GNO - Với chuyên đề về "pháp hành" - Nguyệt san Giác Ngộ số 255 - ra trong tháng 6-2017 có nhiều bài viết hay, cùng những bài nghiên cứu chuyên sâu...
Theo đó, mời bạn đọc xem bài Sức sống của Bổn môn Pháp hoa (HT.Thích Trí Quảng). Ở bài viết này, Hòa thượng khẳng định: "tu Bổn môn Pháp hoa, học làm Phật, cần rèn luyện tâm cho trong sạch, an lạc và tâm tốt này ảnh hưởng cho người trong sạch, an lạc theo. Ngoài ra, hành giả luôn phát huy đạo đức, tri thức và thể hiện những việc làm lợi ích cho người cùng thăng hoa trên lộ trình giải thoát, giác ngộ".
Bìa Nguyệt san Giác Ngộ số 255 - ra tháng 6-2017
* Từ Châu-lợi-bàn-đặc, đến Lục tổ Huệ Năng nghĩ về vấn đề pháp hành của Phật giáo Việt Nam hiện tại - một bài nghiên cứu của thầy Chúc Phú, Phó Thư ký Tòa soạn Báo Giác Ngộ. Tác giả chia sẻ trong phần mở đầu: "Căn cứ vào hiện trạng giáo dục của Phật giáo nói chung và mục tiêu học tập của Tăng Ni trẻ Việt Nam hiện nay nói riêng, thì việc nghiên cứu về hai trường hợp, từ Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cullapanthaka) và Lục tổ Huệ Năng, là những khơi gợi bước đầu, trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cân bằng giữa pháp học và pháp hành trong bối cảnh hiện tại".
Qua câu chuyện của Tôn giả Bàn-đặc và ngài Huệ Năng, đã góp phần chuyển tải một thông điệp mang tích khích lệ: có thể thành tựu pháp hành, dù chỉ sở hữu một lượng tri thức Phật học hữu hạn - tác giả Chúc Phú viết ở cuối bài.
* Đọc kinh Đoạn giảm - suy ngẫm về pháp hành (Thích Nguyên Hùng), phần kết luận, tác giả viết: Bản kinh cho thấy sự tu tập là một quá trình nỗ lực, tinh tấn không dừng, cho đến khi diệt tận hoàn toàn lậu hoặc, biết rõ sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, thì việc cần làm mới được gọi là làm xong. Một khi chưa đi đến vị trí này, người xuất gia chớ bao giờ tự đắc, tự mãn… mà chướng ngăn Thánh đạo!
Còn cây bút Chân Hiền Tâm đóng góp trong số này bài Phá chấp: căn bản của sự tu hành. Bài viết này sẽ được đăng tải tiếp trên Nguyệt san số 256 (ra tháng 7-2017).
* Ý nghĩa và khái niệm mantra trong Ấn giáo - bạn đọc quan tâm đọc bài sẽ hiểu được ý nghĩa của mantra, tại sao mantra được sử dụng, các loại mantra...
Về văn hóa, tác giả Huỳnh Thanh Bình giới thiệu Từ thần Vishnu đến Tỳ Nữu Thiên trong điện thờ Phật giáo. Đọc toàn bài, bạn đọc sẽ hiểu được vì sao kết bài lại được tác giả khẳng định "so với các thần linh/chư thiên gốc từ Hindu giáo được Phật giáo hóa, thần Vishnu/Tỳ Nữu Thiên có phần ít phổ biến; song Tỳ Nữu Thiên trong điện thờ Phật giáo có những biến tấu đặc dị riêng".
Một bài liên quan tới Văn hóa Phật giáo & xã hội hài hòa do Nhã Tịnh dịch, nội dung: Thông qua “tín ngưỡng” để thúc đẩy xã hội hài hòa. Kế đó, mời bạn đọc cùng tác giả Nguyễn Đại Đồng thăm Ngôi chùa của Việt kiều ở thủ đô Vientiane. Đó là ngôi chùa nào?
Trang Nghiên cứu, giới thiệu bài Thiền sư Chuyết Chuyết - người truyền dòng thiền Lâm Tế vào Đàng Ngoài Đại Việt (Tỳ-kheo Thích Thanh Sơn - trụ trì chùa Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh - chấp bút). Tác giả Võ Phước Lộc tiếp tục bài viết (từ NSGN số 254): Tiếp nhận thơ thiền Lý-Trần nhìn từ phía nội điển.
Nhà nghiên cứu Đào Nguyên với bài: Bước đầu bàn về mảng ngôn ngữ Phật học Hán Việt (*) được sử dụng trong ba tạng Kinh Luật Luận của ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền. Bài này sẽ còn tiếp tục đăng tải trên những số báo sau...
Và Quần thể hang động Vân Cương (bài dịch của Nguyễn Đăng) ở cuối tờ báo.
Kính mời bạn đọc theo dõi!
Liên hệ mua và đặt báo: Phòng Phát hành Báo Giác Ngộ, 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM - ĐT: (08) 393 00675 - 393 06982 - DĐ: 0932059528. Nguyệt san Giác Ngộ ra vào ngày 15 mỗi tháng, giá báo: 11.800 đồng/cuốn.