Người huynh trưởng đặc biệt của đoàn sinh Long Khánh

GN - Sở dĩ gọi chị là “người chị đặc biệt” bởi dù không phải người thân, họ hàng, chị chỉ là huynh trưởng của các em trong Câu lạc bộ Thanh thiếu niên thị xã Long Khánh, nhưng có việc gì các em cũng í ới kêu chị.

Không biết từ lúc nào, với các em, chị Thanh Vân đã trở thành điểm tựa, là nơi các em an tâm tìm đến để chia sẻ mỗi khi gặp chuyện buồn vui, nhà có chuyện khó khăn. Chỉ biết rằng, hôm nào sinh hoạt thiếu chị, các em buồn lắm...

Bàn tay nắm lấy những bàn tay

“Chủ nhật hàng tuần, 7g sáng là sân chùa Bảo Sơn (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) lại rộn ràng tiếng cười nói, tiếng tụng kinh của các em Phật tử trẻ. Nghe riết rồi quen, tuần nào vắng các em đến sinh hoạt là người có chút buồn buồn”, cô Phật tử gần chùa Bảo Sơn chỉ đường cho tôi đến chùa đã nói như thế.

Khi đến chùa, điều tôi ngạc nhiên đó là, hơn ba mươi em, lớn tuổi có, nhỏ tuổi có, mặc đồng phục sinh hoạt hoặc mặc áo vạt khách ngồi bên chị Thanh Vân. Nghe chị hỏi “các em đã học bài thi học kỳ hết chưa, có ai chưa học thuộc chữ nào không nè”, các em đều trả lời dạ, thưa. Nhìn thấy niềm an vui hiện rõ trên gương mặt của cả chị lẫn em, tôi hiểu, các em rất quý mến chị.

Anh PGTT GN 790.jpg
Chị Hoa Tâm (trái) trao học bổng tiếp sức đến trường tới đoàn sinh câu lạc bộ - Ảnh: H.T

Bé Bích Huyền cho biết: “Chị Vân dễ thương lắm. Chị ấy rất quan tâm chúng em. Tới kỳ thi, chị đốc thúc chúng em học bài để có điểm cao. Các buổi sinh hoạt hàng tuần, chị dạy chúng em biết điều hay lẽ phải, dạy chúng em nói lời từ ái như Đức Phật rồi dạy chúng em yêu thương nhau nữa”.

“Dạy chúng em yêu thương nhau là sao?” - tôi hỏi. Một em hồn nhiên đáp: “Là chị dạy chúng em phải nhường nhịn nhau, không kêu bằng mày, tao mà phải xưng là anh, chị, em. Chị Vân cho tập vở, bút, mua xe đạp cho tụi em đi học với đi sinh hoạt. Chị giải thích cho em hiểu, không được phân bì với các bạn khó khăn mà phải yêu thương các bạn”.

Hỏi ra mới biết, các em sinh hoạt trong câu lạc bộ đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Có em thì bố mẹ ly dị, em không được quan tâm tận tình từ người thân; có em nhà nghèo, điều kiện đến trường rất khó, tiền đóng học phí đôi lúc không có, nói gì đến sách vở đi học; có em là người dân tộc, nơm nớp lo không biết bị bố mẹ cho nghỉ học để đi làm thuê lúc nào… Mỗi lần nghe đâu đó có em nào khó khăn, đối diện nguy cơ nghỉ học là chị Thanh Vân tìm đến nhà để hỏi thăm, chia sẻ và dìu dắt các em về chùa sinh hoạt.

Chị bảo: “Rủ các em về chùa sinh hoạt là để giúp các em có môi trường vui chơi lành mạnh. Tiếp xúc với quý thầy nhiều, các em sẽ học được điều hay lẽ phải mà ở nhà có khi các em không có điều kiện học vì bố mẹ đều đi làm, không có thời gian quan tâm đến em. Phần khác, về chùa sống trong môi trường tập thể, có chị có em, mỗi khi có chuyện buồn, các em dễ chia sẻ với nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn”.

Trải qua 5 năm sinh hoạt, ngày này qua tháng nọ, mỗi năm số lượng các em đến sinh hoạt mỗi tăng. Suy nghĩ làm sao để duy trì câu lạc bộ, làm sao để giúp các em có điều kiện gắn bó dài lâu với Phật pháp, vừa có kinh phí giúp các em đến trường, ngoài số tiền xin được từ mạnh thường quân, chị Thanh Vân tự lực mở tiệm hoa nho nhỏ, chịu khó đến từng chùa, cơ quan, nhà Phật tử giới thiệu. Vì thương nên hầu hết Phật tử trên địa bàn thị xã Long Khánh, ai cần đến hoa đều đặt hàng của câu lạc bộ.

Cô Diệu Thiện cho biết: “Từ ngày Vân mở shop bán hoa để có thêm kinh phí lo cho các em, lúc cần hoa là cô đến đây mua. Thương con bé này lắm, để hướng thiện cho các em, con bé đến từng nhà, đi sâu vào vùng đồng bào dân tộc hỏi thăm từng hoàn cảnh, giúp đỡ từng em. Em nào chăm ngoan, hiếu học, gia đình khó khăn, mỗi năm Vân đều hỗ trợ 20 quyển tập, sách giáo khoa, học phí đến trường. Con bé Vân thương mấy đứa nhỏ không khác nào chị ruột thương em”.

Hiểu và thương chị vất vả, những quyển sách được chị mua cho, em nào cũng sử dụng cẩn thận, hạn chế nhàu nát để năm sau em nhỏ hơn có thể dùng. Trao cho em quyển sách, không chỉ chị trao cho em phương tiện học tập mà còn trao cho em bài học chia sẻ yêu thương với người xung quanh, thế hệ đi sau các em. Bài học yêu thương chị truyền cho các em đi từ thực tế, từ những điều nhỏ nhặt như thế trong cuộc sống nhưng quý giá và hữu ích với các em vô cùng.

Xây dựng ngôi nhà tâm linh cho em

Chưa xây được ngôi nhà, chưa đủ sức để vận động một chương trình từ thiện “hoành tráng” nhưng cốt lõi, chị Vân đã xây được ngôi nhà tâm linh, mỗi đoàn sinh đều có lý tưởng sống, lý tưởng phụng sự đạo pháp bằng những việc làm thiết thực. Mong muốn đem lại niềm vui cho mọi người, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, mỗi dịp lễ, sự kiện quan trọng của Phật giáo, các em hoan hỷ cùng nhau treo cờ, băng-rôn trên khắp các con đường, từ trục đường lớn đến các vùng nông thôn. Như đã thành thông lệ, cứ đến mùa Phật đản là các em tự động, ý thức giúp nhau thiết trí lễ đài tại gia. Các ngôi chùa ngỏ lời xin hỗ trợ về nhân lực, các em cũng hoan hỷ cúng dường công sức của mình.

Mỗi năm mỗi phát triển hơn, nếu như Tết năm 2014 câu lạc bộ chỉ làm thiệp tặng toàn thị xã thì Tết 2015, các thành viên làm thêm hoa (lộc Phật) tặng, cúng dường cho các ngôi chùa trên địa bàn. Hơn thế nữa, đầu năm mới, các em còn đi viếng tất cả các ngôi chùa trên thị xã, chúc Tết, lắng nghe lời sách tấn tu tập của quý Hòa thượng, quý sư.

“Trải qua vài năm gắn bó, biết các em đi theo Thanh Vân sẽ trở thành người tốt, sống có ích cho bản thân, cho đời nên hễ đi đâu có Vân đi cùng là các bậc phụ huynh đều đồng ý, yên tâm cho con mình đi chung”, phụ huynh em Tấn Đạt cho biết.

Mặc dù nhà rất xa, không có phương tiện đến chùa sinh hoạt, ba em dân tộc thiểu số phải chất trên chiếc xe chạy chừng 15 phút là hư đủ chỗ, cực là vậy nhưng từ ngày đi sinh hoạt các em chưa vắng buổi nào. Có những hôm xe hư giữa đường, ba đứa trẻ phải dẫn bộ, đến chùa sinh hoạt trễ, mồ hôi chảy ướt áo nhưng gương mặt các em luôn vui vẻ, rạng ngời. Các em đến chùa không chỉ để sinh hoạt, vui chơi, mà các em về chùa còn để được học giáo lý, học chữ và để được tiếp sức đến trường.

Dành nhiều thời gian cho cửa hàng hoa tươi, chăm lo cho các em đoàn sinh hết mực, không nghĩ đến hạnh phúc riêng tư dù đã ở tuổi 34, nhiều lần gia đình nhắc nhở nhưng chị bảo: “Riết rồi cũng quen, gia đình cười trừ rồi thôi. Mỗi lần sinh hoạt, nhìn các em vui vẻ, chung màu áo lam, chung chí hướng, nói chuyện hòa nhã là thấy rất vui, hạnh phúc đâu cần tìm đâu xa”...

Hạnh Ý

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày