GN - “Những hình ảnh đại diện về người con Phật hiện đại tại châu Á”, đó là nội dung một cuốn sách đáng đọc về thân thế của những nhân vật điển hình thể nhập được truyền thống tôn giáo với đời sống đương đại.
Họ là ai? - Một Phật tử dành trọn đời mình cho việc tạo ra những bộ phim hoạt hình điện tử sống động từ các câu chuyện cổ tích Phật giáo; một dịch giả, một nhà giáo dục nổi tiếng đã đưa ra những cải cách triệt để trong nghiên cứu về tâm lý học và triết học phương Tây áp dụng vào chương trình đào tạo đại học Phật giáo; một nhà giải phẫu thời đại mới với nền tảng là một ngôi sao điện ảnh.
Bìa cuốn sách "Figures of Buddhist Modernity in Asia"
Ba nhân vật Phật giáo điển hình người Đài Loan trong một cuốn sách mới ấn hành như thể diễn tả được sự cống hiến của người con Phật khắp châu Á liên quan đến vai trò hội nhập, theo những cách rất riêng của họ, đưa lời dạy của Đức Phật đến gần hơn với thế giới hiện đại.
Những trường hợp được viết trong sách do đề cử của nhiều thành phần khác nhau và các câu chuyện được diễn dịch cho thấy một khía cạnh khác của xã hội Đài Loan hiện tại - sự phát triển kinh tế đặt trong mối tương quan với Trung Quốc. Và trong môi trường Phật giáo, xuất hiện vai trò của người cư sĩ Phật giáo “tăng trưởng nhưng không phân biệt".
Người đàn ông Đài Loan đầu tiên được nhắc đến trong cuốn sách được biết đến với cái tên rất đơn giản: Cide. Ông công tác gần chùa Posha Shan Faming, Zhonghe, thành phố New Taipei. Là con trai của một doanh nhân nhưng sau đó ông đã buông bỏ tất cả, phát nguyện xuất gia thực hành đời sống của người tu sĩ Phật giáo, thầy Chanjing. Cide vốn là một Phật tử thuần thành, quy y và cầu học với vị cao tăng Phật giáo Trung Quốc nổi tiếng Taixu (Thái Hư đại sư: 1890-1947), vị đã khởi xướng và đi đầu trong khái niệm “Phật giáo nhân văn”.
Công việc chính của Cide là làm việc với mạng internet. Ông thực hiện các clip phỏng vấn và sau đó dùng công nghệ kỹ thuật số chuyển thể thành bộ phim hoạt hình về Đức Di Lặc Bồ-tát. Ngoài ra, trong thời gian qua, ông cũng tiến hành thiết kế khá nhiều các trang web giới thiệu lịch sử các ngôi chùa.
Người Đài Loan xuất chúng thứ hai được đề cập đến là sư Houguan, sinh năm 1956. Thầy được tiếp nhận và hướng dẫn bởi bậc trưởng lão khả kính của Phật giáo Đài Loan đương đại - Ấn Thuận pháp sư (1906-2005). Trưởng lão Ấn Thuận là vị giáo phẩm đã khởi xướng phong trào hiện đại hóa Phật giáo Đài Loan. Một trong những vị đệ tử xuất sắc của ngài chính là Ni sư Chứng Nghiêm - người sáng lập tổ chức Từ Tế đang có tầm hoạt động toàn cầu khá thành công trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện, giáo dục, y tế. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghiên cứu và học thuật Phật giáo thì Thượng tọa Houguan nổi trội hơn cả.
Thầy đã quyết tâm thực hiện việc nâng cấp chương trình giảng dạy các cơ sở đào tạo Phật giáo, tiên phong trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để giảng dạy cả tu sĩ lẫn tín đồ, nỗ lực sắp xếp các chương trình hội nghị xuyên qua các quốc gia Phật giáo.
Cũng quan trọng không kém là việc thầy tiến hành kết hợp cải cách, sử dụng phương thức tiếp cận của tâm lý học và triết học phương Tây, phê bình và ngôn ngữ học khi giảng giải các văn bản Phật giáo cổ.
Thầy đã dành dường như cả đời mình trong vai trò trưởng khoa, giáo sư giảng dạy tại Viện Phật học Đài Loan Fu Yan. Thầy cũng là Chủ tịch Tổ chức Văn hóa Phật giáo Ấn Thuận, một tổ chức giữ vai trò truyền bá lời dạy của Pháp sư Ấn Thuận.
Vị tín đồ Phật giáo danh tiếng được đề cập cuối cùng trong cuốn sách là Terry Hu (Hồ Nhân Mộng). Sinh năm 1953, cô là một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, sau đó bén duyên với Phật giáo nhờ cuốn sách của nhà thông thiên học Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986). Sau đó, cô chuyển thể lại cuốn sách bằng ngôn ngữ Đài Loan và nhìn nó bằng con mắt của một người Phật tử thuần thành.
Có một thời gian sinh sống và làm việc tại Mỹ, trở về Đài Loan, Terry Hu đã cổ xúy cho phong trào Thời đại mới đang lên ở Đài Loan vào những năm 1980. Theo đó là một loạt những hoạt động hướng đến sự dấn thân cho việc hiện đại hóa cũng như đề cao giá trị của thiền Phật giáo. Trong các kế hoạch thực hiện cho phong trào Thời đại mới, bà nhấn mạnh việc chống lại tư tưởng độc đoán. Cùng với đó là việc giới thiệu thuật ngữ Phật giáo bất cứ khi nào có thể.
Đây thực sự là một quyển sách đặc biệt giới thiệu những cách tiếp cận hiện đại liên quan đến Phật giáo thông qua các cá nhân cụ thể để, từ đó đề cao giá trị truyền thống và trí tuệ Phật giáo.
Bảo Thiên (theo Taipei Times)