Nhìn lại giai đoạn khốc liệt để sống tốt hơn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1148 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1148 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đến với cuộc đời, ai rồi cũng sẽ chết đi, đó là điều hiển nhiên, đã thành quy luật của cuộc sống. Nhưng có những sự mất mát, ngoài đau thương còn để lại cho đời những bài học quý giá, ẩn chứa thông điệp mạnh mẽ giúp người ở lại sống tốt hơn.

Đó có thể coi là sứ mệnh mà nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã gói ghém nơi 155 bức ảnh trong cuốn sách Sài Gòn Covid-19, thực hiện trong vòng 5 tháng cao điểm của đại dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Những hình ảnh không dễ gì quên

Khác với những triển lãm, tác phẩm liên quan đến đề tài Covid-19 ra đời ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong lại cho ra mắt cuốn sách ảnh và triển lãm của mình ở thời điểm cuộc sống gần như hoàn toàn quay về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, Sài Gòn Covid-19 vẫn thu hút được sự quan tâm, chia sẻ từ nhiều trái tim đồng cảm, bởi thông qua các bức ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, lòng trắc ẩn, triết lý nhân sinh và tính thiện của người xem được khơi lên mạnh mẽ.

Theo cha đi cách ly - Ảnh: Trần Thế Phong
Theo cha đi cách ly - Ảnh: Trần Thế Phong

Đó là những bức ảnh xúc động về những bậc cha mẹ ẵm con nhỏ đi cách ly; khoảnh khắc người với người chia sẻ cho nhau những củ khoai, mớ rau, hộp sữa; cảnh tiếp tế bình ô-xy; những con đường trong thành phố không một bóng người; chiến sĩ và tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch chợp mắt ngay dưới sàn nhà; và đặc biệt là hình ảnh lực lượng chức năng - cán bộ, chiến sĩ chăm sóc những hài cốt và làm công tác mai táng cho nạn nhân không may qua đời trong đại dịch.

San sẻ yêu thương - Ảnh: Trần Thế Phong

San sẻ yêu thương - Ảnh: Trần Thế Phong

Những hình ảnh ấy chân thật đến mức khi xem qua, người ta nhớ lại ngay đến những thời khắc không thể nào quên, mà ngay chính bản thân nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cũng không kiềm được xúc động khi nhắc lại. Trong buổi khai mạc triển lãm, anh đã nghẹn ngào và đôi lúc, không thể phát biểu khi nhìn lại những hình ảnh tang thương từng diễn ra. Những hình ảnh đó đã hơn một lần chạm đến trái tim nhiều người.

Chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 - Ảnh: Trần Thế Phong
Chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 - Ảnh: Trần Thế Phong

Khi được hỏi rằng trong 155 bức ảnh, hình ảnh nào gây trăn trở, xúc động, gợi lên nhiều cảm xúc nhất đối với người cầm máy, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong bày tỏ:

“Trong đại dịch này, mỗi ngày, mỗi cảnh đều có những đặc trưng, nhưng với tôi, có lẽ hình ảnh về những hài cốt được chăm sóc cẩn thận bởi lực lượng quân đội mang thông điệp rất dữ dội.

Tôi đã từng chụp nhiều hình ảnh lịch sử, từng chứng kiến người chết trong lũ lụt, mười mấy xác chết trong bão, nhưng dịch bệnh lần thứ 4 tại Sài Gòn quá kinh khủng. Tại nhà tang lễ, chứng kiến quân đội đem về mấy trăm hũ cốt, những xe cứu thương đưa xác chết về - đó là điều khủng khiếp, chỉ có một không hai, chưa bao giờ trong cuộc đời mình, tôi được chứng kiến những cảnh như vậy. Tôi ôm máy ảnh ra khỏi khu vực đó, tôi khóc, nhiều lần vào và lui ra như vậy, tôi cảm nhận cái khổ của con người sao mà thương quá, tội quá. Những người mất ra đi không có người thân đưa đi, không một lời tiễn biệt, thậm chí không coi được ngày tháng, chôn thế nào, giờ thế nào…”.

Đại lễ kỳ siêu các nạn nhân tử vong trong dịch bệnh Covid-19 - Ảnh: Trần Thế Phong

Đại lễ kỳ siêu các nạn nhân tử vong trong dịch bệnh Covid-19 - Ảnh: Trần Thế Phong

“Cũng chính tại nơi khốc liệt như vậy, tôi cảm thấy lòng mình được sưởi ấm, và người thân của người mất cũng an ủi phần nào khi tất cả hài cốt được lực lượng quân đội chăm sóc cẩn thận, những bữa cơm được dâng cúng, nhang khói nghi ngút. Chính vì cái nghĩa, cái tình đồng bào thiêng liêng ấy, cảm xúc mạnh mẽ ấy chạm vào trái tim của tôi. Nhiệm vụ của tôi là ghi lại những bức ảnh lịch sử ấy, và kể, chia sẻ với mọi người”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong trải lòng thêm về lần ôm máy ảnh tiếp tục bước vào “nơi đặc biệt” ấy.

Còn biết ơn, là còn hạnh phúc

Đại dịch khủng khiếp, mất mát, đau thương là vô tận, tuy vậy, trong bức ảnh của Trần Thế Phong, bên cạnh gam màu xám, buồn của hơn 17.000 người mất đi trong đại dịch ấy, nhiều người xem triển lãm còn thấy được những gam màu nóng - ấm tình người.

“Thông điệp của 155 bức ảnh, theo bố cục sắp xếp rất rõ ràng: Dù cuộc sống có cùng cực, khó khăn thể nào thì người tốt không bao giờ thiếu. Dịch bệnh càng khó khăn, càng sáng lên câu chuyện tình người. Nhiều hình ảnh đẹp về sự tử tế, sẻ chia của tình đồng bào, lay động, giúp những người vượt qua được đại dịch càng trân trọng cuộc sống này, càng sống với nhau tử tế hơn”, một người bạn thân tình, mến mộ tác phẩm của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, dẫn con trẻ đến xem triển lãm chia sẻ.

Một góc Sài Gòn trong những ngày giãn cách phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Trần Thế Phong

Một góc Sài Gòn trong những ngày giãn cách phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Trần Thế Phong

Theo chia sẻ của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, ban đầu anh không có ý định làm sách nhưng khi những bức ảnh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, nhiều bạn hữu góp ý rằng anh nên làm sách ảnh, và “đặt hàng” luôn bộ sách. Từ nhiều chia sẻ đó, bộ sách ảnh Sài Gòn Covid-19 đã ra đời, như mong muốn của anh - sách sẽ giúp mọi người khắc ghi, tri ân những hy sinh lặng thầm của biết bao người, để từ đó nuôi dưỡng tâm hồn, và mở rộng trái tim nhiều hơn.

Một phần lợi nhuận từ sách, theo phong cách rất riêng của Trần Thế Phong, anh tiếp tục dành để chia sẻ cho thiện nguyện, cho những người yếu thế cần tiếp sức bằng những yêu thương. “Cuộc sống có khổ, có đau, và trong hạnh phúc cũng có nhiều sự hy sinh. Biết và hiểu như vậy để bản thân mình biết ơn hơn với nhiều người, sống tốt hơn mỗi ngày, sống có ích cho xã hội, bắt đầu từ niềm thương nhỏ nhất. Bởi, còn biết ơn là còn hạnh phúc”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày