Nhà hỏa táng đầu tiên ở Hồng Ngự (Đồng Tháp)

Lũ về, nước dâng cao, khắp thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) nhìn đâu cũng mênh mông biển nước. Mùa nước nổi là thời điểm cư dân vùng rốn lũ lại canh cánh nỗi lo bóng đêm của tang ma đòn xóc ghé nhà. "Khi nước ngập trắng đồng, gia đình nào lỡ có người thân qua đời chẳng thể nào chôn cất được, đành bó xác, cắm chéo cây gác quan tài lên chờ nước rút mới có đất an táng".

Sau tâm tình trên, ông Dương Hoàng Nam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Hồng Ngự, báo tin vui: "Từ tháng 4/2009 đến nay, nhờ ý chí và tấm lòng sẻ chia của đại đức Thích Minh Bửu, trụ trì tịnh xá Ngọc Thạnh (xã Bình Thạnh, Ủy viên UB MTTQ thị xã) mà ác mộng đòn xóc không còn là nỗi ám ảnh của bà con vùng lũ".

Những hồi ức kinh hoàng

Ông Nam cho biết, do là huyện biên giới nằm trên tuyến đường "dội nước" từ Biển Hồ (Campuchia) nên cứ đến mùa "trời khóc" là Hồng Ngự chìm trong biển nước. "6 tháng trời mưa không khi nào tạnh, nước chẳng lúc nào hạ khiến dân vùng lũ sống khổ mà chết cũng khổ. Đã là dân xứ lũ thì ai cũng ít nhất vài lần chứng kiến hoặc lâm cảnh bó xác người thân gác đòn xóc".

Trong căn nhà cặp QL30 cao lêu nghêu được chống đỡ bằng hàng trăm cây sào ở xã Bình Thạnh, anh Huỳnh Văn Cho, 34 tuổi, bất chợt chùn giọng khi nhớ lại đám ma của cụ thân sinh 4 năm trước: "Khi ấy mẹ tôi đã 87 tuổi, cụ già yếu lắm rồi! Đoán định cụ có thể không qua khỏi mùa lũ nên trước đó tôi mua sẵn chiếc hòm, đẵn hơn chục cây tràm đóng chéo 2 đầu rồi gác lên. Giữa mùa lũ cụ mất, quàn xác tại nhà hơn 5 ngày nhưng anh em tôi không thể đưa vào hòm được bởi gió mưa không ngơi nghỉ, nước thì liên tục dâng cao. Sang ngày thứ 6, trước nguy cơ tử thi bốc mùi nên tôi lấy bạt quấn chặt cụ rồi nhờ bà con chòm xóm xăm mình chèo xuồng chống chọi với dòng chảy cuồn cuộn như muốn cuốn trôi tất cả, đặng đưa cụ vào áo quan. Chỉ riêng cái việc tẩm liệm thôi mà trần ai đến vậy đấy".

Sư Minh Bửu cùng những người đồng chí hướng
bên công trình nhà hỏa táng giúp dân vùng lũ
 

Lê Tuyết Mai, Phật tử tịnh xá Ngọc Thạnh, nhà ở xã An Bình A, tiếp nối nỗi ám ảnh tang ma đòn xóc bằng hồi ức rùng rợn hơn: "Nhiều gia đình do quá nghèo khó không có điều kiện mua áo quan đành phải dùng chiếu quấn xác rồi dùng bạt nhựa, bao nilông bó thành nhiều lớp, túm cột 2 đầu trông như khúc chả rồi gác lên đòn xóc, hoặc nhét vào ngọn những lùm tre".

Đại đức Thích Minh Bửu tâm sự, cảnh mai táng "màn trời chiếu nước" theo kiểu gác chéo để lại nhiều mối họa khôn lường. "Nước rỉ từ xác chết khiến nguồn nước bị ô nhiễm, lan tỏa trên bình diện rộng ẩn họa nhiều mầm bệnh. Nhưng hiểm nguy vẫn chưa dừng lại ở đó.

Chờ lũ qua đi, lúc nước rút bà con hạ quan tài đào đất an táng (trong vườn nhà hoặc giữa ruộng đồng). Vấn đề ở chỗ chỉ trong vòng 6 tháng mùa khô, tử thi không thể phân hủy kịp và giữa lúc xác chết đang trong giai đoạn thối rữa thì lũ về, nước thấm vào lòng đất, thấm vào tử thi rồi thẩm thấu, lan truyền theo dòng chảy, mang theo đủ nguy cơ dịch bệnh lan tỏa khắp miệt sông nước".

Hóa giải ám ảnh bằng nhà hỏa táng

Sinh ra và lớn lên giữa vùng rốn lũ, lại không ít lần chứng kiến cảnh người thân, xóm giềng qua đời giữa mùa con nước dâng nên đại đức Thích Minh Bửu hơn ai hết hiểu rõ nỗi thống khổ của người sống lẫn người chết một khi chẳng may gặp hữu sự lúc lũ về. "Nếu có nhà hỏa táng không chỉ tiết kiệm đất đai, chi chí, công sức cho gia đình người chết mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường".

Tuy nhiên, ý tưởng là vậy nhưng khi bắt tay thực hiện là một khoảng cách xa vời. Sư Bửu, nhớ lại: "Thầy chỉ là người khơi nguồn ý tưởng, là cầu nối giữa nguyện vọng, mong ước của bà con Phật tử với các Mạnh Thường Quân.

Vấn đề ở chỗ đại đa số bà con Phật tử ở Hồng Ngự đều nghèo khó, bà con ủng hộ ý tưởng của thầy nhưng khả năng cùng chung tay xây dựng thì đành lực bất tòng tâm". Không đầu hàng, sư Bửu xây dựng nhà hỏa táng trên diện tích do một Phật tử hiến tặng gần 2ha (ở ấp Bình Hưng, xã Bình Thạnh) bằng chiến thuật "góp nhặt theo kiểu mưa dầm thấm lâu, có tới đâu làm tới đó".

Có nhà hỏa táng, tang ma sẽ không còn
là ám ảnh thường trực của bà con nghèo. - Ảnh: T.D

Ông Võ Văn Lai, Phật tử nhiệt tình ủng hộ tài lực cho ước mơ của đại đức Thích Minh Bửu thành hiện thực, tâm tình: "Lúc đầu chỉ dự tính xây một lò hỏa táng nhưng sau căn cứ theo nhu cầu thực tế, sư Bửu cùng những Phật tử đồng chí hướng quyết định làm 2 lò.

Trước khi xây dựng đề án cho công trình, tôi cùng sư Bửu đến Sóc Trăng, sau đó sang Campuchia tham khảo các mô hình, kinh nghiệm hoạt động, xây dựng… Để công trình không bị ngập nước phải bơm gần 50.000m3 cát để nâng cao 4,5m so với mặt ruộng. Tiếp đó phải xây kè chắn sóng cao 6m bao quanh nhằm hạn chế sức dập của sóng gió".

Bắt tay vào việc, do giá cả vật tư biến động, leo thang từng ngày khiến công trình đội giá khủng khiếp. Thời gian xây dựng công trình cũng là bài toán nan giải bởi chúng tôi chỉ có 6 tháng mùa khô. Để kịp tiến độ, sư Bửu phải ra chỉ huy công trình, ăn ngủ cùng anh em công nhân. Lắm lúc đang làm thì hết sạch tiền, sư bán cả đất gia đình đổ vào nhà hỏa táng.

Cảm động trước tâm tư, ý chí của sư, Phật tử tại nhiều tỉnh, thành lân cận như Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, TP HCM… đã đến chung sức, người góp gạch, người góp ximăng, góp ngày công… Nhờ vậy mà các công trình lò thiêu, nhà tang lễ, nhà lưu cốt, trại hòm thí, kho chứa chất đốt dần hình thành".

Lò đầu tiên được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2009. Đến với nhà hỏa táng, thân nhân người chết không tốn một đồng. Tro cốt của người quá cố sau đó được thờ trang trọng tại nhà lưu cốt nằm trong cụm công trình nhà hỏa táng. Điều đáng quý là không chỉ phục vụ cho bà con ở Hồng Ngự, ngay cả các huyện lân cận như Cao Lãnh, Sa Đéc, Tân Hồng và các xã biên giới của nước bạn Campuchia cũng được hưởng lợi từ công trình này.

Hơn 5 năm qua, sư đã làm cầu nối giữa những gia đình bần hàn với nhiều tấm lòng trượng nghĩa. Đã có gần 100 căn nhà rách nát được thay thế bằng nhà mới, mỗi căn trị giá từ 8-10 triệu đồng.

Đại đức Thích Minh Bửu còn được nhiều người yêu mến gọi bằng biệt danh "hiệp sĩ chống bóng đêm" vì nhờ có sư mà từ cảnh đời tăm tối mù lòa, gần 200 người mù đã nhìn thấy ánh sáng.

Sư lặn lội khắp các vùng sâu, xa tìm đến bà con nghèo gặp hoạn nạn rồi tổ chức đưa bà con đến Bệnh viện Mắt TP HCM để các bác sĩ phẫu thuật. Không chỉ được sư miễn phí toàn bộ quá trình đi lại, phẫu thuật, ăn uống, khi sáng mắt rồi, mỗi người còn được sư trao quà, tiền để ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày