Người mẹ điên, và…

GN - Đôi mắt ngây dại của người mẹ nhìn ra khung cửa sổ… 25 năm chăm sóc đứa con tâm thần, bà cũng đã hóa điên. Ở khung cửa sổ nhỏ của căn nhà sát chân núi, một thiếu niên nghèo dõi mắt về nơi xa, ước ao mẹ quay trở lại!

Mẹ đã hóa điên

Trong ngôi nhà nhỏ có hai người bị xích, ánh mắt của người mẹ cứ khắc khoải mỗi lần hướng ra cửa sổ, nơi chấn song ngăn người mẹ với thế giới bên ngoài. Nếu có lúc tỉnh táo, người mẹ ấy nguyện ước điều gì. Chẳng ai biết! Bởi lẽ, người mẹ ấy cũng đã hóa điên dại sau đằng đẵng những tháng ngày nhọc nhằn nuôi dưỡng đứa con trai ngây dại vì bệnh tâm thần.

Đến xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh, Phú Yên), nơi xóm nghèo có một gia đình cực kỳ khó khăn. Trong căn nhà tình nghĩa ấy chỉ có hai mẹ con bà Võ Thị Hương (63 tuổi) và Võ Thanh Phương (38 tuổi), cả hai mẹ con đều bị bệnh tâm thần.

VL 1.jpg
Hai mẹ con bị tâm thần trong ngôi nhà tối tăm

Người mẹ rơm rớm nước mắt điên dại nhìn ra khung cửa sổ nhỏ. Dưới chân bà rổn rảng tiếng xích sắt vang lên khi người mẹ nhìn thấy người lạ bước vào. Đôi mắt ngờ nghệch tỏ rõ vẻ sợ sệt, bà lùi vào góc tường và nháo nhác tìm đứa con trai cũng bị xích lại ở một góc như mình. Hình như trong tâm trí của bà, mọi lúc và mọi điều chỉ luôn hướng đến đứa con ấy, dù bà cũng điên dại.

Nhìn cảnh tượng này, ai ai cũng xót xa, chẳng ai muốn nhìn thấy cảnh tượng  khốn khổ ấy. Cuộc sống của hai mẹ con ấy giống như ở “địa ngục” trần gian, làm sao mà không xót, không thương. Họ sống trần trụi, quần áo rách nát, dơ bẩn… như thời loài người còn “ăn lông ở lỗ”. Người con trai bị bệnh tâm thần khi mới được hơn 10 tuổi. Người mẹ đã cặm cụi kiếm sống và chăm con khi chồng bỏ đi.

25 năm về trước, người phụ nữ ấy cũng tỉnh táo, kiếm sống nuôi con. Ở đó, có đứa con trai của bà mỗi lần lên cơn điên dại lại chạy đi phá làng, phá xóm.

Vì tình mẫu tử, dù nghèo khổ nhưng người phụ nữ ấy vẫn luôn sát bên con. Những đêm trời mưa rét, những lúc nắng cháy da, những vết thương khi đứa con trai không nhận thức được tự hành hạ, tự gây đau cho mình… bà vẫn nuốt nước mắt vào lòng mà xoa dịu cho con.

Và cứ thế, năm dài tháng rộng, bà chịu đựng chung sống với người con như vậy. Một ngày nọ, người ta thấy bà cứ lang thang, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, không ngần ngại ngồi tè ra trước mặt mọi người. Vì vậy, phụ nữ trong làng khi đi qua chỗ người đàn bà ấy thường nhổ nước bọt, có người chạy đến trước mặt giậm chân “cút đi”.

Thế nhưng, bà không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng. Sau 25 năm dài, rồi bà cũng hóa điên dại theo người con trai duy nhất.

Khi màn đêm buông xuống, trong căn nhà ấy, không một ánh đèn điện, không chăn màn, không quần áo. Những bữa cơm được người dân gần đó mang cho mỗi khi rảnh rỗi. Và, những lúc vắng người, hai mẹ con lại ngồi thủ thỉ bên nhau điều gì đó.

Có lẽ, vào những khoảng khắc ấy, tình mẫu tử khiến tâm trí của người mẹ điên “thức dậy”, bà lại chăm con, xoa đầu con, vuốt ve đứa con bà rứt ruột sinh ra. Như, tình thương của hàng triệu bà mẹ khác trên cuộc đời này dành cho con.

Chúng tôi có dịp đến Đức Bình Tây, hỏi tới mẹ con người đàn bà điên thì ai cũng rưng rức, xót xa. Người gần đó chẳng còn nhớ tên bà là gì nữa, chỉ còn gọi là người mẹ điên trong xóm nghèo. Người mẹ điên vì đứa con tâm thần mà vẫn sống quằn quại dưới mái nhà ấy. Họ sống như vậy, từng ngày qua với sự cưu mang của xóm làng.

Người làng bảo, hình như cũng có lúc người mẹ ấy tỉnh táo một chút. Trong những khoảng khắc mơ hồ đó, người mẹ ấy nguyện ước điều gì. Chẳng ai biết! Và, cũng chẳng biết người mẹ ấy còn gì để mà nguyện ước cho mình và đứa con trai điên dại, sau chừng ấy năm của một kiếp người.

Nếu, có mẹ ở bên

Mỗi ngày, cậu bé Nguyễn Anh Thi (14 tuổi, khu phố 1, thôn Định Thọ, huyện Phú Hòa, Phú Yên) cứ thế cần mẫn ra đồng mò cua, bắt ốc rồi mang ra chợ bán để kiếm tiền mua gạo. Ở nhà, người cha tên Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi) ngóng đôi mắt buồn bã, đầy lo lắng ra phía cửa, nơi đứa con trai duy nhất sẽ trở về sau mỗi buổi nhọc nhằn ra đồng phơi lưng kiếm sống.

VL2.jpg

Nguyễn Anh Thi ngày ngày mò cua bắt ốc nuôi cha

Đã 6 năm, kể từ ngày anh Tuấn bị tai nạn lao động khi đi phụ hồ, cơ thể anh một nửa chẳng còn theo ý chí của anh điều khiển nữa. Tai nạn lao động kinh hoàng hôm ấy đã khiến một nửa thân thể anh trở nên bất toại. Bao nhiêu tiền dành dụm được, anh cùng gia đình đổ vào chữa bệnh, bệnh không thuyên giảm. Anh Tuấn bị liệt nửa người từ đó đến nay. Ngày ngày, anh chỉ biết dùng đôi tay ốm yếu lết ra ngoài cửa, mong ngóng điều gì đó không ai biết…

Có lẽ, vì khổ và bất hạnh quá mà vợ anh, sau một thời gian chịu đựng cảnh anh nằm liệt đã không chịu nổi mà đành bỏ cha con anh ở lại. Anh Tuấn vì liệt nửa người nên không thể làm gì được. Mọi việc đều do cậu bé Nguyễn Anh Thi thay mẹ chăm sóc cha từ miếng ăn, giấc ngủ.

Nhà chẳng còn gì, vì tất cả tài sản đã theo cơn bệnh của cha, ra đi. Không có tiền, cậu bé Thi phải ra đồng, ra bãi kiếm con cua, con ốc mang đi bán mua gạo, mua mắm qua ngày. Cậu bé trở thành điểm tựa của cha và là trụ cột của gia đình nhỏ.

Cậu bé đang chuẩn bị vào lớp 10, trường cấp 3 cách nhà gần chục km. Cậu hiểu rằng, con đường học hành của mình xa ngái lắm, cả trên thực tế lẫn trong tâm tưởng... Nguyễn Anh Thi nghẹn ngào: “Con muốn đi học lắm nhưng nhà lại xa trường, lên cấp 3 rồi sẽ phải học nhiều hơn. Thời gian học nhiều, con không có thời gian kiếm tiền nuôi ba, không có thời gian chăm ba nữa. Giờ nếu đi học thì không có ai kiếm tiền, còn đi kiếm tiền thì…”, cậu bé bỏ lửng câu nói, khi nghĩ tới viễn cảnh u ám của mình trong tương lai.

VL3.jpg

Anh Tuấn bị bại liệt, mọi việc phải nhờ cậu con trai nhỏ

Ngôi nhà khốn khó ấy nằm sát chân núi, chẳng thể trồng cấy được gì xung quanh. Cậu bé Nguyễn Anh Thi thì còn quá nhỏ để làm những công việc nặng, mà xin đi làm thuê thì không ai nhận. Con cua, con ốc là cách mưu sinh mỗi ngày, để cho cậu bé và người cha tật nguyền của mình sống tạm qua ngày.

Khi được hỏi vì sao không đi theo mẹ, Nguyễn Anh Thi thảng thốt rồi ngậm ngùi: “Con không thể bỏ ba con được. Giờ, ba chỉ còn mỗi mình con!”. Câu nói đầy khảng khái. Tình thương dành cho cha của cậu bé 14 tuổi làm nhiều người chết lặng. Cậu bé còn quá nhỏ, vậy mà suy nghĩ đã chín chắn như một người trưởng thành.

Nghe con nói vậy, anh Tuấn ràn rụa nước mắt. Ngày ngày, anh chỉ lần hồi ra được mép cửa, căn nhà dột nát, chiếc bàn gãy chân, chiếc ghế gãy cũng chẳng thể sửa được. Anh Tuấn thấy mình bất lực. Anh chỉ biết lặng im, mỗi khi cậu con trai đi về khoe, hôm nay bắt được nhiều cua đồng, bán được tiền đủ mua gạo, mua thuốc cho cha.

Anh Tuấn thường hỏi con chuyện học hành, nhưng cậu con trai chỉ ậm ừ, rồi giấu nỗi buồn vào trong mắt. Cậu bé cũng sợ cha lo lắng.

Sắp vào năm học mới, cậu bé hiếu thảo ấy liệu có học được đến hết cấp ba hay không, khi mà trong ngôi nhà sát chân núi còn có người cha bất hạnh và nỗi lo toan cơm áo. Trường học xa nhà, người cha liệt nửa người và người con hiếu thảo ấy có đầy đủ sức mạnh, nghị lực để vượt qua... được hoàn cảnh nghiệt ngã?

Mùa Vu lan đã về. Cậu bé ước ba được khỏe mạnh. Cậu ước, nếu có mẹ ở bên và ước có phép mầu nào đó, cho mình thêm sự vững chãi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày