Người dạy tôi từ những vần thơ

Gửi tặng mẹ Hoàng Thị Oanh

GNO - Tôi và Mẹ có một cuốn nhật ký chung cho những tháng ngày đầu tiên tôi đi học xa nhà, đó là một cuốn sổ nhỏ ghi những bài thơ của Mẹ - một người nông dân đích thực viết cho tôi và những câu chữ vu vơ của một đứa trẻ chuẩn bị sang lớp 4 tập tễnh viết theo mẹ, là tôi…

Me len Ha Noi.JPG

Thu Huyền và mẹ, trong một lần mẹ lên thăm - Ảnh tác giả cung cấp

Tôi sinh ra tại một vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa, và hầu hết người dân mưu sinh bằng nghề làm ruộng, cái nghề phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, được mùa hay mất mùa đôi khi chỉ cách nhau trong gang tấc. Vào những đợt nông nhàn, những người đàn ông có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình bằng cách đi làm thợ xây, thợ quét sơn, thợ xách hồ… cho những công trình ở ngay tỉnh nhà, hoặc một số thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng nếu muốn có mức thu nhập tốt hơn.

Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, và ba tôi cũng từng làm thợ xây, thợ xách hồ, thợ quét sơn, thậm chí là buôn bán hàng rong khắp nơi khắp chốn để đổi gạo cho hai anh em tôi thuở nhỏ. Cuộc sống mưu sinh quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quanh năm ngửi mùi hồ xây, mùi sơn với bao mồ hôi, công sức mà vẫn loanh quanh trong cái cảnh “được bữa hôm lo bữa mai” khiến ba mẹ tôi thấy rằng, chỉ có con đường học hành thành đạt mới là con đường để anh em tôi thoát khổ, và chuyện học hành của chúng tôi được ba mẹ đầu tư hơn bao giờ hết.

Hè năm 1999, tôi học xong lớp 3, nghe nói ở dưới Bôn (một khu phố thuộc huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, cách nhà tôi khoảng hơn 10km) có một thầy giáo dạy Toán nổi tiếng khắp cả huyện, ba mẹ tôi tất tả nhờ người đến xin cho tôi học thì được biết lớp học cùng lứa với tôi đã học được gần 2 tháng. Thầy đặt ra điều kiện sẽ kiểm tra tôi, nếu tôi vượt qua bài thi thì thầy sẽ nhận. Tôi vượt qua bài thi một cách dễ dàng và ngay ngày hôm đó, tôi phải xa ba mẹ, ở với bà o (quê tôi gọi như vậy) gần nhà thầy giáo để tiện cho việc đi học.

Chẳng hiểu sao lúc chia tay mẹ tôi không khóc, chỉ dặn mẹ rằng, cứ một tuần mẹ xuống thăm con một lần và nhớ mang cho con cuốn sổ nhỏ của con nhé! Cuốn nhật ký riêng của hai mẹ con tôi được bắt đầu từ đó.

Những ngày tháng đầu tiên quả là khó khăn, tôi chăm chỉ học bài và cũng chăm chỉ khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ, từng giờ, từng phút đều mong ngóng mẹ xuống thăm. Mẹ xuống với cuốn sổ của chúng tôi, trang đầu tiên là tên tôi và hai câu tựa:

“Sổ này ghi những gì đây?

Sổ này ghi những phút giây vui buồn!”

Hồi đó, tôi tẩn ngẩn vì thấy chữ của mẹ rất đẹp, những chữ hoa được viết uốn lượn và đều tăm tắp, và cứ thi thoảng tôi lại lấy ra ngắm, nên trong đầu chỉ có hai điều ước rằng, mẹ sẽ xuống thăm mình luôn để mình không phải nhớ, và ước gì chữ mình đẹp như chữ mẹ. Thế rồi tôi ngồi cười tủm tỉm một mình bên gốc trứng gà đang mùa chín của nhà bà và nắn nót viết từng chữ một:

“Đời người được mấy giấc mơ

Giấc mơ nào cũng ngây thơ lạ lùng”

Những ước mơ hồn nhiên của một đứa trẻ đơn giản là thế, và chắc hẳn mẹ tôi đọc sẽ chỉ thấy sự ngây thơ chứ không thể hiểu ý tôi là gì. Nhưng nó thôi thúc tôi phải giữ gìn sách vở sạch đẹp, rèn luyện, nắn nót từng nét chữ hằng ngày, và để nhắc nhở mình, tôi chép hẳn đoạn hát sau vào sổ ngay sau trang thơ mẹ viết: “Từng nét chữ xinh xinh thẳng hàng, ngòi bút viết theo tay nhịp nhàng, điều hay ấy chúng em được biết chính cô dạy em thế...”. Và thi thoảng cứ ngân nga đi ngân nga lại mấy câu hát này. Lớn hơn một chút, tôi được nghe câu “Nét chữ nét người”, rèn chữ cũng là rèn tính nết.

Bài thơ đầu tiên mẹ viết cho tôi là bài “Lòng mẹ thương con”, lời thơ - lời dặn dò giản dị và mộc mạc mà dù ai đọc cũng có thể hiểu đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi và trong suốt nhiều năm sau của quãng đời học sinh xa nhà, từng câu, từng chữ vẫn hiện rõ ràng trên trang sổ mà bây giờ đã ngả chút vàng theo màu của thời gian. Ai bảo người nông dân khô khan và cộc cằn, với riêng tôi, thì mẹ - một người nông dân chính hiệu nhưng đầy dịu dàng, khéo léo, tinh tế và đặc biệt, mẹ có thể cũ  người nhưng tình mẹ thì luôn mới:

“Khi con đi học xa nhà

Mẹ thương mẹ nhớ khuyên con vài lời

Vì con mẹ phải khổ nhiều

Vì con mẹ phải sớm chiều lo toan

Lòng mẹ chan chứa tình thương

Nuôi con ăn học mong con nên người

Con ơi sớm sớm chiều chiều

Nhớ con, con nhớ những điều mẹ khuyên

Năm nay lớp 4 đã lên

Học sao cho bõ công ơn của thầy

Chỉ cần ngoan ngoãn nghe con

Biết vâng lời mẹ, biết nghe lời thầy

Dù cho sóng gió vơi đầy

Gian lao vất vả có ngày sẽ qua

Mặt trời sáng rực hừng đông

Dang tay vẫy đón tuổi xuân huy hoàng

Thương con mẹ dặn mấy lời

Con ơi hãy cố làm người trò ngoan

Nghe con!”

Mẹ Hoàng Oanh  

Và nét chữ còn nguệch ngoạc của tôi ghi ngay bên dưới bài thơ đáp lại lời mẹ: “Con nghe lời má Hoàng Oanh!” Tôi hạnh phúc khi nhìn lại những vết dấu thân thương thuở đó.

***

Những buổi chiều tà cuối thu man mác, bao giờ cũng gợi lên cho con người ta thật nhiều nỗi niềm. Tôi nghe văng vẳng đâu đây trong tiếng lá rơi đôi câu trong bài Hiếu Hạnh của thầy tôi, thầy Tuệ Nguyên: “Chiều nay nhìn đôi tay, lòng bâng khuâng nhớ mẹ”, “Chiều nay nhìn trang sách, từng trang thơm lời mẹ”.

Ngày đó tôi học cũng khá, chỉ một thời gian ngắn đã không những theo kịp chúng bạn mà con trội hẳn so với lớp và luôn được thầy khen. Mẹ lại viết nhật ký cho tôi:

 “Sống ở đời khó lắm con ơi

Đừng cho mình là hơn cả

Đừng cho mình là đẹp nhất vườn xuân

Rồi từ đó tự hào hơn cả

Rồi tự nhiên khinh bỉ mọi người

Mà phải là con người khiêm tốn!”

Tôi và mẹ thường tâm sự với nhau theo kiểu như thế. Ngày đó nhà bà tôi cũng nghèo lắm, bà ở với cậu và cả nhà chỉ có một chiếc quạt con cóc thường để giữa hai chiếc giường. Những ngày hạ nóng nực thật khó chịu và mỗi buổi ban trưa, mỗi buổi đêm bà thường phải dùng quạt nan quạt cho tôi ngủ. Tôi viết vào nhật ký bài “Cái quạt” để tâm sự cùng mẹ, nhưng trước khi viết vào sổ, tôi phải viết nháp tới 3 lần, bởi sau lần thứ 3, mấy câu mà tôi gọi là “thơ” mới chịu vần:

“Tôi tuy là nứa trong rừng

Tàu xe đi khắp trăm miền gần xa

Bạn ơi yêu mãi tôi mà

Yêu tôi đến lúc tuổi già vẫn yêu

Có tôi bên cạnh sớm chiều

Mọi nhà hạnh phúc được nhiều ước mơ

Say sưa đắm đuối những giờ

Nhiệt độ 39 vẫn cặp kề tôi bên

Đến khi giấc ngủ đã mềm

Cảm ơn cái quạt, bạn đời thân yêu

Thực ra thì ba mẹ cũng biết nhà bà thiếu quạt, và tôi sẽ phải chịu nóng, ba mẹ mang quạt cây ở nhà xuống cho tôi đã nằm trong dự tính trước, chứ không phải vì mấy câu viết linh tinh cốt chỉ để tập viết với mẹ. Nhưng cái thuở bé, tôi đâu hiểu được điều đó, nên vẫn luôn cho rằng mẹ hiểu được ý tôi, và đó là điều thật kỳ diệu.

***

Bài đã đăng: Ngày tháng nào của mẹ? ll Viết cho mẹ ll Đóa hồng trong tim ll Mẹ yêu ll

Thơ của mẹ -  là những lời dạy dỗ tôi, nhưng đi vào trong tôi thật nhẹ nhàng và không khô khan, giáo điều như người ta hay nói. Mẹ không chắc tôi có thể hiểu hết những lời mẹ viết, và tôi cũng thế, tôi chỉ đọc, thuộc lòng, nhớ… và không rõ ngày đó tôi hiểu được bao nhiêu. Nhưng những lời đó đã đi mãi cùng tôi suốt những ngày tháng cấp 2, cấp 3 đi học trọ, những năm đại học và cho đến tận bây giờ, cũng như mãi mãi về sau nữa, khi tôi đã lớn, đã được học, đã tiếp xúc và có chút trải nghiệm với đời, để hiểu những lời mẹ dạy.

Lời má khuyên con

“Làm người phải biết ăn năn

Làm người phải biết xóa hận thù xưa

Làm người phải biết sớm trưa

Làm người phải biết sống vị tha cho mình”

Niềm hy vọng của má

Má hy vọng đời con hãy tươi như bông hoa cúc

Má chúc con hạnh phúc như hoa mai

Tương lai của con tươi sáng như hoa đào

Lòng con phải dạt dào như biển cả!”…

Và còn, còn rất nhiều những lời nhắn nhủ như thế nữa. Những chiều nhớ mẹ, nhớ nhà, tôi hay ngồi đọc thơ mẹ. Vì còn bé quá, không nén nổi cảm xúc nên bao giờ tôi cũng khóc, nghĩ về mẹ và nhìn cuốn sổ là cách duy nhất để mẹ ở bên tôi.

Gốc trứng gà và sau cánh cửa là nơi tôi hay trốn bởi sợ bà sẽ thấy. Chiều nay, ngồi bên cửa nhìn lá thu rơi, thấy đời người cũng như chiếc lá, non, xanh rồi úa vàng và rơi rụng, mẹ tôi cũng đã già hơn xưa. Tôi thấy má mình sao ươn ướt và môi mằn mặn, nghe thoảng trong gió lời của mẹ:

“Con ơi mẹ dặn mấy lời

Phải luôn ghi nhớ những lời thầy cô…”

“…Một ngày xa mẹ nên khôn

Tuy là thương nhớ mẹ chôn vào lòng

Đợi ngày con sẽ lớn khôn

Đợi ngày mẹ sẽ được hôn con mình…”

Với mẹ, dù tôi lớn chừng nào, thì tôi cũng vẫn mãi là đứa con bé bỏng của ngày ấy, mẹ tôi có biết rằng:

Khi ba mẹ buồn

Con ước làm cơn gió

Thổi những nỗi buồn vào giấc mộng

Và mộng sẽ tan khi con tỉnh giấc…

Mẹ cùng những lời thơ đầy trìu mến và tình yêu thương bao la đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, đã nhắc nhở tôi phải sống sao cho xứng đáng làm người, xứng đáng với đời. Sống, đâu chỉ cho riêng mình.

Bây giờ đây, tôi sắp đi theo con đường mà mình đã chọn, dù cho hiện tại mẹ chưa đồng ý cho tôi đi con đường đó, nhưng tôi biết, sẽ sớm thôi, mẹ sẽ hạnh phúc khi thấy tôi sẽ vững vàng trong mỗi bước chân đi. Tôi hít một làn gió chiều, nhắm mắt, thở vào, con đang thở cho ba, và thở ra, con đang thở cho mẹ…

Thu Huyền

Bạn có kỷ niệm nào ngập tràn yêu thương với những người phụ nữ mình yêu quý, những người phụ nữ để lại cho bạn một dấu ấn khó phôi phai, những người phụ nữ đã cho bạn niềm tin để đứng dậy và cho bạn sự vững chãi giữa đời gió giông?

Hãy viết câu chuyện và những sẻ chia với người phụ nữ khả kính-yêu thương mà bạn đã học được từ họ bài học làm người. Đó cũng là lời cảm ơn bạn dành cho họ…

Bài, gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com, đề rõ: Tham gia viết “Cho những đóa hồng”. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 20-10-2012.

Bài chọn đăng sẽ được chấm nhuận bút theo chế độ của tòa soạn.

PG-TT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày