Một địa danh văn hoá mang ý nghĩa lịch sử ở cố đô Huế

Đền Huyền Trân công chúa
Đền Huyền Trân công chúa
Nằm cách thành phố Huế khoảng 7km về phía Tây, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, tại phường An Tây - thành phố Huế là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch mỗi khi đến Huế.

Đây không chỉ là điểm du lịch văn hoá, tâm linh, mà còn là điểm du lịch lịch sử, đưa du khách trở về sự kiện lịch sử trong đại trong việc bảo vệ và mở mang bờ cõi của đất nước Việt Nam vào thời nhà Trần, thế kỷ XIII. Theo sử liệu, công chúa Huyền Trân sinh năm Đinh Hợi (1287), ái nữ của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Hoàng hậu là người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước, trong đó có trinh Thừ Thiên Huế ngày nay.

Để tri ân công đức của công chúa Huyền Trân, từ những thế kỷ trước, người dân Thừa Thiên - Huế đã lập đền thờ tại một điểm thuộc phía Nam thành phố Huế, nhưng do chiến tranh tàn phá cùng với những biến thiên của lịch sử đến nay ngôi đền không còn. Năm 2006, nhân kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế (1306-2006), UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cho phép Công ty du lịch Hương Giang đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Huyền Trân công chúa tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, TP Huế, trên một không gian rộng 28 ha nằm dưới chân núi Ngũ Phong. Đây là khu vực có đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp. Không gian thâm nghiêm, kỳ vĩ, phù hợp với những công trình văn hóa mang tính tâm linh, về nguồn. Từ ngoài dẫn vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có nghê đá phục chầu, tiếp đến là ba bậc sân rộng lát gạch Bát Tràng, có hồ nước và cầu bắc qua tương tự như cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hòa của Đại Nội Huế; tiếp nữa là tam quan, rồi đến đền thờ Huyền Trân, trong cùng là đền thờ đức vua Trần Nhân Tông. Trước ngôi đền uy nghi là đôi rồng chầu đạt kỷ lục dài nhất Việt Nam.

Bên trong đền thờ Huyền Trân có pho tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2,37m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, TP Huế cẩn tác. Hậu điện thiết án thờ Đoàn Nhữ Hài, người tương truyền là vị quan người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ và yên dân 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này về với Đại Việt...

Trong đền thờ đức vua Trần Nhân Tông - vị vua có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, có pho tượng nhà vua rất lớn. Tượng được làm bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3m, nặng 2 tấn được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần tại Nam Định.           

Cũng tại Trung tâm văn hoá Huyền Trân trên đỉnh núi Ngũ Phong ở độ cao 108 mét có tháp chuông Hoà Bình và treo một quả chuông đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét, tiếng chuông ngân vang lan toả trong cõi thinh không tĩnh lặng để cầu nguyện Thế giới Hoà bình - Nhân loại Hạnh phúc

Bên cạnh đó, để tưởng nhớ vị tổ sư sáng lập Thiền phái trúc lâm - Đức Vua Trần Nhân Tông, Trung tâm văn hoá Huyền Trân đang từng bước xây dựng hoàn chỉnh để trở thành một khu Văn hoá Du lịch Tâm linh, một địa chỉ du lịch Thiền của quốc gia. Nơi đây đang được đầu tư nghiên cứu xây dựng thêm một số hạng mục như: Thiền đường; Nhà thư pháp; Nhà phong lan, Thư viện để lưu giữ và nghiên cứu chủ yếu các tài liệu về vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Công chúa Huyền Trân... cùng các nhân vật anh hùng khác dưới thời đại nhà Trần; về Thiền phái Trúc Lâm qua các Triều đại, văn hoá Huế và lịch sử văn hoá kiến trúc Chămpa và một số dịch vụ bổ sung khác để làm nơi sáng tác văn nghệ, tập dưỡng sinh, yoga.

Hơn hai năm qua, Trung tâm văn hoá Huyền Trân đã trở thành một điểm du lịch văn hoá lịch sử, thu hút mỗi ngày hơn 1.000 lượt khách đến vãn cảnh và thắp hương tưởng niệm vị công chúa đã có công mở mang bờ cõi nước Việt. Tiến sỹ Nguyễn Thế Hoàn, giảng viên trường Đại học Quảng Bình bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm quan Trung tâm văn hoá Huyền Trân ở Huế. Đây là một khu di tích có nhiều ý nghĩa, có ý nghĩa giao dục rất lớn. Một người phụ nữ Việt Nam đã bỏ tình riêng đặt lợi ích của tổ quốc lên trên hết. Đây là một tấm gương sáng để các thế hệ sau này noi theo, nhắc nhở chúng ta phải làm gì để công hiến cho Tổ quốc nhiều hơn nữa xứng đáng với các vị tiền bối”.

Không chỉ bố trí người hướng dẫn du khách đến tham quan, chiêm bái, Trung tâm văn hoá Huyền Trân vào các ngày Rằm và Mồng một hàng tháng còn tổ chức lễ dâng hương cầu cho quốc thái dân an. Đặc biệt, từ mùa Xuân 2008 trở đi, cứ vào mồng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân ngày mất của công chúa Huyền Trân, Lễ hội Huyền Trân được tổ chức long trọng. Ông Lê Bá Hưởng, Giám đốc Trung tâm văn hoá Huyền Trân cho biết:  “Chúng tôi tổ chức lễ hội Huyền Trân nhằm mục đích  giới thiệu, tạo điều kiện cho du khách thể hiện sự tri ân, tỏ lòng ngưỡng vọng, ghi nhớ công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi. Lễ hội được tổ chức từ ngày mồng một tháng Giêng đến ngày mồng chín tháng Giêng. Trong đó có cả phần lễ và phần hội, đặc biệt có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị. Các chương trình nhã nhạc cung đình Huế diễn ra xuyên suốt thời gian diễn ra Lễ hội”.

Trung tâm Văn hoá Huyền Trân thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, ý thức tôn trọng của thế hệ hôm nay với thế hệ cha ông, gìn giữ một dấu ấn lịch sử của dân tộc. Trung tâm là một điểm nằm trong tour du lịch “Về nguồn - Khu du lịch văn hóa lịch sử sinh thái Thủy An”, góp phần làm phong phú thêm danh sách các địa danh du lịch hấp dẫn ở  Huế, thành phố Festival với quần thể kiến trúc di tích cố đô Huế cùng với nhã nhạc cung đình đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại./.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày