GN - Trong chuyến đi thăm và làm việc của Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN với các Ban Trị sự GHPGVN tại một số tỉnh thành thuộc vòng cung biên giới Việt - Trung, Việt - Lào phía Đông và Tây Bắc của đất nước, chúng tôi đã thu nhận được rất nhiều thông tin từ thực tế sinh động, mà nếu chỉ đọc qua các báo cáo thì sẽ khó có thể hình dung được.
Phật tử đồng bào dân tộc - Ảnh minh họa
Nét chung của các địa phương mà chúng tôi đến thăm và làm việc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai và Điện Biên…) là đều cùng một đặc điểm: Ban Trị sự GHPGVN mới thành lập vài năm, thậm chí có nơi chỉ mới vài tháng, lãnh đạo hầu hết là chư tôn giáo phẩm ở Trung ương hoặc các tỉnh thành khác kiêm nhiệm, Tăng Ni thường trú làm Phật sự rất ít; dân số đa phần là đồng bào các dân tộc anh em, tôn giáo chủ yếu là Tin Lành.
Qua tìm hiểu, mấy trăm năm trước, Phật giáo đã được các thế hệ tiền nhân chúng ta cắm mốc qua việc dựng các ngôi chùa - trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh nơi các vùng phên giậu của Tổ quốc; hiện nay di tích có nơi còn, nơi mất, hoặc còn thì ở trong tình trạng hoang phế, trùng tu thì bị pha tạp các yếu tố không phù hợp với văn hóa dân tộc và Phật giáo, đồng thời cũng gặp nhiều trở ngại. Tại sao Phật giáo lại trở thành “vùng trắng”ở những nơi này? Trong khi đó, các tôn giáo phương Tây lại có thể phát triển, đặc biệt theo thông tin của Ban Tôn giáo địa phương, có nơi 100% đồng bào dân tộc là tín đồ của các tôn giáo mới này?
Đó là những câu hỏi, mà thiết nghĩ, GHPGVN phải có trách nhiệm trả lời. Trả lời không phải để thỏa mãn về mặt lý luận, mà để làm cơ sở nhằm điều chỉnh phương thức hoằng pháp cũng như đào tạo Tăng Ni hành đạo phù hợp với vùng cao. Vì lẽ dĩ nhiên, nếu chúng ta mang những gì đã học, đã làm ở các thành thị, dù thành công đến đâu, để áp dụng ở các vùng cao thì chắc chắn thành tựu nếu có được cũng chỉ giới hạn trong đồng bào người Kinh - thiểu số ở những nơi này.
Chỉ qua việc đi thăm và làm việc của Ban Văn hóa T.Ư vừa rồi, việc làm tưởng như rất đơn điệu ấy hóa ra cũng có tác dụng, ít ra là trên mặt đạo tình đối với chư Tăng Ni, Phật tử dấn thân làm Phật sự ở cơ sở. Nhiều thành viên đoàn chia sẻ là đã nhận được nhiều điều ý nghĩa ở những nơi đến, đồng thời xúc động trước những sự tỏ bày và việc làm đầy nỗ lực trong hoàn cảnh thiếu thốn của chư Tăng Ni, Phật tử ở các vùng sơn cước. Ở đó đang rất cần sự quan tâm chia sẻ về mọi mặt, và cần nhất là phương hướng hoạt động cùng với việc tăng cường nhân sự đã được đào tạo phù hợp với thực tếcủa mỗi địa phương.
Rất nhiều điều chúng tôi muốn nói sau chuyến đi thăm, làm việc với các tỉnh ở vùng Đông và Tây Bắc của đất nước, khó để diễn đạt trong giới hạn của trang báo này. Chắc chắn rằng chúng tôi sẽ trở lại qua các câu chuyện sinh động, thực tế với những con người, việc làm, di tích, hiện vật liên quan đến Phật giáo trong bối cảnh tôn giáo chung ở những vùng đất là phên giậu của Tổ quốc.