Những câu thơ thuở ấy...

Một người Pháp đã từng sống lâu năm ở Việt Nam, coi đất nước này như Tổ quốc thứ hai của ông ta, nói tiếng Việt như bạn đọc và tôi, đã có dịp viết: “Các cháu nhi đồng Việt Nam được cái may mắn là được ru ngay từ buổi ấu thơ bằng các bài ca dao, các câu tục ngữ,… vừa là những áng văn hay, lại vừa mang nặng ý nghĩa luân lý, đạo đức, nhất là về phương diện giáo dục, đặc biệt là tình thầy trò”.

cauho-1.gif

Thật vậy, ở lớp Một - ngày xưa gọi là lớp Đồng Ấu, thầy phát cho mỗi trò một cuộn băng giấy trắng, rộng khoảng 10cm, và một mẫu chữ cái A, B, C, khuôn bằng sắt, để trò theo đó mà cắt ra nhiều chữ cái A hay B hay C…, rồi tô mực đen lên. Thầy thu thập tất cả các chữ cái đó để mà sắp xếp thành nhiều câu tục ngữ, ca dao, dán ở 4 bức tường quanh lớp học.

Không thầy, đố mày làm nên”.

Câu nói từ thuở xa xưa, ai ngờ vẫn mang tính thời sự:

Năm 1924, Frédéric Joliot (1900-1958), tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Vật lý, Hóa học công nghiệp Paris mà giáo sư Paul Laugevin làm hiệu trưởng, được ông này dẫn tới giới thiệu với bà Marie Curie (1867-1934), lúc đó đã lẫy lừng danh tiếng với giải Nobel Lý 1903, giải Nobel Hóa 1911, Viện trưởng Viện Radium, khu Latinh, quận V, Paris.

Ông được bà Marie Curie nhận làm phụ tá, hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 1930 về đề tài: “Các tính chất phóng xạ của nguyên tố Polonium” mà chính bà đã phát minh năm 1898. Năm 1934, Joliot cùng với vợ là Irène Curie (1897-1956), con gái bà Curie, phát minh phóng xạ nhân tạo và cả hai lãnh giải Nobel 1935.

Muốn sang thì bắc cầu kiều,

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Tình yêu lành mạnh có thể nảy nở trong một phòng nghiên cứu khoa học. Marie Sklodowska (1867-1934) từ Warsawa (Ba Lan) tới du học ở Paris năm 1891, đậu cử nhân Vật lý năm 1893, cử nhân Toán năm 1894, thủ khoa thạc sĩ Vật lý năm 1896, bảo vệ luận án Tiến sĩ quốc gia về “phóng xạ thiên nhiên” ngày 25-6-1903. Năm 1900, bà làm giáo sư ở Trường Đại học Sư Phạm nữ giới (Sèvres), và năm 1906, giáo sư ở Viện Đại học Paris.

Bà kết hôn năm 1895 với Pierre Curie (1859-1906) là thầy hướng dẫn. Hai người cùng phát minh nguyên tố Polonium và nguyên tố Radium năm 1898, cùng lãnh giải Nobel Lý 1903, bà Marie Curie còn lãnh thêm giải Nobel Hóa 1911. Hai người được hai con gái: Irène (Nobel Hóa 1935) và Ève (nữ văn sĩ).

Năm 1926, Frédéric Joliot, phụ tá của bà Marie Curie, nghiên cứu sinh, kết hôn với Irène Curie, con gái bà. Hai người được một con gái, Hélène, cũng là một Vật lý gia hạt nhân. Hélène kết hôn với cháu nội giáo sư Langevin; năm 1998, nhân kỷ niệm lần thứ 100 năm phát minh Radium, bà Hélène Langevin - Joliot có tới thành phố Hồ Chí Minh và được tiếp đón nồng nhiệt.

Tầm sư học đạo”:

Công việc đầu tiên khi có một công trình nghiên cứu dài hạn là “tìm thầy hướng dẫn”.

cautho-2.gif

Ta hãy đọc lại bài tựa của Louis de Broglie (1892-1987), người khai sinh “Cơ học ba động” (1924), giải Nobel 1929, khi cho in lại Luận án tiến sĩ của ông năm 1963: “Tôi nhớ lại những năm tháng tư tưởng tôi như bị ám ảnh bởi “lưỡng tính hạt và sóng của ánh sáng” mà Einstein đã đặt ra năm 1905. Sau khi suy nghĩ lâu lung, đột nhiên năm 1923 tôi có ý định phải tổng quát phát minh của Einstein cho tất cả các hạt vật chất, đặc biệt là điện tử. Tôi tìm thấy các hệ thức giữa hạt và sóng liên kết. Các ý kiến đó triển khai vào năm 1924 trở thành bản thảo luận án tiến sĩ của tôi”.

Không có thầy hướng dẫn, Louis de Broglie phải nhờ giáo sư Paul Langevin một nhà Vật lý đầu đàn. Ông này gởi một bản của bản thảo luận án sang Berlin để xin ý kiến của Einstein. Einstein trả lời: “L.de Broglie đã vén một góc của tấm màn bí mật”.

Thế là Paul Langevin lo tất cả các thủ tục hành chánh để cho L.de Broglie bảo vệ luận án ngày 25-11-1924 ở Viện Đại học Paris trước một Ban giám khảo gồm Jean Perrin, Nobel 1926, Elie Cartan, Charles Mauguin, Paul Langevin. Thuyết của L.de Broglie được các thí nghiệm của Davisson và G.P. Thomson xác nhận năm 1927, khiến De Broglie lãnh giải Nobel 1929.

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”:

Hai nghiên cứu sinh Russell A. Hulse (1950…) và Joseph H. Taylor (1941…) ở Viện Đại học Princeton (Đông Hoa Kỳ), nơi Albert Einstein (1879-1955) giảng dạy và nghiên cứu từ 1933 khi sang Mỹ để né tránh độc tài phát xít Hitler, cho tới khi qua đời năm 1955; hai người chuyên nghiên cứu các pulsar tức là các sao quay quanh mình nó rất nhanh.

Năm 1974, mười chín năm sau khi Einstein qua đời, hai ông phát hiện một pulsar kép (cái nọ vòng quanh cái kia) và hai ông nhận thấy trong 4 năm, vận tốc quay của hai sao tăng lên một cách đáng kể. Theo hai ông, đó là vì pulsar phát ra “sóng hấp dẫn” mà Einstein đã tiên đoán từ 1915 trong thuyết tương đối rộng của ông; quay nhanh lên để tăng năng lượng bù vào năng lượng mất đi do phát ra sóng hấp dẫn.

Hai người lãnh giải Nobel 1993: người ta bảo đó là giải Nobel thứ hai dành cho Einstein!

Nghĩa quân, sư, phụ coi tầy nước non”:

Ngày xưa, ông thầy được xếp ngang hàng với người cha và với ông vua.

Năm 1232, vua Trần Thái Tôn mở khoa thi Tiến sĩ. Năm 1374, khoa thi Tiến sĩ được vua Trần Duệ Tôn gọi là Thi Đình (thi ở sân vua, vua gác thi!).

Năm 1396, khoa thi Tiến sĩ gọi là Thi Hội.

Năm 1466, vua Lê Thánh Tôn đặt ra lễ xướng danh (gọi tên các ông tiến sĩ mới một cách long trọng).

Năm 1484, ngài lại định lệ khắc bia tên các ông tiến sĩ dựng ở Văn miếu Hà Nội (ngày nay hãy còn).

Vua Lê Thánh Tôn (1442-1497) có tài thơ văn, thích ngâm vịnh, lập ra Hội Tao đàn với 28 văn thần (Nhị thập bát tứ), bàn bạc thơ văn, công trình văn học của Hội là hai quyển:

- Đại Việt sử ký toàn thư (do Ngô Sĩ Liên làm Tổng biên tập).

- Thiên Nam dư hạ tập (nay chỉ còn lại tập thơ của vua Lê Thánh Tôn và các văn thần trong Hội Tao đàn, cùng Sử ký, Địa lý triều Lê Thánh Tôn).

Năm 1822, dưới triều vua Minh Mạng, lễ xướng danh có sự hiện diện của chính nhà vua, mỗi tân tiến sĩ được thưởng một bộ mũ áo; sau yến tiệc, các tân khoa được dẫn vào vườn Ngự uyển xem hoa.

Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy

Ở sao cho xứng những ngày ước mong”.

Thầy Dương Quảng Hàm với tôi có một liên hệ thiên duyên ba sinh:

• Khi thầy học ở Trường Bưởi trong khoảng năm 1913-1917, lúc bấy giờ chỉ mới là trường trung học cấp 2, thân phụ tôi dạy Việt văn cùng với các thầy cô khác toàn là người Pháp;

• Khi tôi học ở Trường Bưởi trong khoảng 1939-1942, trường đã thành trường trung học chuyên khoa cấp 3, thầy Dương Quảng Hàm dạy Việt văn ở các lớp 10, 11, 12.

• Một người con gái của thầy theo học ở Trường Trung học chuyên khoa Nguyễn Trãi trong khoảng 1945-1946, nơi tôi dạy Toán, Lý, Hóa!

Thầy được phong liệt sĩ năm 2000.

Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm tục ngữ hãy còn trơ trơ”.

Không những hàng ngàn năm sau còn tồn tại mà còn mang tính cách thời sự, như Tố Hữu đã nhận xét: “Câu thơ thuở ấy, ai ngờ hôm nay”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày