Ngũ Hành Sơn - Non Nước

Chịu cảnh súng bắn đạn rơi, Ngũ Hành Sơn - Non Nước vẫn trường tồn cùng những thăng trầm của lịch sử.

Nằm ngay bên bờ biển Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn còn có tên gọi rất dân dã là núi Non Nước. Non Nước mang đậm hình bóng một vùng sơn thủy hữu tình đã in sâu mấy trăm năm trong tâm tưởng người Quảng Nam. Ca dao Quảng Nam có lời mời thấm đẫm nhân tình:

Ai về Non Nước thì về

Trước sông, sau biển, núi kề một bên.

Một ngôi chùa trên Ngũ Hành Sơn. Ảnh: ST

Lời thề Non Nước

Non Nước không chỉ có núi, có sông mà còn có biển. Với bao con người Quảng Nam trên 500 năm như nay, trước lúc qua đời vẫn lấy chút hơi tàn, ngoảnh đầu lại dặn con cháu đặt một tấm bia bằng đá núi Non Nước. Vô số những bi ký, mộ chí lập ra từ những năm 80 của thế kỷ 20 trở về trước đều làm bằng đá Non Nước. Quả như một lời thề, nặng nghĩa nặng tình với hồn xứ sở.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước giờ đây có còn nặng trĩu những bước chân lo việc hiếu nghĩa ở đời như thế hay không? Hỏi và nhìn những con sư tử, con cọp, tượng người, tượng Phật được tạc bằng đá trầm tư trước bao hưng phế của thời gian cùng nỗi nhân tình thế thái. Giọt nước từ bầu vú thiên nhiên trong lòng động Huyền Không đã bị bàn tay phàm tục làm lép đi, khô cạn. Bến nước ngày xưa, nơi vua Minh Mạng tuần du phương Nam ghé lại đã thôi những dập dềnh sóng vỗ. Cái am nhỏ của nàng công chúa em vua chìm trong cõi thiền, khuất trong mây mờ ký ức.

Động Huyền Không. Ảnh: ST

Trong ký ức tôi vẫn vẹn nguyên những ngày đưa cha ra Non Nước để chữa bệnh. Thầy Huệ Hướng bắt ấn niệm Phật, đưa cha vào một hang động trong lòng ngọn Kim Sơn. Tiếng kinh kệ, hơi đá lạnh, niềm tưởng vọng trong âm u lòng núi khiến cho nhiều người đến đây thốt nhiên trầm lặng. Rồi lặng đi dần.

Ngọn núi như ngón tay cái của Phật níu nỗi vọng tưởng mơ hồ về kiếp nhân sinh. Đời người như chiếc bóng, chìm trong bóng núi, từ Non Nước ra đi lại trở về với nước non. Cha đã chìm khuất trong cõi ngoài vô tận ấy, nên nỗi hoài niệm cứ rưng rưng đeo đẳng lòng con mỗi khi ngước nhìn Non Nước. Lòng ai se thắt nỗi quan hoài. Hình như Non Nước đẹp trong nỗi hoài mộng ấy.

Thăng trầm cùng lịch sử

Non Nước là một thắng cảnh đẹp của cảnh sắc thiên nhiên. Cái đẹp của cửa thiền. Cái đẹp hoài niệm.

Trên lối xưa tìm về, còn có một dòng sông Cổ Cò như chiếc tao nôi ôm lấy núi. Từ xa xưa, sông Cổ Cò là con đường thủy nối thành phố Hội An ra cửa Hàn mà Thích Đại Sán từng mô tả là đẹp như tranh thủy mặc. Đi xuôi dòng sông từ buổi sớm khi sương mờ còn giăng, ta nghe những chỗ buôn bán hai bên bờ sông xôn xao với những quang gánh hàng rau hành.

Sông uốn khúc qua những làng mạc, đến cửa Hàn thì vỡ òa trong ánh bình minh ngày mới. Đi ngược lối du hành của nhà sư Thích Đại Sán sau đó là những khách Tây, những nhà du khảo người Pháp. Bác sĩ Albert Sallet (1877- 1948) mô tả rằng dòng sông “đã từng thấy những chuyến ngự du ngang qua, những binh đội vội vàng cần kíp, từng nghe những tiếng gào thét của lính chiến, những tiếng reo hò khải hoàn”.

Trong tiếng vọng của lịch sử, Non Nước và dòng sông Cổ Cò trở thành chứng nhân. Người Pháp, rồi người Mỹ đã qua đây. Nếu không có bom rơi súng nổ thì mãi mãi non và nước này sẽ còn nguyên vẹn vẻ đẹp của những chuyến du hành khám phá.

Du khách tham quan Ngũ Hành Sơn. Ảnh: ST

Tôi đồ rằng những phát đại bác từ tàu chiến Pháp nã vào thành Điện Hải đã được lệnh của những viên sĩ quan chưa cảm được những dòng ký thuật của chính người Pháp về vẻ diễm lệ của nước non Quảng Nam. Họ là người Pháp nhưng chưa hề đọc đoạn viết của bác sĩ Albert Sallet về sông Cổ Cò qua Non Nước: “Hành trình bằng đường sông thường khởi hành vào sáng sớm, trong cái mát dịu ban mai: nước lặng, chỉ có tiếng gọi của dân chài phá tan sự im lặng và người ta dự vào cái không khí thức giấc của cảnh vật này, trong tiếng khua ván thuyền của các ngư phủ đánh cá mà lưới bao la họ đã giăng đầy, sẵn sàng đuổi cá vào trong khung cảnh rún rẩy của đồng lúa sớm bờ sông bên phải cùng với ánh mặt trời lên nhanh tỏa sáng trên những trảng cát phía đông...”.

Người Pháp bắn đại bác vào sự yên bình ban mai, của dòng sông, đồng lúa là đã bắn vào cái đẹp. Non Nước từ đây nhuốm màu thuốc súng, thủy - hỏa, kim - mộc đã tương khắc, đá nát người tan. Nhưng may thay, Ngũ Hành tương khắc mà cũng tương sinh. Sự yên bình đã trở lại sau bao năm hòa bình, để người về Non Nước ngày vui.

Nhà sư Thích Đại Sán, bác sĩ Albert Sallet và bao người nữa đã đi về cõi vô tận nhưng Non Nước thì còn đấy, như một lời thề, như một hình bóng của xứ sở mãi in vào tâm thức người Quảng Nam. Non Nước phổ độ chúng sinh. Non Nước có nghề đá mỹ nghệ tác tạo hình hài của nỗi nhớ thương da diết về cha về mẹ. Non Nước còn đây như lời nguyện nước thề non của bao nhiêu duyên tình, bao người cầu tự, bao dòng trôi mải miết trong vòng ngũ hành, trong cõi đất trời, nhân gian.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày