GN - Ở thành phố Hồ Chí Minh, không ai không biết đến dòng kênh Nhiêu Lộc. Những tin tức về quá trình hồi sinh của một dòng kênh tưởng như đã bị khai tử này làm nức lòng bao người.
Cảnh quan hai bên dòng kênh đã được thay đổi một cách ngoạn mục. Dòng nước kênh không còn đen ngòm và hôi hám, mà đã mang trong mình sự sống qua dấu hiệu của nhiều đàn cá bơi lội tung tăng sớm chiều, tạo nên phong cảnh hữu tình giữa lòng đô thị sôi động bậc nhất cả nước này.
Phóng sanh xuống dòng kênh
Thành phố cũng đã có chủ trương thả 200.000 con cá xuống hai dòng kênh Nhiêu Lộc và Tàu Hủ nhân Ngày Môi trường thế giới, đồng thời khuyến khích dân cư cùng góp tay chung sức thả cá, tạo sức sống mới cho những dòng kênh vừa hồi sinh. Việc làm đúng đã được hàng trăm người tham gia, trong đó có rất nhiều chùa, chư Tăng Ni và Phật tử đã ủng hộ vì hợp với ý nghĩa của việc phóng sanh vốn có trong văn hóa tín ngưỡng của đạo Phật.
Cái giá cho sự hồi sinh của những dòng kênh này, về vật chất, là rất lớn; nhưng lớn hơn rất nhiều là sự quyết tâm và tầm nhìn của lãnh đạo về hướng phát triển lâu dài, chăm lo chất lượng sống của người dân.
Thành quả này lẽ ra cần được giữ gìn và phát huy, nhưng thực tế xem ra không như vậy. Ai có dịp đi ngang những con đường đẹp hai bên dòng kênh này đều có thể chứng kiến rất nhiều người ngang nhiên câu những con cá vừa được phóng sanh, được thả theo chủ trương của thành phố.
Điều đáng nói nữa là một số báo điện tử đã đưa tin về những “kỳ tích” của các “câu thủ”, như câu được cá lớn, cá lạ… kích thích sự hiếu kỳ, xem việc câu cá trên các dòng kênh vừa được hồi sinh do nhân tạo là chuyện bình thường, vô hình trung đã cổ xúy cho hành vi xâm phạm môi trường sinh thái mà chúng ta đã gian nan lắm mới cải tạo được, đi ngược lại với việc phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, tái tạo và bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan đô thị...
Thiết nghĩ, thành phố nên sớm ban hành những quy định ứng xử phù hợp, cần nghiêm khắc với những hành vi như vậy, không chỉ với các dòng kênh mà với môi trường sinh thái chung ở thành phố. Việc làm đó chắc chắn sẽ được số đông đồng thuận. Và như vậy sẽ tạo dựng được niềm tin của người dân về những việc làm tốt; theo đó, ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái cũng sẽ được nâng cao, trở thành ứng xử bình thường của mỗi người trong đời sống hàng ngày.
Nếu không như thế thì những nỗ lực của thành phố sẽ mất ý nghĩa, và hậu quả tai hại nhất là mất niềm tin nơi những người ủng hộ sự kêu gọi của thành phố, trong đó có Tăng Ni, Phật tử tham gia trong phong trào kêu gọi thả cá, phóng sanh, tái tạo sự sống cho các dòng kênh - mạch máu của môi trường sinh thái.
Và hình ảnh trái ngược: rất nhiều người câu cá trên dòng kênh này
Hoàng Độ