Chính vì thế, nhiều ngôi chùa đã hình thành nên những "thư viện mở" hoặc tủ sách Phật pháp để giữ gìn Pháp bảo và duy trì văn hóa đọc. Một hình thức khuyến khích đọc khác, rất đáng khích lệ, đó là những tủ sách Phật pháp cộng đồng ở các trạm chờ xe, ở quán cơm chay cũng giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với Phật pháp qua sách...
Thư viện chùa Xá Lợi Q.3 thu hút nhiều giới đến đọc bởi có nhiều sách quý
"Thư viện mở"
"Thư viện mở"chùa Xá Lợi (Q.3) được gắn liền với lịch sử hình thành chùa và người có công lớn trong việc thành lập thư viện là cụ Mai Thọ Truyền. Hiện nay, thư viện chùa Xá Lợi có hơn 7.000 đầu sách, đa số là sách cổ và sách cũ có giá trị. Ngoài hai bộ sách Tân tu Đại tạng và Tân tu Tục tạng bằng chữ Hán có giá trị, chùa còn có 1 pho kinh bối diệp cổ chép bằng chữ Pali trên lá buông cách đây hơn 1.000 năm. Bộ kinh lá này dài 45cm, ngang 6cm hai đầu có xỏ lỗ để xâu lại bằng chữ. Bìa bằng gỗ sơn son thếp vàng, hoa văn cầu kỳ được bọc trong một khăn lụa ngũ sắc.
Thư viện chùa Xá Lợi được giới nghiên cứu, Tăng Ni, Phật tử, sinh viên học sinh thường xuyên đến đọc, nghiên cứu bởi ngoài phòng đọc tại thư viện trên lầu có không gian yên tĩnh còn là nơi lưu trữ, giữ gìn những tư liệu, sách quý. Ngoài kinh, luật, luận, thư viện còn có sách tư liệu bằng các ngôn ngữ: Việt, Hoa, Nhật, Anh, Pháp; sách về văn hóa, khoa học, xã hội, triết học, thiền, văn học; các tôn giáo, các loại tạp chí: Giác Ngộ, Pháp Âm, Tiến Hóa, Nam Phong... Thư viện người đọc tại chỗ từ thứ Hai đến thứ Sáu mỗi tuần.
Nếu như thư viện chùa Xá Lợi có hầu hết các tư liệu, sách cổ và cũ thì thư viện tại tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh) đa phần là sách mới xuất bản. Thư viện có khoảng 3.000 đầu sách các loại như kinh, luật, luận, thiền, văn học, y học, văn minh, danh nhân, lịch sử, từ điển, địa chí... nhiều nhất là sách tham khảo các loại. Thư viện mở cửa mỗi sáng với hình thức đọc tại chỗ và cho mượn về nhà, người mượn về nhà cần phải để lại giấy chứng minh nhân dân và thế chân theo giá trị của quyển sách muốn mượn.
Hàng chục năm qua, chùa Phước Hải (Q.10) đã mở cửa đón sinh viên, học sinh vào đọc sách, nghiên cứu tại thư viện của chùa. Tủ sách tại thư viện không nhiều bằng các chùa khác nhưng vẫn thu hút được các đối tượng trẻ đến với chùa vì lẽ không gian đọc rất thoải mái, có nhiều sách cho giới trẻ tìm hiểu Phật pháp và tham khảo một cách dễ hiểu. Ngoài ra, chùa cũng có thêm những khóa sinh hoạt ngoại khóa dành riêng cho giới trẻ Phật tử, học sinh, sinh viên nên người này rỉ tai người kia và vì thế chùa Phước Hải vẫn là điểm lý tưởng thu hút bạn đọc trẻ đến với kinh Phật và sách.
Ngoài những thư viện mở hiện có tại các ngôi chùa, Phật tử và người đọc yêu thích sách còn dễ dàng tìm được những cuốn sách Phật giáo yêu thích tại các tủ sách Phật học mà hầu hết chùa nào ít nhiều cũng có. Hoặc tìm đến những không gian sách từ những quầy sách của các nhà từ thiện.
Quầy sách cộng đồng
Một hình thức khác, sách Phật đã thoát ra khỏi cánh cổng thiền môn và có mặt trong những chốn đông đúc như ở nhà chờ của trạm xe đường dài là một điển hình khá thú vị. Một người khách đi tuyến đường dài từ Cần Thơ về TP.HCM cho biết khá bất ngờ bởi ở trạm dừng xe Phương Trang tại Cái Bè-Tiền Giang có một "quầy sách tùy hỷ" toàn là các loại sách Phật pháp có giá trị như kinh Đại Niết Bàn, Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư, tịnh độ Pháp ngữ, kinh Pháp Hoa, những câu chuyện Phật pháp, một cõi tịnh độ trong mỗi chúng ta, trí tuệ trong Phật giáo... sách tiếng Anh, các loại băng đĩa tiếng, hình thuyết giảng: VCD, CD, DVD, MP3 của các tác giả là các giảng sư trong nước có mặt trên quầy sách.
Hình thức thư viện mở luôn tạo điều kiện để mọi người đến với sách
Chủ nhiệm dự án "quầy sách cộng đồng" này chính là Tiến sĩ - TT.Thích Đồng Bổn, Trưởng ban Phật giáo Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cùng với các nhà hảo tâm đứng ra sáng lập và vận hành với tên gọi quỹ ấn tống Hoa Sen. Được thành lập từ tháng 7-2010, quỹ ấn tống Hoa Sen kết hợp với tủ sách Phật pháp (hoạt động 10 năm qua) đã có 30 đầu sách với số lượng 49.000 quyển sách phục vụ tại các quầy sách tùy hỷ tại trạm xe Tiền Giang, trạm phân phối Pháp thí Cty Hà Thành (thị xã Hà Tĩnh) và các quán cơm chay tại TP.HCM phục vụ cho mọi đối tượng. Đặc biệt, "quầy sách tùy hỷ" phải bảo đảm không buôn bán mà mọi người có nhu cầu tìm hiểu Phật pháp, thích quyển nào thì cứ lấy về nhà đọc. Và vì thế, "quầy sách tùy hỷ" phục vụ cho những ai có nhu cầu đọc thật sự.
TT.Thích Đồng Bổn cho biết: "Chương trình ấn tống Hoa Sen thành lập với mong muốn phục vụ cho những người thật sự có nhu cầu tìm hiểu Phật pháp mà không có điều kiện đến với sách. Mọi người có thể lấy sách về nhà mình mà không phải trả tiền, thùng tùy hỷ cũng chỉ là hình thức để mọi người cảm thấy thoải mái hơn với sách. Qua "quầy sách tùy hỷ" mọi người cũng có thể tự nguyện làm một việc có ích xuất phát từ tâm thành (chỉ rất nhỏ thôi, không có cũng không sao) để chúng tôi tái xuất bản, tiếp tục cho những quyển sách có mặt trên quầy. Đây cũng là một cách để giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với sách, khuyến khích mọi người tìm hiểu và đến với tri thức Phật pháp".
Mọi người có thờ ơ với sách?
Qua khảo sát của chúng tôi, các thư viện chùa hiện nay đều có một không gian đọc khá lý tưởng, thoải mái và yên tĩnh. Tuy nhiên, khách đến đọc cũng không nhiều. Phải chăng mọi người đã thờ ơ với việc đọc sách? Phải chăng hình thức thư viện sách truyền thống không còn thu hút người đọc so với thư viện điện tử, trước các hình thức sách nói, sách hình... và vô số những trang mạng điện tử đang hiện diện trong đời sống.
Tiến sĩ-TT.Thích Đồng Bổn khẳng định mọi người không thờ ơ với sách, những hội chợ sách, đường sách vừa qua cho thấy giá trị của mỗi quyển sách được tác giả gởi gắm vẫn được mọi người quan tâm và chia sẻ. Và, đọc sách vẫn là thói quen còn ở rất nhiều đối tượng thuộc nhiều thành phần. "Cho dù ngày nay có nhiều hình thức tiếp cận với tri thức như qua thư viện điện tử, trang mạng... tuy có những thuận lợi về mặt tra cứu nhưng vẫn chưa phải là tối ưu. Nó không như thư viện truyền thống, nó có thể mất tất cả vì sự cố của máy tính. Xét cho cùng, có nhiều cách tiếp cận với sách và thư viện truyền thống là ngôi nhà thứ hai của các giới nghiên cứu. Người đọc vẫn trung thành với sách, tìm kiếm tri thức qua thói quen đọc".
Anh Nguyễn Chính Trung, quản lý thư viện chùa Xá Lợi cho biết dù không gian đọc ở thư viện chùa có phần yên ắng nhưng đó là sự yên tĩnh cần thiết để ai cũng có thể chú tâm vào trang sách của mình. "Quan trọng nhất đối với người đọc chính là không gian đọc. Đọc sách từ trên máy vi tính khác xa và không thể so sánh với một không gian yên tĩnh trong thư viện ở chùa hay trong thư phòng. Điều đó cũng cho thấy hình thức thư viện truyền thống chưa bao giờ là cũ, chưa bao giờ sợ thiếu độc giả đến với mình. Và những hình thức thư viện mở, thư viện cộng đồng đã "xốc" lại thói quen tìm đến sách và đọc sách".
Sư cô Thích nữ Liên Nghĩa, Ni sinh HVPGVN tại TP.HCM khóa VIII cho biết, những thư viện mở ở chùa là hình thức giúp cho Tăng Ni sinh dễ dàng tìm hiểu, nghiên cứu thêm ngoài những bài giảng trên lớp. Đặc biệt, Tăng Ni sinh rất cần tài liệu để nghiên cứu làm tiểu luận, một năm học tùy vào môn học mà có khoảng hai tiểu luận. Do đó, một thư viện mở luôn là điểm đến lý tưởng cho Tăng Ni sinh, họ có thể đọc, tra cứu tại chỗ hoặc mượn về.
Chỉ tính sơ lược ở mỗi phòng phát hành kinh sách hiện nay, mỗi tháng có hàng ngàn quyển sách có nội dung Phật pháp được bán ra. Vì thế, số lượng người đến với sách Phật cũng vì thế mà nhân lên. Có thể khẳng định thêm, đọc sách là thói quen và là món ăn tinh thần của nhiều đối tượng người Việt. Tìm hiểu kiến thức, Phật pháp, tiếp thu tri thức qua sách luôn là cách để mọi người làm giàu vốn sống, kinh nghiệm cũng như tiếp thu tri thức của mỗi cá nhân. Ngày nay, sự đa dạng của các loại hình thư viện mở, thư viện cộng đồng với các không gian đọc gần gũi đã tạo cơ hội, điều kiện cho mọi người đến với sách Phật pháp mà không phải sợ tốn kém hay mất nhiều thời gian.