Xuất gia vẫn ưu tư quốc sự
Không ai rõ tên ông là gì, chỉ biết ông họ Nguyễn, còn Vạn Hạnh là pháp hiệu của ông (cũng có nguồn tư liệu cho rằng, ông tên là Nguyễn Văn Hạnh). Quê ông ở hương Cổ Pháp (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tương truyền, ông sinh ra trong một gia đình đã mấy đời thờ Phật. Ngay từ thuở ấu thơ, ông đã tỏ ra là một người cực kỳ dĩnh ngộ, học một hiểu mười. Sách Thiền uyển tập anh viết về ông: “Thuở nhỏ thông minh khác thường, học thông ba giáo, đọc kỹ trăm nhà, nhưng coi khinh công danh phú quý…”.
Năm 21 tuổi, ông xuất gia, tu học với bạn là thiền sư Định Huệ dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Thiền Ông (902-979) tại chùa Lục Tổ. Thiền Ông, theo sách cổ ghi lại, rất tinh thông vạn pháp, chứng ngộ thiên cơ và là người thứ hai được phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền tâm pháp. Đây là phái Thiền bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Tam Luận và Hoa Nghiêm, có khuynh hướng nhập thế giúp dân…
Vạn Hạnh là người rất chăm chỉ đèn sách, “học hỏi không biết mệt” (Thiền uyển tập anh). Sau khi Thiền Ông tịch diệt, ông đã chuyên tâm tu về các loại thiền, đặc biệt là tập kinh Tổng trì tam ma địa, lấy đó làm sự nghiệp. Và ông đã sớm đạt được độ thượng thừa trong dòng Thiền của mình. Chính vì thế nên sau này hễ ông nói lời gì đều được thiên hạ cho là phù sấm…
Mặc dù là người tu hành nhưng Vạn Hạnh không xao lãng việc nước và mỗi khi cần đều có những cao kiến giúp cho triều đình. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính ông. Mùa thu năm Canh Thìn 980, Tri Ung châu là Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo của nhà Tống mang quân sang đóng ở gò Tử Cương, núi Giáp Lãng định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt, vua Lê Đại Hành triệu ông vào hỏi nếu đánh thì thắng hay bại. Sau khi nghiên cứu kỹ mọi dữ liệu có thể có được, ông đáp: “Chỉ trong ba, bẩy ngày giặc tất phải lui…”. Lời nói này về sau đã ứng nghiệm.
Năm Nhâm Ngọ 982, khi vua Lê Đại Hành muốn can thiệp vào Chiêm Thành để cứu hai sứ giả là Từ Mục và Ngô Tử Mục bị Chiêm Thành bắt giữ, nhưng còn do dự, thì Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau đó lời này nghiệm, và trận ấy quân đội của vua Lê Đại Hành đã đại thắng.
Những thao tác siêu dị trong phép đoán định những điều tưởng như bí ẩn còn giúp cho Thiền sư bảo vệ chính bản thân mình. Theo Thiền uyển tập anh, “bấy giờ có kẻ gian là Đỗ Ngân muốn mưu hại sư, sư đoán biết được ý đồ, bèn đưa cho hắn một bài kệ rằng:
Thổ mộc tương sinh cấn bạn câm,
Vi hà mưu ngã uấn linh khâm.
Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt,
Chân chí vị lai bất hận tâm.
(Thổ mộc sinh ra cẩn cạnh căm,
Thù ta toan định sẵn mưu ngầm,
Tăng này biết chuyện lòng buồn dứt,
Cả đến mai sau chẳng oán thầm!).
Trong bài thơ này, ông đã dùng tên của Ngũ Hành: Thổ, Mộc, Kim, Cấn trong bài kệ. Nếu chiết tự hai chữ Thổ và Mộc hiệp lại thành chữ Đỗ; hai chữ Cấn và Kim hiệp lại thành chữ Ngân, tức là ám chỉ tên Đỗ Ngân là người đang âm mưu việc ác. Chính vì thế nên Đỗ Ngân sợ, không dám tiếp tục mưu hại ông nữa…
Dạy vua từ nhỏ
Năm Tân Tị 981, Thiền sư Vạn Hạnh đã được người bạn là sư Lý Khánh Văn, trụ trì tại chùa Cổ Pháp, gửi gắm người con nuôi lúc đó mới lên 7 tuổi là Lý Công Uẩn. Và ông đã sớm nhìn ra trong đứa trẻ phi thường này mầm mống của một danh nhân. Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, ông đã từng nhận xét về Lý Công Uẩn: “Người này không phải tầm thường, mai sau tất làm chúa cả nước”. Chính nhờ sự giúp đỡ của ông mà Lý Công Uẩn khi lớn lên đã vào kinh đô Hoa Lư làm quan cho nhà Tiền Lê, lên tới chức Điện tiền quân.
Sau khi vua Lê Đại Hành băng hà năm Ất Tị 1005, Thái tử Lê Long Việt lên ngôi được 3 ngày thì bị em cùng mẹ là Minh Vương Long Đĩnh giết, thọ 23 tuổi (983-1005). Trong cảnh tang thương, đa phần đám bầy tôi đều ai chạy đường nấy, duy chỉ có Điện tiền quân Lý Công Uẩn ôm xác vua mà khóc. Long Đĩnh chứng kiến cảnh này, cho rằng Lý Công Uẩn là người trung nghĩa nên khi lên ngôi, đã cho Lý Công Uẩn làm Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ...
Vua Long Đĩnh dù tuổi còn rất trẻ (sinh năm 986) nhưng đã tỏ ra rất bạo ngược hoang dâm nên lòng người chán ghét vô cùng. Cũng đúng giai đoạn đó tại nhiều nơi đã xuất hiện những điềm lạ lùng.
Thiền sư Vạn Hạnh khi ấy mới nói với Thân vệ Lý Công Uẩn rằng: “Gần đây tôi thấy nhiều lời sấm lạ báo hiệu nhà Lê phải mất mà nhà Lý tất phải lên thay. Người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai khoan từ nhân đức bằng ông, đương nắm binh quyền trong tay lại được lòng dân chúng. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ còn ai đương nổi. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông ra thế nào. Tôi chỉ ân hận không kịp thấy đời thịnh trị mà thôi...”.
Tòa tháp cao 9 tầng với bức tượng Thiền sư Vạn Hạnh tại chùa Tiêu (Tiên Sơn, Bắc Ninh)
|
Có lẽ chính câu nói này của Thiền sư đã khiến cho Lý Công Uẩn nhận thức được rõ hơn vai trò đích thực của mình nên dù đã bảo người anh đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn để khỏi bị lộ thiên cơ nhưng đã chuẩn bị tâm thế để đón nhận những thay đổi vận mệnh trong tương lai…
Thiền sư Vạn Hạnh rất biết sức mạnh của lòng dân trong chính sự nên đã đưa ra nhiều câu sấm truyền vận động tâm lý giúp cho Thân vệ Lý Công Uẩn tiến gần hơn tới cơ hội đế vương của mình. Sách Thiền uyển tập anh kể: “Bấy giờ điềm lạ xuất hiện nhiều nơi, như xoáy lông trên lưng con chó trắng ở Viện Hàm Toại chùa Ứng Thái Tâm, châu Cổ Pháp có hình chữ Thiên tử, cây gạo bị sét đánh để lại vết tích chữ viết xung quanh mộ Hiền Khánh đại vương ban đêm nghe tiếng tụng kinh râm ran, cây đa ở chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ “quốc”v.v... sư đều biện giải được, tất cả đều hợp với điềm Lê suy Lý thành”.
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư kể, khi đó, sét đã đánh lên cây gạo ở chùa Minh Châu, làng Cổ Pháp (do Thiền Sư La Quy An trồng năm 936) in thành chữ như sau:
Thụ căn diểu diểu - Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc - Thập bát tử thành
Đông A nhập địa - Mộc dị tái sinh
Chấn cung kiến nhật - Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian - Thiên hạ thái bình.
(Gốc cây thăm thẳm - Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa đao rụng - Mười tám hạt thành
Cành đông xuống đất - Cây khác lại sinh
Đông mặt trời mọc - Tây sao náu hình
Sáu bảy năm nữa - Thiên hạ thái bình).
Và Thiền sư Vạn Hạnh đã đưa ra lời lý giải như sau: trong câu “thụ căn diểu diểu” chữ Căn là gốc, gốc tức là vua, chữ Diểu đồng âm với chữ Yểu, thế là nhà vua (Lê Long Đĩnh) chết yểu. Trong câu “mộc biểu thanh thanh” chữ Biểu là ngọn, ngọn là bầy tôi, chữ Thanh đồng âm với chữ Thịnh, thế là một người trong số quần thần (Lý Công Uẩn) sẽ lên nắm chính quyền. Ba chữ Hòa, Đao, Mộc góp lại (theo Hán tự) là chữ Lê, Lạc là rụng, tức là nhà Lê rụng. Ba chữ Thập, Bát, Tử góp lại là chữ Lý. Chữ Lý họp với chữ Thành, là nhà Lý lên. Câu “Đông A nhập địa” chữ Đông và chữ A họp lại là chữ Trần, nhập địa là người phương Bắc vào cướp. Câu “dị mộc tái sinh” tức là họ Lê khác lại nổi lên.
Trong câu “chấn cung kiến nhật” thì Chấn là phương Đông, Kiến là mọc ra, Nhật là thiên tử, thiên tử xuất hiện ở phương Đông. Trong câu “đoài cung ẩn tinh” thì Đoài là phương Tây, Ẩn là lặn tinh là người tầm thường, người tầm thường mai một ở phương Tây. Mấy câu này có ý nói vua thì non yểu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trong vòng sáu bảy năm nữa, thiên hạ thái bình…
Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, Thiền sư dù đang ở chùa Lục Tổ nhưng biết trước sự việc và nói với người chú và người bác của Lý Công Uẩn:
- Thiên tử đã băng hà, Lý Thân vệ đang ở nhà. Người nhà Thân vệ túc trực trong thành nội có hàng ngàn. Nội trong ngày, Thân vệ ắt sẽ được thiên hạ.
Ông cũng sai đem treo ở các các ngả đường bảng viết:
Tật lê trầm Bắc thủy
Lý tử thụ Nam thiên
Tứ phương can qua tỉnh
Bát biểu hạ bình an.
(Tật Lê chìm biển Bắc
Cây Lý mọc trời Nam
Bốn phương binh đao lặng
Tám hướng chúc bình an).
Chết đi còn huyền tích
Thiền sư Vạn Hạnh là một trong những người có công thuyết phục vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, khai sinh ra kinh thành Thăng Long với một truyền thuyết đầy lãng mạn về sức vươn lên như rồng thiêng của đất nước. Ông cũng là người thảo ra lời chiếu dời đô hào sảng, nhấn mạnh rằng, đất Đại La “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện nghi núi sông sau trước, vùng đất ấy rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi và phồn thịnh!”.
Vua Lý Thái Tổ rất sùng mộ Thiền sư Vạn Hạnh và phong ông làm Quốc sư. Tuy nhiên, ngày thường, ông vẫn ở trong chùa. Chỉ những khi quốc gia hữu sự có lời vua mời thì ông mới vào triều giúp ý kiến cho vua rồi trở về chùa.
Cũng theo sách Thiền uyển tập anh, ngày 15/5 năm Mậu Ngọ 1018, Thiền sư không bệnh nhưng đã linh cảm trước được kết cục đang gần, đã gọi các đệ tử đến và đọc cho nghe bài kệ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch thoát:
Thân mình, có lại thành không,
Xuân cây tươi thắm, sang đông não nề.
Đã tu muôn sự vô vi,
Như sương trên cỏ, thịnh suy tĩnh lòng…
Thấy các đệ tử thương khóc, Thiền sư bảo rằng: “Các con muốn ta đi về đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ và cũng không nương vào chỗ không trụ để trụ”.
Sau khi Thiền sư qua đời, vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh xá lợi của ông về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).
Vua Lý Nhân Tông (1066-1127) về sau có làm bài kệ truy tán Thiền sư Vạn Hạnh như sau:
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phủ cổ sấm kị
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.
(Vạn Hạnh không ba cõi
Lời sư nghiệm sấm thi
Từ làng quê Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh kỳ)