Tôi tìm sự khác biệt trong việc làm từ thiện giữa những ngôi chùa, đại đức Thích Niệm Tấn - trụ trì chùa Pháp Đạt - nói: “Không có sự khác biệt giữa việc dạy học, cứu người, xây toà tháp bảo... mà chỉ có sự khác biệt trong nhận thức của phật tử về những việc thiện đó thôi”. Đây cũng là điều trăn trở của nhà sư.
Lớp học của người nghèo
Buổi học chưa bắt đầu, nhưng H’Thin Mlô ở buôn Kô Tam đến từ rất sớm, ôn bài trên máy tính của nhà chùa. “H’Thin sắp thi chứng chỉ A rồi mà, nhà em không có máy, em cũng đâu có tiền để ra tiệm Internet...” - cô bé Ê Đê tự nhiên như người nhà. Lớp của H’Thin có 26 học viên, hầu hết đều là con em buôn Kô Tam và một số buôn gần thuộc xã Ea Tu. Trong lớp có người theo đạo Phật, có người theo Thiên chúa, Tin lành, có người không theo tôn giáo nào. Các trường hợp rất khác nhau này có một mẫu số chung là sự hiếu học đã không được đáp ứng bởi những điều kiện vật chất tối thiểu và một sự khích lệ thường xuyên. Đến chùa Pháp Đạt, ngoài việc học miễn phí, những cô bé nghèo như H’Thin Mlô sẽ được thi chứng chỉ quốc gia tin học mà không phải lo lệ phí thi, tiền đi lại, ăn ở.
Hôm nay thứ ba, lớp do thầy Trần Quang Sang - giáo viên Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên - đảm trách. Việc phát tâm dạy từ thiện với thầy Sang cũng rất tình cờ, chỉ sau một lần đi cùng đồng nghiệp thăm viếng cảnh chùa. “Dù không có thù lao, tôi vẫn mong sao nhà chùa được tài trợ các trang thiết bị, kinh phí để duy trì thường xuyên các lớp học này” - thầy Sang nói.
Ở chùa Pháp Đạt còn có một gia đình trí thức rất tích cực làm từ thiện nhiều năm nay, đó là gia đình bác sĩ Lưu Liên. Dù rất bận - thầy Lưu Minh Quân là giáo viên Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, thầy Lưu Minh Đạo công tác ở Ngân hàng Kiên Long chi nhánh Đắc Lắc - nhưng gia đình bác sĩ Lưu Liên luôn sắp xếp thời gian để thay nhau dạy học. Ngoài ra, nhiều giáo viên ở huyện Krông Pắc cũng không ngại đường xa... Nhờ vậy, từ năm 2009 đến nay, nhà chùa đã mở được 4 lớp tin học trình độ A, 1 lớp tin học trình độ B cho trẻ em nghèo. Tại các kỳ thi chứng chỉ quốc gia tin học do Sở GDĐT Đắc Lắc tổ chức, lớp tin trình độ B của chùa đậu 100%, các lớp A cũng đậu trên 90%. Đây là tỉ lệ mà các trung tâm tin học luôn... mơ ước.
Dạy kiến thức, dạy làm người
“Vốn quê miền Tây, thời đi học ở TPHCM, vì sao thầy lại chọn một buôn dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên để lập chùa?” - tôi hỏi. Nhà sư cho biết: “Năm 2005, thầy có duyên 5 lần được tham gia đoàn từ thiện lên Tây Nguyên, trong đó có lần đến buôn Kô Tam này. Thấy bà con dân tộc Ê Đê nơi này còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc lo cho con em học hành; từ đó thầy có ý nguyện lên đây, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự học của các em”.
Không chỉ dạy tin học, đại đức Thích Niệm Tấn còn vận động giáo viên đến dạy hè, luyện thi miễn phí cho học sinh các cấp, bản thân nhà sư cũng là một thầy giáo đạt chuẩn (đại đức Thích Niệm Tấn là cử nhân ngữ văn hệ chính quy). Nhà sư tâm sự: “Dạy học không quan trọng bằng việc khuyến tấn ý chí học hành của các em, vì chỉ khi nào các em có được sự quyết tâm thì việc dạy học mới đạt kết quả tốt. Thí dụ muốn một em vào được đại học, ta phải giúp em đó hình thành sự quyết tâm ngay từ khi đang học lớp 9, lớp 10 thì mới kịp. Để việc khuyến tấn đạt kết, nhà chùa còn phân tích, tư vấn cho các em lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với năng khiếu, học lực của từng em...
Năm vừa rồi, chùa Pháp Đạt có 20 phật tử đi thi thì cả 20 em đều đỗ vào các trường đại học danh tiếng nhất trong cả nước. Thầy mừng rơi nước mắt”. Ngoài việc dạy học, đại đức Thích Niệm Tấn còn dành thời gian đến thăm từng gia đình trong xã Ea Tu, đặc biệt là buôn Kô Tam. “Nhà giàu hay nghèo, hoà thuận hay không, con cái học hành ra sao thầy biết hết. Mỗi lần phát quà từ thiện, thầy không nhất thiết phải căn cứ vào danh sách hộ nghèo do thôn, xã lập” - nhà sư cười tự tin.
“Xin hỏi thầy một câu hơi tế nhị: Kô Tam là buôn dân tộc thiểu số đầu tiên ở Tây Nguyên có chùa, lại là buôn có nhiều người Ê Đê theo đạo Thiên chúa, đạo Tin lành; việc thuyết pháp cũng như dạy học của thầy có trở ngại chi không?”. “Ban đầu đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo khác có e ngại, vì nghĩ rằng nhà chùa sẽ vận động con em họ theo đạo Phật. Nghĩ như vậy là không trúng. Thứ nhất là cửa chùa Pháp Đạt luôn rộng mở cho tất cả những người nghèo muốn học tập, không có sự phân biệt tôn giáo, dân tộc.
Thứ hai là nhà chùa chỉ dạy kiến thức khoa học, dạy 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên - nhi đồng, dạy đạo làm người chứ không có nội dung nào vận động các em theo Phật giáo cả. Việc giác ngộ phải tuỳ thuộc vào chữ duyên, có duyên ắt sẽ được. Thầy đã trực tiếp gặp các linh mục để nói chuyện thẳng thắn rồi, không có chi e ngại. Và thầy nói sao thì làm y như vậy”.
Cho trí tuệ là công đức vô lượng
Hôm chúng tôi đến chùa, đại đức Thích Niệm Tấn đang bàn bạc cùng chị em tiểu thương chợ Buôn Ma Thuột để mua sách vở cho con em các gia đình nghèo, góp một phần chuẩn bị cho năm học mới. Năm nào cũng vậy, chùa Pháp Đạt đều vận động quyên góp hàng nghìn cuốn tập, hàng nghìn cây bút để động viên học sinh nghèo. Vẫn chưa hết, chùa Pháp Đạt còn nhận nuôi dạy 4 đứa trẻ, trong đó có 3 trẻ mồ côi...
Một vấn đề không thể không đặt ra đối với một ngôi chùa nhỏ, mới thành lập được 5 năm, đó là chuyện kinh phí trang trải cho việc dạy học. Tôi gặng hỏi nhiều lần, đại đức Thích Niệm Tấn mới cho biết mỗi khoá tin học có khoảng 50 học viên, chi phí không dưới 30 triệu đồng - bao gồm tiền điện, tiền bảo trì máy móc, lệ phí thi, chi phí cho học viên đi thi.
Và số tiền này thường cao hơn khoản đóng góp của chị em tiểu thương. Chùa có 33 giàn máy vi tính, nhưng chỉ một phần nhỏ là do phật tử cúng dường, còn lại đại đức Thích Niệm Tấn phải đi mượn tiền mua sắm. Trong khi còn rất nhiều khoản phải chi, mới đây thầy lại sắm thêm một bộ máy chiếu, màn hình để dạy học cho các em. Tôi hỏi lấy tiền đâu, thầy bảo: “Trước mắt là thầy vay mượn, khi nào có người hảo tâm tài trợ thầy sẽ trả lại”. Có một lần khác đại đức Thích Niệm Tấn cũng rơi nước mắt, đó là khi thầy phải thông báo cho học viên tự nộp lệ phí thi chứng chỉ quốc gia tin học vì chùa quá khó khăn. Nhiều học viên khóc, bởi 200 nghìn đồng là số tiền quá lớn đối với gia đình các em, từ đó thầy âm thầm đi vận động để lo... “trọn gói”.
“Các chùa thường quyên góp giúp đỡ người nghèo miếng cơm, manh áo, tiền chữa bệnh, sao thầy lại quan tâm đến giáo dục?”. Nhà sư tiếp: “Thì nhà báo vừa nói đó thôi, đã có nhiều chùa, nhiều thầy làm việc đó rồi nên thầy mới chọn giáo dục - một lĩnh vực mà các chùa hiện nay còn ít quan tâm. Cũng như tại sao thầy chọn dạy tin học, đó là vì chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, sự lạc hậu về công nghệ thông tin sẽ dẫn đến mọi sự lạc hậu của các em, cho nên phải kịp thời.
Cuối cùng, nhà Phật quan niệm rằng cho chúng sinh trí tuệ là công đức vô lượng, cũng như công đức xây chùa, làm từ thiện, cứu giúp người hoạn nạn. Đây là điều rất quan trọng, nhưng nhiều thầy không giảng nên phật tử không hiểu được đó thôi”. Có câu “cứu một mạng người hơn xây bảy toà tháp”, làm từ thiện bằng giáo dục cũng như cứu người, như xây toà tháp vậy.