Mùng 7 Tết, trình diễn các điệu múa cổ bên hồ Hoàn Kiếm

Chiều 30/1, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Nguyễn Văn Bích cho biết: vào tối 1/2 (tức mùng 7 Tết Kỷ Sửu), tại vườn hoa Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ diễn ra Liên hoan các điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội năm 2009.

Điệu múa cổ Bài Bông được trình diễn tại chùa Yên Tử (Ảnh: VTC News)
Điệu múa cổ Bài Bông được trình diễn tại chùa Yên Tử (Ảnh: VTC News)

Đây là lần thứ 3 liên hoan múa cổ được tổ chức tại Thủ đô vào dịp đón xuân mới. Liên hoan do Văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội phối hợp tổ chức, là bước khởi đầu cho việc phục hồi múa cổ ở các địa phương Hà Nội.

Liên hoan sẽ giới thiệu 9 điệu múa cổ đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc bộ, với sự trình diễn của gần 300 nghệ nhân, diễn viên không chuyên đến từ các thôn làng, xã, phường trên địa bàn Hà Nội, trong đó người cao tuổi nhất là cụ bà Hoàng Chỉ 79 tuổi (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) tham gia trong điệu múa Bổ Bộ.

Đáng chú ý tại liên hoan lần này ngoài điệu múa Rồng và múa Chạy cờ đặc trưng của lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều-Thanh Trì), cả 7 điệu múa cổ còn lại đều lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại sân khấu lớn.

Một số điệu múa cổ chỉ được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo như điệu múa Thị Hồ Huỳnh Cân, Giải Oan Thích Kết cũng được chọn lọc giới thiệu.

Múa Thị Hồ Huỳnh Cân do các Phật tử múa trong chùa vào những ngày lễ đầu xuân. Đèn hoa sen tượng trưng cho nét đẹp tinh khiết, cao quý được nâng niu, trân trọng, dâng lên đức Phật, cầu chúc năm mới an khang thịnh vượng. Ngày xưa là lời cung chúc tân xuân đến bậc vua chúa, nay là lời chúc Phúc-Lộc-Thọ tới muôn dân.

Điệu múa do đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa đống Lim (quận Long Biên) chỉ đạo và tốp múa Phật tử chùa Đống Lim trình diễn.

Múa Giải Oan Thích Kết là điệu múa nghi lễ Phật giáo mang tính nhân văn cao. Chùa đào Xuyên (huyện Gia Lâm) lập trai đàn giải oan, cầu siêu độ, giải trừ oan khổ cho tất cả vong hồn, các bậc tổ tiên, ông bà đã khuất, những người hy sinh cho đạo pháp, những chiến sĩ trận vong trong tiến trình lịch sử 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, góp phần mang lại cuộc sống hoà bình, hạnh phúc của Hà Nội ngày nay. Điệu múa do Đàn chủ Đại đức Thích Thanh Quy (trụ trì) và tăng ni chùa đào Xuyên trình diễn.

Một điệu múa cổ đặc sắc nữa là múa Hội Trống do các nghệ nhân và nhân dân tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên trình diễn. Từ xưa, tiếng trống đình, trống hội đã là những âm hưởng, tín hiệu thong báo của cư dân châu thổ sông Hồng và vùng đất Kinh kỳ.

Những dịp xuân về, tiếng trống trở thành linh hồn của các lễ hội làng người Việt. Cư dân vùng Đọi Tam, Phú Mỹ, Phú Xuyên đã sáng tạo và phát triển điệu múa trống, cùng hoà tấu trống tạo nên vô vàn âm thanh và dáng điệu múa đẹp, rộn rã làng thôn đón chào xuân mới.

"Lục cúng Hoa đăng" được trình diễn tại chùa Yên Tử (Ảnh: VTC News)
"Lục cúng Hoa đăng" được trình diễn tại chùa Yên Tử (Ảnh: VTC News)

Các nghệ nhân dân gian và dân làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) mang đến liên hoan 3 điệu múa độc đáo: múa Tứ Linh (Long-Ly-Quy-Phượng), múa Tiên và múa Bổ Bộ.

Trong đó, múa Tiên là điệu múa dân gian được sử dụng trong ca trù cửa đình, nội dung chủ yếu ca ngợi chúc thánh hoàng tại vị thiên thu, mừng công danh tổ sư ca trù của đất nước, mừng cuộc sống yên bình của muôn dân.

Múa Bổ Bộ là điệu múa phổ biến trong các lễ hội vùng châu thổ sông Hồng, gắn với tình cảm, đời sống sinh hoạt của cư dân nơi đây.

Múa Bổ Bộ thường kết hợp với hát, mỗi khúc hát kèm theo một khúc múa (tổ hợp múa); khúc hát trong múa Bổ Bộ dân gian gọi là “Sắp”-“Sắp hát”-“Sắp múa”. Điệu múa Tiên, múa Bổ Bộ do cụ Hoàng Kỷ truyền dạy cho dân làng Lỗ Khê.

Để chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, từ 3 năm nay, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã triển khai chương trình "Phục hồi phát triển múa cổ Thăng Long-Hà Nội", nhằm sưu tầm, nghiên cứu những điệu múa cổ, hệ thống, phân loại theo các loại hình múa dân gian, múa tín ngưỡng, múa tôn giáo, múa cung đình, múa lễ hội.

Từ đó, các nhà nghiên cứu sẽ so sánh đối chiếu múa cổ Hà Nội với múa của người Việt trong vùng văn hoá sông Hồng để có hướng phục hồi, phát triển múa cổ sao cho phù hợp với thẩm mỹ của người đương thời trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng Hà Nội.

Đã có 30 trong tổng số hơn 80 điệu múa cổ của các địa phương Hà Nội được sưu tầm và giới thiệu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tinh thần nhập thế, phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật - Ảnh: Minh Lộc/BGN

Giúp nhau đi qua những ngày nắng hạn

GNO - Trong những ngày tháng Tư này, tình hình hạn hán gay gắt, hạn mặn xâm nhập sâu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng ngọt hóa Gò Công nói riêng đã gây nên tình trạng nhiều nơi thiếu nước để sinh hoạt trầm trọng, đời sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn.

Thông tin hàng ngày