Người gieo mầm Phật pháp ở Nam Cát Tiên

GN - Nam Cát Tiên là xã miền núi thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Tâm linh là một nhu cầu luôn hiện hữu trong cuộc sống của người dân ở nơi đây. Hình tượng Quán Thế Âm Bồ-tát ở Niệm Phật đường Hồng Trung Sơn trên tay nâng bình tịnh thủy và tiếng chuông chùa vốn dĩ đã khắc sâu vào tiềm thức của họ...

Hoằng pháp nơi hẻo lánh

Dưới sự dẫn dắt, hướng đạo của ĐĐ.Thích Pháp Cần, ngôi già-lam đầu tiên của xã Nam Cát Tiên chính thức được khai mở và có quyết định công nhận cơ sở tôn giáo vào năm 1998 với tên hiệu Niệm Phật đường Hồng Trung Sơn, tọa lạc tại ấp 2. Khi đó, chánh điện là căn nhà mái ngói 3 gian, không vách chắn, nằm sát triền đồi.

Con đường đất nhỏ dẫn vào còn lầy lội, hai bên là ruộng lúa nước đan xen các thửa vườn điều. Rừng cây tre, nứa của Lâm trường 600 tiếp giáp phía sau, xa xa trước mặt thấp thoáng vài nóc nhà dân. Khuôn viên chùa rất ít cây trái sinh trưởng vì chất đất nhiễm phèn. Đến với Hồng Trung Sơn, duy nhất thấy được một sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng, đó là không khí trong lành, tĩnh lặng, hợp với chốn thiền môn.

ANH Xh (2).JPG

Phật tử ở Niệm Phật đường Hồng Trung Sơn tu tập

Năm 2007, sau khi nhận 2 học vị tiến sĩ Phật học và Triết học Phật giáo tại Đại học Delhi, Ấn Độ, SC.Thích nữ Hằng Liên - Tỳ-kheo-ni thuộc Hệ phái Khất sĩ đến hoằng dương Phật pháp tại huyện Tân Phú. Được sự giúp đỡ của TT.Thích Pháp Cần, Trưởng BTS GHPGVN huyện Tân Phú, Ban Hộ tự Niệm Phật đường Hồng Trung Sơn đã thỉnh nguyện Sư cô về trụ trì.

Phật tử nơi đây rất vui, song khôngtránh khỏi sự hoài nghi, bởi Sư cô tu học 14 năm liền ở nước ngoài, sao lại chọn vùng hoang vu này để hành đạo? Xưa kia, các Tăng sĩ đã từng gieo duyên nơi đây nhưng rồi không một ai ở lại ngôi chùa này. Huống chi sư cô là phận nữ, vóc người nhỏ bé, lẽ nào hòa nhập đượcvới sự lạ lẫm từ nếp sống, sinh hoạt đến phong tục người dân ở giữa sơn dã này!

Nghĩ đến Niệm Phật đường Hồng Trung Sơn, hẳn Phật tử luôn nhớ về một thuở rắn rết thi nhau kéo tới trú ngụ trên mái nhà, đôi lúc rơi xuống chỗ Phật tử ngồi tụng kinh, có khi chúng trườn vào phòng nghỉ, nằm mọi ngóc ngách và thậm chí ngay cả thời Sư cô tọa thiền. Hồng Trung Sơn tự do đó còn được người bản địa gọi là chùa rắn…

Và rồi, ngôi già-lam bắt đầu ấm áp trở lại, mùi hương trầm lan tỏa, hòa theo lời kinh, tiếng mõ hàng ngày. Đạo tràng trang nghiêm, thanh tịnh, lắng đọng từng lời giáo huấn với pháp thoại nhẹ nhàng, truyền cảm như khai mở vạn vật hồi sinh. Vị Sư cô đã tận tình chỉ bảo Phật tử học một số biến kinh, bằng cách đọc cho nhau nghe trong những buổi làm chung trên nương rẫy hoặc dưới ruộng đồng. Người biết chữ, biết kinh dạy người không biết chữ, chưa biết kinh, mỗi ngày dăm câu và cứ thế, ngày qua tháng lại, họ đã thông thuộc một số bài kinh phổ biến.

Vạn sự khởi đầu nan

Đầu năm 2008, Sư cô Hằng Liên có quyết định bổ nhiệm trụ trì Niệm Phật đường Hồng Trung Sơn là niềm vui khôn tả của Phật tử nơi đây. Pháp khí không thể thiếu của một ngôi chùa là đại hồng chung. Với sự hỗ trợ của bá tánh, chiếc chuông đồng có trọng lượng 5,4 tấn đã được đúc thành công. Hàng ngày, sư cô thỉnh nguyện hai thời sớm, chiều đều đặn. Âm hưởng này trở nên thân thuộc, dường như nó tồn tại trong đời sống của người dân và len theo cả bước chân của con em gia đình Phật tử vào giảng đường đại học.

Kế tiếp, nhằm tôn tạo biểu tượng tâm linh Phật giáo để nhân dân có nơi an trú, gột rửa thân tâm hướng tới thiện lành, chùa đã xây dựng một thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trước chánh điện, tọa trên hồ sen với chiều cao 9m, chân đế 2m, xung quanh chân đế là hình lục giác có đường kính 6m và hướng đi ra bằng 4 cây cầu.

Phía trước thánh tượng là khoảng sân rộng nối liền đường đất sinh lầy, nay được bê-tông hóa kéo dài khoảng 600m đến đường giao thông liên xã. Chếch về phía sau tay trái thánh tượng khoảng 200m là tượng Phật Thích Ca nhập Niết-bàn có chiều dài 6m, rộng 3m cùng với dãy tượng Thập đại đệ tử.

Hiện nay, tuy chưa xây dựng được ngôi chánh điện, song, Sư cô đã gây dựng được một đạo tràng đủ mạnh để hoằng truyền giáo lý Như Lai, thu hút thập phương bá tánh biết đến miền vùng núi xa xôi này. Phật tử đã cùng chung tay kiến tạo, dựng xây trai đường và phòng thiền, mỗi nơi có sức chứa hàng trăm người. Các căn phòng đơn sơ liên tiếp hình thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho thiền sinh thay vì trước kia phải căng lều, ở bạt… Công trình xây lắp đường dây điện 3 pha dài hơn 500m cũng vừa hoàn thành, trang thiết bị tiện nghi đảm bảo điều kiện tốt cho thiền sinh tu tập cả hai mùa mưa, nắng.

Gieo mầm Phật pháp

Sau tai nạn giao thông, Sư cô Thích nữ Hằng Liên đã kiên trì hành trì thiền định để vượt qua vô thường chi phối. Sau vài tháng duy trì luyện tập, sức khỏe của Sư cô đã dần hồi phục và trở lại bình thường. Chính từ hiệu ứng tích cực này, một số Phật tử có ước nguyện muốn học thiền. Vì thế,Sư cô Hằng Liên đã truyền dạy bằng tất cả tâm huyết và kinh nghiệm của mình cho bất cứ ai có niềm tin vào Chánh pháp.

Ban đầu chỉ là một nhóm người tham dự trong mười ngày miên mật theo thời khóa thiền Tứ niệm xứ (Vipassana), cứ hai tháng Sư cô tổ chức một lần ngay tại Hồng Trung Sơn. Hiện nay, do nhiều người có nhu cầu tu học nên khóa thiền được tổ chức hàng tháng. Thiền sinh là những người Việt Nam sống ở các vùng miền, không phân biệt tôn giáo, mỗi khóa tu có trên dưới 100 người tham dự.

ANH Xh (1).JPG


SC.Thích nữ Hằng Liên hướng dẫn Phật tử thực tập thiền

Thuở đầu khai sơn chỉ có một mình, đến nay Sư cô Hằng Liên đã có khoảng 20 đệ tử, tu tập theo nghi lễ Ni giới Hệ phái Khất sĩ trực thuộc tổ đình Ngọc Phương (TP.Hồ Chí Minh). Thời khóa hàng ngày là tu thiền và tụng kinh vào các buổi tối gồm Ni chúng và Phật tử tham dự. Trong tháng có hai buổi cúng hội, giảng pháp vào mồng một và ngày rằm. Hàng năm, chùa tổ chức pháp hội đàn tràng Đà-la-ni vào tháng Giêng và tháng Tám; mỗi đợt 8 ngày, đồng thời phát quà cho dân chúng sau khi hoàn mãn. Mỗi dịp lễ lớn như: Tết Nguyên tiêu, Phật đản, Vu lan có hàng ngàn Phật tử tham dự.

Mặc dù bận rộn với việc giảng dạy tại Học viện PGVN tạiTP.Hồ Chí Minh, tham gia công tác hoằng pháp cho các chùa, tịnh xá trong và ngoài hệ phái, hàng tháng còn mở lớp dạy thiền với một khóa 10 ngày… nhưng Sư cô vẫn dành thời gian tổ chức cho các em thanh thiếu niên một trại hè vui chơi bổ ích, học Phật pháp và thực hành thiền. Bên cạnh đó, Sư cô còn cưu mang, đón nhận một số trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn về chùa nuôi dưỡng, cho đi học.

Ngoài ra, Sư cô Hằng Liên luôn tích cực tham gia các phong trào từ thiện, xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho thương bệnh binh các dịp lễ, Tết, đóng góp xây dựng quỹ học sinh nghèo vượt khó, tổ chức cho Phật tử tham gia cúng dường các chùa, phát quà cho người mù tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng…

Trải qua bao thăng trầm, khó  khăn, Sư cô Hằng Liên vẫn luôn giữ vững phạm hạnh của bậc chân tu. Những ký ức về một thời gian khó như tiếp thêm động lực cho Sư cô vượt qua thử thách, chướng ngại để giữ lấy thành quả có ý nghĩa lớn lao trong công tác hoằng truyền Phật pháp đến với đời sống của mỗi người dân ở miền rừng núi Nam Cát Tiên xa xôi, hẻo lánh này. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.
Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.

Thông tin hàng ngày