Nhớ mãi Trường Sa...

Giác Ngộ - Trong những ngày biển đảo quê hương đang căng mình đón “sóng”, những “cơn sóng” dữ ầm ào nơi biển khơi cũng tạo sóng cho lòng người nơi đất liền. Bởi sóng biển khơi và lòng người Việt là một, gắn kết máu xương bao đời thì làm sao không xót xa khi biển của quê hương bị người ta mưu đồ xâm lấn, chèn ép?

Người đã từng hai lần đến Trường Sa, từng đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng này là HT. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN lại càng thấm thía hơn nỗi lòng của những con sóng ngoài khơi xa, nơi mà khi trở về đất liền, trên hành trình vượt hàng trăm hải lý đó Hòa thượng mãi nhớ như máu thịt quê nhà…

hoangsa 1.jpg

HT.Thích Giác Toàn
bên cột mốc đánh dấu chủ quyền Việt Nam
trên đảo Trường Sa

Một sáng tôi đặt chân tới Trường Sa

Trong ký ức... như mới ngày hôm qua dù đã hơn 3 năm từ ngày đặt chân lên mảnh đất Trường Sa, tôi không thể nào quên được, hôm đó là một sớm tháng 4-2008, trời vừa hừng đông, đoàn cán bộ và nhân dân, đại diện chính quyền và khối đại đoàn kết dân tộc do bà Phạm Phương Thảo (Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP) dẫn đoàn. Tôi là tu sĩ duy nhất trong đoàn tham gia hành trình và đã được đi hầu khắp các đảo ở Trường Sa, như Trường Sa Lớn và các đảo xung quanh. Chuyến đi do tàu hải quân Việt Nam phụ trách vận chuyển, có đoàn văn nghệ sĩ thành phố theo biểu diễn, Chuẩn tướng Nguyễn Cộng Hòa (Phó Đề đốc Quân chủng Hải quân) làm chỉ huy...

Có một bài thơ tôi đã viết trong lần đến Trường Sa đầu tiên, đã từng đọc cho chiến sĩ và bà con trên đảo nghe; cũng từng đọc trên sóng truyền hình trong dịp cầu truyền hình hướng về Trường Sa...  Xin gửi lại bài thơ ấy, một xúc cảm đã lâu nhưng nay sống lại, tinh nguyên. Xin được thêm một lần nữa hướng về Trường Sa - nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc.

Tôi đến Trường Sa buổi rạng đông
Trời chưa lên, nắng sớm chưa hồng
Tình quân dân sáng ngời ánh mắt,
Tay bắt mặt mừng - Đẹp núi sông
Cầu tàu, phi đạo, sân bia đảo
Đài gác không lưu vùng biển xa
Xanh thẳm bốn mùa, bàng vuông lá
Hàng phong ba mưa nắng gánh sơn hà
Giếng nước, vườn rau… ươm thắm tươi
Bạc hà, cải bẹ, muống, mồng tơi
Bí, bầu trĩu nặng… xinh xinh quả
Sức sống bừng lên - Đất Mẹ cười
Những mái nhà dân, tăng sức dân
Dân thành, dân đảo… nối tình thân
Ngọt bùi san sẻ tình dân tộc,
Con cháu Rồng Tiên huyết thống thần
Đá Lát, Đá Tây… Trường Sa Đông
Phan Vinh, Tốc Tan… trái tim đồng
Ba nấm mộ thiêng hương khói quyện,
Đời đời tạc dạ với non sông
Tôi về nhớ mãi Trường Sa ấy,
Vùng đảo thân yêu của tổ tiên
Những đứa con hùng vì Tổ quốc,
Ngày đêm gìn giữ biển thiêng liêng!

Trần Quê Hương

Giờ ngồi hồi tưởng, những kỷ niệm về chuyến đi chạy về như một cuốn phim quay chậm. Đặc biệt là hình ảnh khi vừa đặt chân xuống Trường Sa, tôi và các thành viên trong đoàn đã được đón tiếp nồng hậu. Hơi của đất liền, tình của người thành phố nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung ấm đầy trong từng cái bắt tay, trong từng câu chuyện kể về Trường Sa, Hoàng Sa, kể về biển đảo… Dân cư và chiến sĩ ở xa bờ, đời sống khá khó khăn nhưng hình ảnh quê hương và Tổ quốc thì rất gần, ở ngay trong tim. Tôi cảm nhận được sự gắn bó và hy sinh ấy của chiến sĩ và người dân trên đảo, họ đã sống và gìn giữ biển đảo từ bao đời, tiếp nối truyền thống và ước nguyện của tổ tiên.

Đêm giao lưu trong dòng nhớ của tôi còn là hình ảnh khoảng hơn 200 bà con quân dân nơi đảo tụ tập đến xem văn nghệ, giao lưu và chia sẻ với người đất liền những tình cảm, những khó khăn và cả quyết tâm gìn giữ biển đảo - máu thịt của Tổ quốc…

Lần thứ hai ra Trường Sa

Là lần đi trực thăng cùng với quý Hòa thượng lãnh đạo GHPGVN và ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đến đảo tham dự lễ khánh thành hai ngôi chùa trên Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và dự đại lễ cầu siêu cho những người đã nằm xuống. Từ buổi lễ trang nghiêm nơi đảo, tôi cảm nhận hình ảnh của Phật, của những vị Tổ sư đã có mặt nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Hình bóng những ngôi chùa trên đảo cũng góp phần gieo hạt giống bình yên cho nơi này. Đảo không còn xa trong tâm tưởng, đảo rất gần khi ta nhớ đảo, nhớ về một phần cơ thể của đất mẹ vươn ra phía biển như là tay-chân.

Lần thứ hai này tôi cảm nhận sâu sắc hơn hình ảnh đất nước khi nhìn từ biển khơi về đất liền, về quá trình gìn giữ đảo và biển của bao thế hệ cha ông và cả những thanh niên đang làm nhiệm vụ nơi này. Lòng biết ơn to lớn, cuộn trào…

hoangsa 2.jpg

Trồng cây lưu niệm trên đảo Trường Sa

Trong ánh nến lung linh của đêm lễ cầu siêu, chư tôn đức giáo phẩm TƯGH; ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Chuẩn tướng Nguyễn Cộng Hòa, Phó Đề đốc Quân chủng Hải quân... tất cả như hòa quyện cùng trăng sao, trời biển và hình ảnh tổ tiên - Lạc Long Quân - Âu Cơ mỗi người dẫn 50 người con lên non, xuống biển như hiện về trong tâm thức mọi người...

Ngôi mộ trên Song Tử Tây

Ba ngôi mộ của những người đã ngã xuống, đập vào suy nghĩ của tôi, đủ để tôi lắng lòng và hình dung về cái chết có ý nghĩa của họ là bảo vệ Tổ quốc. Tôi và những người trong đoàn đã có dịp để thắp hương cho người nằm xuống, đi qua vùng đảo và những vùng biển đều có những vòng hoa thả xuống, cũng là biểu hiện sự biết ơn của hậu sanh, của những người sống trong bình yên cho những người đã ngã xuống. Đến thăm những ngôi mộ cũng là một lần có cơ hội nhắc nhớ về tinh thần dân tộc Việt là không bao giờ khuất phục trước xâm lăng… Nỗi buồn đồng vọng từ ngàn xưa…

1.jpg
Thả hoa xuống biển cả - tưởng niệm những anh linh
đã hy sinh tính mạng vì sự nghiệp bảo vệ lãnh hải Tổ quốc

Nghĩ về những người đã chết cho quê hương, cho biển đảo thiêng liêng, và nhớ về tổ tiên tâm linh trong truyền thống Phật giáo, về 16 chữ vàng mà bao thế hệ lãnh đạo đã khắc ghi, tôi cảm thấy như chạnh lòng. Có một nỗi buồn nơi tận sâu thẳm trong tôi, nhất là khi biển đảo đang dậy sóng những ngày qua. Nhớ để rồi hình dung về một tình anh em như Thạch Sanh - Lý Thông trong truyện cổ Việt Nam, mà người anh “Lý Thông” đã quên những gì đã nói, hay nói để mà quên, biết chắc là không nhớ bởi cái tâm không như lời nói.

Trăn trở về hành động cắt cáp của “người anh Lý Thông” ấy, tôi lại gửi mong ước của mình đến những nhà lãnh đạo đất nước Trung Quốc: Hãy nghĩ lại sự gắn kết của hai dân tộc, mà tiêu biểu ở thời hiện đại là Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng, những nhà lãnh đạo Việt Nam cũng phải kiên quyết, cang cường với những quyết sách cần thiết để cho biển đảo được bình yên. Dân và quân trên đảo hẳn là những người khát khao lớn nhất về sự bình yên...

Hy vọng, tinh thần Phật giáo, nơi những tổ sư - tiền hiền Việt Nam và Trung Quốc đã từng qua lại truyền thừa giáo pháp hoặc có ảnh hưởng lớn đến hai dân tộc và Phật giáo của nhau sẽ là tinh thần được gắn kết xuyên suốt tốt đẹp để chúng ta hướng về. Để những sự kém thân thiện, đi ngược lại mong ước của nhân dân yêu chuộng hòa bình không còn diễn ra, để sự hòa hảo lại được tiếp nối, giữ gìn!

Chùa Song tử tây.jpg

 Ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây

Đến với Trường Sa

Những ngày qua, tinh thần hướng về Trường Sa của đồng bào cả nước rất mạnh, trong đó có phong trào “Góp đá xây Trường Sa” được Báo Tuổi Trẻ phát động nhanh chóng nhận được sự đồng lòng của nhiều người. Đó là việc làm ý nghĩa. Tuy Phật giáo và Báo Giác Ngộ chưa đủ sức để tổ chức những chuyến đi riêng đến với Trường Sa vì đây là vùng biển nhạy cảm, song có thể tranh thủ những hoạt động góp sức cho Trường Sa. Đồng thời, với những chuyến thăm biển đảo quy mô do Nhà nước Trung ương và các tỉnh, thành tổ chức thì Phật giáo đều có thể tham gia, ủng hộ. Phật giáo nằm trong lòng dân tộc, phát triển cùng dân tộc và đương nhiên nhớ ơn và tri ơn đất nước là điều nên làm, phát nguyện làm thiết tha…

Về 16 chữ vàng giữa Việt Nam và Trung Quốc

Đầu năm 1999, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã đề ra và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã đồng ý phương châm 16 chữ: “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”. Trên cơ sở đó đã xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ mới, đánh dấu quan hệ Trung-Việt đã bước vào giai đoạn phát triển mới được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước xác định trong Tuyên bố chung, từ tháng 2-1999.
Tháng 11-2000, khi hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đến thăm, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân nêu rõ, 16 chữ này là phương châm quan trọng chỉ đạo sự phát triển quan hệ hai nước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày