Mua sắm cho lễ Vu Lan

Nhà lầu, xe hơi giấy - những mặt hàng được mua sắm nhiều nhất cho ngày lễ Vu Lan - Ảnh: Thanh Lan
Nhà lầu, xe hơi giấy - những mặt hàng được mua sắm nhiều nhất cho ngày lễ Vu Lan - Ảnh: Thanh Lan
Chốc chốc, trên các con phố Hà Nội lại xuất hiện những chiếc xe máy chở liền một chuyến cả... nhà cao tầng lẫn vài chiếc ôtô, năm bảy xe máy SH hay những chồng tiền âm phủ cao ngất.

Vài ngày nữa mới tới Rằm tháng bảy nhưng nhiều người đã mua sắm chuẩn bị cho lễ Vu Lan từ rất sớm. Tại cửa hàng 58 Hàng Mã, cô gái bán hàng chỉ tầm 15, 16 tuổi nhanh nhảu chào hàng: “Chị xem có khác gì siêu thị không? Trần sao âm vậy. Cái gì cũng có, từ ôtô, xe máy các loại như SH, Attila, Jupiter đến điều hòa, quạt thông gió, tủ lạnh, tivi”. Vừa nói cô vừa đến tận nơi, chỉ từng mặt hàng, giới thiệu một cách chi tiết. Đúng là không thiếu thứ gì, tất cả đều được làm khá tỉ mỉ và công phu. Thậm chí, các “nhà sản xuất” cũng không quên đính kèm logo, nhãn hiệu của Toyota, Ford, BMW, Honda, Samsung để thêm độ chuyên nghiệp. Chưa hết, ngay đến những ngôi nhà 3, 4 tầng còn có cả... khóa chống trộm.

Giá những mặt hàng này không hề rẻ. Một chiếc xe máy SH từ 100.000 - 120.000 đồng, ôtô tùy loại to nhỏ, dao động từ 80.000 - 110.000 đồng/chiếc. Thậm chí, nếu khách hàng chê giá quá đắt, chủ hàng sẽ khéo léo “khuyến mãi”... mũ bảo hiểm để khách khỏi mặc cả.

Đưa cho tôi tấm danh thiếp, chị Dung (cửa hàng 17B Hàng Mã) nhiệt tình dặn: “Em cứ về nhà lên danh sách cho thoải mái, món gì chị cũng có. Rồi gọi điện chị cho người mang tới”.

Chị Lê Thu Nga (tổ 10, phường Thanh Nhàn) giơ ra cho chúng tôi xem một danh sách dài dằng dặc những đồ vàng mã mua. Một ngôi nhà 4 tầng, 2 xe máy, 1 ôtô, tủ lạnh, quạt... Tổng chi phí hết 817.000 đồng. Vừa đếm tiền chị vừa than thở: “Năm nào tôi cũng phải mua đồ (vàng mã) cho cả thảy 10 người, thiếu thì phải tội. Người ta cứ nói là lãng phí nhưng mà không mua thì không được, cả năm cũng có một lần gọi là báo hiếu tổ tiên...”.

Làng tranh thành làng vàng mã

Không khí ở các làng sản xuất vàng mã cũng không kém phần nhộn nhịp. Xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) nổi tiếng với làng tranh Đông Hồ những ngày này cũng bận rộn với nghề vàng mã. Ngó vào nhà nào cũng thấy xe máy, ôtô, laptop, tủ lạnh... xếp đầy một góc. Ông Nguyễn Đăng Tuân, Trưởng thôn Đạo Tú, xã Song Hồ cho biết: “Cái nghề này chúng tôi làm quanh năm nhưng chỉ có tháng 7 là bận bịu nhất. Hầu như hộ nào cũng làm nghề vàng mã. Nhiều việc quá thì phải huy động tất cả thành viên trong gia đình, từ già tới trẻ, mỗi người một việc”.

Dù làm vàng mã nhưng tính chuyên môn hóa được thể hiện khá cao. Có hộ chỉ chuyên làm mũ, hộ chuyên sản xuất quần áo, hộ khác lại chuyên làm xe máy, ôtô... Sau đó, đến việc của các đại lý tập trung hàng và phân phối.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Truyền, một trong những chủ đại lý hàng mã tại thôn Đạo Tú tiết lộ: “Ở đây chúng tôi chuyển hàng đi các tỉnh phía Bắc, từ Hà Nội, Hà Tây (cũ), Hải Dương đến Hải Phòng... Trung bình một chuyến hàng tầm 45 - 50 triệu là có thể lấy đủ bán trong đợt Rằm này rồi”.

Trái ngược với giá “trên trời” ở Hà Nội, giá lấy buôn ở đây rẻ chỉ bằng 1/5. Có lẽ không nơi nào mà ôtô, xe ga, điện thoại, laptop... lại chỉ vài nghìn đồng như ở đây. Chị Phấn, chủ đại lý tại thôn Đông Khê cho biết: “Xe máy SH 25.000 đồng, laptop 8.000 đồng. Điều hòa, máy giặt, tivi, quạt thông gió đồng giá 5.000 đồng/chiếc...”. Tai nghe chị Phấn “báo giá” các mặt hàng nhưng miệng chúng tôi đã bắt đầu nhẩm tính sơ sơ số tiền lãi mà các thương nhân “hốt” về sau mỗi mùa Vu Lan. Một con số không nhỏ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày