Người bỏ phố lên rừng xây tượng

Cho đến nay, tượng Phật trên núi Tà Cú vẫn là pho tượng Phật nằm lớn nhất Đông Nam Á.
Cho đến nay, tượng Phật trên núi Tà Cú vẫn là pho tượng Phật nằm lớn nhất Đông Nam Á.
Hàng ngàn tấn xi-măng, sắt thép, vôi vữa được vận chuyển thủ công lên núi để tạc tượng. Tuy nhiên, cát xây dựng lại được lấy ngay trên núi.
Người đứng ra thiết kế, chỉ huy xây dựng và tạc bức tượng Phật là điêu khắc sư Trương Đình Ý (chứ không phải kiến trúc sư như nhiều tài liệu lầm tưởng). Ông Ý đã rời bỏ vị trí giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định để toàn tâm toàn ý lên núi thực hiện công trình này.

Bỏ giảng đường lên núi

Ông Trương Đình Ý là một trong 10 sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khoa Điêu khắc Trường Mỹ thuật Đông Dương 1935. Bàn tay tài hoa của ông được làng điêu khắc trong và ngoài nước đánh giá rất cao, đặc biệt là chuyên về Phật tượng. Ông từng là giáo sư hội họa các trường Võ Tánh, Quy Nhơn (1940); Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn (1950); giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế (1958); giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1956-1957, 1961-1962).

Đầu năm 1962, Ban giám hiệu Trường Mỹ thuật Gia Định bất ngờ nhận được lá đơn xin nghỉ không ăn lương dài hạn của giảng viên Trương Đình Ý để lên núi Tà Cú theo lời mời của vị sư trụ trì. Trước đó chùa Linh Sơn Trường Thọ đã cử nhiều đoàn đi từ Quảng Trị đến tận Cà Mau để kêu gọi Phật tử đóng góp thực hiện công trình. Sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ cũng đích thân đi đến nhiều nơi giải thích về lợi ích khi làm được pho tượng Phật khổng lồ này.

Nhiều người ngạc nhiên khi thấy vị giảng viên điêu khắc tài hoa xuống tóc, mặc áo lam, bỏ đô thị lên núi sống nhiều năm để thực hiện công trình. Trong khi đó, vợ ông - bà Công Tôn Nữ Liên Chi phải một mình nuôi các con ăn học, còn ông làm việc hoàn toàn không công. Sau này khi điêu khắc sư Trương Đình Ý qua đời, bà Liên Chi đã tự hào nói với các con: “Ba không để lại gia tài của cải gì cho tụi con như những người bạn đồng liêu nổi tiếng của ba nhưng để lại một di sản lâu dài cho những thế hệ sau này. Như vậy mạ cũng hãnh diện lắm”.

Trước mỗi giai đoạn công trình, hòa thượng Thích Vĩnh Thọ lại làm lễ nguyện cầu chư Phật phù hộ cho công trình được như ý. Ảnh tư liệu gia đình ông Trương Đình Ý.

Pho tượng khổng lồ đúng là di sản độc đáo của Phật giáo Việt Nam. Nét đẹp của khuôn mặt tượng Phật núi Tà Cú đã được một trang web cho rằng sánh ngang hoặc hơn các kiểu Phật tượng ở Ấn Độ, đông và tây bắc Trung Quốc ở vùng Tôn Hoàn (Dun Huang), Nhật Bản (Kamakura), Triều Tiên (Sokkuram), Campuchia (Angkor), Indonesia (Borobudur-Java) với nhiều sắc thái, đặc thù của từng vùng quốc gia.

Trong một tài liệu chuyên môn, điêu khắc gia Trương Đình Vĩnh Lân (Hoa Kỳ) đã viết về lời dạy của cha mình: “Tâm của người điêu khắc với tượng là một”. Theo ông Lân, cha ông từng dạy với điêu khắc Phật tượng làm sao phải rõ 32 tướng hảo và 80 tùy hình phụ để thể hiện nét tướng với cấu trúc chính xác nhân hình học. Có lẽ chính vì tạo tượng với thân tâm thanh tịnh cộng với khả năng điêu luyện về Phật tượng nên hơn 50 công trình của ông như ở chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Phật Cô Đơn hay tượng Phật ở chùa Đại Giác ở Vũng Tàu, chùa Hồng Ân ở Huế... đều hao hao nhau và đạt đến nét “điêu khắc thuần tịnh” (diệu lực của không tánh) như một điêu khắc gia nhận xét.

Sức người đọ sức thiên nhiên

Trong e-mail gửi về từ Rheinfelden, Thụy Sỹ, ông Trương Đình Vĩnh Quí (một người con trai của ông Ý) cho biết sở dĩ cha ông khi làm pho tượng còn để lại cánh cửa là do công trình vẫn còn dang dở. Việc để lại cánh cửa mà sau này dấy lên nhiều đồn thổi chỉ là ý định của ông Ý và trụ trì chùa đưa vật liệu lấp kín vào trong lòng tượng để pho tượng bền vững vĩnh cửu. Tuy nhiên do kinh phí không còn, hơn nữa lúc đó chiến tranh liên miên nên công trình xem như vẫn còn dang dở. Sau này vào khoảng năm 1998, Ban quản lý núi Tà Cú đã cho lấp lại cánh cửa nói trên.

Để làm được công trình đồ sộ này, hàng ngàn người đã phải vác từng viên đá, gánh từng bao xi-măng từ chân núi lên. Thế nhưng không hề vận chuyển dù chỉ một hạt cát.

Tương truyền để có cát xây dựng, trước ngày thi công, hòa thượng Thích Vĩnh Thọ, trụ trì chùa cho trữ nước dùng vào các mái chứa rồi bít kín các mạch nước chảy. Hàng ngày hòa thượng thắp nhang chú nguyện, sáng ra từ các mạch nổi đã trào ra những đụn cát nhuyễn dùng được cho công trình mà không cần mang từ chân núi lên... Điều này cũng đã được lý giải đây là cách lấy cát của người xưa ở những vùng rừng núi. Theo đó, với độ dốc cao, nước chảy mạnh, chỉ cần hướng lực nước âm xuống những vùng đất thịt sẽ đãi được cát. Ngoài ra, theo ông Trương Đình Vĩnh Quí thì hàng ngàn nhân công còn tỷ mẩn kiên trì rửa đất để lấy cát.

Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ và điêu khắc gia Trường Đình Ý (phải).

Để hoàn thành tượng Phật trong bốn năm, đã có hàng chục, hàng trăm ngàn người tự nguyện góp công sức, tiền tài, vật lực. Trong số đó có thể kể đến các ông Thích Bôn Hải, Thích Bổn Long. Hay như ông Ba Đá, mù một mắt, chẻ từng viên đá nhiều năm liền; ông Tư Câm bị câm điếc bẩm sinh nhưng theo suốt công trình. Đặc biệt là người thợ hồ Lê Quang Ký rời bỏ gia đình ở Huế để theo chân điêu khắc gia Trương Đình Ý thực hiện từ đầu đến cuối công trình...

Nỗi buồn sau công trình

Ngày 7-1-1993, cụm chùa và tượng Phật trên núi Tà Cú được nhà nước công nhận là di tích văn hóa-lịch sử quốc gia. Hai năm sau, tác giả Trương Đình Ý qua đời. Sau đó mấy năm, các con của ông từ Thụy Sỹ, Mỹ về thăm núi Tà Cú để chiêm ngưỡng tác phẩm của cha mình. Ông Trương Đình Vĩnh Quí thở dài: “Một tác phẩm khổng lồ để đời nhưng chẳng thấy một bảng nhỏ nào ghi danh cha tôi và những cộng sự làm nên. Chắc cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện này!”.

Ông Quí cho biết lần đó ông còn nghe sư trụ trì chùa có ý định sửa đổi khuôn mặt pho tượng Phật vì cho rằng “cái khuôn mặt của Phật hơi ốm, đôi mắt nhắm híp không mở ra, không đúng tướng tốt của Phật, vai hơi thấp không được cân bằng...”. Theo ông Quí, nếu sửa đổi cái diện của đức Phật khổng lồ này là đã vi phạm tác quyền của thân phụ ông. Hơn nữa sửa đổi tác phẩm gần nửa thế kỷ trước của một điêu khắc sư hơn 50 năm hành nghiệp chuyên về Phật tượng đã được giới chuyên môn trong và ngoài nước công nhận thì thật là đau lòng.

Đến nay ý định sửa đổi khuôn mặt tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn trên núi Tà Cú vẫn chưa “khởi động”. Song có điều rất thật là tượng Phật khổng lồ này đang xuống cấp nghiêm trọng, nứt ở nhiều nơi. Trên thân tượng là hằng hà sa số những dòng chữ của những người thiếu hiểu biết viết lên đầy dung tục. Bảng tôn vinh, tán thán công đức của những người làm nên vẫn không thấy đâu. Trong khi cáp treo của khu du lịch Tà Cú hàng ngày vẫn bán vé, đưa nhiều lượt người lên núi để chiêm ngưỡng tuyệt tác của Phật giáo Việt Nam này...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày