Ơn nghĩa sanh thành
Bất cứ ai muốn hiện hữu trên đời, trước hết phải được mẹ mang nặng đẻ đau. “Chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi; đêm đêm như bệnh nặng, ngày ngày tợ hoàng hôn; trong khi sinh nở, gan ruột dường như xé rách, đau đớn mê man, máu huyết dầm dề” (Kinh Báo Ân - H). Ơn sanh thành của cha mẹ thật bao la cao như núi và rộng như biển, “ân cha hiền cao như núi cả, ân mẹ hiền rộng tợ biển khơi” (Kinh Tâm Địa Quán - H).
Cha mẹ là đôi vầng nhật nguyệt sưởi ấm và sáng soi đời con “mẹ còn sống gọi là mặt trời giữa trưa chói sáng, mẹ khuất bóng rồi gọi là mặt trời đã lặn” (Kinh Tâm Địa Quán - H). Sự khổ nhọc của cha mẹ để tác tạo cho con một hình hài đáng được tôn vinh hơn thần thánh, có thể xem “cha mẹ là thần linh cao nhất trong các thần linh” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương - H).
Cha mẹ còn được tôn xưng cao quý tột bậc là Phật. “Gặp thời không có Phật, khéo phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật vậy” (Kinh Đại Tập - H).
Thâm ân dưỡng dục
Sanh con ra, cha mẹ đã khổ nhọc, để nuôi con khôn lớn lại càng khổ nhọc hơn. Ba năm bú mớm, biết bao nhiêu sinh lực mẹ đã vắt kiệt cho con. Sữa mẹ nuôi con nhiều hơn nước của đại dương, “Nhiều hơn là sữa mẹ mà các ngươi đã uống trong dòng lưu chuyển luân hồi chứ không phải nước trong bốn biển” (Kinh Tương Ưng - P).
Cha mẹ không từ nan khi phải nuốt đắng nhỗ ngọt, bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn, thậm chí vì con mà phải làm ác. Con là vàng ngọc, là giọt máu của cha mẹ chia hai. Vì thế dẫu con thế nào, cha mẹ vẫn “Không hiềm không mắt mũi, không ghét què chân tay”, lòng thương con không dừng lại ở đó mà luân lưu bất tận và “Tình thương ấy có dừng lại chăng, chỉ hơi thở sau cùng” (Kinh Báo Ân - H).
Rồi con lớn lên tung cánh bay xa rời tổ ấm gia đình, mẹ cha vẫn đêm ngày dõi theo, ngóng trông vời vợi, “Thương nhớ con như bóng theo hình” (Kinh Bổn Sự - H).
Hiếu đạo trong hiện tại
Phụng dưỡng cha mẹ là một sứ mạng thiêng liêng, vượt lên trách nhiệm và bổn phận. Hiếu dưỡng cha mẹ bằng cách kính thuận năm điều: “Cúng dường đầy đủ đừng có thiếu thốn; phàm làm việc gì trước phải thưa cha mẹ; cha mẹ có làm, kính thuận chẳng nghịch; chánh lịnh cha mẹ, chẳng dám chống trái; cha mẹ có làm, chánh nghiệp chẳng dứt” (Kinh Trường A Hàm - H).
Nếu gượng nói bổn phận, làm con phải đủ năm bổn phận: “Nuôi dưỡng cha mẹ; làm đủ bổn phận con cái đối với cha mẹ; giữ gìn gia đình và truyền thống; bảo vệ tài sản thừa tự; làm tang lễ khi cha mẹ qua đời” (Kinh Giáo Thọ Thi La Ca Việt - P).
Kính thờ cha mẹ, làm con phải tròn năm việc: “Phải lo sanh kế; dậy sớm dâng cơm nước cho cha mẹ kịp thời; không nên làm cha mẹ thêm lo; phải nhớ ơn cha mẹ; khi cha mẹ có bệnh, phải lo sợ, chạy chữa kịp thời” (Kinh Lục Phương Lễ - H).
Mặt khác, lễ phẩm dâng cúng cha mẹ phải trong sạch, tinh khiết và hợp pháp. “Vị thiện nam tử với những tài sản làm ra do nỗ lực, do sức mạnh của bàn tay, phải bằng những giọt mồ hôi đổ ra, làm ra một cách hợp pháp. Sau đó cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ” (Kinh Tăng Chi - P).
Dù nỗ lực để tận hiếu nhưng công ơn cha mẹ vô thượng thậm thâm, thật khó đáp đền. Kinh Tăng Chi - P, Phật dạy: “Có hai hạng người, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi. Nếu đấm bóp, tắm rửa, và dầu tại đấy, họ có vãi đại tiểu tiện, như vậy cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha”.
Hiếu đạo ở vị lai
Nếu chỉ phụng dưỡng song thân đầy đủ vật chất cùng tất cả sự cung kính thì chưa đủ để báo ân cha mẹ. Người con hiếu, theo Phật giáo, ngoài hiếu dưỡng thông thường phải hướng cha mẹ trở về an trú trong Chánh pháp.
Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với các của cải, đồ ăn, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Này các Tỷ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha, là chân thật báo ân” (Kinh Tăng Chi - P).
Khuyến hóa cha mẹ trở về Chánh pháp để tránh đọa lạc là cách báo hiếu trọn vẹn cho cha mẹ ở đời vị lai. Bởi “Cúng dường cha mẹ không gì bằng khuyên cha mẹ làm việc lành, bỏ việc ác. Nếu không thể cải hóa cha mẹ, phụng trì Tam bảo thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ cũng gọi là bất hiếu. Cha mẹ hung ngược, dâm dật, tà nguỵ, trái đạo… người con phải hết sức ngăn cản, mới gọi là Hiếu” (Kinh Hiếu Tử - H).
Khi cha mẹ quá vãng, Phật dạy: “Mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, ngày Tăng tự tứ, thiết lễ cúng dường mười phương chúng Tăng. Nguyện cho cha mẹ hiện đời phước thọ tăng long, cha mẹ bảy đời thoát khổ ngạ quỷ, được sanh vào trời người hưởng phước lạc vô cùng” (Kinh Vu Lan Bồn - H).
Tội báo bất hiếu
Chúng sanh nghiệp chướng sâu dày nên người bất hiếu nhiều hơn hiếu thảo, ví như đất của địa cầu so với chút đất trong móng tay. “Các ngươi nghĩ thế nào, cái gì là nhiều hơn, một ít đất trong đầu móng tay hay là quả đất lớn này? Nhiều hơn là đất của địa cầu còn ít hơn là đất trên đầu móng tay. Cũng vậy, nhiều hơn là chúng sanh bất hiếu với cha mẹ và ít hơn là chúng sanh có hiếu với cha mẹ” (Kinh Tương Ưng - P).
Vì người con Phật cực trọng thâm ân sanh dưỡng nên bất hiếu là một đại tội. Đức Phật xác định: “Điều ác nhất, không gì hơn bất hiếu” (Kinh Nhẫn Nhục - H), “Làm con, nếu có chút điều bất hiếu với cha mẹ thì tội lỗi vô lượng” (Kinh Tập Bảo Tạng - H). Trong đó, giết hại cha mẹ là tội nặng nhất, rơi vào địa ngục, không thể cứu chữa. Huỷ phạm thân thể cha mẹ được xếp vào tội đại nghịch, vĩnh kiếp địa ngục.
“Có năm tội nghịch, đưa đến đoạ xứ, địa ngục, không thể chữa trị. Thế nào là năm? Đoạt mạng của cha, đoạt mạng của mẹ, đoạt mạng của vị A la hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu và phá hòa hợp Tăng” (Kinh Tăng Chi - P).
Công đức hiếu dưỡng
Hiếu dưỡng không chỉ báo đền ân đức cho cha mẹ mà chính người con hiếu thảo được vun bồi phước đức, trang nghiêm phước báo tự thân. “Cúng dường cha mẹ dù một chút ít cũng được phước đức vô lượng” (Kinh Tạp Bảo Tạng - H).
Gia đình có con cháu hiếu thảo được Phật ca ngợi phước báo ngang bằng với Phạm thiên, xứng đáng được cúng dường. Phật dạy: “Những gia đình nào, trong ấy các con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên, được chấp nhận là đáng được cúng dường” (Kinh Tăng Chi - P).
Chính Sakka (Đế Thích) nhờ hiếu thảo với cha mẹ mà được phước báo Thiên chủ, làm vua cõi trời Tam Thập Tam Thiên. “Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị này chấp trì và thực hành bảy cấm giới túc: hiếu dưỡng với cha mẹ, kính trọng các bậc gia trưởng… Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Thiên chủ” (Kinh Tương Ưng - P).
Ngay cả Thế Tôn, thành tựu quả vị Phật cũng nhờ công đức hiếu thảo. Kinh Hiền Ngu - H, Phật dạy: “Công đức hiếu thuận cha mẹ thù thắng khôn lường. Nhờ công đức này trên làm Thiên đế, dưới làm Thánh vương cho đến thành Phật, được ba cõi tôn kính đều là do phước đức này vậy”. Đến khi thành Phật, Ngài vẫn là tấm gương sáng về lòng hiếu đạo, tận hiếu với song thân và di mẫu. Do vậy, đạo Phật xác quyết hiếu thảo là đỉnh cao của sự trọn lành, “Điều thiện cao tột không gì hơn hiếu” (Kinh Nhẫn Nhục - H).
Người con Phật nhận thức sâu sắc những lời dạy của Ngài, mùa Vu Lan về, càng nỗ lực và tinh tấn hiếu thảo hơn để báo đáp thâm ân sanh dưỡng của cha mẹ. Chân tu chính là thờ cha kính mẹ đã trở thành đạo lý của dân tộc Việt Nam đồng thời cũng là đạo lý sống của hàng Phật tử khi khẳng định đạo Phật là đạo Hiếu.