>>>> Kỳ 1: Ngôi chùa tuổi thơ
Trả hiếu cho mẹ
Một ngày trước khi chính thức thành nhà sư, Suthee Shijaiya và bạn gái Orathai Weingjai đã hoàn thành một việc trọng đại của hai người là chụp hình cưới. Đôi bạn cho biết: Đại đa số nam giới xuất gia trước khi lấy vợ vì trong trường hợp họ xuất gia sau khi có gia đình, phần phúc đức của việc đi tu sẽ được chia đôi cho mẹ và vợ của họ. Đi tu là hành động báo hiếu lớn nhất người con trai thực hiện cho mẹ mình.
Chị Orathai cho biết rất hạnh phúc khi chứng kiến vị hôn phu hoàn thành việc trọng đại nhất trong đời. Vì nữ giới không được “xớ rớ” cạnh các nam tăng, chị ngồi tựa vào một cây cột ở xa, mắt hướng về người yêu trong lễ buat phra của Suthee.
Tuổi đủ trưởng thành để có thể xuất gia là hết 20 tuổi, nghĩa là vừa bắt đầu tuổi 21, nhưng để linh động đôi khi thời gian trong bào thai cũng được tính.
Ở Thái, nam công chức được rời nhiệm sở ba tháng để vào chùa mà vẫn được trả lương. Họ thường chọn ngôi chùa ở làng quê mình vì như vậy người mẹ sẽ có cơ hội dâng thức ăn cho họ mỗi ngày. Riêng ở các thành phố lớn như Chiang Mai, Bangkok, những ngôi chùa nổi tiếng về thiền được nhiều người chọn để buat phra. Tại đây, họ thiền hành để giúp tâm hồn bình an, tĩnh lặng.
Mỗi nam phật tử có thể buat phra nhiều hơn một lần trong đời và bao lâu tùy ý. Ngoài đi tu cho mẹ, họ cũng xuất gia một thời gian ngắn khi gia đình có người vừa qua đời. Đặc biệt, họ có thể buat phra cho những phụ nữ độc thân thân thiết với mình vì những phụ nữ này không có con trai để đi theo lên thiên đàng.
Phi, một thanh niên Việt Nam du học ở Đại học Chiang Mai và đính hôn với bạn gái người Thái, cũng nhập gia tùy tục để làm đẹp lòng đằng gái. Anh đã buat phra ba tháng trước khi đưa nàng về dinh.
Naga - nhà sư ba tháng
Có nhiều nghi lễ phải thực hiện trước khi xuất gia nên nam thanh niên Thái thường chuẩn bị cho sự kiện này từ nửa năm đến một năm.
Là nhân viên nghiên cứu xã hội có đồng lương khiêm tốn, Tanasak cho biết anh cần nửa năm để dành dụm khoảng 60.000 baht Thái (tương đương 2.000 USD Mỹ) trước khi xuất gia. Số tiền này để chi dùng trong các nghi lễ trước và sau khi xuất gia, chủ yếu đãi tiệc mời bà con trong làng xóm đến chung vui và cúng dường cho nhà chùa.
Tôi tình cờ gặp Parat Kobkeaw, Suthee Shijaiya và Thnet Kruata ở chùa Ram Phoen tại Chiang Mai đúng vào lễ buat phra của họ. Không quen biết nhau trước nhưng cả ba đã trở thành bạn quý vì tình cờ xuất gia trong ngày 12-12-2010. Cả ba còn độc thân và sẽ lập gia đình không lâu sau khi hồi gia. Các lễ chính khi buat phra gồm lễ tạ ơn, lễ xuống tóc và lễ xuất gia.
Mở đầu lễ tạ ơn, người phụ nữ trong nhà (bà cố, bà ngoại, mẹ) và người sắp xuất gia sẽ đến chùa thắp nhang báo với các bậc tổ tiên trong gia đình là con, cháu họ sắp sửa xuất gia. Những người cao tuổi trong gia đình sẽ ngồi vào ghế và người sắp xuất gia sẽ rửa chân cha mẹ và các thành viên lớn tuổi trong gia đình để tỏ lòng hiếu lễ.
Sau đó là lễ xuống tóc. Những người họ hàng đứng thành hàng một và lần lượt đến cắt một phần tóc của người đi tu. Vừa cắt tóc, họ vừa chúc cho anh một tương lai tốt đẹp và tha thứ cho những lỗi lầm của anh trong quá khứ.
Sau khi được người họ hàng cuối cùng chúc phúc, một nhà sư sẽ cạo sạch tóc, lông mày và râu của người đi tu. Sau đó, cứ đến ngày rằm mỗi tháng họ sẽ phải cạo râu, tóc và lông mày một lần. Phần tóc cắt đi sẽ được giữ lại và gói trong một chiếc lá sen. Tóc sẽ được giữ lại trong nhà ba ngày rồi được đem thả xuống sông bởi người phụ nữ lớn tuổi nhất của gia đình.
Nghệ giã và bột hòa với nước được rẩy và chà lên đầu, lên người với ý nghĩa nước này sẽ thanh tẩy hoàn toàn người đi tu.
Nghi lễ thứ ba là lễ xuất gia. Trong trang phục của rồng nước “Naga”, gồm áo dài màu trắng, viền vàng, bộ ba Parat Kobkeaw, Suthee Shijaiya và Thnet Kruata đến chùa để được các nhà sư cho phép được làm sư.
Theo thần thoại, Naga muốn đi tu nên đã giả dạng thành người. Đức Phật biết và Người nói với Naga: “Chỉ có con người mới thành nhà sư được”. Naga ngậm ngùi đồng ý là nó sẽ không được đi tu, nhưng yêu cầu Đức Phật một ân huệ, đó là về sau những nam thanh niên sắp làm lễ xuất gia phải được gọi là Naga. Cầu xin của Naga được Đức Phật chấp nhận.
Lễ xuất gia được tiến hành ở một phòng lớn trong chùa gọi là Sala, có chín hoặc bảy nhà sư sẽ ngồi thành hàng để làm nghi thức xuất gia cho Naga. Các nhà sư và Naga tụng kinh bằng tiếng Pali. Người thường không mấy ai biết được ngôn ngữ này nhưng họ hiểu nội dung của lời cầu kinh là xin bình an cho cha mẹ, thầy cô, cam kết nghiêm túc chịu giới và tuân theo lời dạy của Đức Phật.
Theo nghi thức, Naga sẽ phải trả lời hàng loạt câu hỏi có/không. Toàn bộ câu hỏi được hỏi bằng tiếng Pali, và nếu đáp sai thì nhà sư chủ lễ sẽ bắt đầu lại việc hỏi đáp. Năm câu đầu về bệnh tật trả lời không, các câu sau trả lời có. Nghi lễ sẽ bị ngừng và các câu hỏi sẽ được hỏi lại nếu Naga trả lời có ở những câu hỏi phải được trả lời không, và ngược lại. Một số câu hỏi phải trả lời có là: có phải là con người không? Có được phép của nhiệm sở không? Có được gia đình đồng ý không? Có đủ 20 tuổi không? Có bát và y (áo cà sa) đầy đủ chưa?
Nhưng quan trọng nhất là câu hỏi: Con có phải là nam nhân không? Đây là câu hỏi mang tính quyết định người đó có đủ tư cách xuất gia hay không!
____________________
Sự phát triển nhanh chóng khiến những giá trị xã hội đổi thay và xuất hiện nhiều thách thức, ngay cả phía trong cổng chùa. Người Thái dù cởi mở cách nào cũng phân vân với những nhà sư không phân biệt được giới tính...
Kỳ tới: Thách thức thời đại