Nhà báo Malcolm Browne và câu chuyện về sự kiện vị pháp thiêu thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức

Tác giả bên bức ảnh chấn động tâm tư hàng triệu trái tim con người, được trao giải thưởng ảnh báo chí thế giới năm 1963
Tác giả bên bức ảnh chấn động tâm tư hàng triệu trái tim con người, được trao giải thưởng ảnh báo chí thế giới năm 1963
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhà báo Malcolm Browne là một trong những chứng nhân ngoại quốc có mặt tại sự kiện Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn vào ngày 11-6-1963, ông đã lưu được thời khắc lịch sử của Phật giáo Việt Nam qua những bức ảnh làm chấn động tâm tư của nhiều giới, nhiều người

Nhà báo Malcolm Browne là người đã chụp lại hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân năm 1963. Ông đã qua đời vào ngày 27-8-2012 ở tuổi 81 tại Hoa Kỳ.

Ảnh của Malcolm Browne đã được trao giải thưởng ảnh báo chí quốc tế năm 1963 và được vinh danh tại giải Pulitzer vào năm 1964. Ông đã có buổi trò chuyện với Patrick Witty, biên tập viên hình ảnh của Tạp chí Time tại nhà riêng của ông ở Vermont, Hoa Kỳ.

Nhà báo Malcolm Browne với những tấm phim lịch sử

Nhà báo Malcolm Browne với những tấm phim lịch sử

* Patrick Witty: Điều gì đã xảy ra ở Việt Nam lúc ấy để dẫn đến ngày anh chụp được bức ảnh nổi tiếng về vụ tự thiêu của Ngài Quảng Đức?

- Malcolm Browne: Cho đến ngày diễn ra sự kiện thì tôi đã ở Việt Nam được vài năm. Lúc đó mọi thứ bắt đầu trở nên xấu đi ở miền Trung Việt Nam. Tôi đã quan tâm nhiều hơn về những tín đồ Phật giáo tại Việt Nam so với trước đó, bởi vì tôi cảm thấy họ có vẻ như sẽ là những người chuyển đổi và lay động bất cứ điều gì nổi lên sau đó. Tôi đã thiết lập được mối quan hệ thân thiện với khá nhiều vị Tăng sĩ giữ vai trò lãnh đạo của phong trào đấu tranh cho nhân quyền và bình đẳng tôn giáo. Lúc đó phong trào đã được thành hình.

Vào đầu mùa xuân năm 1963, các vị Tăng sĩ đã bắt đầu ngụ ý rằng họ sẽ tiến hành một việc gì đó đặc biệt để thể hiện sự phản đối, và rất có thể sẽ là một vụ tự thiêu hoặc một vụ tự sát của các vị Tăng sĩ. Dù là cách nào đi nữa thì đấy cũng là điều mà tôi phải lưu tâm đến.

Tại thời điểm đó, các nhà sư đã gọi điện cho những phóng viên nước ngoài ở Sài Gòn để báo tin rằng, có một sự kiện lớn sắp xảy ra. Hầu hết các phóng viên cảm thấy chán với tin báo đó và họ đã lờ đi. Riêng tôi, tôi cảm thấy rằng các vị Tăng sĩ ấy chắc chắn sẽ làm một điều gì đó, rằng họ không phải gọi điện báo tin để lừa gạt, vì vậy mà tôi là người phóng viên phương Tây duy nhất chứng kiến sự kiện trọng đại đó.

* Xin kể cho tôi nghe về buổi sáng hôm đó. Chắc hẳn là anh không mong đợi một điều gì đó thật ấn tượng, nhưng anh cảm thấy bị lôi cuốn bởi vì một cuộc gọi vào đêm hôm trước.

- Tôi đã được mách bảo là sẽ có một sự kiện đặc biệt quan trong xảy ra, và tôi biết các vị tu sĩ ấy không lừa gạt. Họ rất nghiêm túc về một điều gì đó nghiêm trọng sắp xảy ra. Ở nền văn minh khác thì đó có thể là một vụ đánh bom hoặc một việc gì đó tương tự như thế.

Các vị tu sĩ đã biết rất rõ về một vụ tự thiêu chắc chắn diễn ra. Vì vậy, lúc tôi đến ngôi chùa nơi mà tất cả những điều này đã được sắp xếp, thì mọi thứ đang trong quá trình diễn tiến, các vị Tăng Ni tụng bài kinh mà họ thường được tụng tại các lễ tang. Từ một tín hiệu của người lãnh đạo, tất cả mọi người bắt đầu ra đường và đi bộ về phía trung tâm của Sài Gòn. Khi tôi đến đó, các nhà sư đã nhanh chóng tạo thành vòng tròn xung quanh một ngã tư của hai đường phố chính ở Sài Gòn. Một chiếc xe tiến đến giữa ngã tư và dừng lại. Hai vị Tăng sĩ trẻ bước xuống xe. Rồi một nhà sư lớn tuổi hơn bước xuống xe. Vị này đi về phía phải, đến ngay chính giữa giao lộ. Hai vị Tăng sĩ trẻ mang đến một can nhựa đựng xăng. Ngay sau khi vị sư lớn tuổi tự ngồi xuống trong tư thế kiết-già, hai vị kia tưới xăng lên khắp người vị sư đang ngồi. Rồi vị sư lớn tuổi mở hộp diêm, lấy ra một que diêm và đốt lên, rồi đặt que diêm đang cháy vào phía trước bụng, ngay lập tức ngọn lửa bùng lên, toàn thân của vị sư ngập chìm trong lửa. Tất cả mọi người chứng kiến cảnh tượng ấy đều thấy kinh hoàng.

Tôi không biết chính xác lúc nào vị ấy tắt thở, bởi vì tôi không nhận biết được qua nét mặt, giọng nói hay bất cứ điều gì của vị ấy. Vị ấy không hề hét lên tiếng nào trong đau đớn cả. Khuôn mặt vị ấy dường như vẫn còn khá bình tĩnh cho đến khi nó bị cháy đen bởi những ngọn lửa mà bạn không thể nhận dạng nữa. Cuối cùng, các nhà sư nhận định là vị ấy đã qua đời và họ mang ra một cái quan tài, một quan tài tự chế bằng gỗ.

* Có phải anh là nhiếp ảnh gia duy nhất ở đó?

- Vâng, trong chừng mực mà tôi có thể nói thì tôi là nhiếp ảnh gia duy nhất ở đó. Sau đó thì được biết là có một vài người Việt Nam cũng đã chụp một vài tấm hình của sự kiện đó, nhưng lúc đấy những tấm hình họ chụp đã không được truyền đi rộng rãi, không có trên các bức điện tín hoặc các hình thức tương tự như thế.

* Anh đã nghĩ gì khi anh nhìn sự kiện ấy thông qua ống kính của máy chụp hình?

- Điều duy nhất tôi đã nghĩ về sự kiện đó là một chủ thể tự chiếu sáng và đòi hỏi một sự công bố rộng rãi về nó. Tôi đã sử dụng một máy ảnh giá rẻ của Nhật Bản có tên là Petri. Tôi đã sử dụng nó rất thành thạo, nhưng tôi muốn chắc chắn rằng tôi không chỉ cài đặt đúng chế độ chụp trên máy ảnh mỗi khi chụp và tập trung vào sự kiện một cách thích đáng, mà còn phải thay phim một cách nhanh chóng để theo kịp với những gì đang diễn ra. Hôm đó tôi chụp hết khoảng mười cuộn phim, bởi vì tôi đã chụp liên tục.

* Lúc đó anh cảm thấy thế nào?

- Vấn đề chính trong tâm trí tôi lúc ấy là tìm cách để rửa những bức ảnh ấy ra. Tôi nhận thấy đấy là một sự kiện tối quan trọng và tôi phải gởi những tấm hình đó đến trụ sở tòa soạn AP, để phổ biến rộng rãi càng sớm càng tốt. Và tôi biết đây là một điều rất khó khăn khi làm ở Sài Gòn trong thời gian ngắn.

* Anh đã làm gì với những cuộn phim ấy?

- Tôi đã dùng đến những mánh lới để đưa những cuộn phim đến nơi vận chuyển. Tôi phải gởi các cuộn phim thô đi bằng đường hàng không, hoặc một cách nào đó. Lúc đó thì các cuộn phim không phải trình qua cơ quan kiểm duyệt. Chúng tôi đã sử dụng “chim bồ câu” để gởi đến Manila , Philippines . Ở Manila người ta có thiết bị để gửi đi bằng sóng vô tuyến.

* Chim bồ câu mà anh nói ở đây chính xác là gì?

- Chim bồ câu ở đây là một hành khách trên một chuyến bay thương mại bình thường mà mình đã thuyết phục để họ nhận chuyển gói đồ nhỏ cho mình. Tốc độ là vấn đề cốt yếu trong việc này. Vì vậy mà tôi đã nhanh chóng đem các cuộn phim ra sân bay, và được chuyển đi trên một chuyến bay đến Manila không lâu sau đó.

* Khi các cuộn phim đã đến nơi, có ai từ AP nhắn tin cho anh biết là hình ảnh đã được xuất bản trên toàn thế giới không?

- Không, không có ai cả.

* Thế là anh đã không hề biết?

- Vâng, tôi không biết gì, giống như bắn vào một lỗ đen vậy. Tôi chỉ biết phim tôi gởi đi đã được chuyển đến đúng địa chỉ sau khi nhận được những lời chúc mừng về việc tôi đã gửi bức ảnh đó.

* Xin anh kể cho tôi những gì anh đã nghe, đã ngửi thấy lúc đó?

- Lúc đó, mùi tỏa ra mạnh nhất là mùi nhang trầm. Họ đã đốt nhang trầm và tạo ra một mùi rất mạnh, không phải là một mùi dễ chịu, nhưng họ đốt như thế để bày tỏ sự thành kính đối với người quá vãng. Đó là mùi áp đảo, bên cạnh đó còn có mùi xăng dầu và mùi thịt bị cháy. Âm thanh chính lúc đó là tiếng gào khóc và lời tiếc thương của các vị tu sĩ, những người đã biết đến Ngài Quảng Đức trong nhiều năm qua và cảm mến Ngài. Sau đó là tiếng hét trên loa phóng thanh của những người lính cứu hỏa, họ cố gắng tìm lối đi để đưa Ngài ra ngoài, dập tắt những ngọn lửa xung quanh Ngài. Vì vậy, đó là một mớ hỗn độn các âm thanh.

* Tôi có đọc qua những điều Tổng thống Kennedy nói về bức ảnh của anh. Ông nói: “Không có một hình ảnh thời sự nào trong lịch sử đã tạo ra nhiều cảm xúc khắp thế giới như nó”. Có phải như thế không?

- Vâng, bức ảnh đã tạo ra sự ảnh hưởng rất mạnh trên khắp thế giới. Đấy có lẽ là câu trích dẫn trung thực từ Nhà Trắng.

* Anh nghĩ gì về bức ảnh đã giúp anh đạt được vương miện trong ngành báo chí?

- Thật sự bức ảnh đã thu hút rất nhiều sự chú ý, nhưng đó không phải là sự kiện căng thẳng nhất mà tôi từng có mặt. Tuy nhiên, đấy chắc chắn là một phần quan trọng trong sự nghiệp của tôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày