Món quà của Sư Cả

GN - Nghe tin Sư Cả bệnh nặng sắp viên tịch, tôi gác lại tất cả mọi công việc để trở lại chùa quê. Tháng Tư, những cơn mưa đầu mùa làm cho con đường đang khô bụi bỗng trở nên trơn trượt.

Chùa Maha Menchey nằm sát vùng biên giới, muốn đến đây phải băng qua hơn ba mươi cây số đường rừng. Mùa này hơi rừng đã bắt đầu ẩm ướt lù mù, bốc lên cùng với mùi lá mục, đi qua đây có cảm giác như cả tán rừng dần đè nặng xuống con đường quanh co loằng ngoằng như một sợi chỉ. Tôi đến nơi thì bóng mặt trời đã ngả về phía tây.

monk.jpg

Chùa Maha Menchey hôm nay không khí vắng vẻ đến lạ thường. Tiếng tụng kinh của các sư vẫn đều đều vang ra các phum sóc xung quanh. Tôi bước chân vào chánh điện bái Phật xong thì đi ra phía hậu liêu và đến bên giường Sư Cả đang nằm. Thấy tôi đến, đôi mắt của Sư Cả như sáng rực lên hẳn. Tôi cầm tay ngài:

- Chào Sư, kna đã về thăm sư đây!

Sư Cả nhìn tôi với ánh mắt từ bi thân thiện thuở nào, ngài nở một nụ cười trên gương mặt tóp ve của người bệnh lâu ngày. Ngài thều thào:

- Cuộc đời này có sinh ắt phải có tử. Tất cả đều nằm trong cái quy luật tự nhiên của nó, nên không việc gì phải buồn cả, nha Kru!   

Mới đó mà tôi và Sư Cả đã là bạn với nhau ngót ba mươi năm. Hai người chúng tôi một đời một đạo nhưng rất ý hợp tâm đầu. Chúng tôi kết giao từ thời còn tuổi trẻ, ngày ấy tôi là một học sinh mới xong bậc tiểu học, còn sư thì mới vào chùa tập sự thụ giới Sa-di.

Lớn lên một chút tôi bắt đầu đi học xa nhà, còn sư thì theo thầy của mình về chùa Maha Menchey xa xôi này tu học. Thuở ấy, vì đi học xa nên mỗi tháng tôi mới về quê một lần, mỗi lần về tôi đều đạp xe băng rừng lên biên giới thăm sư bạn.

Hơn ba mươi năm qua, tôi luôn gọi bạn mình là sư và xưng là kna, một cách xưng hô tôn kính. Còn sư thì gọi tôi là Kru, tức là thầy, vì tôi vốn làm nghề dạy học. Tôi còn nhớ những tháng ngày mùa, tôi và sư bạn thường đi vòng quanh các phum sóc xem bà con thu hoạch lúa, những ngày chuẩn bị vào đầu vụ thì đi xem lễ cúng miễu Nặc Tà, rồi những ngày lễ Tết, cầu siêu, bà con tụ tập về chùa thực hành nghi lễ. Cả những năm tháng dài đằng đẵng ấy, chúng tôi không khác gì hai nhà điền dã đi lang thang ghi chép, thảo luận những vấn đề văn hóa xung quanh cuộc sống gần gũi… Mới đó mà đầu tôi đã hơn phân nửa bạc, còn bạn đã là Sư Cả của chùa và bây giờ bạn lại nằm đây cùng với những hơi thở cuối cùng.

Sư Cả nói yếu ớt với riêng tôi:

- Cả đời Sư làm bạn với Kru, Sư chưa bao giờ dám thuyết cho Kru bất cứ vấn đề gì cả. Vì sự hiểu biết về Phật pháp của Kru đâu thua kém gì Sư mà thuyết. Nhưng không quá giờ Tý đêm nay Sư sẽ đi. Đây là món quà cuối cùng Sư tặng cho Kru làm kỷ niệm.

Nói rồi Sư chỉ cho tôi cái bát trên bàn thờ Phật. Đó là một cái bát cũ mà Sư Cả đã dùng để đi khất thực từ khi mới vào chùa. Bên trong cái bát là một bộ kinh cuộn tròn. Tôi lấy ra xem thì đó là bộ kinh Phật được khắc trên những tấm lá buông. Tờ ngoài cùng có dòng chữ “Ai có bộ kinh này phải giữ gìn cẩn thận”.

Đúng y như lời Sư Cả trối lúc chiều với tôi, đúng mười hai giờ khuya đêm ấy, ngài trút hơi thở cuối cùng và ra đi trong thanh thản. Các sư trong chùa cùng hai vị Achar và bà con trong phum bắt đầu lo hậu sự cho sư. Xong lễ trà tỳ, tôi bỏ chiếc bát và bộ kinh vào ba lô, từ giã chùa Maha Menchey trở về nhà, vì còn rất nhiều công việc đang chờ tôi giải quyết.

Tôi để cái bát cùng bộ kinh lên bàn thờ, rồi ngả lưng xuống phản để tìm chút bình yên. Gió ngoài hiên lòn qua cửa sổ mát rười rượi. Mùi hương trầm đâu đó lan tỏa khắp cơ thể tôi, rồi chúng dẫn tôi đi đâu xa lơ xa lắc. Cái bát trên bàn thờ và bộ kinh dường như phát ra một thứ hào quang rực rỡ. Ánh hào quang càng lúc càng lớn, bao trùm cả không gian, một không gian mờ mờ ảo ảo.

Coi như là xong xuôi tất cả, đến giờ khắc hắn phải đi, không mang theo hành lý gì, trời mưa hắn không cảm thấy ướt, trời nắng hắn không hề thấy nóng. Đến đầu cầu, hắn định bước qua nhưng lính canh ngăn lại.

- Đây là chiếc cầu cuối cùng mà người phải qua. Nhưng ngươi chỉ được phép qua mình không.

- Thưa ông nghĩa là sao, vì tôi không mang theo hành lý rồi!

- Nghĩa là ngươi phải lột bỏ mũ nón và quần áo ở lại bên này.

- Tại sao phải như thế?

- Chiếc áo là chỗ dựa cho loài người làm càn làm bậy, áo cà-sa, áo giấy, áo quan, áo lính gì gì cũng thế, ỷ vào cái màu áo để hách dịch và vụ lợi. Cái quần dính liền cái ghế, hết ghế nọ đến ghế kia, đó là thứ ô uế nặng mùi. Cái nón chỉ là thứ che chở tạm thời lúc cái áo và cái quần hợp tác vận động… Đến bên kia những thứ ấy không còn giá trị nữa.

Hắn trần như nhộng lầm lũi bước qua cầu. Đột nhiên nghe ba tiếng gọi níu kéo phía sau lưng, hắn giật mình quay đầu nhìn lại. Cũng vừa lúc ấy hắn sụp một tấm ván và lọt nhào xuống sông. Dòng sông nước chảy cuồn cuộn, bọt tung trắng xóa, tiếng sóng gầm thét sục sôi như một con trăn khổng lồ đang giận dữ. Hắn chưa kịp hoàn hồn thì đã thấy mình nằm trên một chiếc thuyền. Quái lạ là chiếc thuyền không có đáy nhưng vẫn không bị chìm. Ở mũi thuyền có một lão dị nhân đang ngồi bất động, hai mắt nhắm nghiền. Hắn hoảng hốt thêm lần nữa.

- Thưa ngài tôi đã chết rồi sao?

Lão dị nhân không hề mở miệng, nhưng trong người lão lại phát ra một thứ âm thanh huyền bí lúc xa lúc gần.

- Ngươi hãy nhìn xuống sông điiiiiiiii…!

Quái lạ. Không thể tin vào mắt mình. Hắn thấy chính hắn đang trôi lềnh bềnh dưới sông. Cái nón trên đầu lúc thì bé tí bó sát cái sọ, lúc thì phình to như một cây dù, lúc thì rách te tua… cái áo thì lúc màu vàng, lúc màu cứt ngựa, lúc thì trắng toát như vải sô liệm thây ma… cái quần thì lúc rách bươm hai đầu gối, lúc thì hai mông thủng hai lỗ… tất cả từ từ tan ra như mảnh giấy xé vụn để lộ nguyên hình thân thể hắn tím tái chìm dần trong làn sóng trắng. Hắn quá kinh dị. Nhưng sau phút kinh dị ấy hắn cảm thấy mình không còn là mình nữa, hắn cảm thấy nhẹ tênh. Trong người lão dị nhân lại phát ra thứ âm thanh huyền bí.

- Ta sẽ đưa ngươi qua bờ bên kia. Đó là bến bờ vĩnh cửu. Bây giờ ngươi có quyền thể hiện một hành động cuối cùng của kiếp làm người, tùy ở ngươi!

Hắn quay người lại nhìn về quê hương cõi người, nơi có cánh rừng biên giới xa mờ heo hút, hắn quỳ và lạy ba lạy đám mây xám buồn lang thang đang trôi về miền hư hư ảo ảo. Hai giọt nước mắt hắn rơi nhẹ xuống mặt sông, mặt sông bỗng sáng rực lên. Một thứ hào quang lạ tạo nên một lực vô hình đẩy con thuyền không của hắn vượt qua bờ bến lung muội.

Tôi choàng tỉnh giấc thì trời đã sâu đêm. Gió bên ngoài vẫn thoang thoảng hương trầm luồn qua cửa sổ. Ánh đèn trên bàn Phật như vẫn còn thao thức cùng cái bát cũ và bộ kinh lá. Trong lòng tôi lại nhớ đến Sư Cả, trong tai tôi lại nghe tiếng thều thào: “Cuộc đời này có sinh ắt phải có tử. Tất cả đều nằm trong cái quy luật tự nhiên của nó, nên không việc gì phải buồn cả, nha Kru”.

Hình ảnh hai con người một đời một đạo đi qua những những phum sóc ngày mùa, những ngày lễ hội lại lần lượt hiện về. Và đâu đó tôi lại thấy chính mình là hắn trong ảo ảnh giấc mơ qua. Cái bát và bộ kinh lá vẫn nằm im trên bàn thờ Phật.

Truyện ngắn Đào Thái Sơn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày