Một nửa sự thật sẽ không còn là sự thật

GN - Ngạn ngữ phương Tây có câu “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật”. Khi trực tiếp tìm hiểu vụ việc, tôi đã chứng kiến nhiều bài báo viết một nửa sự thật, khiến độc giả hiểu không đúng bản chất sự việc. Hàng ngày chúng ta tiếp nhận thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, không ít trong số đó chỉ phản ảnh một phần nào của sự việc. Vì vậy nếu vội vàng tin hoặc dựa vào đó để đánh giá sự việc, dễ vấp phải sai lầm, nhất là khi đặt trọn niềm tin vào đó. Chỉ nói một nửa sự thật, dù cố tình hay vô ý, đều đồng nghĩa với xuyên tạc sự thật hay gian dối.
chua Bo de.jpg
Trẻ em được nhận nuôi tại chùa Bồ Đề - Ảnh tư liệu

Trước hết, phải ghi nhận trong sự việc giúp cơ quan công an khám phá ra vụ mua bán trẻ em của bảo mẫu Trang ở chùa Bồ Đề, có công lớn của báo Phụ Nữ TP.HCM. Trước khi cơ quan chức năng bắt giữ 2 đối tượng liên quan là Trang và Nguyệt, thì báo này có bài “Việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề: Bé sơ sinh bỗng dưng mất tích”. Bài báo viết theo những thông tin của anh Nguyễn Thanh Long (trú tại số nhà A80, lô nhà vườn, Khu đô thị Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) cung cấp. Theo đó, ngày 29-7, anh Nguyễn Thanh Long tìm đến Báo gửi đơn, đề nghị Báo xác minh thông tin liên quan đến một trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề.

Trước đó vào cuối năm 2013, anh Long tham gia hoạt động từ thiện tại chùa Bồ Đề, nhận đỡ đầu một em bé là Cù Nguyên Công, hàng tuần đón bé về nhà chăm sóc vài ngày, rồi lại đưa sang chùa. Sau đó, chị Trang gọi điện yêu cầu gia đình anh Long đem bé Công đến trả cho chùa. Những ngày tiếp theo, anh Long đến chùa thì đều không thấy bé Công ở đó nữa, khi hỏi những người ở chùa thì anh nhận được sự trả lời thiếu minh bạch. Với tình thương yêu trẻ tha thiết, cùng với sự nhạy cảm của mình, anh Long đã nghi vấn về sự “biến mất” của bé Công, từ đó cung cấp đến các cơ quan chức năng, giúp vụ việc mua bán bé Công giữa bảo mẫu Trang và đối tượng Nguyệt đã được đưa ra ánh sáng.

Tuy nhiên, ngoài bài viết “Việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề: Bé sơ sinh bỗng dưng mất tích”, thì trước đó báo Phụ Nữ TP.HCM đã đăng nhiều bài viết về chùa Bồ Đề, với những thông tin thiếu khách quan. Người viết xin nêu những dẫn chứng cụ thể.

1. Trong bài “Việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề - nỗi đau người mẹ thất lạc con” với thông điệp đưa ra: “Sự “biến mất” đáng ngờ của bé Cù Việt Anh mà nhiều tình nguyện viên thắc mắc trong đơn đề nghị điều tra gửi các cơ quan chức năng là hoàn toàn có cơ sở”. Trong phần “Những giấy tờ đáng nghi về một bé con nuôi”, bài báo đưa lên ảnh chụp mặt sau của một  giấy cho nhận con nuôi, mà lại chỉ chụp bản photocopy đen trắng nhằm chứng minh trường hợp cho nhận con nuôi này là phi pháp. Thế nhưng thực tế, tại cuộc họp báo mới đây, cả ông Phan Đăng Long (Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) và Đại tá Nguyễn Duy Ngọc (Phó Giám đốc Sở Công an TP Hà Nội) đều khẳng định: trường hợp cho nhận con nuôi đối với bé Cù Việt Anh là đúng pháp luật. Thực tế hiện nay cả chùa Bồ Đề và người nhận nuôi bé Cù Việt Anh là cô Yến ở phường Bồ Đề và cô Hòa (mẹ đẻ của bé Cù Việt Anh) đều còn lưu giữ biên bản cho nhận con nuôi có xác nhận và con dấu đỏ của chính quyền UBND phường Bồ Đề. Ngoài ra, còn có một giấy viết tay của cô Hòa đồng ý cho con với cô Yến.

Báo Phụ Nữ TP.HCM viết: “Chúng tôi đã tìm về huyện Tam Nông, Phú Thọ để xác minh về chị Ánh… Bố chị Ánh cay đắng tiếp lời: “Không ngờ tôi mất cháu thật. Sau khi tôi nghỉ hưu, khăn gói xuống Hà Nội đón cháu thì họ đã làm xong thủ tục cho cháu đi làm con nuôi mất rồi. Tôi có hỏi con tôi vì sao, nó chỉ khóc. Phải có điều gì uẩn khúc lắm nó mới viết giấy xác nhận cho con mình đi làm con nuôi, khi thâm tâm không hề muốn”. Dưới bài viết, chua thêm dòng chữ “Tên các nhân vật đã được thay đổi” và sau đó trích dẫn những văn bản pháp luật liên quan, có đoạn “…Luật này cũng quy định sự đồng ý cho-nhận con nuôi phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác…”. Với cách viết lấp lửng, bỏ qua nhiều chi tiết, không kể rõ câu chuyện như vậy, báo Phụ Nữ TP.HCM đã cố tình bóp méo sự thật, khiến người đọc hiểu nhầm rằng, chùa Bồ Đề đã ép buộc, hay làm những việc không minh bạch trong trường hợp cho nhận bé Cù Việt Anh, và quy kết “biến mất đáng ngờ".

Sau khi đọc bài báo này, tôi đã đi tìm hiểu sự việc. Trong bài báo, tên nhân vật đã chuyển đổi, chị Ánh thực tế là chị Hòa và người tên Lương thực chất có tên là Sen. Tôi đã tìm gặp được chị Hòa (quê ở xã Cẩm Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là mẹ đẻ của bé Cù Việt Anh. Chị Hòa cho biết, phóng viên của Báo Phụ Nữ TP.HCM có đến gặp chị để hỏi chuyện, thế nhưng trong bài báo thì họ lại chỉ viết một nửa những điều mà chị nói. Báo đã  không viết những lời chị Hòa kể về việc đã cho con như thế nào. Chị Hòa xác nhận chính mình đã đưa con cho chị Yến. Hòa sinh con khi còn đang là sinh viên, sau đó đem con đến chùa Bồ Đề lúc bé mới lọt lòng, trình bày với Ni sư trụ trì rằng: Con đang là sinh viên, không muốn bỏ học, xin Thầy (cách gọi thông thường đối với các vị Ni ở miền Bắc - BTV) mở lòng từ nuôi bé cho con. Thế là bé Việt Anh vào chùa, mẹ bé vẫn thỉnh thoảng đến thăm. Khi bé Việt Anh biết đi, thì chị Yến nhà ở ngay cạnh đồn Công an phường Bồ Đề, đã nhờ Công an phường ra xin Thầy cho bé Việt Anh để làm con nuôi. Thầy không đồng ý. Chị Yến đặt vấn đề với chị Hòa, chị Hòa đồng ý, thế nhưng Thầy vẫn không bằng lòng. Hòa và Yến hẹn nhau đến chùa Bồ Đề, rồi nhân lúc mọi người không để ý, Hòa đưa bé Cù Việt Anh cho Yến bế đi. Hôm đó, Ni sư Thích Đàm Lan đang ngồi tiếp khách, thì có người chạy lên báo: Thầy ơi, bé Ngọc Anh đi đâu rồi ấy! Ni sư xuống thấy chị Hòa ngồi ở đấy, bèn hỏi: Mẹ ngồi đây mà con đi đâu không biết à? Chị Hòa trả lời: Con cho cô Yến làm con nuôi rồi. Ni sư giận, mắng: Con cho thì con phải có lời nói với Thầy, sao tự động đưa cho người ta bế đi. Nếu không có con ngồi đây, mà cô Yến tự ý bế đi, Thầy sẽ đi báo công an, thì cô Yến sẽ phải đi tù vì tội bắt cóc trẻ con đấy. Con vô ơn bạc nghĩa lắm! Sau đó, nhiều lần chị Hòa và chị Yến, cả ông Tịnh (khi ấy còn là công an phường Bồ Đề) đến thuyết phục Ni sư Đàm Lan cung cấp các giấy tờ để xã làm thủ tục giao bé Cù Việt Anh cho chị Yến là con nuôi. Lúc đó Ni sư vẫn còn giận, nên giữ giấy khai sinh của bé Việt Anh đến tận 2 năm sau mới đưa cho phường để làm các thủ tục này.

2. Trong bài “Việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề: Những hành vi trái luật gắn mác từ thiện”, báo Phụ Nữ TP.HCM đưa lên tấm ảnh chụp một bản photocopy biên bản bàn giao bé Tuấn Anh giữa BV Phụ sản tỉnh Nam Định và chùa Bồ Đề vào năm 2013. Điều đáng nói, văn bản này không có dấu đỏ mà là dấu đen (tư liệu như vậy không thể là bằng chứng vì người ta có thể “chế” ra được). Chẳng biết báo có tiếp cận được bản gốc của biên bản có dấu đỏ hay không, mà lại không đưa ảnh chụp bản gốc đó lên.

Báo Phụ Nữ TP.HCM dẫn Khoản 3 - Điều 3 Luật Nuôi con nuôi quy định: “…Biên bản giao nhận con nuôi chỉ áp dụng sau khi UBND cấp xã nơi đăng ký và cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi. Việc bàn giao diễn ra giữa cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng cho cha mẹ nuôi”. Để rồi, báo này khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: “Căn cứ các điều khoản trên, việc bàn giao bé T.A không đáp ứng được các thủ tục cần thiết như giấy chứng nhận nuôi con nuôi của UBND P.Trần Đăng Ninh, TP. Nam Định, nơi BV Phụ sản Nam Định trú đóng.

Về bản chất, biên bản bàn giao bé T.A chỉ là việc tự thỏa thuận giữa BV và Ni sư Đàm Lan… Trong trường hợp của T.A, dường như phía BV và chùa Bồ Đề đã bỏ qua vai trò quản lý nhà nước của P.Trần Đăng Ninh”.

Thực tế, Biên bản bàn giao con nuôi giữa bệnh viện Phụ sản Nam Định và chùa Bồ Đề có con dấu đỏ của Công an phường Trần Đăng Ninh (Nam Định). Đi kèm còn có các những giấy tờ khác như: Giấy xét nghiệm có HIV của bé này; Xác nhận của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định... Chỉ sau đó vài tháng, cháu bé này đã được chùa Bồ Đề chuyển giao cho Phòng Chăm sóc và Nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV - Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục Lao động Xã hội số II Yên Bài - Hà Nội (có văn bản là Quyết định số 29, ngày 1-10-2013 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội về việc tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội là cháu Trần Tuấn Anh vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số II - Hà Nội. Như vậy về việc bé Tuấn Anh, chùa Bồ Đề hoàn toàn minh bạch và mọi thủ tục đều đúng pháp luật.

Bà Đỗ Thị Hải Đường, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định cháu Trần Tuấn Anh hiện đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số II Hà Nội. Việc tiếp nhận Tuấn Anh về Trung tâm là hoàn toàn đúng quy trình, thủ tục. Thế mà báo Phụ Nữ TP.HCM lại chỉ trưng ra ảnh một tờ giấy photocopy rồi kết luận rằng “Giao - nhận con nuôi trái quy định”.

3. Bài “Việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề: Sự biến mất khó hiểu của những đứa trẻ” nêu lên những nghi vấn về 11 trẻ em ở chùa Bồ Đề mất tích. Đến nay, các cơ quan chức năng đã làm sáng tỏ, khẳng định ngoài một trường hợp cháu bé bị bảo mẫu chùa Bồ Đề bán cho chị Nguyệt, về 11 trường hợp nêu trên không có chuyện các cháu “biến mất” đầy “bí ẩn” như báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh.

Còn nhớ cách đây 4 năm, một lần tôi ngồi uống nước ở một quán trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), có một đám trẻ vào quán xin tiền. Tôi hỏi các cháu ở đâu, các bé trả lời: Chúng cháu là trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề! Nghe vậy, trong tôi bỗng trào dâng cảm giác phẫn nộ, với câu hỏi sao nhà chùa lại bắt trẻ con đi lang thang xin tiền đem về nộp cho chùa thế này? Lúc ấy, vì tôi không có số điện thoại của ai ở chùa Bồ Đề, bèn gọi điện thoại cho TT.Thích Đức Thiện (Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng I TƯGH) để phản ánh sự việc, nói lên những bức xúc. Chị chủ quán nghe tôi nói vào điện thoại, bèn giảng giải cho tôi biết: Chú hiểu nhầm rồi. Ngày nào đám trẻ này cũng qua đây, nên chị biết chúng không phải ở chùa Bồ Đề. Chúng là trẻ lang thang bị một đám “ma cô” nuôi, bắt đi xin tiền đem về cho chúng. Chúng dặn bọn trẻ, phải nói dối là trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề, có như vậy thì người ta mới thương và cho tiền. Nghe vậy, tôi mới thở phào. Kể lại chuyện này, để thấy rằng, khi ta nghe được thông tin từ ai đó, cần phải kiểm chứng, nếu không sẽ vội vàng hiểu sai và viết sai.

Trở lại trường hợp 11 trẻ em nghi mất tích ở chùa Bồ Đề, báo Phụ Nữ TP.HCM chỉ nghe thông tin từ một vài nhóm thiện nguyện rằng, có những đứa trẻ trước đây thấy có mặt ở chùa, những lần sau đến không thấy còn ở đó nữa. Nhóm thiện nguyện đó không thường xuyên có mặt ở chùa nên không biết các bé đó đi đâu. Chỉ từ thông tin như vậy, báo Phụ Nữ TP HCM không tìm hiểu kỹ càng để biết các cháu đã đi đâu, thế mà đã vội vàng viết bài cho rằng các bé đã “biến mất” một cách “bí ẩn”. Rất nhiều chi tiết khác mà báo Phụ Nữ TP.HCM đưa lên không xác thực, thiếu kiểm chứng trước khi viết, mà trong khuôn khổ bài viết này không đề cập hết.

Mọi sự lạm dụng việc từ thiện để trục lợi là đáng lên án. Nhưng vì một lý do nào đó mà che lấp một phần sự thật, để gây thêm sự hiểu lầm, làm cho nhiều người nghi ngại trong việc làm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn là điều nên nghĩ qua vụ việc liên quan đến nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày