Ngôi trường đào tạo tu sĩ trẻ tại Canada

GN - Những chú tiểu tập sự, phần lớn chỉ mới đôi mươi, chăm chú lắng nghe bài giảng từ các vị giáo thọ thông qua hệ thống micro trong một lớp học nhỏ nhắn, sạch sẽ.

Lớp học nổi bật với những mái đầu cạo nhẵn và những bộ pháp phục đặc trưng. Hình ảnh này trở thành xu thế chủ đạo và phổ biến tại Trường Quốc tế Nguyệt Quang, một ngôi trường tư thục Phật giáo tại Little Sands, Canada.

Trường không cho người theo học sử dụng điện thoại cá nhân hoặc vi tính nhưng sách thì đa dạng và phong phú.

Lớp học rất trật tự và ai cũng chú tâm, đôi mắt hướng về phía trước. Một vị sư đọc bài và cả lớp đọc theo, âm giọng lớn hơn.

Những môn học truyền thống như Khoa học, Toán và Địa lý không được dạy giống với vài ngôi trường khác tại khu vực này mà chủ yếu được triển khai bằng hình thức ứng dụng. Thời khóa biểu còn có các môn: Văn học Trung Quốc cổ, Triết học Phật giáo và Giáo dục đạo đức.

01canada.jpg


Một giờ học của trường

Geoffrey Yang, người phát ngôn của trường, cho biết một số sự kiện xảy ra trên thế giới thường được mang ra chia sẻ và thảo luận trong lớp. Ví dụ hiện tại học trò của trường đang tìm hiểu về nhà hoạt động vì môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg.

Học sinh của trường đến từ nơi xa nhất là Đài Loan và California, sinh hoạt và tu học trong các cơ sở của trường với sự chăm sóc của các vị tu sĩ Phật giáo lớn tuổi hơn thuộc tu viện Phật giáo Đại Giác, Canada.

Trường Nguyệt Quang hiện có 183 học trò là chú tiểu tập sự, theo học từ lớp 7 đến lớp 12 tại 3 cơ sở khác nhau. Hai cơ sở dành cho tu sĩ nam, tọa lạc ở Little Sands và Heatherdale, cùng một cơ sở dành cho nữ tọa lạc ở Uigg. Có khoảng 200 ứng viên ghi danh theo cấp sau tiểu học, đó là cách thông thường để trở thành các vị tu sĩ Phật giáo chính thức.

Theo sư Yang, bố mẹ của các chú không buộc phải đóng học phí, nếu có, đó chỉ là sự đóng góp công đức vào quỹ của trường. Toàn bộ hoạt động của trường được tiến hành trên cơ sở đóng góp của các vị mạnh thường quân.

Gang, một phụ huynh từng là doanh nhân nhưng nay đã nghỉ hưu, cùng vợ là bà Yuhsin Lee, có con theo học tại trường, đã quyết định chuyển nhà từ Đài Loan sang Montague để có thể gần con hơn.

Nhưng có nhiều vị phụ huynh khác, như Mark và Jade Lin, đang sinh sống tại San Jose, California, có con trai 11 tuổi và con gái 13 tuổi theo học tại trường, không thể ở gần con được.

Mark và Lin cũng từng đến ở tại cơ sở dành cho phụ huynh của trường một thời gian khi các con bắt đầu theo học vào tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, sau đó hai vợ chồng đã quyết định trở về quê để các con có thể tự lập theo cách chúng mong muốn.

Tất cả học trò ở đây không bị buộc phải ở hẳn trong trường mà có thể rời đi bất cứ lúc nào. Vào tháng trước đã có hai chú tiểu tập sự 15 tuổi xin rời trường.

“Nếu ước nguyện học tập ở đây thành tựu thì đó là một điều tuyệt vời”, Mark chia sẻ. “Còn không thì cũng có con đường khác dành cho các con”.

Mark cho hay, anh không nghĩ nhiều đến việc nếu con anh trở thành tu sĩ chính thức, nó sẽ phải sống độc thân, và điều đó có nghĩa anh sẽ không có cháu.

Ngược lại Mark, vợ anh muốn con chọn con đường theo học tại trường, bởi con sẽ có một cuộc sống đơn giản, sau khi chị chứng kiến một số người bạn ở California tuy rất giàu có nhưng lại không hạnh phúc.

Trong khi đó, Gang có con trai nhập trường và sống tại tu viện từ 15 tuổi. Cậu tên Rick, 19 tuổi. Việc quyết định ở lại trường là của Rick. Rick đã từng như bao đứa trẻ khác, thích xem phim và chơi điện tử.

Rick cho biết: “Tôi bắt đầu nhận ra rằng, liệu các trò chơi điện tử có thực sự mang lại hạnh phúc cho bản thân? Tôi mong muốn hạnh phúc, nhưng điều đó không đến từ những giá trị vật chất mà phải bằng sự rèn luyện tâm thức. Chính vì lẽ đó, tôi đã quyết định vào sống tại tu viện”.

Rick hiện tại theo học chương trình sau trung học, sống trong Tăng xá như những chú tiểu tập sự khác. Tăng xá được thiết kế theo dạng truyền thống với đầy đủ đồ dùng cùng giường ngủ và bàn học. Các phòng ở trông gọn và sạch với nhiều kệ sách.

Tất cả mọi người trong trường và tu viện đều thức từ 3 giờ 50 sáng. Tuy vậy, các chú tiểu nhỏ tuổi có thể thức trễ hơn một chút. Sau đó là thời kinh sáng để giúp cho tâm thức được sáng suốt hơn.

Khi bữa sáng kết thúc cũng là lúc bắt đầu các giờ học tại trường, giữa mỗi môn học được nghỉ giải lao 15 phút. Đến 10 giờ 30, mọi người bắt đầu lao động bao gồm dọn dẹp, làm vườn, quét tuyết hay bất cứ việc cần làm nào khác.

Bữa ăn trưa được tiến hành vào lúc 11 giờ 30. Đây là bữa ăn cuối của ngày, nhưng các chú tiểu nhỏ có thể ăn thêm một bữa tối. Rick cho biết, chú đã quen với việc không ăn chiều.

Sau giờ cơm trưa là thời gian tự do trong 2 tiếng. Tiếp theo đó là giờ lên lớp buổi chiều và tự học buổi tối. Toàn thể thành viên sẽ đi ngủ lúc 9 giờ 30 tối sau khi kết thúc thời kinh cuối ngày.

Các chú tiểu tập sự không xem tivi, không sử dụng điện thoại hoặc internet, ngoài việc được liên lạc với người thân theo lịch trình cố định. Thỉnh thoảng nhà trường tổ chức cho học trò đi dã ngoại.

“Tôi nghĩ, với nhiều người, cuộc sống ở đây thật không dễ dàng. Nhưng cá nhân tôi thấy ở đây thật tuyệt vời và tôi thích điều ấy”, Rick tâm sự.

Irvin, vị tu sĩ phụ trách trường, cho hay phương thức giáo dục của nhà trường không như thông thường, vì được tuân theo các nguyên tắc đạo đức Phật giáo, đó là “giáo dục từ con tim”.

Tâm Nhiên (theo ABC)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày