Nhập Không môn

(Bài giảng tại chùa Phổ Quang)

GN - Pháp Không là cánh cửa không, mà đa số chúng ta không hiểu nghĩa Không trong đạo Phật. Phần lớn chúng ta hiểu Không là không có gì, đó là sai lầm lớn của người tu. Có người nói rằng Không là cửa Thiền, tức tâm của người tu.

Thông thường, cửa mở ra ngoài, nhưng Phật nói rằng người tu thì cửa mở vào bên trong. Như vậy, chữ Không có nghĩa là đối lại với bên ngoài.
anh Phat.jpg
Phật nói rằng người tu thì cửa mở vào bên trong

Một số người tu theo Phật dễ phạm sai lầm, vì muốn giải thoát, nhưng lại kẹt nhiều vào pháp hữu vi bên ngoài. Điển hình là năm anh em Kiều Trần Như bị vướng mắc pháp hữu vi, nói cách khác, họ bị bệnh cố chấp, nên thường nghĩ phải thế này, không phải thế kia. Người cố chấp cũng tu, nhưng chính sự cố chấp làm họ khổ thêm. Kinh Pháp hoa nói rằng họ tu, nhưng không hết phiền não mà nghiệp chướng lại tăng thêm.

Thật vậy, thực tế cho thấy, người tốt dễ trở thành khó tánh, không bằng lòng người này, chê trách việc nọ, vì nghĩ người khác sai trái, nên họ thường khởi tâm ghét cho đến giận.

Năm anh em Kiều Trần Như là người thân cùng dòng tộc với Phật, ba người thuộc họ cha, hai người thuộc họ mẹ, nhưng họ cũng không bằng lòng và giận Phật. Khi thái tử đi tu, vua Tịnh Phạn nghĩ rằng hoàng tử quen sống sung sướng, mà Ngài đi tu, sống cuộc đời lang thang, khất thực khổ cực như vậy, nên vua không cam lòng. Vua mới sai năm anh em Kiều Trần Như theo chăm sóc thái tử cẩn thận. Năm ông này theo Phật tu, nhưng mắc bệnh cố chấp, tức nghĩ rằng thái tử phải thế này, thế nọ, không được thế kia…

Đức Phật nhận thấy tất cả việc làm và pháp môn tu của người đương thời sai trái và ràng buộc người ta, làm họ khổ tâm. Trong khi theo Phật, việc tu hành lấy tâm làm chính; không chăm sóc thân, nhưng phải chuyển hóa tâm để tâm được giải thoát, còn tu mà tâm đau khổ là bị đọa.

Theo ngoại đạo dạy, tu phải nhịn đói để được lên trời gặp thượng đế, nhưng không thấy thượng đế mà đã ngã quỵ vì cơ thể thiếu dưỡng chất quá mức, khiến cho thân phải phản ứng đòi hỏi dữ dội, nghĩa là thân đã hành hạ tâm. Và khi thân đòi ăn, nhưng không cho ăn, làm tâm đau khổ và tâm khổ thì nó hành hạ lại thân, đến cuối cùng, thân và tâm đều đau khổ. Đến khi chết, tâm đau khổ này dẫn họ vô cảnh khổ của ba đường ác. Tu suốt đời nhưng bị đọa như vậy, nếu tu không khéo.

Tu hành, nhiều người thường đổ thừa tại cái này, cái kia, nhưng thử nghĩ sống trên cuộc đời, làm gì có mọi việc theo ý mình muốn. Rồi lại nói, muốn tu, nhưng không để tôi tu. Thầy hỏi ai không để ông tu. Cho ông tu là người ta phải làm theo ý của ông hay sao. Ai không cho mình tu, ai làm mình khổ. Chính mình làm mình khổ. Tự mình tu, không ai cho được. Người ta làm gì thì kệ họ, mình cứ tu.

Đức Phật nói Ngài thương chúng sanh, nhưng không giúp họ được, vì nghiệp của họ đã thành, quả đã tới thì phải chịu.

Riêng thầy thuở nhỏ cũng rơi vô cái chấp, nhưng nhờ Hòa thượng Trí Tịnh nhắc nhở, ngộ được và xả được. Hòa thượng nói người tụng kinh Pháp hoa, nhưng phải sống theo kinh Pháp hoa mới thể hiện được ý nghĩa Phật dạy.

 Hòa thượng nói trong phẩm Pháp sư thứ 10, Phật dạy rằng trước nhất, phải để tâm mình trống không, mới chui qua cửa trần lao, mới giải thoát. Cửa Không là cửa giải thoát. Tâm mình đầy ắp sự kiện, bận rộn đủ thứ, thậm chí nói rằng bận tụng kinh, bận lạy Phật, bận ngồi thiền. Nếu  bận thì đừng tụng kinh, ngồi thiền.

Hòa thượng nhắc phải qua cửa Không, nghĩa là buông bỏ hết, lòng mình không vướng mắc cái gì. Cửa Không là Không môn không có cửa, nhưng nó đóng kín với người còn cố chấp. Bên kia là giải thoát. Bên này là trần lao nghiệp chướng, nhưng mình ôm trần lao nghiệp chướng, làm sao qua giải thoát được.

Cánh cửa Cực lạc luôn mở cho chúng ta, nhưng mình cứ đứng bên này la inh ỏi rằng Phật cứu con. Phật bảo con qua đây và Phật chìa tay cho mình nắm, nhưng mình không nắm được, vì còn cố chấp là mình đang ở đây, đang đau khổ, nên qua không được.

Thần Quang tu cả đời, nhưng thấy khó thêm, khổ thêm đến mức không chịu ở chùa, không ai chịu nổi ngài và ngài cũng không chấp nhận ai. Phật tử coi chừng phạm sai lầm này. Vì đi chùa, cố chấp một số việc đem vô lòng cho nặng thêm. Lại có người chưa có nghiệp này, nhưng tạo nghiệp bằng cách thích nghe kể và góp ý. Như vậy, một người một nghiệp chia sẻ cho nhau thành một người có 2 nghiệp, cho đến bốn người có 16 nghiệp… Ta ở chùa này ôm một cục nghiệp, sang chùa khác thêm một cục nghiệp nữa và ôm mười cục nghiệp, nặng quá, làm sao qua cửa trần lao. Cứ như vậy, nghiệp cũ tạo nghiệp mới bao vây chúng ta không thoát được, gọi là trùng trùng duyên khởi.

Hòa thượng Trí Tịnh nhắc chúng ta trong kinh Pháp hoa có dạy rằng lấy pháp Không làm tòa, tức muốn giải thoát, tất cả mọi việc trên cuộc đời này, ta coi như không có.

Phật dạy muốn tu, chúng ta phải coi như mất hết, là Không, là trắng tay. Cả cuộc đời chúng ta trước khi vào chùa thì sao. Thầy đọc truyện ông vua thất bại, trốn vô chùa tu thì bấy giờ, cái gì cũng hết, nhìn xung quanh thấy tướng lĩnh chết hết, ngôi vua phải vứt bỏ, áo mão vua cũng bỏ, không dám mặc, phải mặc đồ thường dân trốn chạy.

Thấy không còn gì nữa, mình mới qua cửa Không. Trên bước đường tu, cuộc đời trước khi tu kể như chết rồi, chôn rồi. Nếu vẫn sống với con người cũ, chắc chắn khổ đau. Vô chùa quy y có pháp danh là tên mới. Bây giờ ta theo Phật, sống với Phật. Vì vậy, đối với ta, tất cả mọi việc trước kia đều chấm dứt, ta qua cánh cửa Không này thì phải bỏ hết. Nói thì dễ, nhưng ít ai làm được. Bạn của thầy vô chùa tu mà cứ kể chuyện đời, là thân xuất gia nhưng tâm chưa vào đạo. Họ kể trước kia làm tướng, làm giám đốc... Ăn cơm Phật, mặc áo Phật, nhưng nhớ chuyện đời là đọa. Tu hành phải cắt bỏ quá khứ trần tục này, coi như mình đã chết rồi, may nhờ Phật cứu ta sống lại. Trước ta có tên của cha mẹ đặt, nhưng bây giờ, thầy cho tên mới và sống với con người mới, là bỏ hết thì lên tòa Như Lai; còn ý niệm nào khác phải bị tuột xuống.

Đức Phật Thích Ca lên tháp Đa Bảo, ngồi chung với Phật Đa Bảo. Đại chúng ngồi dưới. Phật bảo bỏ hết thì Phật rước lên. Bấy giờ, chư vị A-la-hán đã đắc quả Không liền vọt lên tháp Đa Bảo, nghĩa là bỏ hết ý niệm trong lòng, không còn ý niệm trần tục thì linh giác chúng ta vào được thế giới Phật. Thể hiện ý này, người tu Thiền quét sạch vọng niệm trong tâm cho đến tâm Không.

a nhapkhongmon.jpg


Thần Quang cầu pháp Ngài Đạt Ma - Tranh: Nhuận Thường

Thần Quang càng tu càng rối, mới đến tìm Tổ Đạt Ma, xin thầy an tâm giùm con. Tổ Đạt Ma bảo đem tâm của ông đưa đây, ta an cho. Thần Quang trả lời rằng không đem tâm ra được, nghĩa là không thấy tâm, không kẹt tâm, không chấp tâm nữa. Tâm trống không ví như gương trong, hết bụi trần.

Ta thành Phật là tâm chúng ta hoàn toàn đứng yên, trống không, thì sum la vạn tượng hiện vô tâm. Nếu từ trống không này, nghĩ Phật thì Phật hiện ra, khởi ý niệm Bồ-tát thì Bồ-tát hiện. Tất cả hình ảnh này hiện trên tâm gương. Vì vậy, Thiền tông nói người tu lau bụi trên gương là lau tâm gương cho sạch. Cho nên ngài Thần Tú nói:

Thân tợ Bồ-đề thọ

Tâm như minh cảnh đài

Thời thời cần phất thức

Vật sử nhạ trần ai.

Lấy pháp Phật che tấm gương tâm của mình để bụi đừng bám. Nếu không lau thì đậy gương lại, là người tu bế quan. giữ tâm chúng ta luôn trong sáng.

Trên bước đường tu, khi tụng kinh, ta không nghĩ lung tung, nhưng nếu xếp kinh lại, ra ngoài nói đủ thứ chuyện, là đọa. Vì đã lấy vải lau tâm gương mới vừa trong, nhưng tụng kinh xong lại gỡ vải ra cho đủ trần ai rớt lên tâm gương mình, tìm người tâm sự, tu như vậy thì phí công vô ích.

Thiền sư dạy chúng ta lấy kinh Phật đậy tâm, đừng cho bụi bám. Thầy thực tập pháp tu này. Thầy thường tụng kinh, không nghe việc thiên hạ, ngồi xe, hay trên máy bay, thầy cũng tụng kinh. Nghe người nói, tâm ta bị dơ, nhưng không chùi ngay, đến lúc tâm gương mình hoàn toàn tối là thành vô minh thì vô minh sẽ sanh ra nghiệp và phiền não.

Vô minh là gì, là bụi bám dầy đặc tâm gương làm tâm chúng ta mờ tối. Bụi thứ nhất là thế sự. Ta tu nhưng nghe chuyện đời nhiều, chuyện không dính líu gì đến mình, nhưng mình lại lo lắng và từ bụi này bám, tâm gương chúng ta bị bụi che, tức trong lòng mình có rồi thì phản ảnh của mình là nghiệp. Bụi này là trần ai. Ta tu, lấy pháp lau tâm gương hoàn toàn trong sáng là trần ai hết. Và khi bụi này được lau sạch rồi, nhớ lấy tấm vải pháp đậy lên tâm gương chúng ta.

Có người bày rằng đến phòng phát hành mua vải có viết kinh Phật để đậy xác người chết. Thầy nói lúc đó, tâm người chết đâu có cảm được kinh Phật. Quan trọng là lấy pháp đặt lên tâm mình để tâm nhớ pháp Phật mà ngăn bụi trần.

Thầy thực tập pháp này, khi sinh hoạt, hội họp chung, phải có mặt, thầy ngồi yên tụng thầm kinh, lần chuỗi để dùng pháp giữ tâm mình. Vì vậy, người nói đủ thứ, nhưng thầy không nhớ. Đối với thầy, điều cần nhớ là tụng kinh, nên lúc nào thầy cũng tụng kinh thì làm sao không nhớ kinh. Còn tụng kinh rồi nói chuyện không tốt, như vậy pháp Phật và mình có liên quan gì đâu.

Vì vậy, phải lấy pháp đậy tâm, đừng cho bụi bám. Và khi mở tấm vải pháp ra thì tâm mình sáng, nhìn ra vũ trụ thấy rõ ràng. Kinh Pháp hoa nói đó là thấy đúng sự thật của tam thế gian. Tam thế gian là ngũ ấm, quốc độ và chúng sanh. Chính ba thứ này tạo thành trần lao nghiệp chướng, nên bỏ nó để tâm gương ta sạch. Dù tu pháp môn nào, nhưng không tẩy được tâm gương thì coi như chưa tu.

Thần Tú dạy rằng các ông phiền não nhiều, nghiệp chướng trần lao nặng, phải nhớ lấy pháp che tâm gương, lấy pháp lau tâm gương. Đó là Thần Tú nói cho người chưa vào cửa Không.

Và cao hơn, như Huệ Năng đắc đạo, qua cửa Không, mới nói: “Bồ-đề bản vô thọ”. Ở bên này, ta còn cây thì phải tưới nước, nhổ cỏ, cây bồ-đề mới phát. Nhưng qua bên kia không có cây là “Bồ-đề bản vô thọ”. Ở thế giới trần ai, ta cần gạo rau, phải để dành gạo rau để ăn, nếu không thì chết. Nhưng bảo quý vị tu vào cửa Không, bỏ hết, thì không ai dám, sợ chết.

Thuở nhỏ, thầy đọc câu chuyện, có anh nọ xin tu theo Thiền sư. Ngài bảo anh ra trước sân chùa có cây bồ-đề trèo lên. Rồi Thiền sư lại bảo anh bò ra nhánh cây, ra nhánh cây rồi, lại bảo anh buông tay. Anh buông một tay, còn vịn một tay. Ngài bảo buông luôn tay kia. Anh nói buông tay nữa thì chết sao. Ngài nói sợ chết thì tuột xuống. Đây gọi là tuyệt thể tuyệt mạng, tức vượt qua được ranh giới này thì làm Phật.

Qua được bên kia thì sao. Huệ Năng nói:

Bồ-đề bản vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bản lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai.

Nhưng cũng nói thêm:

Vô nhất vật trung vô tận tạng, đó là Niết-bàn, Cực lạc có ở đây. Người đắc đạo có vô tận tạng công đức do tu hành mà được. Điển hình là Đức Phật tu, không cần gì, nhưng vua chúa vùng Ngũ hà coi Phật trên các ông, tức trở thành kho báu vô tận. Ý này được ông bà ta nói rằng của vua thua của Phật. Của Phật không thấy, nhưng xài hoài không hết.

Thực tế cho thấy các thầy xuất gia, thọ giới, cạo tóc là không cho phiền não mọc ra, được Phật trao cho bình bát không, không có gì, nhưng ăn cả đời không hết, nghĩa là tu hành đúng Chánh pháp thì có đầy đủ.

Chùa Phổ Quang này trước kia là bãi xe buýt, nhưng do tu hành, chỗ này thành giảng đường, tức không có mà thành có. Nhưng nếu hết tu, công đức không còn, người ta sẽ phá chùa.

Vì vậy, việc quan trọng của người tu là bỏ cái nhỏ thì có cái lớn, hay bỏ tất cả sẽ được tất cả. Buông hết, tự nhiên có. Có do đâu. Các pháp do duyên sanh. Hội đủ duyên thì có. Mở vải pháp ra, thì tâm gương hiện rõ tất cả. Đầu tiên, chúng ta thấy được người tốt, người xấu. Họ nói tốt, nhưng tâm họ có tốt hay không. Tâm gương chúng ta trong rồi, sẽ thấy được người tốt bên ngoài, nhưng thật ra họ không tốt; đó là thấy thật tướng các pháp, theo đó chúng ta xử lý.

Vì chúng ta không có kho vô tận, nên tích lũy từng đồng vẫn thiếu trước hụt sau, vì ao công đức bị lủng; hay người làm đầu tắt mặt tối mà vẫn nghèo khổ, vì cái túi tham lủng đáy rồi.

Khi tâm gương chúng ta chưa sáng, cần lau chùi, đừng để bụi bám. Lau xong, mệt nghỉ, lấy vải đậy gương, đừng để bụi bằng cách bế quan, nghĩa là có mắt không thấy, có tai không nghe, tâm không suy nghĩ. Và trong lúc bế quan, tâm chúng ta vẫn tụng kinh. Đạt được sự thanh tịnh này sẽ có điều kỳ diệu, là đã vào cửa Không, có được kho báu.

Phật tử đi tìm kho báu theo bản đồ của Phật cho, chúng ta sẽ tới kho báu là vào cửa Không, nhận lấy kho vô tận. Không phải Không là không có gì. Chúng ta bỏ mà không có gì là chúng ta sai. Bỏ những cái thế gian tầm thường nhỏ bé để được cái khác lớn hơn. Nghĩa là cái thân mạng mà chúng ta phải trải qua bao kiếp sinh tử luân hồi, hết làm Trời, xuống làm người, cho đến đọa vào súc sanh. Nhưng gặp Phật pháp, sử dụng thân này theo Phật dạy, thân tâm an trụ trong pháp Phật, ra khỏi sinh tử luân hồi, đạt đến Niết-bàn, giải thoát, Cực lạc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày