Nghề nhang làng Quán Hương

GN - Ghé qua làng Quán Hương, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những hàng nhang, bổi nhang nằm phơi mình trên vỉa hè, trước sân nhà của các hộ làm hương. Mùi hương thoang thoảng trong gió, mà chúng tôi cứ ngỡ đang đứng trước một rừng quế, để rồi tha hồ thưởng thức cái hương thơm nhẹ nhàng.

 

untitled.bmp

Nằm trên Quốc lộ 1A thuộc khu phố 4, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình (Quảng Nam) có làng Quán Hương nổi tiếng từ lâu đời, sau những cố gắng gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống mà cha ông đã để lại. Người dân nơi đây đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, bằng cái nghề truyền thống - nghề làm nhang.

  Đến thăm làng nhang Hà Lam, hình ảnh những gia đình tụm năm tụm bảy quanh những chiếc máy làm nhang, già có trẻ có, không khí thật vui nhộn trong tiếng cười rộn rã. Nghề làm nhang thường mang tính chất gia đình, mỗi người mỗi công đoạn, nó đòi hỏi sự khéo tay và chịu khó chứ không nặng nhọc như bao nghề khác. Vì thế, có những em học sinh, ngoài giờ học có thể làm nhang phụ giúp gia đình, kiếm thêm thu nhập. Em Nguyễn Thị Tố Uyên (14 tuổi), trú tại tổ 4, khu phố 4, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, đang phơi nhang cùng gia đình, em cho biết:  Vào những ngày nghỉ, em thường phụ giúp bố mẹ gói nhang để kiếm tiền học thêm, và đỡ đần giúp bố mẹ.

Hiện nay làng nhang có khoảng 350 hộ sản xuất nhang, giải quyết lao động cho 450 người. Nhiều hộ vừa kết hợp làm nông với việc làm nhang. Theo những người thợ cho biết, đây là một công việc không khó, không đòi hỏi sức lực nặng nhọc, người lớn thì nhồi bột, và nhúng nhang vào nước, người già, trẻ em chỉ cần xe nhang và đóng gói. Gia đình nào càng nhiều người làm, thì càng cho nhiều sản phẩm, và tăng thu nhập càng cao.

Nguyên liệu chính để làm hương là bột quế, bột keo, bột mạt cưa, giác trầm... Mặt hàng sản xuất chủ yếu các loại: nhang trầm, nhang quế, nhang bổi, nhang vòng. Số lượng các loại nhang sản xuất ra phụ thuộc vào từng sở thích của khách hàng đến đặt. Trung bình mỗi năm làng nghề cung ứng ra thị trường hơn 50.000 muôn nhang, tổng doanh thu 7,5 tỷ đồng. Nhiều hộ thu nhập 70 triệu đồng/năm.

Để tạo ra những loại nhang có chất lượng tốt, theo kinh nghiệm của những người dân làm hương ở đây, thường vào vụ mùa là tháng 1, tháng 2, tháng 3, vì đây là những tháng đầu năm nên nắng ấm, không quá nóng bức và bị “đột kích” bởi những cơn mưa giông như các tháng mùa hè, thích hợp với việc làm nhang và phơi nhang. Tranh thủ ba tháng này, nhiều hộ thường làm nhang với số lượng lớn để “dự trữ” cho những tháng khác trong năm, nhất là mùa mưa không sản xuất được.

Vào thời điểm hiện tại, làng nhang đang trong không khí tất bật, hối hả của một vụ mùa đầu năm. Mỗi người thợ làm nhang ai cũng cần mẫn như một con ong cần mẫn, để tạo ra từng nén nhang thơm cho đời. Từng cây nhang được sắp ngay ngắn, phơi mình trong cái nắng chiều. Xa xa, màu đỏ rực rỡ của các loại nhang lóe lên nổi bật, được sắp xếp thành từng vòng trông thật khéo tay, và mùi thơm cứ thoảng trong gió. Tất cả tạo nên một chút ngập ngừng, tò mò ánh nhìn của người qua đường trên hành trình Bắc - Nam .

Chị Phan Thị Lưu (32 tuổi) trú tại tổ 4, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình tâm sự: Tôi làm nghề nhang này được 10 năm, từ khi theo quê chồng. Vợ chồng tôi bên cạnh làm ruộng, thì làm nhang là nghề để giúp chúng tôi tăng thêm thu nhập, mọi trang trải như mua phân bón lúa, nuôi con ăn học, tiền chợ búa... đều nhờ vào cây nhang cả. Ngày thường, tôi và các con làm nhang, còn ông xã tôi chở nhang lên các huyện miền núi bán. Làm nhang vất vả nhất là những lúc mang đi phơi. Muốn nhang có mùi thơm tự nhiên, sau khi xe xong, phải đem ra phơi liền. Chứ sấy bằng lửa, nhang sẽ mất mùi thơm. Cũng vì không sấy được, nên mỗi lúc trời nắng phải tranh thủ vừa làm vừa phơi, đang phơi mà trời mưa xuống thì... chạy lòi họng !”. Chị Lưu cười tít mắt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày