GN - Thật vui là, dù cho ngày nay nhiều thứ thuộc về xưa cũ đã dần mai một, thì còn một điều vẫn luôn hiện diện trong tâm thức người Việt, hàng năm đến hẹn lại về, không ai quên, không ai bỏ lửng, không ai không nghĩ đến, chưa khi nào phôi pha. Đó là Tết.
Thuộc diện “con nhà nghèo yêu hoa”, nhà tôi lúc ấy Tết đến chỉ có vạn thọ là dư dả nhất...
Tết luôn khiến người ta dậy lên cảm xúc, gửi gắm nhiều mong ước, hy vọng. Tết càng về sau càng khiến ký ức mỗi người dày lên, nhiều thứ để hoài niệm, và vì thế mà bâng khuâng nhiều hơn mỗi kỳ Tết đến xuân về. Người người rộn ràng đủ thể loại cảm xúc đan xen khi chuẩn bị Tết: lo lắng, khấp khởi, nôn nao....
Chỉ riêng một nhân vật của xuân luôn âm thầm lặng lẽ, nhưng chưa bao giờ trễ hẹn với nhân gian: những loài hoa báo xuân.
Những mùa xuân cũ, khi cái ăn cái mặc còn phải chật vật lo toan, thì hoa hồn nhiên nở tràn khắp vùng thôn quê, chia sẻ với con người nỗi vui đón xuân, và nỗi lo mua sắm Tết. Chỉ cần gieo một nắm hạt (để dành từ mùa cũ) xuống là 2 tháng sau có hoa chưng Tết từ trong ra ngoài mà không cần phải tốn tiền mua sắm. Các loài hoa dại thì mọc khắp nơi mà chẳng cần ai gieo trồng, như muốn dự phần vào tiết mùa rực rỡ nhất trong năm. Nên dù nhà ai không có điều kiện, thì Tết đến mặc nhiên vẫn đủ sắc màu vàng hồng tím, trẻ con vui bên từng khóm hoa tươi tắn, rạng rỡ thay cho những bộ áo mới chúng ao ước mà không phải năm nào cũng có.
Loài hoa báo xuân cần mẫn và đúng lịch nhất ở miền Nam là mai và vạn thọ. Những đồi hoa mai khi ấy vẫn còn hoang dại giữa núi đồi, chưa dời gót ngọc về từng mảnh vườn thôn xóm, nên chỉ có vạn thọ là hào phóng trải vàng khắp mọi ngõ ngách, làm nên một mùa xuân quê kiểng mà đủ đầy.
Thuộc diện “con nhà nghèo yêu hoa”, nhà tôi lúc ấy Tết đến chỉ có vạn thọ là dư dả nhất. Vạn thọ được ba xới đất mẹ gieo hạt từ rằm tháng Mười, anh em chúng tôi tưới tắm cho cây mỗi ngày để Tết đến cả mảnh vườn vàng rực sắc hoa. Ba mẹ đã bàn định, trồng vạn thọ để bán cho người ta chưng Tết, nhưng ba mẹ quên mất rằng thời buổi nhà nào cũng nghèo khó như nhau, đâu ai có ngân sách cho khoản hoa chưng Tết. Vậy là nhà tôi năm đó “vàng” từ trong nhà ra ngõ, chỗ nào cũng có vạn thọ. Mùi hương hăng hắc đặc trưng khiến chúng tôi nhớ khôn khuây mãi những cái Tết về sau, vì gợi lại cả một trời kỷ niệm Tết xưa thơ ấu.
Những mùa Tết sau, vườn nhà có thêm nhan sắc mới: những cây mai rừng ba gầy giống được, bắt đầu mọc lên xanh mướt và nở những chiếc hoa vàng đầu tiên đúng dịp Tết. Từ đó hàng năm anh em chúng tôi có thêm việc làm mỗi dịp Tết: hái lá mai. Năm nào mẹ cũng canh ngày để hái lá cho chuẩn. Hái sớm hay muộn một ngày thì mai không nở đúng như ý. Sáng mùng một, tôi dậy sớm nhất, chạy ào ra vườn để xem mai. Nếu có vài bông hoa bung cánh đúng mùng một thì tôi chạy ù vào nhà loan báo. Cả nhà hân hoan, kỳ vọng một năm mới nhiều may mắn, và tôi tha hồ tự hào vì mình đã góp phần hái lá mai, và là người thông báo tin vui cho cả nhà.
Sắc xuân
Nhiều năm qua đi, nhiều cái Tết trở thành kỷ niệm. Căn nhà tranh vách đất nâng cấp thành nhà vách lá mái ngói, rồi nhà tường gạch mái bằng… Những mùa hoa đến rồi đi dù ai còn tha thiết hay không.
Phú quý sinh lễ nghĩa. Khi không còn quá lo toan cái ăn cái mặc, mỗi gia đình lại nghĩ tới cái đẹp, chăm chút thêm những bình hoa chậu kiểng cho ngày Tết. Và những chậu mai bonsai được đón về chưng trước cửa, trong phòng khách, tạo cảm giác cái Tết sung túc và sang trọng hơn. Mỗi năm lại bổ sung thêm loài hoa mới mang từ các miền khác về: cúc đại đóa, cúc mâm xôi, cúc thược dược… Mặc dù vậy, mỗi năm mai vẫn nở, vạn thọ vẫn vàng rực những mảnh vườn, thửa ruộng, dù không còn được nâng niu như trước.
Những loài hoa báo xuân ấy cứ rưng rức nở, không so đo tính toán, không tị hiềm như chưa từng có cuộc đổi ngôi. Mẹ vẫn nhớ ngày hái lá mai cho cả cụm cây mai trong vườn, nhưng Tết đến, chậu mai chưng trước sân vẫn được trầm trồ chiêm ngưỡng hơn với các thế mai đẹp mắt và hợp phong thủy, với những bông mai nhiều lớp cánh, được cho là mang đến nhiều tài lộc hơn.
Không hiểu sao tôi vẫn thương những bông hoa đơn cánh, mỗi bông chỉ có 5 cánh giản dị mà chất chứa cái hồn Tết quê. Nên ngày mồng một Tết tôi vẫn mon men ra vườn đếm từng bông hoa mai cũ nở. Và mừng húm khi phát hiện một cụm vạn thọ nở lẻ loi đâu đó trước sân nhà. Cái mùi hương hăng hắc mà thương vương thương vấn.
Khi chuyển nhà đến nơi ở mới, cái Tết đầu tiên khiến tôi hụt hẫng nhiều khi ngoài vườn không còn đám mai rừng nở rộ. Và ba mẹ cũng thôi không gieo vạn thọ nữa. Sau ngày cúng ông Táo, cả nhà bắt đầu đi chợ hoa để ngắm nghía những chậu mai bonsai, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, thược dược, còn có cả cát tường, mai Nhật, hoa hồng đủ loại khoe sắc và nức hương thơm. Và có cả vạn thọ giống mới đủ màu sắc, muốn mua bao nhiêu cũng có.
Nhưng tôi đâu làm sao mua được tuổi thơ mình. Một tuổi thơ với những cái Tết khoác màu vàng tươi của mai năm cánh, màu vàng mơ của vạn thọ, và nhiều loài hoa dại khác chen nhau nở trong mảnh vườn nhỏ của riêng tôi.
Rồi một năm nọ, khi trở về nhà đón Tết, tôi ngỡ ngàng khi thấy sau vườn nhà mình có một vạt mai vàng nở bung từng bông hoa 5 cánh mỏng. Mẹ nói, không biết từ đâu mọc lên đám cây mai, trông chúng giống đám mai rừng ngày trước ở quê cũ.
Năm ấy mẹ cũng trồng một đám vạn thọ màu vàng mơ. Những bông hoa tròn be bé xinh xinh, hiện diện ở vùng đất mới này, như gửi một lời chào từ cố nhân.
Đứng trước màu vàng báo xuân ấy, tôi tưởng chừng như hoa mùa cũ đã theo lòng tôi đến tận nơi này, gầy dựng lại mùa Tết xưa trong lòng kẻ vẫn lưu luyến những ngày thương mến cũ. Hay những cánh hoa báo xuân ấy không nỡ để đứt đoạn hồn Tết xưa mà bằng cách nào đó, trao truyền hạt giống cho mùa sau, ở một nơi xa xôi như vậy?
Mấy mươi năm trôi qua, người ta đã đón Tết theo kiểu khác, công nghiệp hơn, hiện đại hơn: mua hoa trong chậu, bánh mứt làm sẵn, cả bánh chưng bánh tét, mâm cỗ ngày Tết cũng đều có thể đặt làm. Và lòng người dường như cũng bớt bâng khuâng Tết. Nhưng những loài hoa báo xuân ấy vẫn giữ nguyên mối cảm xúc, nồng nhiệt nở giữa đất trời, không cần biết đến sự đổi thay, không cần biết lòng người mới cũ.
Phải chăng, nhân gian yêu hoa nhưng mãi không thuộc bài học giản dị từ hoa: hãy cứ bung nở cạn lòng dấu yêu và tinh túy, dù cho người đời đón nhận hay quên lãng. Được cháy hết mình trong một mùa thanh xuân của tuổi, được phô bày hết giá trị của chính mình, đã là một cuộc đời đáng sống.
Và nhân gian cũng nợ những loài hoa báo xuân một lời tri ân. Những loài hoa đưa tin xuân đã nở miệt mài không cần biết bao nhiêu thời gian đi qua, bao nhiêu tấm lòng phai nhạt, để giữ cho hương sắc xuân vẫn trọn vẹn khi mùa về.
Để khi cùng nhau về lại mái nhà chung, nhìn những cánh mai vàng nhẹ nhàng bung cánh mỏng, và bụi vạn thọ lặng lẽ tỏa hương, mỗi người trong gia đình chúng tôi - những người đã cùng trải qua với nhau những mùa xuân ký ức đẹp đẽ, sẽ tìm lại được sự nhẹ nhõm yên lành, giữa thế giới tất bật đang quay cuồng không ngừng nghỉ những vòng xe.
Khi ấy, lòng người mới thật sự là đang Tết. Phải vậy không?