Câu chuyện thứ nhất là về một kiến trúc sư tài năng 37 tuổi, lứa tuổi thăng hoa của sự nghiệp. Trong một lần đi chơi về, trước khi ra khỏi xe anh đột ngột lên cơn co giật chân tay và ngất đi một thời gian ngắn rồi tự hồi tỉnh.
Người nhà sau đó lần lượt đưa anh đến hai bệnh viện chuyên khoa uy tín của thành phố nhưng nguyên nhân của cơn ngất vẫn chưa xác định được. Cơn ngất tái diễn nên anh được đưa đến một bệnh viện khác.
Vì sức khỏe và tính mạng quý báu của chính mình, những người trẻ không nên chủ quan - Ảnh minh họa
Trong lúc các thầy thuốc đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân thì anh đột ngột lên cơn. Dù được tích cực cấp cứu nhưng kiến trúc sư này đã không qua khỏi.
Câu chuyện thứ hai về một nhà sưu tập tranh trẻ khá nổi tiếng trong giới chơi tranh của TP.HCM. Cách đây khoảng hai năm, trong buổi cà phê sáng, anh than phiền với người viết bài này rằng có cảm giác muốn choáng ngất một đôi lần.
Biết đó là những dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng nên chúng tôi đã gần như năn nỉ anh đến khám bệnh tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược. Anh đã đến nhưng vì có việc đột xuất nên lại ra về. Hai hôm sau, anh gục ngã và ra đi ngay trước cửa nhà mình.
Trên đây chỉ là hai câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện đáng tiếc xảy ra mà chính chúng tôi đã chứng kiến. Với bệnh nhân thứ nhất, đây thực tình là một trường hợp cực kỳ khó.
Ngay cả GS.TS Đặng Vạn Phước, chủ tịch Hội Tim mạch TP.HCM, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch, cũng phải luôn tâm niệm rằng: với một biểu hiện ngất, có mất tri giác dẫu là thoáng qua ở người trẻ, dù do nguyên nhân gì thì cũng là lời cảnh báo nghiêm trọng.
Cả bệnh nhân, người nhà và thầy thuốc đều phải xem đó là một dấu hiệu nguy hiểm để tích cực tìm ra nguyên nhân và cách điều trị kịp thời, hợp lý.
Theo GS Phước, những trường hợp ngất ở người trẻ khỏe, ngoài nguyên nhân thần kinh thì tim mạch là nguyên nhân thường gặp nhất.
Các chuyên gia của Bệnh viện Mayo Clinic (Hoa Kỳ) cũng cho rằng ba nguyên nhân hàng đầu gây đột tử ở người trẻ tuổi khỏe mạnh, thậm chí ở các vận động viên thành tích cao, là bệnh cơ tim phì đại, bất thường bẩm sinh mạch vành và hội chứng QT kéo dài có thể gây nên rối loạn nhịp cực kỳ nguy hiểm dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Bên cạnh rối loạn nhịp do hội chứng QT kéo dài gây nên thì một hội chứng nữa cũng thường gặp ở người Đông Nam Á là hội chứng Brugada có thể ở nhiều người trong cùng gia đình.
Điều khó khăn là các rối loạn nhịp này không phải lúc nào cũng chẩn đoán được. Điện tâm đồ thông thường nhiều khi bình thường, do vậy cần phải có những phương tiện chẩn đoán chuyên sâu hơn như siêu âm tim, đo điện tâm đồ gắng sức hoặc điện tâm đồ 24 giờ (Holter), thăm dò điện sinh lý.
Ngất không rõ nguyên nhân xuất hiện ở người trẻ tuổi cần được xem là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải được đặc biệt lưu ý. Cơn ngất này đôi khi có kèm theo co giật nên dễ chẩn đoán nhầm là động kinh. Đặc biệt, nếu trong gia đình đã có người đột tử trước 50 tuổi thì nguy cơ này càng tăng cao hơn nữa.
Với sự tiến bộ của y học nói chung và ngành tim mạch Việt Nam nói riêng, những rối loạn nhịp này có thể được điều trị hiệu quả ở nhiều cơ sở chuyên khoa tim mạch.
Việc chẩn đoán và điều trị không chỉ ngăn ngừa đột tử và nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính người bệnh, mà thông qua đó thầy thuốc còn có thể phát hiện những người có nguy cơ trong gia đình để tầm soát, phát hiện và phòng ngừa những biến cố xấu có thể bất ngờ xuất hiện.
Vì sức khỏe và tính mạng quý báu của chính mình, những người trẻ không nên chủ quan, không nên tham công tiếc việc mà trì hoãn việc chẩn đoán và điều trị kịp thời dù chỉ một lần bị ngất không rõ nguyên nhân.
TS.BS Lê Minh Khôi
(Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM)
Theo Tuổi Trẻ