GNO - Vitamin B5 còn được gọi là pantothenic acid hay pantothenate, cần thiết cho sức khỏe chúng ta. Cũng giống như tất cả các vitamin thuộc nhóm B khác, vitamin B5 giúp cơ chuyển chuyển đổi thức ăn thành năng lượng.
Vitamin B5 có mặt tự nhiên trong nhiều nguồn thực phẩm. “Pantothenic” có nghĩa là “từ mọi nơi” vì loại vitamin này có mặt trong rất nhiều nguồn thực phẩm khác nhau.
Tác dụng của vitamin B5 với sức khỏe
Vitamin B5 rất quan trọng với cơ thể, được tìm thấy trong các tế bào sống như coenzyme A (CoA), cần thiết cho nhiều phản ứng hóa học - theo tạp chí Vitamin & Nội tiết tố.
Pantothenic acid được sử dụng để kết hợp với các vitamin nhóm B khác, tạo thành phức hợp vitamin B, đó là: vitamin B1 (thiamine), vitamin B2 (riboflavin), vitamin B3 (niacin), vitamin B5 (pantothenic acid), vitamin B6 (pyridoxine), vitamin B12 (cyanocobalamin) và folic acid.
Các vitamin nhóm B này chuyển carbohydrate thành glucose, nhiên liệu để sản xuất ra năng lượng cho cơ thể. Theo Trung tâm Y khoa Đại học Maryland, các vitamin nhóm B cũng giúp cơ thể sử dụng chất béo và protein, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh cho hệ thần kinh, mắt, da, tóc và gan.
Đặc biệt, vitamin B5 có những vai trò quan trọng như: tạo tế bào hồng cầu, tạo ra các hormone có liên quan đến stress và giới tính, duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, xử lý các vitamin khác (đặc biệt là vitamin B2), tổng hợp cholesterol. Dạng bổ sung vitamin B5 có thể giúp hạ cholesterol cao.
Theo nghiên cứu phát hành năm 2011 đăng trên tạp chí Nghiên cứu Dinh dưỡng và các chuyên gia thuộc Trung tâm Princeton Longevity (ở New Jersey) thì các dạng bổ sung pantethine giúp giảm mức cholesterol tổng, cholesterol xấu LDL ở người có nguy cơ thấp và trung bình đối với bệnh tim mạch.
Ngoài ra, nghiên cứu của Đại học Y khoa Asahikawa (Nhật Bản) còn cho thấy vitamin B5 có tác dụng trong ngăn chặn biến chứng mạch máu do tiểu đường. Và Viện Hàn lâm Khoa học Grodno (Belarus) cũng gợi ý rằng vitamin B5 có thể hữu ích trong điều trị bệnh tiểu đường.
Pantothenic acid được sử dụng trong điều trị, ngăn chặn thiếu pantothenic acid và các phản ứng của da khi xạ trị. Một số lợi ích khác của vitamin B5, dù chưa được chứng minh khoa học là giúp cải thiện các triệu chứng của chứng rối loạn tập trung giảm chú ý (ADHD), viêm khớp, các bất ổn về da, dị ứng, mất tóc, suyễn, các bất ổn tim mạch, nghiện rượu, nhiễm trùng mắt, rối loạn chức năng thận, gàu, suy nhược tinh thần, chức năng đề kháng, đau đầu, tăng động, huyết áp thấp, mất ngủ, vọp bẻ, cải thiện khả năng thi đấu của vận động viên,…
Vitamin B5 có mặt ở đâu?
Nhiều nguồn thực phẩm chứa vitamin B5 dễ dàng tìm thấy là: nấm các loại, các cây họ đậu, quả bơ, sữa, trứng, bắp cải, khoai lang, bông cải xanh, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch,… - theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Linus Pauling, Đại học Bang Oregon.
Trung tâm Y khoa Đại học Maryland cho rằng các nguồn vitamin B5 tốt nhất là bắp (ngô), bông cải, cải xoăn, khoai tây, các loại đậu hạt, đậu phộng, đậu nành và hạt hướng dương.
Cơ thể cần bao nhiêu vitamin B5?
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, mức hấp thu vitamin B5 cần thiết khác nhau theo độ tuổi như sau: trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi cần 1,7 mg/ngày; trẻ từ 7-12 tháng tuổi cần 1,8 mg/ngày; trẻ từ 1-3 tuổi cần 2 mg/ngày, trẻ từ 4-8 tuổi cần 3 mg/ngày; trẻ từ 9-13 tuổi cần 4 mg/ngày; từ 14 tuổi trở lên cần 5 mg/ngày.
Người nữ đang mang thai và cho con bú cần mức vitamin B5 cao hơn và cần được tham vấn bác sĩ để có liều dùng phù hợp, an toàn.
Huệ Trần
(theo Live Science)