Nghĩ về lễ chùa và “Lộc chùa”

GNO - Mùa Xuân đã về, đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan cũng là lúc mọi người nô nức lên chùa Lễ Phật đầu năm. Người Việt tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về chốn tâm linh sau những năm tháng vất vả trong cuộc mưu sinh. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình.Tuy vậy, cùng với những nét đẹp văn hóa, không ít người đi lễ chùa có thể do thiếu hiểu biết nên cứ nghĩ rằng phải vào gần tượng Phật, Bồ-tát để cầu khấn, và phải khấn thật to thì Phật, Thánh mới nghe; có thùng công đức, nhưng không chịu bỏ tiền cúng dàng vào đó mà phải nhét trên tay các thánh tượng, để cả trên ban thờ, v.v… vô tình đã để lại những hình ảnh phản cảm.
IMG_2544.JPG
Cảnh tượng chen lấn cầu xin ở một ngôi chùa ở miền Bắc trong đêm giao thừa - Ảnh: Chu Minh Khôi

Lên chùa ở miền Bắc, còn gặp nhiều cảnh tượng khác, khiến người viết không khỏi băn khoăn vì những lễ phẩm mặn dâng cúng… do người dâng lễ đặt tùy tiện làm mất trang nghiêm chốn thiền môn tịnh.

Nhớ ngày bé theo bà tôi đi lễ chùa. Bà vào chùa không bao giờ đi thẳng vào Tam bảo ngay, mà thường vào nhà Tăng trước để gặp sư xin được lễ Phật. Bà mượn đĩa của nhà chùa, đặt 5 quả cam lên đĩa, theo sư đi vào Tam bảo. Bà chắp tay khấn vái, còn sư thỉnh thuông, mõ. Xong, bà ra ngoài đợi, hôm thì tranh thủ trò chuyện với sư, hôm thì dạo quanh sân chùa.

Chờ cho cháy gần hết tuần nhang, bà bạch với sư rằng: Con lễ Phật xong rồi! Xin thầy hạ lễ cho, lễ này trước là cúng Phật, sau xin cúng dường sư thọ nhận. Sư hạ lễ, đưa trả lại lễ cho bà. Bà chối không nhận, bảo lễ đã cúng Phật. Tôi thay mặt Phật, chư Bồ-tát ban lộc cho bà. Bấy giờ bà mới từ tốn: Lộc thì con xin nhận, nhưng Thầy cũng phải thụ hưởng thì con mới vui. Vây là sư cầm 2 quả cam, bà cầm 3 quả đem về. Cũng có những lần khác, thấy sư hạ lễ của bà tôi, đem cất đi. Nhưng sau đó sư lại lấy phần oản, xôi mà những người khác dâng cúng đưa cho bà, bảo rằng lộc Phật ban. Có những hôm bà tôi vào chùa lễ Phật, không găp sư, thì bà để lễ đấy, không dám hạ lễ mang về.

Thuở bé, tôi cũng thường theo cha hoặc mẹ đi cúng ở nhà thờ họ. Trước khi lễ,  thường phải nói với ông trưởng họ xin cho lễ. Khi lễ xong rồi, nhờ ông trưởng họ hạ lễ, và sau đó ông trưởng họ sẽ phát lộc. Riêng khi cúng ở nhà mình thì khác. Bà tôi bảo, việc hạ lễ và nhận lộc ở nhà khác với ở chùa, đền. Ở nhà, vì ta là chủ nhà nên được tự hạ lễ và thục lộc, chứ ai hạ lễ cho. Vả lại, nhà của ta, ta làm gì mà chẳng được. Nhưng khi đến chùa đền, ta chỉ là khách, thì cách cư xử nó phải rất khác. Ta đi lễ chùa, phải nghĩ đến điều này, ai là người xây chùa cho mình đến lễ cúng? Ai là người hàng ngày quét chùa, chăm sóc nhang đèn để cho ta có được chốn tâm linh để tìm đến đó nương tựa tâm hồn mình, tìm sự an lạc? Bà tôi bảo, dân gian có câu "tán tài tán lộc", hoặc “lộc bất tận hưởng”. Bởi vậy, đồ lễ cúng xong, thường người ta không dám hưởng lộc một mình. Lộc chùa thường được chia làm nhiều phần. Một phần được chính người dâng cúng đem về thụ lộc, một phần để cho sư và những người coi sóc chùa, một phần thì để dành cho những người lang thang cơ nhỡ, đói khát, nhưng trẻ không có nơi nương tựa...

Dân gian xưa có câu: "Trước lễ trụ trì, hậu lễ Tam bảo". Mỗi người vào chùa, trước hết là nên gặp các nhà sư, để chào hỏi, thỉnh giáo các chư Tăng để được giảng giải, truyền dạy cho những kiến thức, tri thức, kinh, luật, các phương pháp thực hành vào đời sống để có được cuộc sống an lạc, thành đạt...

Việc lễ Phật chỉ nên làm sau khi đã được truyền thụ những giáo lý nhà Phật, các quy trình lễ Phật cho đúng. Thế nhưng, ngày nay rất nhiều người chẳng cần gặp chư Tăng để tham vấn học những điều hay trong cuộc sống, mà chỉ biết nhảy bổ vào Tam bảo chùa và lễ vái các ông tượng. Do không nắm được các quy trình lễ Phật, nên thường không biết bắt đầu từ đâu. Vào chùa, họ cứ nhảy bổ ngay vào chỗ Bàn thờ Tam bảo để đặt lễ và khấn vái, mà không theo những quy trình tuần tự cho đúng lệ. Bởi vậy, khi chắp tay vái, họ chỉ biết mỗi việc là cầu xin. Hiện tượng này có phần nguyên do ở những di tích lớn, lượng người vào lễ quá đông, nên sư không thể tiếp và hỗ trợ hết cho mọi tín đồ Phật tử, thành ra mọi người cứ tự lễ vái, tự hạ lộc đem về. Còn xảy ra tình trạng, không ít người dân vào chùa trong đêm giao thừa, tự ý bẻ cành cây của chùa đem về và họ gọi đó là hái lộc.

Thực ra, thứ mà chúng ta vào chùa tự ý lấy về, hoặc cướp về ấy không thể là lộc. Lên chùa hái lộc, hành vi đúng đắn là chúng ta xin và nhận lộc từ các tăng ni phát cho. Hầu hết các chùa đều chuẩn bị sẵn những cành lộc để phát cho khách đi lễ chùa đêm giao thừa. Đáng tiếc thay, từ việc vào chùa tự hái lộc, tự hạ lộc rồi giật lộc… đã phát sinh những cảnh tượng cướp lộc ở trong các lễ hội. Mà hiện tượng ở lễ khai ấn đền Trần năm ngoái, tình trạng người đi lễ giật hoa, tranh cướp những đồ vật trên bàn thờ là vấn đề rất đáng báo động, cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về văn hóa của người đi lễ đền, chùa ngày nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày