Những đứa trẻ Châu Ro tụng kinh trên đồi đá

GN - Ở khu vực đồi đá thuộc xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, khi ánh mặt trời khuất núi, mọi người về nhà sau một ngày miệt mài với nương rẫy, đó cũng là lúc người ta nghe văng vẳng tiếng tụng kinh quen thuộc của những đứa trẻ ở tuổi ăn tuổi lớn vọng xuống từ phía đỉnh đồi. Trên đó là tịnh thất Linh Quang, ngôi nhà chung của 140 trẻ mồ côi, người già sinh sống và hướng đạo, do một tay SC.Thích nữ Phong Điều âm thầm xây dựng.

Những đứa trẻ gieo duyên cửa thiền

Có mặt tại tịnh thất Linh Quang vào lúc 6g tối, hình ảnh chúng tôi bắt gặp đầu tiên khi đặt chân đến trước cổng là khoảng 40 chú tiểu ngồi tụng kinh trang nghiêm nơi chánh điện được xây dựng đơn sơ với mái lá, rèm tre. Phía sau chánh điện là tiếng các cô bảo mẫu dạy các bé tập nói những tiếng đầu đời.

Cạnh phòng bên là tiếng SC.Phong Điều dạy các em cách xá chào và niệm Phật. Thời công phu, người lớn công phu theo cách của người lớn, trẻ nhỏ công phu theo cách phù hợp với người nhỏ tuổi. Được rèn luyện, tu tập ngay khi biết nói, thế nên hầu hết các chú tiểu ở tịnh thất Linh Quang từ 3 tuổi đều thuần thục nghi thức chào hỏi, thuộc lòng chú Đại bi.

ANH XH (1).JPG
Thời kinh ở chùa Linh Quang của SC.Phong Điều cùng các em mồ côi

Ngay khi thời công phu kết thúc, trước khi giải tán, các chú tiểu đều ghé qua phòng sư phụ để xá chào. Khi được hỏi bữa nay tụng kinh có vui không, chú tiểu Đức An (7 tuổi) cho biết: “Dạ vui mà không vui bằng Chủ nhật, thưa sư phụ”. Hỏi ra mới biết, như thành quy định, vào ngày Chủ nhật là 60 chú tiểu và 80 em người dân tộc ở địa phương được Sư cô nuôi ăn học đều tập trung về chùa tụng kinh, niệm Phật, làm công quả.

“Mặc dù những đứa trẻ đang sinh sống nơi đây có đứa người dân tộc, có đứa người Kinh nhưng từ trong giao tiếp đến ứng xử, chúng quý mến, yêu thương nhau như anh em trong gia đình. Xa là nhớ, là nhắc, gặp nhau là tay bắt mặt mừng, nói cười đùa giỡn vui vẻ như cá gặp nước vậy” - một chú Phật tử thường xuyên công quả ở tịnh thất cho biết.

Ở đây, mọi đứa trẻ được Sư cô nhận làm con nuôi đều có giấy khai sinh và được cho đi học đàng hoàng. Các em sẽ tu học, ở tại chùa đến 18 tuổi, sau đó muốn tiếp tục học nghề hay học đại học, Sư cô đều nuôi. Các em nếu muốn ra đời thì ra, còn muốn đi tu, Sư cô tìm chùa gửi gắm.

Hỏi về SC.Phong Điều là các chú tiểu tranh nhau phát biểu cảm tưởng. Có chú kể: “Sư phụ lượm con ở ngoài đường đem về nuôi, cho con ăn học, rồi dạy con thực hành giáo lý Đức Phật để sống tốt, để mọi người yêu thương. Đêm nào sư phụ cũng đi một vòng xem tụi con có ém mùng chưa, sư phụ sợ tụi con bị muỗi cắn. Con thương sư phụ nhất trên đời”.

Chú tiểu này vừa dứt lời, đứa trẻ khác liền chen vào: “Con thương sư phụ lắm, nhất là lúc mẹ không có tiền đóng học phí, con chuẩn bị nghỉ học thì sư phụ xuất hiện động viên con tiếp tục đến trường, tiền học để sư phụ lo. Sư phụ đã đến gặp cô chủ nhiệm của con để năn  nỉ cho gia hạn rồi chạy tiền, vì lúa còn ngoài đồng chưa gặt. Con thương sư phụ nên con luôn cố gắng học thiệt tốt để sư phụ vui lòng”.

Nghe các chú tiểu, các em người dân tộc trả lời, ai cũng nhoẻn miệng cười hoan hỷ vì SC.Phong Điều đã làm thay đổi tương lai cho 140 đứa trẻ nhà nghèo, mồ côi. Nhưng để các em có được nụ cười hạnh phúc như ngày hôm nay ẩn đằng sau đó là cả cuộc hành trình dấn thân, chịu thương, chịu khó của SC.Phong Điều mà chỉ những Phật tử gắn bó với Sư cô từ những ngày đầu mới cảm nhận sâu sắc.

Dấn thân, nỗ lực hoằng pháp cho đồng bào dân tộc

Trước đây 9 năm, nhắc đến đồi đá ở xã Xuân Phú, Xuân Lộc, Đồng Nai, người dân sống tại đây nghĩ ngay đến nghĩa địa của đồng bào dân tộc Châu Ro vì mỗi khi có ai chết, không có tiền chôn cất, họ đem xác người chết đến đây bỏ. Thế nên, khu vực này hầu như hiếm có ai bén mảng đến. Nhưng kể từ khi SC.Phong Điều về đây khai hoang, lập thất cho bà con dân tộc tu học, cho trẻ mồ côi có nơi nương tựa thì đồi đá đã trở thành nơi thiêng liêng, điểm tựa tâm linh của hơn năm trăm bà con dân tộc Châu Ro nghèo khó.

ANH XH (2).JPG

SC.Phong Điều chăm chút từng đứa trẻ ở mái ấm

Trong cuộc sống, nhân duyên cho con người ta gặp nhau sẽ tạo nên điều kỳ diệu. Một lần cùng mạnh thường quân đi phát quà cứu trợ cho bà con dân tộc thiểu số, Sư cô thấy các chị em phụ nữ bệnh tật ốm yếu, con cái không có cơm ăn, không tiền đi học, nhiều đứa trẻ mồ côi cha mẹ, sống vất vưởng, đi lang thang. Thương quá, vậy là mỗi tháng SC.Phong Điều đều gửi gạo lên cho các em và các chị phụ nữ nghèo.

“Khi về Sài Gòn, hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi. Nhiều đêm không ngủ được, tôi suy nghĩ mãi về những đứa trẻ. Cho gạo thôi thì không đủ, vì chỉ lo được cho chúng no bụng tức thời, còn tương lai của chúng sẽ đi về đâu. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi quyết định lên vùng đất này” - Sư cô trải lòng.

Những ngày mới về đây, đồi đá rất hoang vu, cây cối mọc um tùm bao phủ diện tích 6.000m2. Chú K’reng 62 tuổi kể: “Bò cạp nhiều đến nỗi chỉ cần giở lá cây lên là thấy chúng bò ngổn ngang, rắn nhúc nhích ngọ nguậy tứ tung. Trong quá trình cải tạo ngọn đồi, chúng tôi bắt gặp không biết bao nhiêu xương người nằm rải rác khắp nơi mà sư phụ không hề sợ. Vì lý do dám dấn thân như vậy nên tôi rất nể sư phụ rồi quy y luôn, chứ lúc trước, tôi chẳng biết Phật là gì”.

Vì đã quen thân và chia sẻ khó khăn với nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số, nên khi về đây, Sư cô được họ đón mừng, rủ nhau tìm đến. Cái chòi lá dựng lên đơn sơ vốn dĩ chỉ đủ Sư cô ở cùng với vài đứa trẻ mồ côi mà Sư cô cưu mang từ trước, nhưng nào ngờ những đứa trẻ mồ côi, lang thang giữa dòng đời, những người phụ nữ dân tộc mất chồng, phải nuôi con không có nơi nương tựa tìm đến ngày một nhiều; không bỏ mặc làm ngơ được nên Sư cô cưu mang hết tất cả.

Cô bảo mẫu Trần Thị Bê cho biết: “Ngày trước, những lúc hết tiền, chùa hết dầu hôi, dầu ăn, nước tương, quán bà Hai Lu ngoài đầu đường là địa điểm Sư cô mua thiếu thực phẩm thường xuyên, đến mùa gặt mới có tiền trả. Không đếm xuể bao nhiêu ngày Sư cô nhịn ăn để dành cơm cho các chú tiểu ăn cho no bụng. Bây giờ, những lúc đóng tiền học phí dồn dập một lúc cho cả trăm đứa, Sư cô cũng mượn tiền người quen rồi tới mùa thu hoạch trái cây bán trả dần”.

Cô Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết thêm: “Từ ngày về đây, ngoài tu tập đúng Chánh pháp, Sư cô còn đóng góp, lo an sinh xã hội, nuôi trẻ mồ côi, chăm sóc những đứa trẻ bệnh tật nặng; bà con dân tộc nào khó khăn là Sư cô tìm cách giúp đỡ. Thấy Sư cô hiền lành, chăm sóc những trẻ em bệnh tật và người già lớn tuổi kỹ lưỡng, yêu thương như người thân trong gia đình nên người ta nuôi con không nổi là bỏ trước cổng tịnh thất để Sư cô nuôi.

Có những đứa trẻ còn chưa rụng rốn, cân chưa đầy 2 ký; có những đứa suy dinh dưỡng, ốm đau bệnh tật, vậy mà Sư cô nuôi chúng lớn lên bình thường. Phải thương lắm, cần mẫn lắm thì mới làm được như vậy”.  

Hỏi Sư cô, hoằng pháp nơi đây có khó khăn lắm không, Sư cô cười bảo: “Khó mà cũng không khó. Khó là vì tôi và họ ngôn ngữ khác nhau, họ chưa biết Phật là gì, chùa là gì. Người dân tộc lúc đầu rất sợ tôi nhưng khi gần gũi với họ, thương yêu họ thì họ rất thương mình. Mà khi đã thương rồi thì họ rủ cả gia đình đến với đạo pháp. Chỉ cần mình thiệt tâm và chịu nhẫn là mình sẽ hoằng pháp được cho đồng bào dân tộc”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày