Nhớ về “Ôn Đại diện”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1296 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1296 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cư sĩ Lê Văn Tư, pháp danh Tâm Cự, sinh năm 1952, là một Phật tử năm nay đã ở tuổi “cổ lai hy” và có hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngôi chùa Phật Học Quảng Trị, qua hai giai đoạn lịch sử.

Cư sĩ Tâm Cự là một trong số những người đặc biệt thân cận với cố Hòa thượng Thích Chánh Trực, bậc Thầy khả kính của Phật tử nơi vùng quê hương “gió Lào cát trắng” khắc nghiệt, vị giáo phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gìn giữ, phục hưng Phật giáo Quảng Trị sau ngày đất nước thống nhất.

“Ôn Đại diện” - vị Thầy lãnh đạo tận tụy với Phật tử và người dân

Người dân Quảng Trị không gọi pháp hiệu của Hòa thượng, mà thường dùng tôn xưng gần gũi thân thương “Ôn Đại diện”, theo nhiệm vụ được Tăng sai của Hòa thượng là Chánh Đại diện GHPGVN Thống nhất tỉnh Quảng Trị từ trước năm 1975. Cách gọi gần gũi đó vẫn được người Quảng Trị truyền miệng khi nhắc về ngài, dù hoàn cảnh lịch sử có khác đi.

Nhiều câu chuyện kể về ngài, khi đang là vị Tăng sĩ trẻ trong vai trò đứng đầu Phật giáo tỉnh Quảng Trị giữa lúc quê hương còn phân ly, sông Bến Hải chia đôi hai miền Nam Bắc. Chuyện ngài mở trường Bồ Đề để có chỗ cho con em trong vùng được đi học; việc một vị Thầy đi nhặt thi hài đồng bào tử nạn để khâm liệm, chôn cất trong biến cố Mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ năm 1972; chuyện ngài lặn lội về các thôn làng xa xôi để xây dựng các khuôn hội. Tất cả những chuyện kể về ngài khắc họa nên vóc hình người giữ niềm tin cho đồng bào, Phật tử nơi vùng đất Quảng Trị, là chỗ nương tựa tinh thần thiêng liêng trong lòng hàng ngàn đoàn sinh, huynh trưởng Gia đình Phật tử…

Sau năm 1975, Hòa thượng về tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang ở Ái Tử nhưng vẫn thường xuyên vào chùa Tỉnh Hội Quảng Trị, lúc đó đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá, duy chỉ tôn tượng Đức Thế Tôn vẫn an nhiên dưới mái tôn che tạm nắng mưa do bà con dựng nên. “Nhìn ngài với vóc dáng to cao trên chiếc xe đạp cũ kỹ, nhễ nhại mồ hôi giữa trưa hè nắng gắt mà ai cũng xót lòng”, bác Tâm Cự nhớ lại.

Hồi tưởng về những kỷ niệm khi chùa Phật Học Quảng Trị chuẩn bị tái thiết năm 1989, vị cư sĩ nay đã ngoài 70 tuổi này nhớ lại: “Khi đó, có đôi lần nhìn thấy Hòa thượng đứng lặng yên giữa bốn tấm tôn cũ rách, xung quanh cỏ dại mọc um tùm, lặng lẽ suy tư trong không gian bốn bề lặng thinh. Có lẽ hơn ai hết, Hòa thượng cảm thấu dưới ngôi chùa hoang phế là nỗi mong ước của hàng vạn người con Quảng Trị, đó là ngôi chùa trong lòng người, Đức Phật và đạo đức Phật giáo đã thấm sâu vào lòng người”.

“Nhớ lại giai đoạn khó khăn, nếu không nói là rất khó khăn khi tái thiết ngôi chùa Phật Học Quảng Trị này, là lại nhớ về hình ảnh Hòa thượng không quản lao nhọc. Đêm đêm, sau thời Tịnh độ, ngài cùng quý Phật tử bưng từng viên gạch, từng bao xi-măng để xây dựng ngôi chùa. Ngài làm việc như một người thợ thực thụ, không nề hà, không quản ngại gian khó”, bác Tâm Cự kể.

Vị Thầy đầy tình thương, chân thành

Nếu có duyên thân cận, ai cũng cảm nhận được nếp sống giản dị và luôn dành tình thương cho Phật tử nơi “Ôn Đại diện” - Hòa thượng Thích Chánh Trực. Sau ngày thống nhất đất nước, cuộc sống rất khó khăn. “Lúc bấy giờ gia đình con còn ở trong một căn nhà tranh lá lụp xụp, không ai khác mà chính ngài, đã khích lệ trợ duyên cho con làm lại mái ấm cấp bốn, với câu nói ẩn chứa đầy tình thương: ‘Sẵn thợ đó, làm luôn đi!’. Và rồi, ngày nào ngài cũng ghé thăm, ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc cây dương, lặng lẽ quan sát công trình như chính ngài đang coi công trình kiến thiết ngôi chùa Phật Học cho đến khi hoàn thành, ngài mỉm cười hoan hỷ với hai chữ: ‘Khí thế’!”, bác Tâm Cự hồi tưởng.

Cư sĩ Tâm Cự - Lê Văn Tư (giữa)
Cư sĩ Tâm Cự - Lê Văn Tư (giữa)

Cư sĩ Tâm Cự - Lê Văn Tư cũng cho biết gia đình mình có một đứa con tật nguyền, suốt nhiều năm, Hòa thượng là người dành sự quan tâm sâu sắc, luôn chia sẻ thức ăn của mình cho cháu. “Ngài ăn gì cũng bảo chú Dưỡng (sau này là Thượng tọa Thích Giác Chơn, kế vị trụ trì chùa Phật Học Quảng Trị, nay cũng đã viên tịch) bưng qua một ít. Cháu nghịch ngợm quấy phá, ngài chỉ cười hiền: ‘Tau thua mi thôi’!”.

Hàng năm, vào dịp Tết nhất, dù chùa đang rất khó khăn, nhưng hễ có gì thì ngài đều mang chia sẻ với bà con, đồng bào. Bác Tâm Cự xúc động kể lại tâm tư của bà con lúc ấy: “Trong khi người ta lo giữ của, ‘Ôn Đại diện’ lại lo san sẻ. Có lẽ vì thế mà không ai không dành những tình cảm thiêng liêng, thân kính vô điều kiện với vị Thầy mà tình thương không phải trên lý thuyết”.

Một vị lãnh đạo không hình thức, chuộng sự chân thật, khiêm cung

Còn nhớ khi tổ chức Đại hội thành lập Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị, phía chính quyền sẵn sàng hỗ trợ hội trường để tổ chức cho trang trọng, nhưng Hòa thượng đã từ chối, quyết tâm tổ chức tại sân chùa Phật Học Quảng Trị, dù nơi ấy chỉ là mái tôn cũ kỹ với những tấm bạt sờn rách đi mượn của bà con làm nơi diễn ra sự kiện quan trọng đó là khai sinh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị.

Có người muốn cúng dường một quả Đại hồng chung nặng 5 tạ cho chùa nhưng xin ngài đừng nhận thêm của ai khác, khi đó Hòa thượng không đồng ý. Ngài nói: “Đại hồng chung là pháp khí Phật giáo, là của chung, ai cũng có quyền đóng góp, không thể là của riêng ai”.

Lúc sinh thời, ngài không bao giờ xưng “Thầy” với ai, dù đó là những bậc cao niên hay các oanh vũ Gia đình Phật tử, kể cả với đệ tử xuất gia của mình. Ngài thường xưng “tui” theo cách dùng dân gian khi giao tiếp với chư Tăng, Ni, Phật tử; và “chúng tôi” đối với lãnh đạo các cơ quan chức năng. Cho đến ngày viên tịch, nơi ở của ngài không có chìa khóa riêng, và điều đặc biệt là không bao giờ cất giữ tiền bạc mà tất cả đều chuyển giao cho người được đại chúng chỉ định. Mỗi lần cần đến, ngài đều trình bày lý do và “xin” từ vị trách nhiệm giữ gìn của thường trụ Tam bảo.

*

Sáng hôm ấy, ngài đã đi các ngõ quanh xóm chùa, rồi sau đó ngài có biến cố sức khỏe, quý thầy ở chùa Bảo Lâm ra đón ngài vào tổ đình Kim Tiên ở cố đô Huế, và rồi hôm sau hàng vạn Phật tử Quảng Trị nghẹn lòng khi hay hung tin “Ôn Đại diện” - vị Thầy khả kính của mình viên tịch…

Mới đó mà đã ba mươi năm. Thời gian khắc nghiệt nhưng vẫn không làm mờ đi nhân cách của một vị lãnh đạo tâm linh, vị Thầy khả kính: Ôn Đại diện - Hòa thượng Thích Chánh Trực trong lòng Phật tử Quảng Trị, và có lẽ nhiều nơi khác nữa. Vị thầy đã tiếp nối gìn giữ, nuôi dưỡng tín tâm của đồng bào Quảng Trị đối với đạo Phật, phục hưng Phật giáo tỉnh nhà trong giai đoạn chiến tranh và sau ngày đất nước thống nhất. Ngài luôn sống trong niềm tin của Phật tử Quảng Trị, vượt lên cả thời gian và hoàn cảnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần

GNO - Năm 2025, sức khỏe tinh thần trở thành vấn đề quốc gia quan trọng, làm sáng tỏ vai trò thiết yếu của nó đối với hạnh phúc hàng ngày. Tuy nhiên, sự cân bằng này đặt trên một nguyên tắc thường bị bỏ qua: Mối liên hệ không thể tách rời giữa thân và tâm.

Thông tin hàng ngày