Học Phật để phát triển trí tuệ, tăng trưởng lòng từ, hiểu rõ nhân quả, từ đó
có hướng đi sáng đẹp chứ không phải để cầu xin, mong được ban phước lành này nọ...
“Tôn vinh một nhân vật là cần thiết, nhưng nhân vật đó có công đức như thế nào với dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Nếu vì “Lợi”, “Dự”, “Xưng” mà đánh đồng một nhân vật có công to lớn với dân tộc, với Phật giáo Việt Nam là có tội với tổ tiên, có tội với lịch sử. |
Mọi lúc, mọi nơi, từng cá nhân chỉ cần có một sự thấy biết không chân chánh (tà kiến), tư duy không chân chánh (tà tư duy), nói năng không chân chánh (tà ngữ) và việc làm không chân chánh (tà nghiệp), lập tức thị phi xuất hiện.
Thị phi tức là sự khen chê của con người, nếu từng cá nhân thực hiện đầy đủ bốn đạo đầu tiên trong Bát Chánh đạo thì sẽ nhận được tiếng khen và ngược lại. Đây là quy luật nhân quả - tất yếu khách quan của xã hội.
Khi bị chê, cũng như lúc nhận được góp ý thẳng thắn, có cơ sở, nếu là một con người chân chánh, người đó sẽ nhận thức được việc làm của mình để điều chỉnh hành vi, việc làm; ngược lại vì sự vun trồng bản ngã, người đó bao biện cho những việc làm không đúng của người mình sùng bái, đánh đồng việc mình làm với một người nổi tiếng khác để cho việc làm của người mình sùng bái là đúng. Như thế chưa xứng đáng mang trên mình tên gọi là đệ tử Phật, không xứng đáng là người văn minh, tiến bộ trong một xã hội văn minh, tiến bộ.
Theo lời Phật dạy, sự thị phi của thế gian có tám loại làm não loạn, mê hoặc tâm, đó là: Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc (thuật ngữ Phật học gọi là Bát phong).
Trước hết nói về “Lợi”, vì mưu cầu lợi ích cục bộ cá nhân, quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc và đạo pháp nên thấy không đúng, suy nghĩ không đúng, nói năng không đúng, việc làm không đúng. Đơn cử, qua phương tiện thông tin đại chúng, có người không hề biết tí gì về y học, bằng công nghệ quảng bá, người này được tôn vinh người như là thần y, bệnh gì trị cũng khỏi. Thế là hàng ngàn người vì thiếu hiểu biết, nên kết quả cuối cùng là bị lừa gạt, tiền mất tật mang.
Và trường hợp đạo lạ hiện nay tại Việt Nam, thông qua công nghệ quảng bá, hàng ngàn người do thiếu hiểu biết nên vội tin theo. Xã hội phản ứng vấn đề này đâu phải gì ác cảm với người mạo xưng thần y, đạo lạ này mà muốn trả lại sự công bằng cho mọi người, làm trong sáng y học, trong sáng niềm tin.
Đối với vấn đề “Dự” và “Xưng”, tức là gián tiếp khen ngợi người khác và trực tiếp ca tụng người khác, dù biết người đó không xứng với địa vị và danh xưng đó. Từ đó dẫn đến phản ứng của xã hội, dẫn đến xung đột về nhận thức. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề “Dự” và “Xưng” vẫn không ngoài tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp của người sùng bái cá nhân và người được sùng bái.
Khi rơi vào vòng xoáy của tứ tà đã nêu, người này, người kia bằng mọi cách bao biện, so sánh, đánh đồng với những nhân vật nổi tiếng để bảo vệ việc tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp của mình.
“Đức Phật dạy “hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Những huyền năng về cầu đảo sẽ không giải quyết được sinh tử, không giải quyết được nhân quả. Chỉ có chúng ta là hòn đảo của chính mình mới giải quyết được sinh tử và không mê lầm nhân quả bằng sự cầu đảo. |
Mọi người ai cũng biết, một nhân vật nổi tiếng đều do cộng đồng xã hội tôn vinh sau khi người đó qua đời. Cộng đồng xã hội rất khách quan, công bằng, bằng sự chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp của mình để tôn sùng nhân vật. Điển hình như vua Trần Nhân Tông sau khi hai lần đánh thắng giặc phương Bắc, từ bỏ ngôi vua đi tu, khi đi tu Ngài nỗ lực xây dựng một đạo Phật mang đậm nét của người Việt.
Sau khi Ngài Trần Nhân Tông qua đời, nhân dân Việt Nam mới tôn vinh Ngài là “Phật hoàng” bởi vì công đức của Ngài quá lớn đối với dân tộc và Phật giáo Việt Nam.
Một nhân vật nổi tiếng khác của thời cận đại, đó là Bồ-tát Thích Quảng Đức. Trong lúc đất nước Việt Nam chìm trong khói lửa chiến tranh, Đạo pháp bị đe dọa bởi chính sách kỳ thị của nhà cầm quyền bấy giờ, Ngài tự nguyện thiêu thân mình để đấu tranh cho độc lập dân tộc, bảo vệ đạo pháp. Sau khi Ngài Quảng Đức vị pháp thiêu thân, nhân dân Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tôn vinh Ngài là Bồ-tát.
Tôn vinh một nhân vật là cần thiết, nhưng nhân vật đó có công đức như thế nào với dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Nếu vì “Lợi”, “Dự”, “Xưng” mà đánh đồng một nhân vật có công to lớn với dân tộc, với Phật giáo Việt Nam là có tội với tổ tiên, có tội với lịch sử.
Chúng ta là đệ tử Phật chân chánh, phải trên tinh thần chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp để làm lợi mình, lợi người, vì lợi ích dân tộc và Đạo pháp mà phục vụ; nhất là đừng để “Lợi”, “Dự”, “Xưng” (gió Bát phong) làm não loạn, mê hoặc tâm để sùng bái thái quá một cá nhân, rồi đánh đồng người này với tổ tiên của mình.
Chúng ta hãy thật sáng suốt khi tin theo một hiện tượng lạ nào đó. Lịch sử đã để lại cho hậu thế những bài học vô giá về lòng tin không chọn lọc mà gây nguy hại cho dân tộc, cho đạo pháp. Đức Phật dạy “hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Những huyền năng về cầu đảo sẽ không giải quyết được sinh tử, không giải quyết được nhân quả. Chỉ có cách mỗi người hãy quay về là hòn đảo tự thân mới giải quyết được sinh tử và không mê lầm nhân quả bằng sự cầu đảo.
Nguyễn Văn
* Tin, bài liên quan:
- Về tôn xưng "Pháp vương"
- Một người đang tu tập, tôn Pháp vương là lạm xưng
- Không ai ngoài Đức Phật được xưng tôn Pháp vương
- Vấn đề lạm xưng Pháp vương: Cuồng tín cá nhân
- HT.Thích Thiện Hoa dạy chỉ cần gọi "thầy" là được
- Vấn đề "Pháp vương": Bình thường ở Ấn Độ, quá lố ở VN
- Trách nhiệm hướng dẫn các pháp môn và phương tiện tu hành cho tín đồ