GN - “… Cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ, được sinh ra lành lặn là một niềm hạnh phúc lớn vì thế bản thân phải biết đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh không được may mắn như những người bình thường” - Chị Tám mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những suy nghĩ và triết lý sống như thế!
Tấm lòng bao dung với trẻ thơ bất hạnh
15 năm chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật liên xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn(Quảng Nam), đối với chị Phạm Thị Tám (56 tuổi) là cả một hành trình thắp sáng niềm tin và ước mơ cho những mảnh đời bất hạnh.
Được thành lập vào năm 2000, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật liên xã Điện Thọ là ngôi nhà thứ hai cho những trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa. Hiện nay tại trung tâm có 120 cháu khuyết tật thuộc các xã Điện Tiến, Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện Hoà, Điện An, Điện Minh, Điện Phương và thị trấn Vĩnh Điện được chăm sóc và hướng dẫn luyện tập.
Trung tâm có cấp dưỡng lo bữa ăn trưa cho các cháu. Với tấm lòng đồng cảm chia sẻ với trẻ em, mọi người làm việc trên tinh thần tự nguyện là chính.
Các em ở Trung tâm trong giờ sinh hoạt - Ảnh: T.Q
Chị nhớ như in ngày mới vào trung tâm là những ngày khó khăn nhất đối với chị. Thiếu thốn trăm bề, nhân viên thì quá ít, trẻ em tại trung tâm lại đông. Công việc làm không xuể, có khi phải làm tận tới 11 giờ đêm mới lọ mọ về tới nhà.
Công việc nhiều, đồng lương thì quá ít ỏi có lúc chị muốn chia tay trung tâm, chia tay các em để tìm một công việc mới nhưng ý nghĩ đó chỉ mới thoáng qua và bị tắt ngay trong chị, bởi lý trí và tình người của một người mẹ không cho chị ra đi.
Nhìn chị chăm sóc tận tụy cho những đứa trẻ khuyết tật, tôi thầm nghĩ đó không chỉ là trách nhiệm, mà lớn lao hơn cả đó là tình thương vô bờ dành cho con trẻ của một người phụ nữ có trái tim nồng hậu chan chứa tình người.
Kể về gia đình riêng của mình, chị Tám khoe với chúng tôi đứa con gái chị mới vào đại học, dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng rất biết vâng lời, siêng năng học hành nên chị vui lắm. Tiền lương hiện tại của chị chưa đến 1 triệu đồng không đủ chi phí lo cho cuộc sống riêng nhưng chị nói nếu biết gói ghém, tiện tặn thì mọi khó khăn sẽ vượt qua.
Nhìn những đứa trẻ không lành lặn ở đây, chị Tám cố lấy tay che đi hai dòng nước mắt chực rơi trên gò má của mình. Chị kể: “Em Nguyễn Văn Trung quê ở Điện Phước bị khuyết tật từ khi mới lọt lòng phải ngồi xe lăn, năm nay Trung đã hơn 22 tuổi. Em đến với Trung tâm từ những ngày đầu mở cửa.
Bây giờ tình hình của Trung đã khá hơn rất nhiều so với những ngày đầu, em có thể chống nạng và đi bằng những bước chân của mình quanh sân. Trung tâm có ý định đưa em trở về với gia đình vì quá tuổi quy định nhưng vì hoàn cảnh hiện tại của em quá khốn khó khiến chị nhận Trung lại để tiếp tục chăm sóc”.
Nhiều trường hợp được đưa đến trung tâm chân tay co quắp không tự vận động được chỉ nằm im một chỗ nhưng với sự chăm sóc, kèm cặp tận tình của chị Tám, sau một thời gian ngắn đã biết đi chập chững và cảm thấy yêu đời hơn rất nhiều.
Sợ phải đóng cửa...
Một vấn đề lớn mà chị Tám và các cộng tác viên ở đây luôn băn khoăn và suy nghĩ rất nhiều đó là Trung tâm sẽ phải đóng cửa do thiếu nguồn kinh phí hoạt động. Do là trung tâm thiện nguyện nên vấn đề kinh phí và phụ cấp gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều lần chị và các cộng tác viên phải bỏ tiền túi của mình mua sữa và thức ăn cho các em. Mong muốn lớn nhất của chị và mọi người là có một nguồn kinh phí hoạt động lâu dài do các nhà hảo tâm hỗ trợ để trung tâm ổn định hoạt động.
“Điều quan trọng là tôi thấy hạnh phúc và ấm áp với công việc mình đang làm. Đời người ngắn ngủi lắm, mình lành lặn khỏe mạnh đã là một may mắn, tại sao không thể giúp những đứa trẻ khuyết tật một điều gì đó. Làm những việc này, dù bộn bề những khó khăn, nhưng tôi thấy lòng thanh thản là quan trọng nhất...” - chị Tám chia sẻ.