Mùa mưa & Ba

Mùa mưa & Ba

Ba dị ứng với thời tiết. Mỗi khi mùa mưa bắt đầu hoặc thời tiết thay đổi, ba sụt sịt đến thương tâm. Tuy ba biết nghề y và tự mình lo liệu, nhưng để tìm ra dị nguyên và tận lực chữa trị là cả một quá trình. Một lần ghé nhà không báo trước, nhìn ba oằn mình tự chích thuốc vào mông thì khi ấy, lòng con chợt cuộn trào như có bão. Thương ba, mỗi khi nghe ở đâu có phương hay thì con cố tìm để ba thử dùng đôi ba bận, và sau đó, tình hình cũng chẳng được cải thiện chút nào. Bất lực nhìn ba với với đôi mắt đỏ hoe sau một tràng dài hắt hơi sổ mũi, con chợt nghĩ rằng phải chi ngày trước mình học ngành y.

Ba thích nghiên tầm về Phật lý nhưng thỉnh thoảng trước đây, ba ứng xử vẫn mang dáng vẻ phong kiến đến lạnh lùng. Những quyết định trước đây của ba, dù đúng, dù sai thì anh em chúng con đều phải nhất nhất tuân hành mặc dù trong lòng đôi khi có ý ngược lại. Ba hơi độc đoán, độc tài và hay lấy suy nghĩ của mình suy nghĩ hộ cho những người thân. Những tháng năm trẻ thơ con thường nghĩ về ba như thế và suy nghĩ ấy dần dà thay đổi, khi nhận thức của con từng bước trưởng thành và năng lượng tâm linh của ba ngày càng được tưới tẩm, vun bồi từ suối nguồn của Chánh pháp.

Đành phải thế thôi, âu đó là sự khó khăn và hạn chế chung của một thời nông nổi, một thời chứa đựng nhiều lỗi lầm của xã hội. Thử hỏi, nhà thì đông, làm nghề nông, thời gian dạy con luôn bị thời gian mưu sinh chèn ép, nếu không nghiêm khắc quá đáng thì khó có thể giữ được nếp nhà với số nhân khẩu gần bằng một đội bóng khi ra sân? Nhìn xã hội vụt chạc thay đổi, nhìn quan hệ thân tộc của những người xung quanh đang có những biểu hiện rệu rã, bào mòn; lòng con chợt ấm lại khi nghĩ ba đã và đang cố xây dựng cho chúng con một chuẩn tắc sống mang tính thuần thiện của nếp nhà.

Ba nghiêm khắc với chính bản thân, chỉn chu trong cách trang phục, giờ giấc trong ăn uống, nghỉ ngơi. Ba ít cười, ít nói nhưng nhiệt tình và hòa nhã với mọi người. Đang đêm, có người dựng dậy gọi đi cấp cứu, ba tức tốc khoác túi đi ngay trong đêm đen mưa bão và bằng tất cả những gì có thể để giữ gìn sự sống cho người. Miền quê, lưu dân tứ xứ, món quà tạ lễ có thể là nải chuối, cân trà…, ba cũng chẳng nệ hà công khó.

Ba quý chuộng trí thức và ham học, ham làm. Giờ đây, tuổi đã vào hàng "cổ lai hy", ba vẫn miệt mài bổ sung kiến thức về ngành dược vì sợ rằng không đủ chuyên môn để quán lý cũng như xử lý phòng thuốc nho nhỏ của mình. Con của ba thường giữ liên lạc với nhau qua yahoo! messenger. Ba cũng cập nhật kịp thời bằng cách nâng cấp máy tính và nối mạng tận nhà. Mỗi ngày tuy ở xa, nhưng khi thấy nickname ba bật sáng, thì lòng con thật nhẹ nhàng và thanh thản, vì biết rằng ba khỏe mạnh và bình an. Ai đó đã bảo rằng, nối được truyền thông là nối được hạnh phúc, nối được truyền thông giữa các thế hệ thì quả là hạnh phúc bội phần. Đến nay, con mới tạm hiểu được điều đó, ba à!

Một thời lận đận lo cho người trước, người sau. Thi thoảng rảnh tay, ba lại nghiên tầm giáo điển và âm thầm phát nguyện, cùng với mọi người xây dựng một bến đỗ tâm linh cho lưu dân tứ xứ có chỗ tìm về. Nhân duyên hội ngộ, một ngôi chùa nhỏ bé từng bước được hình thành và nền móng của ngôi chùa kia đã ít nhiều có bàn tay của ba trong đó. Tính ba cương quyết, dù đó là môi trường Phật đạo hay thế thứ nhân tình. Cũng nhờ đức tính này mà trải qua bao năm, cùng với nhiều thiện duyên đưa đẩy, hạt giống Phật mới được đâm chồi nảy lộc trên mảnh đất vốn chỉ dành cho mê tín dị đoan. "Xuất", "xử" tùy duyên. Ba đã học được điều mà cổ nhân đã dạy. Nên khi ngôi chùa hình thành và cung thỉnh chư Tăng về đảm nhiệm thì ba trở về vai trò là một cư sĩ bình thường.

Đôi lúc ngược xuôi giữa hai bờ chuyển vận, giật mình thức giấc trong một ngôi chùa thành phố, con chợt nhớ làm sao tiếng mõ canh khuya và giọng công phu khàn đục của ba hòa trong tiếng nỉ non của giun dế, côn trùng. Chiều tháng Bảy đi trong cơn mưa lạnh. Nỗi nhớ về ba đang ngập tràn trong con như cơn mưa đang chạy suốt chân trời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày