Những ngày không ở phố

GN - Luân có những ngày không ở phố, đó là những ngày vui. Cậu bé có cảm giác như mình được chắp một đôi cánh bay bay, không còn bị những âm thanh rất quen ở căn nhà nằm trên tầng 15 của một chung cư giống như một con chim không được bay xa.

Chung cư cao tầng ấy có một hồ bơi và một khu vui chơi trên tầng cuối cùng là tầng 20. Vào ngày nghỉ, ba và mẹ mới cho Luân lên tầng 20 chơi. Đó là những phút giây vui nhất. Bởi khi đó, Luân gặp những đứa trẻ cũng là con một như mình, mặc sức nô đùa.

tuoi-tho.jpg

Mỗi ngày, ba mẹ gọi Luân thức dậy lúc 6g30 sáng, rồi đánh răng rửa mặt, chuẩn bị quần áo, sách vở để ba đưa đi học. Cả một chung cư vào giờ đó rộn rã hẳn lên bởi ai cũng tất bật xuống thang máy để chuẩn bị cho một ngày. Ba và mẹ làm ở hai công ty khác nhau, mẹ đi ô-tô riêng, ba cũng đi ô-tô riêng và ba có nhiệm vụ chở Luân đi học.

Ngôi trường cách chỗ ba làm việc không xa, là một ngôi trường đẹp, nói chung là đẹp từ cổng vào, vì là trường quốc tế. Cô giáo phụ trách lớp đón học trò từ cửa lớp, ba chuyển Luân cho cô xong mới yên tâm lên xe ra về. Buổi trưa thì ở lại trường, ăn ở trường, ngủ ở trường. Trường có camera theo dõi, cho nên nhất cử nhất động của con trai ba đều biết rõ, lại cho đeo một cái đồng hồ định vị và lưu số điện thoại của ba mẹ.

Trong tuần lễ, có lẽ ngày thứ Bảy là vui nhất, vì Luân được ba mẹ chở đi đây đó. Có khi tới mấy khu vui chơi, có lúc ba chở ra tận ngoại ô, chỉ cho Luân biết mấy con vật “vì sợ con ở phố nên không biết”, như con bò, con ngựa, con dê... Nhưng đôi khi ba bận công tác, hoặc mẹ đi họp thì coi như ngày nghỉ của Luân chỉ loanh quanh trong nhà, hoặc đi theo mẹ. Và khi mẹ nói chuyện với bạn bè hay bận làm việc, cậu bé chỉ biết ngồi ở một góc phòng, loay hoay với chiếc iPad mẹ đưa cho, chơi mấy trò chơi gọi là giải trí.


Bây giờ mọi người có ít con, nuôi con khác xưa, ba mẹ vẫn nói thế. Không như thuở ba mẹ còn trẻ nhỏ, chẳng có điện thoại, không iPad và không nhà hàng. Chắc chắn khi đó chẳng có cái đồng hồ định vị, chẳng đưa đón bằng ô-tô. Mẹ bảo hồi đó đi học cứ đi bộ, sau này vào cấp hai mới được mua cho chiếc xe đạp, và hồi đó không có đi du lịch.

“Hồi đó” với Luân đúng là chuyện cổ tích. Tỉ dụ như sao ba mẹ không ở trong một căn nhà có trồng mấy cây ổi hoặc cây xoài, rồi khi trái chín Luân sẽ leo lên cây hái mà ăn.  Sao ba mẹ không cho Luân đi tắm mưa? Trời ơi, tắm mưa thật là một điều vô cùng thú vị. Và nữa, Luân rất thích ăn bánh pâté chaud, loại bánh nướng nhân thịt thơm giòn và ngon, Luân thích uống Coca Cola, ngon ơi ngon. Nhưng mẹ lại bắt uống cái loại sữa gì đó để tăng chiều cao, ngày nào cũng uống đến bắt chán. Rồi buổi tối đi ngủ đúng giờ, chân tay phải rửa sạch sẽ, không được xem tivi.

Nhưng bây giờ Luân được về nhà ngoại. Ngoại đón Luân về nhà ngoại chơi vài ngày, vì ba mẹ đi Hàn Quốc, đó là chuyến đi mà ba mẹ nói vui là đi hưởng tuần trăng mật lại. Nhà ngoại cũng chẳng xa xôi gì, chỉ ở Biên Hòa, nói chung là cũng chỉ cách vài chục cây số. Mẹ soạn đủ quần áo, cả mọi thứ dặn dò trước khi Luân theo ngoại. Ngoại cười: “Tao nuôi mày thành người còn được, mày làm như tao không biết lo cho cháu”. Ngoài đường, hình như mấy cây cao đang lay lá reo, còn ông mặt trời thì nheo mắt chúc mừng Luân được về nhà ngoại.

Tất nhiên là giữa thời buổi công nghệ này, việc mẹ gọi về bằng messenger để tận thấy mặt con trai mình là bình thường. Mẹ gọi thì Luân mở iPad ra, chễm chệ ngồi ở ghế sa-lon, cười toe: “Con nè, ba mẹ đi chơi có vui không?”. Còn mẹ thì vẫn là bà mẹ: “Con có quấy rầy ngoại không? Con ăn uống có điều độ không? Sữa mẹ đưa mang theo có uống không?”. Luân trả lời: “Mẹ yên tâm, ngoại thương con lắm, con ở đây cả năm cũng được”. Nhưng tất nhiên là mẹ đâu có gọi mãi được, khoảng thời gian còn lại là Luân được tự do.

Chao ơi, ở nhà ngoại không có máy lạnh mà gió thổi mát rượi, lại còn thơm mùi cây cỏ. Buổi tối ngoại kêu Luân ra ngoài vườn, con đường làng chẳng có xe cộ ồn ào, ngoại kể cho Luân nghe chuyện cổ tích. Thì ra chuyện cổ tích hấp dẫn hơn mấy trò chơi game bắn súng hay đua xe, đến độ Luân thắc mắc: “Sao bà ngoại biết nhiều chuyện vậy?”. Ngoại cười: “Ngoại biết nhiều chuyện mới kể cho con nghe”.

Mà chuyện cổ tích của ngoại thật ra có gì mới đâu, ngoại kể chuyện thằng người gỗ: “Câu chuyện ấy bắt đầu tại xưởng của một thợ mộc tên Geppetto hoàn thành một con rối bằng gỗ, tên của cậu bé gỗ là Pinocchio. Geppetto cầu nguyện sao cho chú bé gỗ Pinocchio sẽ trở thành một cậu bé thật sự. Trong đêm, cô tiên xanh viếng thăm căn xưởng và mang đến sự sống cho Pinocchio, mặc dù hình dáng bên ngoài của cậu vẫn là một con rối. Cô tiên cho Pinocchio biết rằng cậu phải chứng minh được sự dũng cảm, thật thà, và tính cách không ích kỷ của mình”. Ngoại nói: “Cậu bé người gỗ nào mỗi lần nói dối là cái mũi của cậu dài ra”. Khi ngoại nói như thế,  Luân lấy tay sờ cái mũi của mình: “Dạ, con sẽ không nói dối nha ngoại”.

Rồi ba mẹ về. Ba mẹ đem xe tới tận nhà ngoại đón Luân. Ngoại đứng trước nhà vẫy tay, dáng ngoại giống như bà tiên. Những ngày ở nhà ngoại là một điều bí mật, Luân không kể cho ba mẹ nghe đâu, không kể chuyện lùi khoai, nướng bắp, không kể chuyện đi bắt cá và không kể chuyện đi chân không chạy trên cánh đồng… Ba mẹ mà biết được thì sẽ không cho Luân về nhà ngoại nữa. Bất giác Luân xoay người nói với mẹ: “Mẹ ơi, hễ nói dối là cái mũi nó bị dài ra phải không?”. Ba mẹ phá lên cười.

Truyện ngắn của Khuê Việt Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày