Ngày truyền thống đặc biệt của Ni giới Việt Nam

Ngày truyền thống đặc biệt của Ni giới Việt Nam

GN - Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo (Đức Tổ Kiều Đàm Di - Mahapajapati Gotami) là ngày truyền thống đặc biệt của Ni giới VN. Năm nay, Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh Tiền Giang đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và chư vị Trưởng lão Ni Phật giáo VN tiền bối hữu công, sẽ chính thức diễn ra tại Trụ sở BTS GHPGVN tỉnh - tổ đình Vĩnh Tràng (TP.Mỹ Tho), Ni viện Tịnh Nghiêm - Văn phòng Phân ban Ni giới tỉnh và hội trường Khách sạn Mekong Mỹ Tho, vào các ngày 10, 11-3-2019 (nhằm ngày 5, 6-2-Kỷ Hợi).

Dịp này, phóng viên Giác Ngộ có cuộc trao đổi với NT.Thích nữ Tịnh Nghiêm (ảnh), Phó BTS kiêm Trưởng Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Tổ chức (BTC), về ý nghĩa sự kiện của Ni giới VN lần này. Nói về sự kiện này, Ni trưởng cho biết:

- Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo là người được Đức Thế Tôn “mở cửa phương tiện” chấp nhận cho nữ giới xuất gia vào hàng Tăng bảo với điều kiện Ni giới phải tuân thủ Bát kỉnh pháp trọn đời. Hàng ngàn năm sau, ân đức to lớn của ngài vẫn là tấm gương giới hạnh sáng ngời trong đời sống tu tập và hành đạo của Ni giới nói chung và Ni giới VN nói riêng. Nhìn về thời cận đại, chư tôn Trưởng lão Ni, Ni bộ Bắc tông đã có nhiều công lao trong việc thống nhất và lãnh đạo đoàn thể Ni giới để nền móng ấy càng vững chắc dù qua bao đổi thay, thăng trầm của thời gian.

Ni giới VN nói chung và Ni giới tỉnh Tiền Giang nói riêng luôn nhất tâm tri ân những ân đức sâu dày của Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo và các bậc Trưởng lão Ni tiền bối nên đã tiếp bước tiền nhân nỗ lực tu học để hoàn thiện tự thân, tích cực phát huy Chánh pháp qua việc củng cố tập thể Ni và thực hiện các hoạt động Phật sự nhằm “tốt đời đẹp đạo”.

Mỗi năm, Phân ban Ni giới thuộc Phật giáo một tỉnh được chọn đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Năm nay, Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang được chọn đăng cai tổ chức Đại lễ, là Trưởng BTC, Ni trưởng có thể chia sẻ cảm nhận của mình?

- Khi Ni bộ Bắc tông thành lập, quý Ni trưởng đã chọn ngày mùng 8-2 ÂL hàng năm (tức ngày Kỷ niệm Đức Phật Thích Ca xuất gia) chính thức làm ngày tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo VN tại Trụ sở Ni bộ - tổ đình Từ Nghiêm (TP.HCM).

Sau khi Phân ban Ni giới T.Ư thuộc Ban Tăng sự T.Ư GHPGVN được thành lập vào năm 2009, quý Ni trưởng đệ trình lên Ban Thường trực HĐTS và được phép tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo vào ngày mùng 5 và 6-2 ÂL hàng năm, luân phiên tổ chức tại các tỉnh thành để chư Ni trong cả nước đều được tham dự Đại lễ nhằm làm lan tỏa nguồn mạch tâm linh của Ni giới trên đạo lộ giải thoát mà Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo đã dày công khai mở.

Tôi cùng chư Ni tỉnh Tiền Giang rất vinh dự được dịp đón tiếp chư Ni cả nước về đây cùng ôn lại những hành trạng cao đẹp, phụng sự đạo - đời của các bậc Trưởng lão Ni Phật giáo VN hữu công, để Ni giới cả nước noi theo học tập. Đây cũng dịp để chư Ni khắp 3 miền gặp gỡ, trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hành đạo, đề ra những biện pháp ưu việt cho các vấn đề của Ni giới; giữ gìn những di sản truyền thống tốt đẹp của tiền nhân. Qua đó, chư Ni phát huy tiềm năng trên mọi lãnh vực với mục tiêu phụng sự đạo pháp, phục vụ nhân sinh.

ANHA (1).JPG

Chư Ni Phân ban Ni giới T.Ư trao biểu tượng đăng cai Đại lễ đến đại diện tỉnh Tiền Giang - Ảnh: Vũ Giang

Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo năm nay tổ chức tại tỉnh nhà có điểm nhấn gì, thưa Ni trưởng?

- Theo kế hoạch, Đại lễ sẽ có khoảng 1.500 đại biểu, trong đó có 1.300 đại biểu là chư Ni và nữ Phật tử ưu tú được về tham dự. Tại Ni viện Tịnh Nghiêm được tổ chức như một trung tâm tưởng niệm, BTC tâm niệm sẽ cố gắng bằng hết lòng, hết khả năng, để Đại lễ thật sự trang nghiêm, long trọng nhất, cảm xúc nhất, khiến cho mỗi chư Ni cảm nhận được nguồn mạch tâm linh, ân đức lớn lao của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo được lan tỏa, tiếp nối, làm hành trang trên con đường hành đạo của hàng Ni lưu hậu bối.

Với chủ đề “Ni giới Việt Nam - Ni giới Tiền Giang tiếp bước tiền nhân, phát huy Chánh pháp”, do đó điểm nhấn của Đại lễ, ngoài nghi thức tâm linh trang nghiêm thì những bài phát biểu, tọa đàm đều bám theo chủ đề này. Qua đó, đại biểu - chư Ni, nữ Phật tử thuộc Phân ban Ni giới các tỉnh thành sẽ hiểu thêm về hành trình của Ni giới. Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo là người mở đường cho Ni giới, chư Ni tiền bối đã dày công kế thừa, hiện tại Ni lưu phải giữ gìn và phát huy truyền thống ngàn đời cao đẹp đó.

Theo phương châm của GHPGVN “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” nên công tác từ thiện xã hội cũng là một điểm đặc biệt được quan tâm; trong khuôn khổ của Đại lễ, BTC sẽ trao 1.000 phần quà, 50 xe lăn, xe lắc, học bổng, hỗ trợ xây nhà tình thương đến người nghèo, học sinh nghèo.

Cho đến thời điểm này, mọi công tác tổ chức được dần hoàn thiện. Trong đó, BTC có 18 tiểu ban và thực hiện theo đề án tổng thể đã được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và lãnh đạo các cấp thông qua.

Như đã biết, Tiền Giang là mảnh đất sông nước hiền hòa, trái cây trĩu ngọt quanh năm. BTC tạo điều kiện để đại biểu đến đây cảm nhận được điều này, tham quan những cảnh đẹp của miền sông nước, thưởng thức quả ngọt và những đặc sản đậm đà hương vị miền Tây.

Dịp này, Ni trưởng hoan hỷ chia sẻ vài thông tin về Ni giới tại Tiền Giang…

- Thừa hưởng những giá trị tinh thần, ân đức của Đức Thánh Tổ Ni và chư Trưởng lão Ni Phật giáo VN tiền bối hữu công, Ni giới VN nói chung và Ni giới Tiền Giang nói riêng được nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần hoằng pháp lợi sanh, báo Phật ân đức.

Những bậc tôn túc Ni luôn là “ngọn cờ đầu” tiên phong trong tinh thần giới đức khiêm ưu, củng cố xây dựng Ni đoàn, sách tấn thế hệ Ni trẻ phải chân tu thật học, vừa có trình độ vừa có chiều sâu tâm linh. Chư Ni Tiền Giang bước vào các cấp học, hiện tại đã có 2 vị có học vị tiến sĩ, 5 vị thạc sĩ, 45 vị cử nhân, 16 vị tốt nghiệp cao đẳng và Trường Trung cấp Phật học liên tục từ năm 1990 đến nay được 7 khóa.

Một số vị Ni được Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh tuyển vào làm giáo thọ của Trường Trung cấp Phật học tỉnh, giảng sư trong Ban Hoằng pháp. Cũng có thể nói rằng, khoảng 30% chùa Ni nổi bật về nhiều mặt như: đào tạo Ni tài cho thế hệ kế thừa, đặc biệt là làm tốt công tác từ thiện xã hội.

Ni giới thời hiện đại đang có nhiều cơ hội và đối mặt với nhiều thách thức, theo Ni trưởng, họ cần phải làm gì để kế thừa và phát huy truyền thống của Ni giới?

- Cơ hội và thách thức là hai “phạm trù” mà những vị giáo phẩm Ni lãnh đạo Ni giới hậu học đang rất quan tâm. Trong khuôn khổ của Đại lễ, tọa đàm của chư Ni lần này cũng nhấn mạnh vào hai điểm này.

Ngày nay, chư tôn đức giáo phẩm GHPGVN có được niềm hoan hỷ khi thấy chư Ni trẻ có nhiều thuận duyên trong sở học, tuy nhiên cũng nhiều lần bày tỏ sự ưu tư và lo lắng. Chính vì thế, các vị giáo phẩm Ni luôn đặc biệt quan tâm, nhắc nhở chư Ni trẻ, để giữ chân họ trên cương lĩnh của Giới, Định, Tuệ, bảo trọng Bồ-đề tâm; luôn nhắc nhở Ni trẻ học để vun bồi kiến thức là tốt nhưng không rời bản vị giải thoát.

Chư Ni hậu học cần trau giồi kiến thức để hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa nhưng không “hòa tan”, vẫn phải giữ vững tâm Bồ-đề, cần phải nương vào Giới luật trên suốt hành trình giác ngộ giải thoát, để xứng đáng với công hạnh to lớn của Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, người khai sáng Ni đoàn và các bậc Trưởng lão Ni tiền bối.

Xin chân thành cảm ơn Ni trưởng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày