GN - Rất nhiều thợ thêu hiện nay ở TP.Huế và hàng ngàn thợ thêu ở các tỉnh, thành khác từng được “thọ giáo” nghệ nhân Lê Văn Kinh (pháp danh Tâm Thuận), chủ xưởng tranh thêu Đức Thành (82 Phan Đăng Lưu, TP.Huế). Cho tới nay, ông vẫn nhiệt tình chỉ bảo, dạy nghề cho các học viên có nhu cầu…
Đam mê nghề thêu truyền thống
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề thêu, ông nội và cụ thân sinh của ông từng thêu hoàng bào cho vua Khải Định, Bảo Đại. Năm 8 tuổi, ông đã theo bố làm nghề thêu, từ đó, cả cuộc đời ông gắn với nghề này. Năm 1975, tham gia “Tổ thêu xuất khẩu Cẩm Tú”, năm 1976 làm Chủ nhiệm HTX thêu xuất khẩu Phú Hòa (TP.Huế).
Tới năm 1978 ngành thêu phát triển mạnh, ông được đào tạo diện giảng viên, trở thành cán bộ kỹ thuật thêu xuất khẩu, thường xuyên đi dạy thêu cho 3 tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), ông đã phối hợp cùng với ngành ngoại thương tỉnh tổ chức xây dựng các trường dạy thêu, thường xuyên đi về những cơ sở thêu tại nhiều xã thuộc các huyện: Hương Điền, Hương Phú, Phú Lộc, Triệu Hải, Đông Hà...
Trong thời buổi khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng ông vẫn hăng say, đem hết nhiệt huyết, khả năng để truyền dạy cho hàng ngàn thợ thêu. Khi tròn 80 tuổi, ông nhẩm tính bản thân mình đã đào tạo khoảng 10 ngàn thợ thêu, nay đã có nhiều người thành danh, mở xưởng thêu lớn ở trong Nam, ngoài Bắc.
Nghệ nhân Tâm Thuận với Bát Nhã Tâm Kinh - Ảnh: Võ Văn Dần
Khi đã là thầy giáo, ông vẫn không ngừng làm nghề, đưa nghề thêu lên tầm cao mới. Sản phẩm thêu tay của ông đều góp mặt đều đặn trong các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế.
Tháng 8-2012, ông có 50 bức tranh thêu chủ đề Phật giáo tham gia triển lãm ảnh tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (15A Lê Lợi, Huế). Đặc biệt, trong dịp Festival Huế 2014 vừa qua, ông có bức tranh thêu “Quốc hoa” và “Vinh quy bái tổ” được công chúng yêu tranh đánh giá cao, nhiều du khách nước ngoài đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tìm về tận nhà để được trò chuyện với nghệ nhân lão luyện bậc nhất của ngành thêu ở vùng đất cố đô, nhiều người đã viết vào sổ lưu niệm gia đình ông những dòng cảm xúc dâng trào và thán phục.
Đặc biệt, tác phẩm “Quốc hoa” đã kết tinh trí tuệ đỉnh cao của nghệ thuật, tài nghệ nghệ nhân, sự công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, bức tranh được thêu bằng chỉ tơ tằm và kim tuyến, phản ánh sinh động, chân thật về màu sắc, trang nhã về đường nét, lột tả được nét thanh tao, quý phái của hoa sen. Ông Kinh tâm sự: “Tui quyết định chọn hoa sen để thêu vì nó không chỉ là “quốc hoa”, mà còn là biểu tượng của nhà Phật, sự tích Đức Phật đản sanh bước đi 7 bước, nở ra 7 tòa sen thơm ngát, biểu tượng của từ bi, trí tuệ, tình thương…”.
Thêu Bát-nhã Tâm kinh
Cho đến nay, ông là nghệ nhân làng nghề truyền thống lập nhiều kỷ lục Việt Nam nhất: Kỷ lục thứ nhất về bộ tranh thêu bài thơ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư, bằng 15 thứ tiếng (tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Lào và nhiều quốc gia Phật giáo khác trên thế giới); kỷ lục thứ hai là bức tranh thêu bộ Tâm kinh Bát-nhã Ba-la-mật (gồm 2 quyển: 1 quyển tiếng Việt, 1 quyển tiếng Hán, tổng cộng gần 1.000 chữ, thêu bằng chất liệu chỉ kim tuyến, nền trang sách kinh bằng lụa tơ đen, kích cỡ của mỗi cuốn là 0,3m chiều dài x 0,21m chiều ngang x 0,032m bề dày.
Tác phẩm gồm 13 tấm chữ Việt và 12 tấm chữ Hán. Hai cuốn kinh có bìa trang ngoài bằng gỗ sơn son thếp vàng, chữ thếp vàng…Thời gian thực hiện là 8 năm).
Ông Kinh cho biết: “Tâm kinh Bát-nhã là một bài kinh nhật tụng được chuyên trì nhiều nhất đối với Phật tử Việt Nam từ xưa cho đến nay. Tuy nhiên, trước khi được số đông quần chúng đón nhận dưới dạng một tác phẩm nghệ thuật và văn hóa bởi bàn tay của chính tôi thì tập kinh này chỉ phổ biến trong giới Phật tử bằng việc tụng niệm”.
Một tác phẩm thêu của nghệ nhân Tâm Thuận - Ảnh: Võ Văn Dần
Lí do ra đời bức tranh thêu bộ Tâm kinh Bát-nhã Ba-la-mật, nghệ nhân Lê Văn Kinh chia sẻ: Năm 1956, lúc ông 20 tuổi thì ba mất, ông phát nguyện trong thời gian cư tang bố phải thêu 3 bộ kinh: Tâm kinh, Di Đà, Phổ Môn nhưng vì cuộc sống thường nhật với trăm ngàn nỗi lo toan“cơm, áo, gạo, tiền” nên không đủ thời gian để thực hiện trọn vẹn ước nguyện đó, mà chỉ thêu được một bộ Tâm kinh. Mới đây, tháng 5-2014 ông xác lập kỷ lục thứ ba: bức tranh thêu 2 bài thơ Tẩu lộ và Hoàng hôn trong tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên nền gấm thất thể (được tạo nên bởi 7 màu chỉ), bản dịch tiếng Việt bài thơ Tẩu lộ (Đi đường) được ông thể hiện tinh tế bằng chỉ tơ tằm đỏ chuyển dần từ đậm sang nhạt, riêng bản chữ Hán lại được thêu trên nền tơ đỏ dệt kim tuyến, nguyên liệu đều đặt mua ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Đối với bản dịch bài thơ Hoàng hôn, nghệ nhân Lê Văn Kinh thể hiện cũng bằng chỉ tơ tằm chuyển từ xanh nhạt đến xanh đậm trên nền gấm vàng, tạo vẻ đẹp trang nhã, lung linh, uyển chuyển. Đặc biệt, nguyên tác bài thơ được ông chọn chất liệu chỉ kim tuyến, trên nền tơ tằm đen của làng lụa Vạn Phúc, tạo sự uyển chuyển, sống động, đã làm cho cái hồn của bài thơ lay động qua từng đường kim, mũi chỉ. Tác phẩm được thực hiện trong vòng 3 năm.
Cho biết lý do chọn hai bài thơ của Bác để thêu, ông Kinh tâm sự: Hai bài thơ Tẩu lộ và Hoàng hôn đều được Bác sáng tác trong hoàn cảnh vô cùng cơ cực, bị tù đày khổ ải, nhưng với tinh thần lạc quan cách mạng, với niềm tin tất thắng về tương lai đất nước. Vì quá yêu Bác, kính Bác nên tui chọn để thêu với cả tấm lòng và sự trân quý nhất.
Tranh đẹp khó tả... bằng lời
Tố chất gì cần thiết cho một bức tranh thêu đẹp, có hồn? “Muốn thực hiện một bức tranh thêu phải trải qua các công đoạn: Phác thảo từ ý tưởng qua hình vẽ trên giấy; tạo thành tranh vẽ bằng đúng kích thước đã định, đầy đủ các chi tiết; tô màu theo tự nhiên; tách nét chi tiết các hình họa trên tranh đủ đường nét bằng bút nhỏ đen, dễ đồ in vào nền lụa; chọn các màu chỉ phù hợp với mẫu vẽ dành riêng cho tranh...
Yêu cầu tiên quyết là phải kiên nhẫn bền chí, khổ luyện công phu, cộng với tính mẫn cảm suy diễn được theo màu sắc chỉ để điều phối thế nào là hợp lý, đạt thành tựu cao. Vận dụng hết thảy kinh nghiệm nghề nghiệp, sự sáng tạo, tính nhạy bén, khả năng suy đoán của từng người, chứ rất khó diễn tả thật chi tiết bằng lời”, ông Kinh tâm sự.Ở tuổi 86, ông vẫn rất minh mẫn và yêu nghề.
Cơ sở của ông hiện tổ chức dạy nghề thêu cho những trẻ em khuyết tật tại nhà, tham gia sáng tác mẫu, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều anh em trong nghề thêu ở Huế. Nhấp chén trà sáng, phóng mắt về phía chân trời xa xăm, ông trầm tĩnh nói: “Còn cuộc đời thì ta cứ vui và còn cống hiến”.