Phóng viên Walcolm W. Browne và bức ảnh xoay vần lịch sử

Nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng 30/4, NB&CL xin giới thiệu một số gương mặt nhà báo, phóng viên ảnh từng lăn lộn ở chiến trường miền Nam cùng những tác phẩm nổi tiếng của họ về chiến tranh Việt Nam.

Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn ngày 11/6/1963,
một trong những bức ảnh báo chí xuất sắc nhất thế giới.

Có những tấm ảnh đã xoay vần cả thế giới, làm chuyển hướng bánh xe của lịch sử. Có tác động hơn nghìn lời nói hay có sức sống tới cả chục năm, những bức ảnh đặc biệt đó đã không chỉ ghi lại những thời khắc quan trọng của lịch sử mà còn góp phần làm thay đổi cả thế giới. Bức ảnh mà ký giả kiêm nhiếp ảnh gia Malcolm W. Browne ghi lại giây phút Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963 để phản đối chế độ độc tài, đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm là một trong những bức ảnh như thế.

Theo nhiều tài liệu lịch sử, năm 1963, phong trào đấu tranh của Tăng Ni Phật tử chống chính sách phân biệt đối xử tôn giáo hầu như đã lên đến cao trào. Vào mùa Phật Đản năm ấy, lệnh cấm treo cờ Phật giáo của Ngô Đình Diệm đã gây nên làn sóng bất bình trong giới Tăng Ni Phật tử. Sự đàn áp và bắt bớ Tăng Ni Phật tử của chế độ Ngô Đình Diệm diễn ra liên tục từ Huế vào đến Sài Gòn càng làm cho làn sóng biểu tình phản đối dấy lên mạnh mẽ hơn bao giờ. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi ngày 11-6- 1963, tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8), Bồ Tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu giữa đường phố Sài Gòn trước sự chứng kiến của hàng trăm quần chúng và Phật tử để phản đối chính quyền Diệm. Một sự kiện có một không ai. May mắn được chứng kiến giây phút lịch sử này, Malcolm W. Browne đã ghi lại trọn vẹn vào ống kính của mình hình ảnh một hoà thượng trong ngọn lửa bốc cao vẫn ngồi kiết già im lặng tay chắp trước ngực. Bức ảnh ngay sau khi được AP phát đi đã gây một ấn tượng rất mạnh, gây xúc động lớn cho dư luận yêu chuộng hòa bình trong nước và trên thế giới.

Nói về cảm xúc của mình về bức ảnh, về giây phút lịch sử này và cả hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đáng giá này, trong một hồi ức của mình, Malcolm W. Browne viết: Đêm trước khi biến cố trọng đại này xảy đến một vị Hòa thượng đã gọi điện cho tôi, bảo rằng 7h sáng ngày mai, tức ngày 11/6, hãy có mặt tại địa điểm ấy, sẽ có một việc, rất quan trọng, rất đặc biệt sẽ diễn ra. Ngoài tôi, vị Hòa thượng đó còn gửi tin nhắn tương tự tới gần một tá phóng viên Mỹ đang tác nghiệp tại Sài Gòn lúc nó, nhưng dường như chẳng mấy ai quan tâm. Riêng tôi thì không. Đó có lẽ là may mắn mà lịch sử đã dành cho cá nhân một người làm báo chiến trường như tôi. Tôi đã trở thành phóng viên phương Tây duy nhất có mặt tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt vào giờ phút ấy. Tôi nghĩ, tôi đã chụp tới 6, không, 8 cuộn phim loại 35mm.

Sau này có người hỏi tôi rằng trước cảnh tượng ấy tôi sợ không, nhất là khi tôi được báo trước rằng một sự việc như thế sẽ xảy ra, liệu có phút giây nào tôi nghĩ rằng có lẽ tôi sẽ góp phần ngăn cản cái chết ấy (một cái chết mà sau này có ý kiến cho rằng là khá ghê rợn) đừng xảy ra? Nỗi sợ trong tôi là có thật, nhưng chỉ khi tôi trở về căn phòng làm việc của mình, ngồi trong phòng tráng phim, nhìn lại những gì vừa diễn ra.

Một ngày sau khi AP phát đi bức ảnh của tôi Tổng thống Kennedy bừng bừng tức giận cho gọi Henry Cabot Lodge, người chuẩn bị rời khỏi Sài Gòn trên cương vị Đại sứ Mỹ và tuyên bố: Những chuyện đại loại như thế này phải chấm dứt (“This sort of thing has got to stop”). Và, giây phút đó, lời nói đó, chính là thời khắc bắt đầu cho việc nước Mỹ chấm dứt sự ủng hộ của mình với chính quyền Ngô Đình Diệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày