủng ngừa và các biện pháp vệ sinh thực phẩm, quản lý nguồn nước, nhờ thuốc trừ sâu diệt các côn trùng trung gian truyền bệnh, tuy vậy, bệnh tật không phải chấm dứt mà chuyển sang các loại bệnh kinh niên, bệnh do hành vi, do lối sống gây ra như các bệnh tim mạch, ung thư, béo phì, bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Với các bệnh mạn tính, các bệnh do lối sống, do hành vi thì có thể phòng được nhưng khó chữa dứt - bệnh nhân thậm chí không biết mình có bệnh - vì thế người thầy thuốc phải thuyết phục mọi người kiểm tra sức khỏe, thuyết phục kiêng ăn, thuyết phục bỏ thuốc lá, thuyết phục tập thể dục! Chuyện không dễ! Vậy là một đàng vốn xưa kia “uy nghi lẫm liệt” nay bỗng phải năn nỉ, giãi bày; một đàng vốn xưa kia cầu xin thì nay hoài nghi, ngờ vực. Và họ trả giá, cò kè bớt một thêm hai là chuyện dĩ nhiên!

Khi mối tương quan đã thay đổi thành “mua bán” thì một thị trường mới được mở ra. Các nhà kinh doanh không bở lỡ cơ hội, nhảy vào làm ăn. Và người ta “đầu tư” vào y khoa để sinh lợi. Bệnh viện như khách sạn. Giám đốc các bệnh viện là những nhà kinh doanh. Bác sĩ chỉ là người làm thuê ăn lương. Ngành dược nhảy vào. Không chỉ thuyết phục, người ta còn có chiến dịch hù dọa, quảng cáo tinh vi và người bệnh cứ… mặc sức mà “tiêu thụ”! Bệnh nhân không còn gọi là bệnh nhân mà gọi là “người tiêu dùng”. Bác sĩ tìm cách “phục vụ” bệnh nhân. Ở môi trường mua bán, mọi việc sòng phẳng. Bảo hiểm tham gia. Nhiều nơi ở Mỹ bệnh nhân và bác sĩ câu kết làm hồ sơ giả, qua mặt bảo hiểm. Nhiều vụ đổ bể ra tòa!

Xã hội biến chuyển, vẫn còn đan chéo nhau nhiều nền “văn hóa”, đô thị khác nông thôn, già khác trẻ, có học khác thất học. Mối giao tình thầy thuốc - bệnh nhân không luôn êm ả. Ngày càng nghiêng về khuynh hướng “tiêu dùng”, khuynh hướng thương mại hóa. Các dịch vụ kỹ thuật cao, cầu kỳ, tốn kém ngày càng nhiều và người bệnh “nhà quê” tìm một bác sĩ của ngày xưa thân ái không phải là dễ!

Gần đây, một mối tương quan khác giữa thầy thuốc - bệnh nhân được gọi là tương quan hỗ tương (mutuality) đã hình thành giữa hai thái cực, một bên là gia trưởng, cha chú, một bên là chủ nghĩa tiêu dùng nói trên. Trong mối quan hệ hỗ tương này có sự công bằng, bác sĩ và bệnh nhân đều có quyền và trách nhiệm của mình, có sự trao đổi, thương thảo, thuyết phục, chấp nhận một cách tự nguyện với đầy đủ thông tin để chọn lựa.

Người thầy thuốc phải luôn nâng cao chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, có đạo đức để vẫn là niềm tin của người bệnh (và cả người không bệnh), còn bệnh nhân được chia sẻ quyết định, có trách nhiệm trong sự chọn lựa của mình. Để có thể thực hiện tốt một tiến trình quan hệ hai chiều như vậy cần tạo ra một không khí thuận lợi, hiểu biết trong tiếp xúc, tạo được sự tham gia của bệnh nhân, và người thầy thuốc phải đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết.

Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) năm 2000 đã đề ra vấn đề Y nghiệp trong Thiên niên kỷ mới (Medical Professionalism in the New Millennium), một tuyên ngôn của ngành y trước tình hình mới giúp người thầy thuốc chấp nhận, duy trì và phát triển:  1. Hệ thống giá trị của y đức (đã có từ ngàn xưa); 2. Cập nhật kiến thức khoa học và kỹ thuật chuyên môn; 3. Cải thiện kỹ năng giao tiếp giữa người với người.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh các hành vi giao tiếp ứng xử và  năng lực chuyên môn, thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp gắn liền với các nguyên tắc đạo đức như thấu cảm, trung thực, tôn trọng; đáp ứng nhu cầu của người bệnh; giữ bí mật nghề nghiệp; tôn trọng sự tự chủ của người bệnh; nhạy cảm với những vấn đề văn hóa…

Sức khỏe là yếu tố quan trọng của chất lượng cuộc sống. Mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân được xây dựng trên nguyện vọng có sức khỏe tốt, có hạnh phúc, cuộc sống có ý nghĩa, hữu ích, cho nên không thể không có tình người. Dù trong bất cứ môi trường xã hội nào, thời kỳ đồ đá hay hậu hiện đại thì tình người vẫn là cái cốt lõi của ngành y.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày