Nếu thầy thuốc chọn nghề y là nghề “hái” tiền…

GNO - Người làm nghề y được người ta trân trọng gọi là “mẹ hiền” trong ý “Lương y như từ mẫu”!

Phải nhận diện rõ ràng rằng nghề y là một nghề cao quý bởi ai làm nghề này là có cơ hội cứu sống rất nhiều mạng người, làm giảm thiểu nỗi khổ về thân cho con người. 

Theo tinh thần của đạo Phật, ai lựa chọn và có khả năng với một nghề hay nào đó (tức là nghề có thể mang lại lợi ích cho mình và người) thì đó là phước đức lớn nhất. Trong bài pháp ngắn mà Đức Phật thuyết cho một vị thiên giả về phước đức, Ngài dạy rõ điều đó: “Có học có nghề hay/ Biết hành trì giới luật/ Biết nói lời ái ngữ/ Là phước đức lớn nhất”.

wbacsi2.jpg

Nếu người thầy thuốc chữa bệnh bằng cái tâm thì chính họ đang hiến tặng mật ngọt cho cuộc đời

Đau lòng lắm, nếu cứ phải nghĩ suy và nhận diện về mặt trái của bất kỳ nghề nào, bởi nghề có thể tốt nhưng con người làm nghề không làm bằng cái tâm tốt thì nghề ấy trở thành nghề “đáng ghét” đối với mọi người. “Nhất thiết duy tâm tạo” là lời Phật dạy, bởi cái tâm của người làm nghề y không tốt nên hình ảnh bác sĩ trong mắt nhiều người giờ không còn là hình ảnh “mẹ hiền” nữa.

Chọn nghề y, học hỏi chuyên môn đó và ra làm nghề y với các vị trí như bác sĩ, dược sĩ, y tá, điều dưỡng… là một phước đức mà có thể nói bản thân của vị ấy đã có phát nguyện từ nhiều đời (sẽ làm một người cứu chữa bệnh đau cho người khác) và đời này tiếp tục cố gắng, phát nguyện, nuôi dưỡng tâm ấy.

Tuy nhiên, không phải ai chọn nghề y cũng xuất phát bởi ý niệm đẹp đó mà ngày nay, nhất là khi đời sống vật chất dâng cao, người ta nghĩ rằng chọn nghề nghiệp tạo ra nhiều tiền là sẽ có hạnh phúc. 

Sự đánh đồng ấy cùng với việc làm nghề y bây giờ dễ “hái” ra tiền, trong bối cảnh người ta bệnh ngày càng nhiều, ngày càng có nhiều bệnh nguy hiểm… vô tình làm rất nhiều bạn trẻ chọn nghề không phải vì cái nghề đó là nghề tốt đơn thuần nữa mà xen tạp trong đó (nhiều khi là giữ vị trí đầu tiên) là ý niệm: chọn nghề y để “hái” tiền.

Ý niệm chọn nghề được nuôi dưỡng trong suốt quá trình học và đi làm, để rồi người bác sĩ, dược sĩ, y tá… ấy quên mất ý nghĩa cao đẹp của người thầy thuốc là chữa bệnh cho người, giúp người bớt khổ. Vì thế, khi bước vào nghề, người làm nghề y đã bắt đầu có những “chiêu thức” để kiếm tiền từ chính nỗi đau của người bệnh như kê đơn thuốc cho nhiều để có hoa hồng, nhận tiền lót tay trước một ca mỗ, hoặc khám bệnh với giá “cắt cổ” (mới đây có một vị bác sĩ tuyên bố giá khám bệnh là 500.000 đồng, ông còn lạnh lùng cho rằng tôi giỏi tôi lấy giá cao, ai muốn thì tới, không muốn thì thôi)…

Tất nhiên, còn vô số những vấn đề thuộc về y đức khác mà có kể mãi cũng chẳng kể hết. Và, tất nhiên, nếu trong ngày này, 27-2, Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày dành để tôn vinh người thầy thuốc mà lại đi “kể tội” những hành vi trái khoáy của một bộ phận đội ngũ y-bác sĩ-thầy thuốc thì e là không hay lắm. Nhưng, thương yêu, tri ơn, biết ơn, tôn vinh thì cũng có năm bảy đường, trong đó việc bày tỏ một sự thật (dẫu chỉ là bộ phận) có phần xấu xí ấy để mỗi người làm nghề y quán sát lại mình một chút, để nhớ lời thề Hippocrates cũng là một cách thương yêu. 

Bởi, nếu những người làm nghề y mà quên mất y đức, lấy việc kiếm tiền trên nỗi đau của bệnh nhân là chánh thì đó là điều đau đớn không chỉ với vị trí, vai trò của người thầy thuốc mà còn là của cả xã hội. Rồi nếu những điều (bây giờ có thể là bộ phận ấy) được lan ra theo quy luật của “vết dầu loang” thì người ta sẽ còn tin ai khi bệnh đau (vốn là chuyện bình thường, thường ngày của bất cứ ai), khi mà bác sĩ chỉ nhìn vào phong bì, vào sự lót tay của bệnh nhân để chăm sóc?

wbacsi1.jpg

Thuốc có thể chữa vết đau trên thân, nhưng nếu nó được một bác sĩ kê đơn thiếu cái tâm thì thuốc ấy như con dao khoét một lỗ vào tâm hồn người bác sĩ ấy và cũng cắt một nhát mất niềm tin nơi người bệnh! 

Nếu, người thầy thuốc chọn nghề y là nghề “hái” tiền từ ý niệm chọn nghề thời học trò của mình thì sẽ là người thật đáng thương, bởi dẫu có thể có làm được nghề và giàu có từ nghề đó nhưng người đó sẽ trở thành một “bệnh nhân” của căn bệnh tâm hồn tha hóa. Căn bệnh này nếu mắc phải thì nhân cách sẽ “chạm đáy” và tất nhiên theo tinh thần đạo Phật, sống và làm một nghề mà mình “cắt cổ” người khác bằng sự vô tâm, vô cảm thì sẽ tổn phước. Tổn phước bởi tâm hồn không được nuôi dưỡng hạt giống từ bi, bởi tình thương thiếu vắng, bởi mỗi khi có người bệnh, đau tới thì mình mừng vui vì mình có thêm một nơi để “hái” tiền, để hưởng hoa hồng, để bán được thuốc!

Đau lòng lắm, nếu cứ phải nghĩ suy và nhận diện về mặt trái của bất kỳ nghề nào, bởi nghề có thể tốt nhưng con người làm nghề không làm bằng cái tâm tốt thì nghề ấy trở thành nghề “đáng ghét” đối với mọi người. 

“Nhất thiết duy tâm tạo” là lời Phật dạy, bởi cái tâm của người làm nghề y không tốt nên hình ảnh bác sĩ trong mắt nhiều người giờ không còn là hình ảnh “mẹ hiền” nữa. Thiết nghĩ, nỗi xót xa bởi thực tại này hẳn cũng có trong từng con người đang sống, đang theo đuổi nghề y, nhất là khi thi thoảng lại nghe tin có một bác sĩ A, B, X, Y nào đó thiếu y đức…

Giá mà, người làm nghề y cũng được tiếp xúc được với giáo lý đạo Phật, những lời dạy ân cần của Đức Phật được xem là “thuốc” trị bệnh tâm, những bệnh do tham-sân-si hay cũng là ba món độc làm người ta mê muội… Nếu tiếp xúc được và có sự hành trì thì người thầy thuốc khi ấy sẽ chữa cả bệnh thân (cho thuốc hay, đúng) và cả tâm bệnh (nói lời ái ngữ, dịu dàng, nâng đỡ tinh thần…) cho bệnh nhân. Nói là giá như, bởi thực tế cũng có những thầy thuốc tuyệt vời như thế mà tôi đã gặp, có duyên diện kiến, có duyên đọc sách và nghe những trăn trở của họ về nghề, về đồng nghiệp trên mặt báo.

Cuối bài, xin được trở lại với lời Phật dạy, nghề y là một nghề hay, bởi chức năng của nghề là cứu người. Người làm nghề y nếu có tâm từ bi, hiểu rõ nhân quả thì sẽ tự khắc trở thành “mẹ hiền”, là người thầy thuốc “vừa hồng vừa chuyên” với đầy đủ đức tài, đáng kính. Nhưng, tiếc là, nghề y cũng giống như bao nghề hay khác, ở đó có những người làm nghề không bằng cái tâm thương người, cũng có những “con sâu” làm hoang mang lòng người, gây bao nỗi hoài nghi không đáng có. 

Dẫu vậy, vẫn tin, vẫn yêu những ai chọn màu áo blouse trắng cũng sẽ luôn dưỡng nuôi tâm hồn mình trắng trong, tinh khiết như màu áo ấy…

"Có người khám bệnh kê đơn để bệnh nhân ra nhà thuốc mình có cổ phần hay được nhận hoa hồng, đó là vô đạo. Hay bệnh đơn giản thôi, nhưng yêu cầu bệnh nhân dùng kỹ thuật cao để mình được hưởng lợi. Mặt trái của cuộc sống đã nguy hiểm, mặt trái ở nghề y càng nguy hiểm" - GS.TS Đỗ Kim Sơn (Tuổi Trẻ ngày 27-2-2012)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày