Những mảnh đời bên bến sông

Nép mình bên con sông  đen ngòm, tịnh xá Ngọc  Quang nhỏ bé và bề bộn  nhưng là tổ ấm của những mảnh đời được ghép lại. Như một dấu chấm than đầy cảm xúc và nồng ấm giữa bao lo toan của xóm lao động nghèo, những con người ở đây gom góp lại tư trang, vá víu lại thân phận cuộc đời mình trong sự chia sẻ và niềm an vui với tiếng kinh tiếng mõ hàng ngày.

Bên tách trà nóng phảng phất mùi hoa lài thơm nhẹ, Ni sư TN.Vạn Liên nói: “Họ về đây là rút ngắn lại quãng đời trôi nổi, tha phương cầu thực, chấm dứt cuộc sống lang bạt rày đây mai đó. Mái ấm nhỏ này nhiều năm qua là nơi tránh mưa, tránh nắng, tránh giông bão cuộc đời”.

tinhthuong-1.gif

Ni sư TN.Vạn Liên cùng các cụ già ở mái ấm Ngọc Quang

Tịnh xá đơn sơ với ngôi chánh điện khiêm tốn có vẻ còn xập xệ nhưng ở đó chất chứa biết bao tấm lòng từ bi và bao dung. Ni sư Vạn Liên nói đã bao lần định trùng tu lại ngôi Tam bảo nhưng khả năng hạn chế nên đành thôi, mình còn phải lo chỗ ở cho biết bao người nữa. Mà thật ra, ở đây là mái ấm nhỏ đầy tình yêu thương, tất cả những người già và trẻ em mồ côi được bao bọc bằng tình thương, nỗ lực của Ni sư trụ trì và Ni chúng.

Gần hai mươi năm qua, mái ấm ẩn mình cuối bến Nguyễn Duy (nay là  số 262 đường Lưu Hữu Phước, P.15-Q.8) không còn đơn lẻ nữa bởi những căn phòng bên trong tịnh xá luôn rộn rã tiếng cười, ấm nồng tình người bởi sự bao bọc, chia sẻ lẫn nhau của những mái đầu đã trải qua nhiều nắng gió. “Bắt đầu từ năm 1991, có người tứ cố vô thân tìm đến, thấy thương quá nên tôi nhận vào chăm sóc vậy mà tiếng lành cứ lan đi, mình không nhận thì sao đành”, Ni sư Vạn Liên chia sẻ. Hiện nay, tịnh xá có 11 căn phòng dành cho 47 người già cả cụ ông lẫn cụ bà ở độ tuổi từ 67 đến 94 và 6 trẻ mồ côi.

Nhiều thân phận long đong đã tạm dừng lại ở đây và cùng chia sẻ với nhau niềm vui ở quãng đời còn lại. Có những cuộc đời bất hạnh, có cuộc đời rày đây mai đó nhà là gầm cầu, gầm cầu thang chung cư, xó chợ, là hiên nhà người… vì thế mà cuộc mưu sinh có lúc đói khát chẳng có điểm dừng. Như cuộc đời cụ Trần Mui, 81 tuổi thì cả đời mình sống nhờ vào tình thương của người khác bởi nghề “chăm con” cho chủ nhưng rồi khi chủ không còn, cụ bơ vơ xó chợ hàng chục năm qua. May mắn cụ được một thầy người Hoa gởi vào tịnh xá cách đây đã bốn năm, “vậy là mình hết trôi nổi”, cụ Mui nói.

Căn phòng dành cho các cụ ông cửa mở đón đầy ánh nắng mặt trời buổi sáng, một cụ ông bị bệnh tâm thần ngồi gần cửa sổ cứ cười hoài. Ông là một trong những người bị bệnh tâm thần nặng, người đi đường dắt vào gởi rồi được nuôi dưỡng ở đây từ nhiều năm qua. Cụ ông Nguyễn Văn Tuấn, 75 tuổi nhà ở quận 8 là người khỏe mạnh. Cụ bảo: “Tôi vào đây ở vui lắm, chẳng phải lo mưa, lo nắng, lo đói, lạnh và có cơm ăn ngày ba bữa. Lúc ở ngoài tôi phải ngủ trong một garage sửa xe. Mà con cháu mình cũng nghèo đâu lo được, tôi vào đây được cô lo cho, người mập lên thấy rõ”.

tinhthuong-2.gif
Ca sĩ Bích Hữu đến thăm người già tại mái ấm TX.Ngọc Quang  

Trong căn phòng nhỏ, ngăn nắp và sạch sẽ này có 7 cụ ông, nhưng hết 3 người bị bệnh tâm thần. Một cụ ông phải lấy dây cột chân vào giường trong những lúc bệnh lên cơn nặng, cụ cứ đi ra ngoài và té xuống đất, mặt mũi trầy xước hết. Cụ được con đưa vô tịnh xá nhờ trông nom để có thời gian đi làm nhưng rồi đã bỏ ông ở lại và đi biệt không một lần quay lại dù đã 5 năm qua. Cụ Tuấn nói: “Ở đây những người còn khỏe như tôi thì chú ý lo cho những người yếu. Ai vào chỗ này cũng có hoàn cảnh đáng thương, mình đỡ đần cho nhau vậy mà”.

Đa số người già còn khỏe ở đây phải tự lo cho mình như dọn dẹp phòng, giặt quần áo… cuộc sống tự lập sẽ giúp các cụ khuây khỏa nhưng gần một phần ba người vào đây đã bị bệnh tâm thần như cụ bà Lưu Muối, cụ ông Ngô Tứ…  nên việc chăm sóc rất cực. Ni sư Vạn Liên phải nhờ thêm 5 Phật tử đến ở để thường xuyên chăm sóc những người bị bệnh. Việc giặt quần áo, tắm gội, chăm cơm, quét dọn… đã có các chị lo nên dù người bệnh nhiều nhưng phòng ở vẫn luôn sạch sẽ, tươm tất.

Ni sư Vạn Liên bảo thỉnh thoảng vẫn còn Phật tử dẫn người lang thang vào nhờ chỗ ở nhưng hiện nay tịnh xá đã quá đông, nếu nhận thêm thì không đảm bảo cơ sở vật chất nên đành hướng dẫn sang nơi khác. Nhưng suốt gần hai mươi năm qua, Ni sư thấy vui lắm khi được chia sẻ với mọi người tìm về chốn an bình mà vui nhất là được chăm sóc 6 trẻ mồ côi và đã có 4 em xuất gia hướng về Phật pháp. Ngoài ra, tịnh xá  còn giúp 5 em sinh viên có chỗ ăn, ở và yên tâm học tập vì gia đình các em nghèo khó không khả năng mướn nhà trọ.

Mái ấm nhỏ Ngọc Quang trở nên là nguồn động viên cuối cùng của những người kém may mắn, cũng là nơi nuôi dưỡng những ước mơ và hy vọng vào cuộc đời phía trước của những người trẻ. Và, hạnh phúc lặng thầm ở nơi xa xôi thị tứ này cứ lan tỏa và nảy nở trong tình yêu thương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày