Những điều về mẹ, dễ gì con quên...

GNO - Tôi nhận ra mẹ bất cứ mẹ ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Dưới vành nón lá dù cũ, dù mới vẫn là vành tròn xoe mà tôi nhận ra nón nào mẹ đang đội. Bờ vai mỏng mảnh dưới lớp vải thô đến mấy tôi cũng nhận ra vai mẹ mình. 

thiep ngay cua me 3.jpg

Ảnh minh họa

Trong suốt mấy mươi năm ngày dáng mẹ rất đẹp đến khi lưng mẹ còng tôi vẫn nhận ra dáng mẹ. Rồi tôi buông ra câu gọi: “Mẹ ơi! Mẹ” ngay giữa chợ đông và chỉ mỗi một người quay đúng hướng con mình vừa gọi. Mẹ có năm, bảy con và con chỉ một mẹ và luôn luôn nhận ra nhau.

Dẫu mẹ con lạc nhau trong chiến tranh năm xưa vẫn nhận ra nhau bằng nhiều cách. Đôi khi xa nhau hơn ba, bốn mươi năm tưởng chừng không hy vọng gặp lại nhưng rồi mẹ con cũng tay trong tay. Có khi lạc mãi trời Tây xa xôi nào đó và giấy tờ thì mù mờ, trí nhớ còn non nớt mà mẹ con cũng gặp lại một cách thần kỳ. Vì mình có duy nhất một mẹ và cũng là núm ruột của mẹ. Vì là núm ruột nên mẹ chẳng thể quên đâu được. Nói một cách dân gian: lòng vòng rồi mẹ con cũng về bên nhau.

Cảm động nhất khi mẹ con gặp nhau cũng chỉ gọi: “Mẹ ơi”. Và ôm chầm lấy nhau trong nước mắt đó là hình ảnh tôi bắt gặp bao nhiêu lần trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

Tôi và mẹ hạnh phúc ở bên nhau mà chưa bao giờ xa nhau. Vì mình là báu vật của mẹ nên mẹ giữ kỹ lắm.

Ngày còn nhỏ - tôi con nhỏ lý lắc chưa từng có - trong cặp đi học chỉ hai cuốn vở tập đọc và tập đồ cùng mẩu viết chì con con như mèo Khánh Chi, đi học tôi biết đùa giỡn với mẹ. Ngày ấy đi học ngày hai buổi mẹ thương nên đến đón. Nhiều bạn cứ đi bộ về nhà là chuyện bình thường. Thấy mẹ ngoài hàng rào với chiếc xe đạp con liền núp sau cây bông sứ. Mẹ thấy dáng con nơi cửa biết đó là con. Con nhận ra mẹ thoáng qua chiếc áo. Mẹ nhận ra con - cái dáng bé tí xíu chẳng lẫn vào đâu được của lớp mẫu giáo. Mẹ bỏ xe đến chỗ con núp. Con ôm chầm lấy mẹ. Mẹ con cùng cuời vui biết mấy. Mẹ ẵm con ra xe...

Có những hôm mẹ đón con trễ, con về cùng chúng bạn và đi vừa chơi dọc đường. Con nhận ra mẹ từ cái dáng đặc biệt (đối với con mẹ là đặc biệt) từ xa xa. Con kéo nón xuống và núp sau lưng các bạn. Mẹ vòng xe lại và thắng xe ngay sau lưng con. Con nhe hàm răng thiếu chiếc răng cửa cười với mẹ và hỏi:

- Mẹ thấy con hở?

- Thấy chớ! Chó con đứng chỗ nào mẹ cũng thấy hết.

Dù mẹ có bao nhiêu con mẹ cũng nhận ra từng đứa một, dù nó có đứng ở đâu. Và con cũng nhận mẹ dù mẹ ở trong đám đông nào, mẹ luôn là ngôi sao trong mắt của các con.

Khi con vào lớp một, sao mà long trọng thế. Bộ quần áo bằng vải tám ủi cứng màu trắng mẹ dắt con đến lớp. Ba mẹ cho con cái tên dễ thương ở nhà và một tên trong khai sanh. Mẹ dặn: “Khi đi học phải nhớ tên mới nha”. Đến khi vào lớp cô điểm danh. Đọc đến tên con mà con chẳng ừ hử khiến mẹ ở ngoài hành lang phải la:

- Có. Dạ, đi con.

Cô ngạc nhiên:

- Tên sao không biết. Đứng lên nào con.

Mẹ vội chen vào lớp:

- Cháu có hai tên. Tên này trong khai sanh nên cháu chưa quen.

Cô mỉm cười:

- Nhớ tên nghe con.

Thấy mẹ đứng giải thích với cô sao mà mình thương mẹ quá. Cô thì cao đẹp mà mẹ bộ quần áo nhăn nhúm và nghèo khó làm sao. Có cái tên cũng không nhớ.Và từ đó khi điểm danh đến tên tôi cô hay ngước lên mỉm cười với tôi. Cô nhớ tôi hay nhớ chuyện mẹ con tôi.

Những ngày đi học như thế bao nhiêu niềm vui đến với tôi khiến tôi quên dáng mẹ thanh thanh đứng bên hàng rào đợi mà tôi còn cà kê với bạn. Đến bên xe của mẹ là mẹ ẵm lên xe rồi vội vã chạy lên đỉnh đồi này xuống cái dốc kia để đến nhà và tôi cứ vòng tay ôm lấy bụng mẹ. Những ngày gió ngược tôi không biết cứ líu lo trò chuyện mà mẹ không trả lời nổi. Tôi dục dã:

- Sao hở mẹ?

Mẹ chỉ:

- Ừ!

Ừ một cái chẳng ăn nhập gì với câu hỏi, tôi im lặng, giận.

Một chiều nọ, trời mưa các bạn được đón về nhiều lắm rồi. Tôi chơi với bạn trên hành lang. Rồi bạn cũng về với ba. Tôi chơ vơ. Không thấy mẹ đến, tôi đã chạy trong mưa mà không có áo mưa. Tôi không dám khoác cái khăn bàn lên mình trong khi các bạn có áo mưa đàng hoàng. Vì mưa lớn và có sấm, tôi vừa khóc vừa chạy trong mưa. Té rồi đứng dậy lại chạy và la khóc. Rồi mẹ xuất hiện trước mặt với cái khăn bàn lớn trên người. Mẹ quăng xe mà ôm lấy tôi vào trong áo mưa của mẹ dù tôi ướt hết. Mẹ bảo:

- Sao không chờ mẹ. Mẹ chưa gởi em được. Chờ một chút bác xong việc mới ẵm em hộ mẹ. Tội nghiệp con. Ướt rồi bệnh. Ba đi vắng mẹ biết làm sao hở con.

Tôi khóc nhiều và mẹ ôm tôi cho đến khi tôi nín. Mẹ ôn tồn nói:

- Mai mốt, đừng đi mưa bệnh nghe con.

Bắt chước các bạn con đưa “con chuột lắt” lên và cười:

- Con khỏe nhất. Mẹ khỏi lo.

Mẹ hôn tôi:

- Nhất với ai hở con. Về mẹ đón em.

Đấy, bất cứ trường hợp nào mẹ cũng nhận ra tôi một cách thần kỳ mà tôi thì dại khờ. Ngày ấy, chỉ một năm ba mẹ chuyển nhà ba lần vì ba muốn nhà gần trường cho mẹ con đỡ cực trong khi ba đi công tác xa. Căn nhà sau cùng cách trường vài trăm mét. Và rồi tôi lớn khôn như bao đứa trẻ khác, tôi rời xa mẹ càng nhiều. Tự đi học và về.

Sau tôi còn sáu em nữa. Chi phí trong nhà tăng cao và mẹ phải buôn bán thêm để phụ ba tôi nuôi chị em chúng tôi. Lúc ấy dáng mẹ không còn thanh mảnh. Người mẹ đậm hơn trước. Lưng tôm hơn trước. Mẹ tảo tần với rau cải, dưa cà, gạo nước bên chợ. Những ngày nắng mẹ lăng xăng mời chào. Đến tối mẹ vẫn ngồi chờ bán đến mớ rau cuối cùng. Mẹ thường hay nói:

- Tội nghiệp những người đi làm về trễ. Có miếng rau nấu canh ăn cho ấm bụng. Rau để đến ngày mai không ngon nữa.

Cũng có nghĩa thêm sách vở cho các con.  Những ngày trời mưa bên gánh cải mà tay chân mẹ đen sì vì nhựa và nhũn ra vì nước. Mẹ ngồi đợi những người mua rau muộn, dáng mẹ nhỏ thó dưới ánh đèn mù mù chiều tối. Chân mẹ nứt nẻ và bám bụi đất trong đôi dép nhựa thấy mà thương. Nhưng chúng tôi gót son trong đôi giày da đến trường lớp. Mẹ chưa bao giờ biết dép da là gì. Mẹ chưa bao giờ biết sự êm ái của dép da. Mẹ chưa bao giờ mặc áo lụa đẹp như chúng tôi đến lớp nên các đám cưới xin, ma chay…ba tôi tiện quần áo đi làm và đến dự luôn cho tiện.

Dáng mẹ càng lúc càng lùi xùi. Bờ vai mẹ chiếc áo mỏng thấm nước mưa cho con ta áo trắng nơi trường học. Tay mẹ nhám cho con bàn tay con thon dài. Tôi cũng muốn mua tặng mẹ chiếc áo dài sao mà để dành mãi không đủ tiền. Mẹ bảo:

- Các con học giỏi là mẹ vui nhất trên đời này.

Thôi thì mỗi trưa đi học về sẵn xe đạp chúng tôi đưa cơm ra chợ cho mẹ. Dưới nắng mùa hè trong miếng nhựa căng che nắng mới thấy thương mẹ làm sao. Cái lưng tôm của mẹ thẳng đứng vuốt vai tôi và xuýt xoa:

- Nắng quá con à. Để mẹ về cũng được mà.

Nhìn khuôn mặt mẹ đỏ bừng dưới nắng mà tôi ái ngại:

- Con đi xe nhanh mà mẹ.

- Về ăn cơm rồi nghỉ ngơi, chiều hãy học.

Rồi khi tối về nhà mẹ lại lật đật việc nhà. Cái lưng tôm tôm của mẹ mỏi lắm nhưng không nghỉ. Bé út vỗ lưng cho mẹ. Mẹ cười thật tươi và vuốt tay út:

- Học bài đi con. Mẹ hết mỏi rồi.

Út biết mẹ chưa hết mỏi nhưng mẹ đã đứng lên làm việc khác. Mẹ lo cho các con cả mấy mươi năm mà không một lời than, không một lần sắm sửa cho mình.

Rồi chúng tôi học xong và công tác ở tỉnh. Những năm tháng đi làm xa và điện thoại chỉ có điện thoại bàn. Cả xóm mới có điện thoại nên hàng mấy tháng mẹ con chẳng nhìn thấy nhau, chẳng nghe tiếng nhau. Cứ lặng im tăm hơi lặng tiếng như thế. Mỗi chiều, cứ chạy xuống phòng hành chánh lấy thư mà chẳng có (thực ra tuần nào mình cũng có thư) khiến phòng hành chánh cứ chọc ghẹo.

- Cô bé mong thư ai chứ nào phải thư mẹ.

- Rồi chú biết ngay thôi mà.

Tôi cầm cự cho đến khi nhận bằng là xin chuyển công tác về gần nhà. Khiến giám đốc phải than:

- Biết chú không ký giấy cho cháu chấm dứt thực tập sớm thế. Ừ, về với mẹ thì chú cho.

Tôi tung tăng cầm giấy chuyển công tác và từ đó mẹ con không xa nhau nữa.  

Tất cả bảy con đã thành công và có địa vị trong xã hội mà mẹ vẫn là mẹ bình thường thôi. Năm nay mẹ tám mươi. Tóc mẹ bạc trắng và lưng mẹ càng ngày càng tôm hơn. Nhưng bất cứ mẹ đi đâu, trong áo bình thường hay khoác ngoài áo choàng màu xám, con và cháu đều nhận ra mẹ trong đám đông. Và chúng cũng a đến như chúng con ngày xưa. Mẹ hạnh phúc ôm các cháu nhỏ vào lòng. Mẹ và con cháu bình an trong hạnh phúc đời thường.

Tình mẹ con thắm thiết lạ kỳ biết dường nào. Tôi hạnh phúc bên mẹ mấy mươi năm mà tôi nào có hay. Mẹ mãi là đoá hồng trên áo con mẹ nhé. Yêu mẹ biết bao!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày