GN - Thời kháng chiến, không may bị trúng đạn của địch, ông mất đi một cánh tay phải. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, ông Thái Văn Hai, 56 tuổi (biệt danh thầy Hai cụt) đã nghĩ mình bế tắc trong cuộc sống khi phải mất đi cánh tay trợ thủ đắc lực. Song dù chỉ còn một tay, ông Hai vẫn được nhiều người nể phục vì chơi đàn cực hay bằng một tay còn lại…
Không đầu hàng số phận
Đến ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hỏi nhà ông Thái Văn Hai (tức thầy đờn Hai cụt), hầu như không ai không biết. Bởi không chỉ là con người hiền lành, mà đặc biệt ông có biệt tài đờn ghi-ta phím lõm với chỉ một tay.
Nghe nhiều người kể về ông Hai có biệt tài đàn một tay, chúng tôi đã tìm về ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp để được chứng kiến tận mắt, tai nghe lão nông có biệt tài đờn một tay này.
Mọi người ở đây thường gọi ông là thầy Hai cụt bởi ông đã bị mất cánh tay phải vào đầu năm 1966 do chiến tranh. Mỗi buổi chiều, sau khi kết thúc công việc chăm sóc cho những vườn cây ăn trái, người dân trong ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp lại tập trung tại nhà ông Hai cụt để nghe ông chơi đờn.
Ông Hai chơi đàn bằng một tay - Ảnh: Tuổi Trẻ
Chưa vào tới nhà, đã nghe được tiếng đờn của ông Hai vang từ trong nhà ra ngoài ngõ với bài độc tấu Nam xuân. Đến nơi, chúng tôi bắt gặp cảnh mọi người ai nấy đều ngồi im, lắng nghe như nuốt từng nốt nhạc. Chúng tôi sững mắt lên nhìn khi thấy người chơi đờn chỉ dùng một cánh tay mà có thể vừa đánh, vừa khẩy bốn ngón trên một bàn tay mà tiếng đờn nghe vanh vách, lúc trầm, lúc bổng, y như một nghệ sĩ chuyên nghiệp, thực thụ.
Kết thúc bản nhạc, biết chúng tôi tới tìm, ông Hai vội gác chiếc đàn ghi-ta là bạn tri kỷ của mình sang một bên để trò chuyện. Ông nhớ lại: “Năm đó, tôi vừa tròn 22 tuổi (năm 1966) khi đang tham gia đánh trận ở khu vực Nam Bộ, tôi bị thương nặng và phải cắt đứt cánh tay phải để bảo đảm cho mạng sống. Sau đợt đó, tôi được xuất ngũ về quê. Lúc về nhà, nhìn thấy mọi người có tay, chân lành lặn còn mình kém may mắn hơn họ, có lúc nghĩ mà chạnh lòng với bản thân. Nghĩ vậy, tôi muốn kiếm một thứ gì đó để giải sầu…”.
Trong lần đi ăn tiệc ở nhà bạn, ông Hai cụt được nghe những bản nhạc quê du dương như Phi Vân Hiệp, độc tấu Nam xuân, khiến ông thay đổi một cách nhanh chóng. Kể từ lúc đó, mỗi lần nghe đoàn ca nhạc, hay cải lương về diễn là ông nhanh chóng có mặt. Mỗi khi đoàn nhạc bỏ nhạc cụ xuống nghỉ ngơi là ông Hai cụt lại cầm đờn đánh thử.
Nhiều lần bị người ta la mắng nhưng tiếng những nốt nhạc đó như đã thấm sâu vào con người ông. May mắn lúc đó, ở địa phương có ông Sáu Phước mở lớp dạy đờn, ông Hai cụt đăng ký đi học nhưng ông Phước chỉ dạy được cho những người chơi được hai tay chứ không dạy được người một tay như ông.
Không đầu hàng số phận, ông Hai cụt tự mình mày mò, học lóm theo những nốt nhạc thầy Phước dạy cho học trò. Gần 1 năm bám trụ với đam mê và hiểu được nguyên tắc đờn, tự ông đã xử lý, khẩy dây đờn với những ngón tay trên bàn tay trái. Chẳng bao lâu sau đó, ông Hai cụt đã đờn được những bản nhạc mình yêu thích như Nam xuân, Tây Thi. Sau đó, tự ông mở băng cassette nghe người ta đờn, ông học thêm.
Đầu năm 1971, nghe danh Hồ Hiệp, một tay đờn cải lương nổi tiếng ở miền Tây lúc bấy giờ, ông Hai cụt quyết tâm tìm đến để thọ giáo. Khi đó, ông nghĩ mình tàn tật nên cố gắng chơi đờn thật tốt để lấy âm nhạc nuôi sống bản thân. Cũng năm đó, ông được gặp đoàn ca nhạc, cải lương Rạng Đông về xã biểu diễn. Ông muốn lên sân khấu để chơi thử cho mọi người xem nhưng do sợ sệt, ông không dám ngỏ lời.
Một người bạn của ông giới thiệu:“Thằng này một tay vậy chứ đánh nghe hay lắm, chú cho nó thử xem sao!”. Khi đó, ông bầu đoàn hát mới cho ông Hai cụt thử sức mình. Sau bản Phi Hồ Điệp, chơi bằng một tay, ông đã khiến cho nhiều khán giả phải tròn mắt nhìn. Từ đó, ông Hai cụt được ông bầu cho theo đoàn hát cải lương đi lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ước mong truyền nghề
Mãi đến đầu năm 1974, ông cùng đoàn lưu diễn tới tỉnh Sóc Trăng, cũng vì đoàn hát có người một tay chơi đờn rất độc chiêu và hay nên khán giả kéo đến xem rất nhiều. Sau chuyến lưu diễn đó, được nhiều người ngỏ lời đề nghị, ông Hai cụt từ giã đoàn hát ở lại địa phương và được người dân nuôi ăn, ở, dạy đờn cho họ.
Ông Hai tâm sự: “Họ thích nghe tôi đờn lắm, mọi người cứ một mực đòi tôi dạy nên không còn cách nào khác đành chấp nhận ở lại đây. Lúc đó, tôi cũng có thêm biệt danh là ông Hai đờn do người dân nơi đây đặt cho. Không những các chàng trai mà dần dần có nhiều cô gái trẻ đến xin vào lớp học của tôi. Trong đó có bà Trần Thị Đắc (vợ tôi bây giờ), không hiểu sao bà ấy lại thích tiếng đờn của tôi đến vậy.
Khi đó, dù mặc cảm với những người bình thường nhưng vợ tôi vẫn ngỏ lời yêu tôi. Sau nhiều ngày tháng cảm nhận được tình cảm của bà ấy dành cho mình là chân thật, tôi quyết định tiến đến hôn nhân. Sau khi cưới nhau, tôi cùng vợ về Tiền Giang để làm ăn, ở quê cũng có vài người hay đến nhà tôi để thưởng thức những bản nhạc cải lương, ca cổ. Riêng chiều thứ Bảy, Chủ nhật có 5 học sinh tới nhà học đờn.
Năm 1998, tỉnh Tiền Giang lập đội văn nghệ cấp tỉnh để tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng Quân khu IX. Ông Hai cụt được triệu tập vào đoàn của tỉnh để đi diễn. Tại hội thi, ông Hai thi diễn độc tấu ghi-ta phím lõm. Với ngón đờn một tay tuyệt vời của mình, ông Hai cụt đã đoạt huy chương vàng cá nhân cho tiết mục bản vọng cổ Nam xuân. Từ đó, tiếng tăm ông Hai cụt chơi đờn một tay lại càng vang xa hơn nữa. Nhiều người yêu thích cải lương, vọng cổ ở tận Cà Mau, An Giang… tìm đến tận nhà ông Hai để thưởng thức những bản nhạc của ông.
Với nghệ thuật chơi đờn một tay của mình, nhiều nhà có tiệc tùng cũng hay mời “thầy” Hai về chơi đờn góp vui, trước là thỏa sức đam mê của những người thích nghe cải lương, hai là ông Hai cũng có thêm một khoản thu nhập để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Ở địa phương có rất nhiều người đam mê đờn ca tài tử, dù có cả hai tay và rèn luyện thời gian cũng khá dài nhưng không ai có thể đánh đờn hay như ông Hai.
Mỗi lần thi ở huyện hay tỉnh là ông Hai cụt đều đoạt giải thưởng đặc biệt. Do có tuổi nên về sau, nhiều đơn vị tổ chức muốn mời ông tham gia nhưng ông đều từ chối. “Tôi muốn truyền lửa cho những người đam mê với cải lương. Và, tôi đã hội ngộ được những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này để truyền lửa lại cho nhóm đờn ca tài tử gồm con cháu, người thân trong gia đình và những người có thú đam mê cải lương truyền thống” - ông Hai tâm sự.
Muốn giữ lửa cho thế hệ sau “Thế hệ trẻ bây giờ toàn nghe những bản nhạc hiện đại. Có lẽ ngày càng không có nhiều người trẻ theo đuổi đờn ca tài tử nữa. Con tôi, nó cũng vậy. Tôi muốn truyền ngón nghề lại cho nó mà nó học được mấy bữa rồi lại bỏ. Tôi thật sự muốn truyền nghề đánh đờn ghi-ta phím lõm cho những người thực sự đam mê và muốn theo đuổi nó để mai sau truyền lại cho con cháu” - ông Thái Văn Hai bày tỏ. |