Nhà sư thi sĩ Đời Lý

Thời Lý, Phật giáo Việt Nam hưng thịnh và góp phần làm cho thơ ca thời đại này có diện mạo mới, có sinh khí hơn. Thơ thiền thời Lý gắn liền với tên tuổi của những bậc Đại sư thi sĩ tên tuổi như Ngô Chân Lưu (tức Khuông Việt đại sư), nhà sư và thi nhân Đỗ Pháp Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh, và các nhà sư khác như Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ…

Ngô Chân Lưu (933-1011), người huyện Thường Lạc (nay huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), lúc nhỏ học đạo Nho, sau đó đi tu, thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông do Thiền sư Vô Ngôn Thông (759-826) người Trung Quốc vào Việt Nam lập ra năm 820. Năm 40 tuổi ông tinh thông thiền học, được vua Đinh Tiên Hoàng ban cho hiệu Khuông Việt đại sư.

daophat-1.jpg

Tượng Thiền Sư  Vạn Hạnh tại Chùa Tiêu

Ngô Chân Lưu để lại khúc ca nhan đề Vương lang quy (Chàng Vương trở về) có thể coi là một bài thơ mới có nhiều cách tân sáng tạo, mà đến nay đọc lại vẫn còn ấn tượng. Lời thơ rất xúc cảm, thống thiết và giàu hình ảnh, như câu: "đường về phương trời xa thăm thẳm, tình thắm thiết, đối chén rượu biệt ly"(cửu thiên quy lộ trường, tình thấm thiết đối ly trường). Thiền sư Vạn Hạnh (? - 1018), người làng Cổ Pháp (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) từ nhỏ học thông Tam giáo (Nho - Phật - Lão) nhưng rất say mê đạo Phật, năm 21 đi tu ở chùa Lục Tổ (nay thuộc huyện Đình Bảng) theo dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, về sau được phong Quốc sư. Vạn Hạnh có 5 bài thơ vừa lời sấm vừa lời kệ. Các thi phẩm của ông như: Ký Đỗ Ngân (gửi Đỗ Ngân), Quốc tự (Chữ quốc), Yết bảng thị chúng (Treo bảng nói với mọi người), đặc biệt bài Thò đệ tử (Bảo các đệ tử) tuy ngắn nhưng rất được đời sau truyền tụng. Nếu thơ đời Lý mang đậm chất thiền thì bài thơ Thị đệ tử của Vạn Hạnh là một ví dụ rất sinh động. Bài thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt đậm "Thiền lý" và "Thiền vị", thể hiện trong một tứ thơ khác lạ chưa từng có trong thơ cổ Việt Nam trước đó. Đối của bài thơ rất chỉnh với có-không (hữu-vô) và điệp từ "thịnh suy" lặp đi lặp lại. Bài thơ hay về triết lý, giáo huấn theo quan niệm nhân sinh và vạn vật vô thường của Phật giáo.

Thơ thiền đời Lý thường kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa nội dung và nghệ thuật. Nếu như thơ của quân vương, anh hùng, hào kiệt tràn đầy tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm thì thơ của các nhà sư đời Lý bừng dậy tinh thần lạc quan, yêu đời, cái nhìn mới về con người và cuộc sống. Bài Cáo tật thị chúng (Có bệnh nói với mọi người) của Thiền sư Mãn Giác là một tác phẩm bất hủ với nội dung ấy.

Mãn Giác, tên thật là Lý Trường (1052-1096) người đất Lũng Triều, Hương An, ham học, thông tuệ Nho và Phật, nhờ sớm nổi tiếng nên được Lý Nhân Tông mời vào cung, ông đi chu du và kết bạn khắp nơi. Ông thuộc thế hệ thứ VIII dòng thiền Vô Ngôn Thông, vua Lý Nhân Tông rất trọng đãi và cho làm một ngôi chùa ở cung Cảnh Hưng và thường luận bàn đạo Phật với ông. Mãn Giác chỉ để lại một bài thơ muôn đời bất hủ. Cũng như bài Thị đệ tử của Vạn Hạnh, bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác có chung một đề tài, đó là khuyên bảo, căn dặn về một lẽ sống rất tự nhiên và bình thường mà mọi người phải thấu hiểu theo quan niệm của đạo Phật. Bài Thị đệ tử của Vạn Hạnh chỉ là "lời bảo" của thầy đối với học trò, còn bài Cáo tật thị chúng là "lời bảo" của người có bệnh, sức lực không còn bình thường, nhưng trí tuệ lại vô cùng minh mẫn, đó là khuyên bảo với mọi người nên thông hiểu quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Bài thơ chỉ 34 chữ mà diễn tả nội dung vô cùng sâu sắc, ấy là con người lúc có tật bệnh nhưng vẫn còn nhận biết quy luật biến đổi của tự nhiên:

"Xuân đi, trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa nở" .

(Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai).

Và cuộc đời của con người:

"Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt,

Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu".

(Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tòng đầu thượng lai).

Những câu thơ đầu của Mãn Giác phảng phất ý thơ của Lý Bạch trong bài Tương tiến tửu là "anh không thấy nước sông Hoàng Hà từ lưng trời tuôn chảy xuống biển rồi không ngược lên, lại không thấy cha già soi gương nhìn tóc bạc, mái đầu sớm còn bơ biếc tối hầu tuyết pha hay sao?" (Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi, hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, triêu như thanh ti mộ như tuyết). Lý Bạch chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, Mãn Giác theo đạo Phật. Thế giới quan và nhân sinh quan của Đạo giáo và Phật giáo có nét tương đồng, cho nên ở hai người có cái nhìn biện chứng về vạn vật và cuộc đời tương tự nhau. Phật giáo quan niệm vũ trụ là vô hạn còn đời người là hữu hạn, Mãn Giác nhận thức được điều ấy khi ông kết luận bài thơ bằng hai câu giàu hình ảnh, diễn tả niềm lạc quan vô bờ bến của con người suốt đời theo đạo Phật:

"Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Trước sân đêm trước nở cành mai".

(Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai).

Cái nhìn lạc quan, yêu đời của nhà sư thi sĩ đời Lý đã lan tỏa đến tâm hồn, tình cảm của các nhà thơ Việt Nam đời Lý dù họ có người theo đạo Nho hay Đạo giáo ở mức độ nào đó. Câu thơ:

"Thái bình nên gắng sức,

Non sông muôn thuở vững âu vàng".

(Thái bình tu trí lực,

Vạn cổ thử giang san).

của danh tướng Trần Quang Khải toát lên từ tinh thần tự tin và sâu sắc đó.

Các nhà sư đời Lý đều là những người có học, tinh thông chữ Hán, ban đầu được đào luyện trong môi trường Hán học và tiếp thu tinh hoa của thơ Đường (618-907) nên trí tuệ của họ cao siêu và tâm hồn dạt dào cảm xúc. Từ chịu ảnh hưởng của Nho học, họ chuyển sang chịu ảnh hưởng của Phật học và rồi thể hiện sự tác động đó vào trong văn học, mà cụ thể ở đây là thơ ca.

Khi đã nói đến thơ ca là nói đến tâm hồn và cảm xúc. Nhận xét về các nhà sư thi sĩ đời Lý, Giáo sư Đặng Thai Mai nói rất đúng rằng: "Đạo Phật Việt Nam hồi này cũng lại có vẻ khoan dung hơn đời sau" (Thơ Văn Lý-Trần, tập I). Mặc dù đạo Phật chủ trương "hư vô" và "tịch diệt", nhưng điều rất đáng quý của các nhà sư thi sĩ đời Lý, họ vừa là Tăng nhân vừa là thi nhân đúng với nghĩa những người đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn, xả thân và cứu thế. Giáo sư Đặng Thai Mai nhấn mạnh: "Một mặt nữa, có tôn giáo là có lễ nghi cúng bái, có ca hát nhảy múa. Như vậy là không thể không chú ý đến cái đẹp. Phải chăng vì vậy mà nhiều nhà tu hành đã yêu âm nhạc và thích làm thơ" (Thơ Văn Lý-Trần, tập I). Các nhà sư thi sĩ đời Lý chẳng những có tình cảm mà còn có chí khí. Trong Tùy viên thi thoại, Viên Mai ghi lại chuyện một nhà sư Trung Quốc tên là Đắc Tâm được người ta biếu cho mấy chục quả trứng gà, nhà sư lập tức nuốt một lúc mấy quả và đọc luôn bốn câu kệ. Vượt trên vấn đề thường nhật là ăn, mặc, ở, một nhà sư thời Lý dám nói lên chí khí cao cường, mãnh liệt của mình bằng một câu thơ đầy khí phách rất được đời sau truyền tụng:

"Làm trai có chí chọc trời

Không nên theo đường của Thích Ca".

(Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành).

Nhà sư Dương Không Lộ (1016-1061), người Hải Thanh (nay thuộc tỉnh Nam Định) bỏ nghề chài lưới, đi tu, thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông, chuyên nghiên cứu Thiền tông và Mật tông, thường cùng với sư Giác Hải du ngoạn. Ông sống thanh đạm, giản dị, không màng danh lợi, nhưng lúc nào cũng tràn đầy chí khí, và điều đó được thể hiện trong câu thơ nổi tiếng:

"Có khi xông thẳng lên đầu núi

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời".

(Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư).

daophat-2.jpg

Vườn Tháp Yên tử

Các nhà sư đời Lý chỉ ở nơi thâm sơn cùng cốc mà chí khí vươn cao, khi thì muốn lên trời, lúc muốn trèo lên đỉnh núi. Tinh thần ấy, con người ấy và chí khí ấy của họ lại biến thành những câu thơ cháy bỏng mà muôn đời sau mọi người vẫn còn ngưỡng mộ. Tinh thần tốt đạo, đẹp đời, yêu nước, thương dân của các nhà sư đời Lý đã kết tinh và hun đúc lại, tạo nên tinh thần yêu nước, dựng nước, giữ nước của dân tộc và được thể hiện cụ thể sinh động trong các bài văn bất hủ như Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Chiếu dời đô (Lý Thái Tổ), Hịch tướng sĩ văn (Trần Quốc Tuấn) và Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) mà hôm nay, qua ngót mấy ngàn năm, gần 90 triệu con Lạc cháu Hồng đọc lại vẫn dạt dào cảm xúc. Quý hóa thay sự giao hòa giữa Phật giáo với thơ ca bắt đầu từ thời buổi xa xưa!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày