GN - Ngay sau khi những hình ảnh lễ “Chúc thực tống thánh và hóa sớ phụng tống chư Phật, Bồ-tát, Thánh hiền hồi quy Cực lạc” tại chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) được đăng tải trên các trang điện tử, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gởi về, cùng với đường dẫn thông tin và hình ảnh đầy đủ trên trang nhà viengiac.vn.
Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc, cho đó là việc làm “khó hiểu”, “khó chấp nhận”, “xúc phạm đến niềm tin” của người Phật tử trong tinh thần chánh tín Tam bảo, nhất là ở trong xã hội hiện đại, khi mà người Phật tử được khuyến tấn rời xa các hủ tục mê tín, những việc làm không phù hợp với tinh thần trí tuệ của đạo Phật.
Một số trang mạng điện tử trong nước và hải ngoại cũng đã đăng tải ý kiến về sự việc đó, dĩ nhiên với thái độ chỉ trích nặng nề. Chính HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN cũng đã điện thoại phản ánh sự quan tâm của một số vị giáo phẩm, Phật tử mà Hòa thượng đã tiếp nhận.
"Phần hóa" - đốt thánh tượng trong lễ "Chúc thực tống thánh" tại chùa Viên Giác - Ảnh: viengiac.vn
Được sự chỉ đạo trực tiếp của chư Hòa thượng lãnh đạo Báo Giác Ngộ, nhóm phóng viên đã gặp gỡ và ghi nhận ý kiến của một số vị giáo phẩm trong Thường trực Ban Nghi lễ T.Ư và Ban Nghi lễ GHPGVN TP, nhưng đều nhận được sự thoái thác trả lời phỏng vấn chính thức.
Ý kiến của người trong cuộc
Nói về chủ trương và quan điểm của mình, TT.Thích Đồng Văn, trụ trì chùa Viên Giác, cho biết: “Những hình tượng được đốt đi trong lễ Chúc thực do chùa tự làm bằng tre và bồi giấy. Theo truyền lệ từ ngàn xưa tới giờ, ở trong miền Nam cũng như miền Bắc, vào tháng cô hồn, người ta thường tạo các hình tượng Đức Tiêu Diện, Đức Địa Tạng, các hình chư Phật, chư Thiên để làm trai đàn. Kết thúc trai đàn, người ta phần hóa tức Tống thánh, phụng tống Phật thánh hồi quy Cực lạc.
Những hình tượng này làm ra để cúng, cúng xong thì phải phần hóa chứ không cất, bởi cất đi thì tượng không có hồn; khi làm lễ mình mới triệu thỉnh các ngài về, pháp sự viên mãn thì thỉnh các ngài đi; để tượng không như vậy thì ma quỷ sẽ lợi dụng.
Tượng làm chỉ thờ trong một tháng là hư, mà hư, nếu không phần hóa thì làm gì? Thành ra, từ thời xưa đến bây giờ, điều này vẫn thường được thực hiện như vậy - khi làm trai đàn nào xong, người ta đều phần hóa hết”.
Thượng tọa giải thích thêm: “Thời xưa, ở miền Tây Nam Bộ và miền Bắc cũng có, vào tháng Bảy người ta làm trai đàn, làm nguyên một cái nhà bằng tre, bằng lá, tượng Phật bàn ghế… tất cả đều làm bằng giấy. Làm xong người ta cúng 7 ngày, hoặc 14 ngày, có khi một tháng, hoặc 49 ngày xong thì tất cả đều đốt hết, để phần hóa hết, tức từ không trở về không.
Trên các mạng xã hội, có một số hình ảnh của buổi lễ được đưa lên, có người dùng từ “Phật mã” là sai. Ở đây gọi là nghi Tống thánh, không phải đốt hàng mã. Việc đó tôi y theo tục lệ cổ xưa trong Thủy lục (Thủy lục chư khoa - PV) của người Việt Nam để thực hiện. Nhiều người không nghiên cứu nên không hiểu”.
Thượng tọa nói: “Khi thỉnh Phật để phần hóa thì y áo trang nghiêm, đảnh lễ để xin phép phần hóa những tượng không còn sử dụng để không trả về không lại. Trong các trai đàn, người ta tạo hết tất cả các tượng pháp, để làm lễ trai đàn, khi xong thì phần hóa”.
“Trong các nghi lễ đàn ở miền Nam đều có những nghi thức bày biện và lễ bái như vậy hết chứ không phải của Tàu. Bây giờ đụng cái gì cũng gán cái “mác” Tàu vô hết mà không biết nó ở nằm ở đâu. Đây là trở về lệ xưa”, TT.Thích Đồng Văn quả quyết.
Tìm lại gốc tích của “lệ xưa”
Theo lời TT.Thích Đồng Văn, chúng tôi đã tìm lại sách Thủy lục chư khoa, bộ sách mà theo đánh giá của học giả Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, là “kết tinh của quá trình tiếp biến văn hóa Trung Quốc để phục vụ cho yêu cầu tín ngưỡng của đất nước ta thời bấy giờ” (thế kỷ XVII- XVIII). Sách hiện đã có bản dịch và chú thích khá hoàn chỉnh của dịch giả Quảng Minh, Nhà xuất bản Hồng Đức, phát hành năm 2013.
Đối với hầu hết người Phật tử bình thường, hình tượng Đức Phật, chư vị Bồ-tát, Thánh Tăng… là đối tượng của tín ngưỡng, lễ lạy, cầu nguyện. Đó là những hình tượng thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nên khi thấy hình ảnh một vị Tăng châm lửa đốt tượng, hầu hết đều tỏ ra bức xúc, cho đó là “phản cảm”, “không thể chấp nhận được”, nhất là nó được diễn ra trong một ngôi chùa thuộc GHPGVN. |
Trong sách Thủy lục chư khoa, chúng tôi không tìm thấy nghi Tống thánh. Nghi thức cuối cùng được đề cập là Mãn tán tạ quá nghi, được dịch giả Quảng Minh tóm tắt là “nghi thức sám hối những lỗi lầm của sáu căn trong lúc thực hành đàn tràng Thủy lục, đồng thời tán dương pháp hội hoàn mãn”. Lời cẩn bạch của chủ sự có nói đến “dụng bằng hỏa hóa”. Thông thường, đó là đốt (phần hóa) các sớ chương, không thấy đề cập đến đốt các thánh tượng. Tuy nhiên, TT.Đồng Văn cho đó chính là nghi thức Tống thánh và thực hiện theo như cách thức đã nói ở trên.
“Tất cả những việc tôi làm, cả về quy cách tạo tượng, nghi thức phụng tống Phật thánh… không phải tự tôi bày ra mà đều có căn cứ theo các sách xưa như Thích Ca hành táng, Bảo đảnh hành trì… Điều khác là về thời gian cử hành và có sự tham dự của Phật tử”, TT.Thích Đồng Văn xác quyết.
Những cuốn sách này được Thượng tọa cho là “bí truyền”, nhưng thực tế, chúng ta không quá khó để tìm. Bảo đảnh hành trì tương truyền do Thiền sư Huyền Quang, đệ Tam tổ thiền phái Trúc Lâm biên soạn, hiện được lưu trữ tại Thư viện Viện Hán - Nôm với ký hiệu A.2760. Sách Thích Ca hành táng (Thích Ca chính độ thực lục), không rõ người biên soạn, hiện được lưu trữ lại Thư viện Quốc gia Việt Nam, số hiệu R.161 NLVNPF-1236, chúng ta cũng dễ dàng tìm đọc nội dung được số hóa tại địa chỉ http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/1219/. Những bộ sách này được được xếp vào loại “huyền thuật”.
Cũng lưu ý rằng, những cuốn sách này không phải là kinh điển, mà tương truyền là do chư tổ, hoặc tiền nhân (không lưu danh tánh) biên soạn để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thời bấy giờ, có sự tiếp biến tín ngưỡng Trung Quốc, ảnh hưởng Tam giáo cùng với sự tiếp thu tín ngưỡng bản địa. Do đó, ở bài viết này chúng tôi không đi sâu vào nội dung của chúng, mà chỉ xin nêu như vậy để những ai quan tâm tiện nghiên cứu nhằm đưa ra những nhận định xác đáng.
Trong một bài viết “Từ Thí Vô giá hội đến Thủy lục pháp hội khởi nguyên của nghi lễ đàn tràng Phật giáo Bắc truyền” đăng trên trang nhà chuaminhthanh.com, tác giả Thích Tâm Mãn có nhắc đến nghi Tống thánh khi liệt kê các khoa nghi trong nội đàn Thủy lục pháp hội.
Trong phần kết luận, thầy Thích Tâm Mãn nhấn mạnh, tất cả khoa nghi thuộc loại hình tín ngưỡng Phật giáo Bắc truyền đều chỉ là “phương tiện hoằng hóa”. Phương tiện nếu phù hợp với tâm tư nguyện vọng của số đông, phù hợp với văn hóa hiện tại mới phát huy diệu dụng của “phương tiện”; còn bị số đông phản ứng hoặc không còn phù hợp thì nó cũng cần có sự điều chỉnh. Như vậy mới đúng với ý nghĩa là “phương tiện hoằng hóa” của Phật giáo.
“Lệ xưa” và vấn đề bảo lưu văn hóa
Cùng với sự phát triển của Phật giáo, đặc biệt là sau khi từ Ấn Độ du nhập vào các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, Phật giáo luôn được đánh giá là khiêm tốn, khép mình đi vào các nền văn hóa bản địa, Phật hóa và làm phong phú thêm cho các nền văn hóa nơi mình đến. Điển hình cho đặc tính này là sự ra đời của tín ngưỡng Tứ pháp ở nước ta. Từ bốn vị thần có ảnh hưởng trong nền văn minh nông nghiệp là thần Mây, Mưa, Sấm, Sét đã trở thành Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện, một tín ngưỡng phổ biến ở miền Bắc. Ở miền Nam cũng vậy. Chúng ta có thể thấy nhiều loại hình, hệ phái Phật giáo ra đời và cùng phát triển cho đến ngày nay, vẫn duy trì những biệt truyền trong sự tôn trọng lẫn nhau. Song song đó, các loại hình tín ngưỡng cũng được hình thành và lưu truyền.
Đọc kỹ nội dung của các khoa nghi trong Thủy lục chư khoa, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng không chỉ Phật giáo mà còn có sự bàng bạc của tư tưởng Nho và Lão giáo. Các nội dung đó cũng chuyển tải đặc điểm văn hóa - lịch sử của bối cảnh xã hội phong kiến lúc nó được biên soạn.
Sách Thủy lục chư khoa, bản chữ Hán
Thủy lục chư khoa cùng với các văn bản về nghi lễ Phật giáo khác là những tư liệu vô cùng quý báu để chúng ta tìm hiểu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, với khả tính độc lập và dung hóa, đặc biệt là qua những loại hình tín ngưỡng, nghi lễ Phật giáo. Việc nghiên cứu và bảo lưu văn hóa là điều quan trọng, cần làm; nhưng khi thừa kế và vận dụng, chúng ta cần tỉnh giác trước những “lệ xưa”, những “bày vẽ” xa rời tư tưởng căn bản của đạo Phật.
Có thể nói rằng, hiện tượng “đứt gãy” văn hóa đang là vấn đề của chúng ta hiện nay. Các khoa nghi cũng như các quy cách của tiền nhân (như các sách trên) được viết bằng chữ Hán mà không phải người thực hành nghi lễ nào cũng có thể biết và đọc hiểu được. Đó là chưa nói đến việc đánh giá và vận dụng chúng vào đời sống sao cho phù hợp với tinh thần đạo Phật trong xã hội hiện đại.
Cụ thể như trong nghi lễ Phật giáo, thường thì người trước bày cho người sau qua các phương thức truyền miệng là chính. Trong lúc đó, nhu cầu về tín ngưỡng của quần chúng thì nhiều. Nên có nhiều thứ diễn ra một cách tự phát và tùy tiện. Trong một bài viết về nghi lễ Phật giáo nhiều năm trước, TT.Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM, cũng đã nhận định: “Về bộ môn này thì từ xưa tới nay sự giáo dục chưa được thống nhất, những giọng điệu tùy theo sở kiến, thầy tự chỉ vẽ cho đệ tử mình; rồi tùy theo địa phương, tùy theo ngôn ngữ, tùy theo tình huống mà giọng điệu được chuyển biến đa dạng”. Đó cũng chính là nguyên nhân của các biến tướng về thực hành nghi lễ Phật giáo mà thỉnh thoảng chúng ta thấy diễn ra đó đây.
Dư luận về sự việc phần hóa - đốt thánh tượng làm bằng tre và bồi giấy rất công phu ở chùa Viên Giác như đã nêu, không còn là “việc riêng” của chùa Viên Giác. Một số vị giáo phẩm cao niên cho biết rằng việc đốt thánh tượng khi đàn tràng hoàn mãn đã từng có trước đây, và “lệ xưa” này không được hướng dẫn trong các khoa nghi chính thức, mà chỉ được bày vẽ trong dân gian, chịu ảnh hưởng bởi tục đốt vàng mã bắt nguồn từ Trung Quốc. Nó không thuộc về văn hóa dân tộc thuần túy, và càng không phù hợp với tinh thần Phật giáo.
Đối với hầu hết người Phật tử bình thường, hình tượng Đức Phật, chư vị Bồ-tát, Thánh Tăng… là đối tượng của tín ngưỡng, lễ lạy, cầu nguyện. Đó là những hình tượng thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nên khi thấy hình ảnh một vị Tăng châm lửa đốt tượng, hầu hết đều tỏ ra bức xúc, cho đó là “phản cảm”, “không thể chấp nhận được”, nhất là nó được diễn ra trong một ngôi chùa thuộc GHPGVN.
Nhân sự việc “phần hóa thánh tượng” ở chùa Viên Giác làm dậy sóng dư luận, HT.Thích Trung Hậu, với vai trò là Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN đã bày tỏ ý kiến: “Chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa việc nghiên cứu, công tác phục dựng và bảo lưu các loại hình văn hóa, tín ngưỡng cổ xưa với sự ứng dụng rộng rãi vào đời sống tín ngưỡng hiện tại. Có rất nhiều nội dung cổ xưa, được tiền nhân biên soạn và quy định chỉ phù hợp cho một số loại hình lễ nghi nhất định, cho một số hoàn cảnh nhất định, hoặc chịu sự chi phối của Nhà nước dưới thời phong kiến, đặc biệt là trong những ứng xử đối với vua - bậc được xem như thánh, là thiên tử… phải lễ lạy. Đó là chưa nói đến những pha tạp, ảnh hưởng bởi lễ nghi của Nho, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian khác. Khi nghiên cứu, những thông tin đó là quan trọng, giúp chúng ta đánh giá mối tương quan giữa Phật giáo với các hình thái xã hội thời bấy giờ. Nhưng phục dựng chúng với tiêu chí giữ nguyên xi cái “lệ xưa” để ứng dụng vào đời sống xã hội hiện nay thì không nên. Tôi nghĩ trường hợp việc phần hóa diễn ra ở chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP.HCM) bị dư luận phản ứng đã chứng tỏ điều đó”.
Hòa thượng nói thêm: “Thời xưa, do đặc điểm xã hội, nhiều loại hình tín ngưỡng đạo Phật đã được sân khấu hóa. Như chúng ta đã biết, điều căn cốt của các pháp hội chính là ở đạo lực của những hành giả hành trì. Đó cũng chính là nội dung của các pháp hội. Còn hình thức chỉ là phương tiện, có thể linh hoạt vận dụng, không nên quá cứng nhắc và rập khuôn. Có những hình thức xưa phù hợp nhưng nay lại phản cảm. Điều đó cũng dễ hiểu. Quan niệm về đạo Phật, nhận thức về giáo lý của quần chúng mỗi thời đại có những điểm khác, chúng ta cũng theo đó để có những điều chỉnh phù hợp. Bởi vậy, đạo Phật luôn nhấn mạnh đặc điểm khế cơ, khế lý. Trong thời gian tới, Ban Văn hóa chúng tôi sẽ đề nghị với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN để có chương trình phối hợp hoạt động với Ban Nghi lễ T.Ư, trong đó có nội dung nghiên cứu và hướng dẫn các hình thái tín ngưỡng truyền thống, các quy định về khoa nghi phù hợp với bối cảnh văn hóa hiện tại của đất nước”.
Diệu Nghiêm - Quảng Hậu - Như Danh
Tôn kính Phật qua hình tượng của Ngài Hình tượng Phật chắc chắn là hình ảnh thiêng liêng, hình ảnh để người con Phật và muôn loại cung kính, như biểu tượng về sự có mặt của Đức Phật với Phật tử sau hàng ngàn năm Phật giáo ra đời, tồn tại. Chính vì là hình tượng thiêng liêng nên đối với tượng Phật, người con Phật dùng từ “cung thỉnh” để chuyển đi hoặc “an vị” sau khi tôn trí...
Thời gian qua, Phật tử xôn xao về một buổi lễ được gọi tên là “Chúc thực tống thánh và hóa sớ phụng tống chư Phật, Bồ-tát, Thánh hiền hồi quy Cực lạc” tổ chức tại chùa Viên Giác (Q.Tân Bình, TP.HCM). Việc Phật tử hoang mang là có “cái lý” của mình, bởi xưa nay, hình tượng Phật, Bồ-tát vốn là hình tượng thiêng liêng mà họ tôn kính nay lại thấy bị đem ra đốt và cháy ngã gục dưới đất một cách phản cảm. Thực ra, việc hỏa hóa lịch có in hình Phật hay các tôn tượng bị hư hỏng được xử lý hủy đi bằng một buổi lễ do chư tôn đức tiến hành là cần thiết, nhưng đó là trong một điều kiện bất đắc dĩ vì lý do khách quan hư hoại về mặt hình tướng của tôn dung tượng Phật. Đằng này, nhiều người cảm thấy khó hiểu, đặt câu hỏi vì sao nhà chùa lại tạo tượng Phật thiết trí trong mùa Vu lan, cầu siêu, cầu an... bằng chất liệu giấy rồi đem ra hủy bỏ (đốt) như... đốt vàng mã. Những pho tượng Phật cháy ngùn ngụt rồi ngã xuống đất trông rất đau lòng. Sẽ có người nói rằng, đạo Phật nói “sở hữu tướng giai thị hư vọng”, tất cả đều là giả, thì sá chi tượng Phật bằng giấy mà chấp. Nhưng, đó là cái lý của người đã thật chứng về “tứ đại giai không”, thật sự giải thoát, còn đa số Phật tử còn thấy hình, thấy tướng sao tránh khỏi xót xa khi thấy tượng Phật bị đốt một cách công khai, ngã lăn ra đất như trong buổi lễ diễn ra ở chùa Viên Giác? Rồi đây, liệu việc làm tượng Phật bằng giấy, sau khi lễ lộc xong và đem đốt có lan đi thành hiện tượng bình thường theo phương pháp “học hỏi, ứng dụng” ngay, liền từ chính chỗ này - chùa Viên Giác? Và, còn nhiều giả thiết khác nữa cần nghĩ tới trong việc đốt, phá... hình ảnh thiêng liêng nhưng lại thấy lạnh cả người nên không dám nghĩ thêm nữa! Chúc Thiệu |